7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2.2. Nhân vật sống trong day dứt, sám hối
Trong truyện ngắn Bảo Ninh, kiểu nhân vật tự thú và sám hối biểu hiện khá rõ nét ở dạng thức con người tự nhận thức. Với “độ lùi” thời gian, nhân vật nhìn nhận, chiêm nghiệm về những vấn đề đã qua với một thái độ thành thực nhất. Giống như Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), các nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh “dám nhìn thẳng, nhìn sâu vào quá khứ, mới dám đối diện với hiện tại, rất công bằng mà phán xét lịch sử. Cao hơn nữa là đối diện với chính mình, rồi sám hối, tranh đấu và vượt lên”. Nhân vật ông Phúc trong truyện ngắn Thời tiết của ký ức là kiểu con người tự thú và sám hối. Bốn mươi năm sau chiến tranh nhưng những đau buồn về quá khứ vẫn đeo bám tâm hồn ông. Đó là sự sám hối muộn màng về giác ngộ cách mạng, là lời tự thú muộn màng về tình yêu: “Sau này ngẫm lại những ngày tháng cuối cùng của đời thanh xuân có thể là tươi đẹp nhưng đầy tai ương ấy, tự hỏi hạnh phúc nhiều hơn hay đau khổ nhiều hơn, Phúc cũng chẳng biết nữa. Cũng thế, Phúc chẳng còn nhớ nổi tình yêu đã tới tự bao giờ và như thế nào” [60,318]. Kiếm tìm, hồi tưởng về một thời quá vãng là phản ứng của tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước thời cuộc đổi thay. Hầu hết các nhân vật của Bảo Ninh đều là những người đàn ông đã bước qua thời trai trẻ nên họ có những suy tư của con người từng trải trong chiến tranh. Ông Phúc tự lý giải về những đau khổ, bất hạnh, mất mát của mình: “Bởi vì là một nỗi đau nên quá khứ còn sống mãi. Và bởi nỗi đau quá khứ còn sống mãi nên về sau ta mới có được một quãng đời êm lặng, một nếp sống bình yên, một tư duy thư thả, một tấm lòng khoan thứ và một cảm giác có hậu với cuộc đời cùng số phận” [60,329].
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Cũng giống như Phúc, nhân vật ông già trong truyện ngắn Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng hối hận vì theo Tây. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa “tôi” và ông già trong một bữa tiệc chiêu đãi ở sứ quán Pháp đã giúp “tôi” hiểu được phần nào tâm tư của nhân vật. Ông già đã chứng kiến Pháp trở thành kẻ thù của Việt Nam như thế nào. Ông hối hận vì đã che chở cho người Pháp, làm bạn với người Pháp. Những tưởng “văn minh Pháp sẽ có ngày trị được thói hung tàn” của bọn Nhật, nào ngờ, “sau chiến tranh không phải là một nền hoà bình mà là một cuộc xâm lăng tàn bạo” [60,248]. Người Pháp trở lại không phải với tư thế của người cùng chung họa xâm lăng bởi phát xít Nhật mà trong bộ dạng của quân cướp nước “hung hăng tàn bạo gấp bội lần quân Nhật”. Nhiều năm sau chiến tranh, ông già vẫn sống trong ân hận xót xa, “nỗi đau thương khiến tôi không thốt nổi nên lời” [60,261].
