Những thiệt thòi, bất hạnh sau chiến tranh

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ truyện ngắn bảo ninh (Trang 46 - 50)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1.2. Những thiệt thòi, bất hạnh sau chiến tranh

Khi viết về chiến tranh, Bảo Ninh quan tâm đến từng số phận con người trong số phận chung của dân tộc. Mỗi cá nhân con người trong truyện ngắn Bảo Ninh có những nỗi mất mát, đau khổ riêng, không ai giống ai, mỗi người một cảnh ngộ. Chiến tranh gây ra bi kịch đã đành, trong hòa bình bi kịch vẫn không chừa những con người từng tham chiến.

Phải chăng, nhân vật người lính của Bảo Ninh trong chiến tranh đã hết lòng phụng sự Tổ quốc, hy sinh cả tuổi trẻ, tình yêu và bản thân mình cho đất nước thì sau chiến tranh họ sẽ được hưởng hạnh phúc? Khi tham gia chiến trận, họ đã từng mong ước “được sống một ngày không bom, không pháo, đất nước thống nhất, hoà bình rồi chết, cũng đáng” [60,14]. Thực tế, phần lớn người lính trong truyện ngắn Bảo Ninh lại là những người chịu nhiều mất mát, thiệt thòi trong thời bình. Họ mang trong mình những thương tích của chiến tranh, đặc biệt là thương tích về tâm hồn. Họ sống trong mặc cảm, cô đơn.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng Mộc trong Trại “Bảy chú lùn” vẫn âm thầm với nỗi đau của hơn hai mươi năm trước. Mộc đã cống hiến cả quãng đời trai trẻ cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính hậu cần. Vậy mà, hoà bình từ lâu nhưng anh không hề ý thức được điều đó. Anh vẫn làm bạn với rừng già và không bao giờ ra khỏi nơi đã gắn bó với anh một thời lửa đạn. Bởi với anh, “đây là chiến địa, là mồ mả anh em, là đất sống…” [58,89]. Anh sống một cuộc sống cô đơn, cô độc giữa bốn bề vắng lặng. Chiến tranh kết thúc, người thân chẳng còn ai, không gia đình, anh không thể thích nghi được với cuộc sống ngoài khu rừng ấy.

Trở về sau chiến tranh, những người lính thời bình đều ít nhiều mang hội chứng trận mạc. Mọi chuyện thời chiến tưởng như đã chấm dứt vào năm 1975, tưởng như sẽ được “rửa tay gác kiếm” nhưng thực tế đâu phải vậy. Nó vẫn là nỗi nhức nhối đeo bám trong cuộc sống của những người lính. Ban ngày, Khương (Rửa tay gác kiếm) hoàn toàn bình thường nhưng cứ đến nửa đêm anh lại “nghiến răng, nói mớ và rên rỉ”. Những biểu hiện này không có trong chiến tranh, “chỉ từ hoà bình, nhập trại an dưỡng mới sinh ra thế” [60,200]. Những đau đớn của Khương là “đau đớn của giấc mơ”. Trong mơ, Khương thấy lại “cảm giác đau của những lần bị thương trước đây”. Anh như thể “lần hồi duyệt lại các vết thương”, từng vết thương một, từng nỗi đau một. Di chấn chiến tranh không chỉ mình Khương phải chịu mà “tất cả các anh em trong phòng đều ít nhiều gặp phải những ác mộng di chứng từ trận mạc” [60,201]. Tú luôn sống lại với những trái bom CBU. Tú thường thấy hầm sập còn anh thì ú ớ ngạt thở, thấy mình bị chôn sống. Còn “tôi” luôn mơ thấy mưa thuốc độc, mơ thấy rừng già trên sườn núi Ngọc Bờ Biêng bị Mỹ biến đại ngàn thành củi khô. Những cơn mưa thuốc độc Mỹ rải xuống khiến “mái rừng tróc từng mảng rộng, lở ra, rụng xuống như bị lột da…” [60,202]. Chất độc màu da cam ấy đã tàn hại thiên nhiên và con người khiến cho những người chứng kiến bị ám ảnh khôn nguôi: “Trước đó, cũng như sau đó, dọc đường chiến tranh, tôi đã trải qua những tình thế còn bội phần ghê sợ hơn. Tuy nhiên, ám sâu nhất vào tâm trí tôi đến

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

trọn đời vẫn là cảnh tượng thiên nhiên bị bọn Mỹ giết hại một cách rùng rợn như thế” [60,202]. Hay chỉ đơn giản như nghe thấy tiếng pháo nổ cũng đã khiến “tôi vật người nhào xuống sàn tránh bom đạn và trườn thật nhanh vào một góc tường” [60,199]. Còn Vượng (Nỗi buồn chiến tranh) lại mắc chứng “ngợp mặt đường”, không chịu nổi xóc: “Những đoạn nhún nhảy, êm êm, mềm mềm, nhũn nhũn là oẹ liền, nôn chóng mặt đến buông cả tay lái. Đêm về không ngủ được. Ngủ lại gào lên như bị cắt tiết” [59,180]. Những cảnh tăng cán người “cán cả vào khi ngủ”. Không chịu nổi di chứng chiến tranh nên Vượng đắm chìm trong rượu cho tới ngày đổ bệnh, quỵ hẳn.

