Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Bảo Ninh

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ truyện ngắn bảo ninh (Trang 32 - 124)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.3. Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Bảo Ninh

Chiến tranh đã đi qua gần bốn mươi năm. Thế nhưng, những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, ký ức về những con người anh hùng trong một thời đại anh hùng thì vẫn tươi mới, vẹn nguyên mỗi khi ta đối diện từng trang sách trong những tác phẩm văn học của thời kỳ này. Với Bảo Ninh cũng vậy, câu chuyện chiến tranh chắc chắn sẽ không thể phai mờ trong ký ức nhà văn.

Hầu hết các tác phẩm của Bảo Ninh đều viết về chiến tranh, viết về cuộc sống và những năm tháng chiến đấu của người lính, viết về kẻ thù bên kia chiến tuyến, và viết về những khó khăn trong cuộc sống ở hậu phương miền Bắc khi đất nước bị chia cắt… Có lẽ, không phải chỉ có Bảo Ninh đề cập đến vấn đề chiến tranh thời hậu chiến. Nhưng, cái làm nên gương mặt Bảo Ninh chính là cách thể hiện những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra cho đất nước và con người Việt Nam. Bảo Ninh đã không ngần ngại đề cập đến những mặt trái và khuất lấp về chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Những điều đó là sự suy nghĩ lắng đọng nhất của “một người đã từng cùng vạn người nếm vị mặn của lệ chiến tranh”. Đặc biệt, những vấn đề của thời hậu chiến (cuộc sống, con người, đạo đức, mối quan hệ giữa thế hệ hôm qua và thế hệ hôm nay..) được đặt ra một cách thường trực, bức xúc.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Đọc hàng loạt tác phẩm của Bảo Ninh và cũng từng nói chuyện trực tiếp với nhà văn, chúng tôi chợt nhớ đến một nhà văn Nga đã chia sẻ: “Cả thế hệ tôi đều kinh qua suốt cuộc chiến tranh, những người còn lại lác đác có thể đếm được (…) Cũng có thể vì vậy từ mặt trận trở về tôi cầm bút viết, cảm thấy mình mắc nợ với thế hệ mình, với những người mãi nằm lại trên chiến trường trong những chiến hào giờ đã bị phủ lấp. Có những người ký ức là sự trừng phạt nhưng có những người ký ức là trách nhiệm” [73]. Bảo Ninh thuộc loại thứ hai.

Ký ức về cuộc sống và những năm tháng chiến đấu của người lính xuất hiện đậm đặc trong sáng tác của Bảo Ninh. Cuộc sống đời lính với bao khó khăn gian khổ, thiếu thốn nhưng người lính sẵn sàng hy sinh cả tuổi trẻ, tình yêu của mình để phục vụ cho sự nghiệp chung của cả dân tộc (Mộc trong Trại “Bảy chú lùn”, Phúc trong Bên lề cuộc tấn công, Tuấn “bột” trong Bằng chứng…). Đó là ký ức về những ngày chiến tranh mà các nhân vật chính trong vai người kể chuyện bày tỏ: “như tôi còn thời nào nữa ngoài thời đã qua” ( Nội lúc không giờ), “giờ đây nhớ lại những ngày tháng cuối cùng của đời bộ đội lòng tôi vô hạn một nỗi buồn nhớ sâu lặng” (Rửa tay gác kiếm). Đó là ký ức về một cuộc chiến tranh đã ăn sâu vào trong tiềm thức nhân vật: “Một cuộc chiến tranh chẳng những mãi mãi đè nặng, mãi mãi ám ảnh mà về thực chất nó còn nguyên nhân của mọi khúc đoạn và nông nỗi của đời anh, kể cả hạnh phúc, kể cả khổ đau, niềm vui và nỗi buồn, tình yêu và oán hờn” [59,81].