Đây chính là nét mới rất nhân văn trong truyện ngắn Bảo Ninh khi quan tâm đến cả số phận của những con người từng phân vân ở ngã ba thời cuộc và vận mệnh. Đó là một trong những khát vọng khám phá đến tận cùng số phận cá nhân được thể hiện sâu sắc trong cái nhìn đa diện về con người. Những nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh có được khả năng tự phanh phui, “mổ xẻ” chính mình. Dù họ đang chìm trong đau khổ, dằn vặt, thậm chí hiện diện trong bộ dạng một con bệnh tâm thần, thì ta vẫn thấy cái sức vóc và nỗ lực khác thường trong hành vi tự phản tỉnh của họ. Điều này khiến người đọc liên tưởng đến nhân vật hoạ sĩ trong truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu. Nhân vật cũng tự “mổ xẻ” và phán xét chính mình: dưới góc độ con người, nếu là một con người có đạo đức liệu anh có thể tự cho phép mình vô ơn đối với người đã từng cưu mang mình? Và nếu biết được hậu quả của thói vô ơn ấy, liệu anh có đủ sự dũng cảm thú tội và thậm chí là xin được chuộc lại lỗi lầm do sự vô ơn của mình gây ra? Còn ở góc độ người nghệ sĩ vì mục đích phục vụ số đông liệu anh có quyền thất hứa với một con người vô danh? Và trước nỗi bất hạnh của bà mẹ vô tội kia anh có được quyền dửng dưng như một kẻ vô can? Vấn đề là anh ta tự thấy mình có tội, tự thấy mình phải chịu trách nhiệm về tai họa của
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
người khác. Một người thành công trong đời bỗng thấy mình có tội lỗi gì đấy với ai đó, ít nhất cũng có nghĩa là anh ta thấy mình chưa hoàn thiện. Và cũng có nghĩa là anh ta có khát vọng tự hoàn thiện.
Trong truyện ngắn Bảo Ninh, có những tác phẩm đề cập đến những lời tự thú bắt nguồn từ những tình huống nhỏ nhặt, không đâu nhưng lại ám ảnh, day dứt nhân vật khôn nguôi. Những tình huống ấy có khi chỉ là những ghen ghét đố kỵ trước một người bạn học giỏi hơn mình (Thách đấu), hay chỉ vì phút nông nổi thêm “dấu sắc” từ Tân thành thành Tấn trong Mối ngờ, hoặc vì một lời trêu ghẹo không đâu mà “tôi” thấy “như là một vết thương cứa sâu vào lòng” (Cái búng)…
Hưởng (Thách đấu) “thiên tài nhà quê” lại là đứa “tôi” ghét đặc. Sau này ngẫm lại, “tôi phải tự thừa nhận rằng thái độ của mình hồi ấy coi thường Hưởng chẳng qua là vì tức tối, mình dốt hắn giỏi” [61,87]. Cũng chỉ vì ghen ghét mà “tôi” thách Hưởng cùng nhau nộp đơn tình nguyện đi lính khi chưa thi tốt nghiệp. Hôm sau, lên huyện, không thấy Hưởng, “tôi” đánh giá Hưởng là “thằng hèn”. Bị nhà trường và ban tuyển quân phát hiện lời thách đấu nên bị từ chối. Điều này khiến cho “tôi” vô cùng hả hê và đắc thắng “do hoàn toàn trên điểm Hưởng về phẩm giá” [61,97].
Thời gian trôi qua, mỗi người đều có sự lựa chọn cho riêng mình. “Tôi” trở thành người rất thành công trên con đường công danh, được du học ở Liên Xô, dạy đại học, làm Phó Tiến sĩ rồi Tiến sĩ. Mặc dù “cuộc đời tôi đã thật hoàn hảo” nhưng khác hoàn toàn với “chí lớn anh hùng thời trai trẻ” [61,100]. Còn Hưởng, mặc dù thi đỗ với số điểm rất cao nhưng vì sự kiện “thách đấu” ấy nên đã không đủ điều kiện du học. Hưởng nhập ngũ (dù là con một của gia đình liệt sĩ) và hy sinh ở mặt trận phương Nam. Hy sinh mà hài cốt vẫn chưa tìm thấy.