Chất độc màu da cam mà bọn Mỹ rải xuống đất nước ta không chỉ tàn hại thiên nhiên và con người Việt Nam trong chiến tranh mà nó còn gây ra những hậu quả dai dẳng, khôn lường cho con người sau chiến tranh. Bài thơ Anh tôi

của Đoàn Hữu Nam giúp người đọc hiểu được phần nào nỗi đau sau chiến tranh người lính phải mang trong mình suốt quãng đời còn lại: “Anh từ mặt trận trở về / Buồn chẳng ra buồn, vui chẳng ra vui / Da như lá mà ruột thì như lửa / Không trầy da mà rạn vết thương lòng. / Bữa cơm quây quần / Soi mình vào chén rượu / Miệng chén bỗng giống hố bom / Những váng rượu hệt váng dầu trôi nổi / Anh rùng mình / Phấp phỏng dòng máu giật trong người”. Di chứng chiến tranh đâu chỉ một mình anh gánh chịu mà còn là thế hệ thứ hai, thứ ba…: “Đêm chị sinh đứa con đầu lòng / Gió rin rít tưởng bom ngoài chiến địa / Cả nhà kinh hoàng, quặn thắt... / Đứa bé sinh ra không thể thành người!!! / Anh gào lên! / Cả nhà gào lên! / Phật đang ngự trên tòa sen / Tòa sen rung trong tiếng nấc... / (Nó đã thành linh hồn đâu / Mà đầu thai kiếp khác...) / Anh ngửa mặt lên giời / Rồi lạc vào cõi mộng!!!” [49].

Những tổn thất về thể xác và tinh thần của người lính đâu dễ gì lành được. Đời họ, đời con họ, thậm chí nhiều thế hệ sau nữa vẫn phải gánh chịu sự tàn phá của chất độc màu da cam. Di chứng chiến tranh sẽ còn tồn tại dai dẳng. Hình ảnh của Khương và Tú khiến người viết nhớ đến Hưng trong Bàn chân ma, Giáp trong Hai người lính của nhà văn Nguyễn Thế Tường. Giáp cứ nhìn

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

thấy màu đỏ và mùi tanh của máu là ngất. Còn Hưng, gần ba mươi năm từ khi hoà bình lập lại, “không lúc nào anh không mơ về thời chiến tranh và bàn chân đã mất của mình”. Hiện tượng này được gọi là “hội chứng chi ma”. Tức là, “cái phần thực thể xương thịt đã mất đi nhưng đoạn thần kinh ấy không bị đứt mà nhất là ý thức về nó thì vẫn còn nguyên”. Hưng tin rằng cái bàn chân của mình vẫn nằm đâu đó không yên, “linh hồn của nó cứ quậy tôi hoài”. Tưởng rằng, vết thương chiến tranh đã kín miệng, nhưng “hãy coi chừng, chỉ một mũi kim là bật máu”.

Có những nỗi buồn cứ dai dẳng, triền miên, trở thành nỗi ám ảnh của cuộc đời người lính. Ban đầu khi nhập ngũ, Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) hăm hở và tràn đầy niềm tin. Trong cuộc chiến ác liệt, chứng kiến cái chết của đồng đội, cảnh máu chảy đầu rơi, rồi chính tay mình vấy máu đã làm cho tâm hồn Kiên đau đớn. Để rồi, khi bước ra khỏi cuộc chiến, những năm tháng ác liệt nơi chiến trường cứ ám ảnh, bám riết lấy tâm hồn anh, đè nặng lên khối óc anh, “những tổn thất, mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng được thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi” [59, 238].

Thể hiện hình tượng người lính trở về, Bảo Ninh khẳng định dẫu chiến tranh đã kết thúc nhưng ký ức về nó vẫn là nỗi đau ám ảnh suốt đời của mỗi người lính, nỗi đau mất mát đồng đội, nỗi đau phải bỏ một phần thân thể trên chiến trường, có người còn sống, lành lặn trở về nhưng tâm hồn bị chấn thương nặng nề. Những kỷ niệm, hồi ức về chiến tranh vẫn không thôi ám ảnh, gây nhức nhối đối với con người.

Dư âm chiến tranh luôn đeo đuổi, ám ảnh, hiện hữu trong tiềm thức của những người lính. Chiến tranh đồng nghĩa với mất mát, đau thương. Chiến tranh hằn sâu vào ký ức mỗi người, nỗi buồn không gì bù đắp nổi. Nỗi buồn ấy là sự ra đi vĩnh viễn sau trận đánh của đồng đội, của những người thân. Mấy chục năm sau nhà thơ Lê Công vẫn cảm nhận được: “Anh hiểu ra em buồn…

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

về chiến tranh / Người già mờ mắt chờ mong / Vành khăn trắng trùm đời góa bụa / Hồn liệt sỹ còn vương nơi chiến địa /chưa hồi hương….” (Sao em buồn).

Trước những dòng nước mắt buồn đau đó, “anh” muốn an ủi “em”, muốn làm một điều gì để vợi đi nỗi đau trong “em” nhưng “anh” hiểu rằng “Vết tích chiến tranh / Còn hằn giữa đời thường...” thì làm sao “anh” có thể làm “em” nguôi ngoai? Vẫn biết nỗi buồn nào cũng sẽ được thời gian phủ lấp nhưng nỗi buồn của mất mát trong chiến tranh thì không, không bao giờ có thể nguôi ngoai: “Nỗi buồn đã trở thành dấu ấn, dấu nhớ của nhân loại! Để loài người phải nói “Không” với chiến tranh”

Người lính trong truyện ngắn Bảo Ninh không chỉ là những người chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh mà khi trở về sau chiến tranh họ cũng vẫn là những người thiệt thòi nhất. Quan tâm đến thân phận con người ở khía cạnh bi kịch, Bảo Ninh góp vào bức tranh chung của đề tài chiến tranh những gam màu mới, bên cạnh màu sáng của chiến thắng, vinh quang là màu tối của đau thương và nước mắt.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ truyện ngắn bảo ninh (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)