Bảo Ninh trải lòng mình trong trang viết khi hồi tưởng những tháng năm tuyển quân đi nghĩa vụ của lớp người con ưu tú: “Mà thật ra, nào phải là tôi, thật ra là nhân dân, nhân dân muôn thuở dịu hiền, muôn thuở cầu ước sống bình yên, đã âm thầm cảm thấu con sóng thời đại mới đang ập thẳng tới bến bờ Tổ quốc tôi. Một thời đại lớn lao và nghiệt ngã chưa từng có. Thời của chiến tranh và của cách mạng lay trời, thời của những đau thương vô hạn, những mất mát vô bờ, thời của chủ nghĩa anh hùng tuyệt đỉnh, của sức chịu đựng vô cùng, thời của tình yêu và của lòng quả cảm” (Hà Nội lúc không giờ) [60, 133]. Trong truyện ngắn Bảo Ninh, người đọc bắt gặp những sự hội ngộ đẹp đến kỳ lạ. Ba lẻ một

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

câu chuyện về người chiến sĩ xe tăng hơn 20 năm đi tìm đồng đội, trở lại Nhà Trang tình cờ vào lại điểm dừng chân ngày xưa trên đường hành quân.

Ký ức về thời đi học, thời sơ tán, những tình cảm đầu đời được nhìn qua lăng kính của chiến tranh như một hệ luỵ nảy sinh từ việc nếm trải chiến tranh - Ký ức nhuốm màu chấn thương. Trong văn của Bảo Ninh, người ta tìm thấy những phút giây hạnh phúc đầy kỷ niệm của người lính, ngắn ngủi thôi nhưng sẽ theo họ đi suốt cuộc đời. Những tình cảm đó đến bất chợt nhưng ấn tượng nó để lại thì còn mãi theo thời gian. Người ta thấy một sự đồng điệu với hình tượng sợi chỉ xanh óng ánh trong văn của Nguyễn Minh Châu. Bảo Ninh viết trong tác phẩm Giang, câu chuyện về cuộc gặp gỡ tình cờ của anh lính trẻ với Nhật Giang, cô con gái Tham mưu trưởng đêm trước khi về đơn vị: “Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ thế thôi, thoảng nhanh. Thoảng nhanh nhưng không tắt lịm. Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi. Trở thành nỗi đau. Những nỗi đau mất mát âm thầm. Chắc là bây giờ Nhật Giang vẫn còn nhớ đến tôi, người lính trẻ vô danh hơn ba chục năm về trước. Tôi thì không bao giờ quên cô ấy, mặc dù thực ra là có gì đâu một tình cờ như thế, một gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mơ hồ gần như không có thật mà năm tháng cuộc đời cứ mãi chồng chất lên muốn xóa nhòa” [61,64]. Lãng mạn hơn và cũng nuối tiếc hơn là cuộc hẹn ước hư ảo của cô gái và người lính quen nhau khi cùng trú bom. Chàng trai sau này không tìm được nhà của cô nữa bởi anh chỉ nhớ được nơi đó ở gần ga và có đoàn tàu điện đỗ. Bóng dáng thân yêu về kỷ niệm đó vẫn theo người lính cho đến những ngày trở về trong hòa bình: “Trở về sau chiến tranh, khi họa hoằn có dịp nào qua Hà Nội thì tôi vẫn chỉ một lối mòn xe điện ấy để đi. Cứ như thế thôi, chẳng phải để tìm thấy một cái gì, cũng chẳng phải là để đi đến đâu” (Khắc dấu mạn thuyền)

Ký ức về thời sơ tán, thời đi học có thể bắt nguồn từ những tình huống nhỏ nhặt nhưng lại ám ảnh, day dứt, đi theo Bảo Ninh đến suốt cuộc đời. Đó có thể chỉ là một lời trêu chọc của đám thanh niên trong lần đầu tiên hẹn hò (Cái búng), là nỗi băn khoăn, ưu tư đi suốt cuộc đời của “tôi” về Thuỷ (Sách cấm),

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

là sự ghen ghét, đố kỵ trước một người học giỏi hơn mình (Thách đấu), hay chỉ vì phút nông nổi biến Tân thành Tấn (Mối ngờ)… Có thể nói, tất cả chỉ là “những phác thảo” nhưng lại gợi ra thật nhiều. Nó khiến người đọc đôi khi giật mình. Bởi trong cuộc sống, chúng ta đã từng chứng kiến hoặc đã trải qua biết bao những tình huống thoảng qua như thế!