Câu chuyện như một kỷ niệm buồn của nhân vật về một thời nông nổi. Bảo Ninh viết ra như thể trải lòng mình, như là một lời xin lỗi với linh hồn người đã khuất. “Tôi” day dứt khôn nguôi mặc dù “tuổi trẻ đã nguội đi từ lâu, lòng dạ uể oải, trái tim buồn ngủ”, nhưng “hình như vẫn có cái gì đó trong tôi chưa lụi hẳn”
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
[61,100]. Phải chăng, đó chính là nguyên nhân mà cứ vài năm một lần, “tôi” lại về làng Mơ, có khi chẳng vào thăm ai mà chỉ “leo trăm bậc tam cấp đồi Giàng, lên đỉnh ngắm cảnh đồng bằng mờ trong sương thu”. Bao giờ cũng ghé vào thăm nghĩa trang liệt sĩ – Nơi ghi dấu những người bạn cùng lớp yên nghỉ!
Câu chuyện của “tôi” (Tấn) trong Mối ngờ cũng vậy. Chỉ vì ích kỷ cá nhân, vì muốn đạt được mục đích của mình (đạt điểm cao để du học) nên “tôi” biến bài của Tân thành của Tấn trong giờ kiểm tra Toán. Chỉ vì cái “dấu sắc” mà thay đổi hẳn số phận một con người. Hành động ấy giờ đây nhớ lại, “tôi” khẳng định: “Xin thề là hoàn toàn vô thức. Chỉ là tiện tay, tôi bình tĩnh lấy bút máy thêm dấu sắc vào chữ Tân”. Sau đó tự mình thủ tiêu bài của mình mà không hề đắn đo. Chính vì hành động đó mà Tân, người học giỏi Toán nhất lớp bị cho là “kẻ hèn nhát”, “ngu ngốc và mù quáng tới tột cùng”. Tấn được điểm tối đa, sang Liên Xô học đại học rồi học lên tiếp. Còn Tân bị hạnh kiểm thấp, không đủ điều kiện du học nên đã nhập ngũ và trở thành một trắc thủ siêu hạng, được vinh danh toàn quân vì đã đóng góp đáng kể vào kỳ tích của bộ đội Hà Nội phá nhiễu máy bay B52 của Mỹ. Cũng vì vậy mà sau này Tân không một lần xuất hiện trước mặt bạn bè vì ngượng. Tuy nhiên, “cả lớp 10A phải nên ngượng trước mặt Tân mới đúng, Tân không nhơ nhuốc gì hết mà chính chúng ta. Lúc đó, chúng ta đã chỉ quáng quàng nghĩ đến bản thân mình, bài làm của mình, điểm số của mình, số phận của mình mà không nghĩ đến bạn, do vật không nhận ra sự vô lý hiển nhiên của cái vụ không nộp bài ấy. Một là Tân nó rất giỏi toán, thừa sức làm tốt bài kiểm tra ấy, hai nữa, con người nó đâu có thể hèn kém như vậy” [61,77]. Chuyện này xảy ra lâu rồi nhưng vẫn ám ảnh Bảo Ninh đến tận sau này.
Đọc những truyện ngắn trên, chúng tôi liên tưởng tới nhận xét khẽ khàng vang lên trong truyện ngắn Đứa ăn cắp của Nguyễn Minh Châu: “Đôi lúc con người ta trở nên tàn ác một cách rất hồn nhiên”.
Có thể nói, nhân vật tự thú và sám hối trong truyện ngắn Bảo Ninh đã đem đến cho người đọc một cảm xúc mới. Niềm trăn trở với những góc khuất của con người cá nhân với nỗi đau thầm kín và nỗi niềm riêng tư không dễ gì bộc
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
bạch. Đáng quý khi người lính trong các trang văn của Bảo Ninh là những con người sống trung thực với chính mình, tự nhận thức những việc đã qua trong day dứt, sám hối. Tất cả đều nhằm thể hiện hoài bão khám phá đến tận cùng con người đời tư, khám phá đến tận cùng số phận của người lính sau chiến tranh trong cái nhìn đa diện về con người của nhà văn.