Viết về đất nước mình, đồng đội mình là thế, vậy còn những người phía bên kia chiến tuyến thì Bảo Ninh nhìn nhận ra sao? Không bênh vực, cũng không đánh đồng, chỉ giản đơn như một sự trình bày những điều tai nghe mắt thấy, Bảo Ninh ghi lại trong Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng thông qua cảm xúc của một người Việt Nam được nước Pháp ngày nay coi là một người bạn Pháp. Me xừ Bôn – một chứng nhân của thời gian, đã chứng kiến nước Pháp bảo hộ trở thành kẻ thực dân xâm lược ra sao, rồi lại trở thành những người bạn của Việt Nam trong hòa bình thế nào. Nhân vật ông già trong truyện này đã mất thăng bằng trong sự xô đẩy của thời cuộc, chỉ nhớ được tiếng vĩ cầm của cô thiếu nữ người Pháp xinh đẹp, dịu hiền với đôi mắt mù và nhớ được giai điệu bài hát tuổi trẻ của mình: “Tôi có hai mối tình: Quê hương tôi và Paris” [60,241].

Trong truyện ngắn của mình, Bảo Ninh đã tái hiện chân thực và sắc nét cuộc sống của người lính thời hậu chiến. Chiến tranh kết thúc song hậu quả của nó để lại thật nặng nề. Những thiệt hại về vật chất có thể khôi phục được nhưng những tổn thương về tinh thần đâu dễ gì bù đắp. “Tôi” trong Rửa tay gác kiếm cảm thấy man mác buồn khi chứng kiến sự già đi của người thân, anh em “mỗi người một phương”. “Tôi” trở thành nhà văn nhưng ngày càng cảm thấy “lạc lõng” với cuộc sống hiện tại và chìm đắm trong ký ức về những đồng đội, về quãng thời gian ở trại an dưỡng. Phải chứng kiến những giấc mơ của Quang, Khương, Tú mới cảm nhận hết những hậu quả và di chứng chiến tranh. Nhiều người đi ra từ chiến tranh nhưng không thể thích nghi được với cuộc sống hiện tại (Mộc trong Trại “Bảy chú lùn”, Tư trong Hữu khuynh, ông già trong Ngôi sao vô danh…).

Người lính thời hậu chiến không chỉ cảm thấy cô đơn, lạc lõng với những người xung quanh, với xã hội mà còn cả khi bên cạnh những người thân thiết

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

nhất. Nhân vật bác Lân (Chuyện xưa kết đi, được chưa?) bị người con của người đồng đội mà mình đã từng cưu mang phản đối gay gắt trước việc ôn lại quá khứ. Tác phẩm còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thái độ của lớp trẻ đối với quá khứ hào hùng của ông cha…

Truyện ngắn Bảo Ninh là những “suy tư chiêm nghiệm vô tận về thân phận”. Tác phẩm của ông không phải là một câu trả lời về số kiếp mà luôn luôn chỉ là những lời gợi ý với đầy những vang vọng sâu xa, những gợi ý dẫn dắt người ta vào suy tưởng. Những câu chuyện, những biến cố trong truyện ngắn Bảo Ninh hầu hết đều nảy sinh và bắt nguồn từ bối cảnh chiến trận. Điều khiến còn lại trong tâm tưởng người lính không có gì ngoài nỗi đau giống “những ngọn gió điên rồ như có móng vuốt, cào xé mặt đất”. Câu chuyện được kể trong Mùa khô cuối cùng “lẽ ra cũng có thể đặt cho cái tên là Thân phận của tình yêu”. Tình thế éo le trong câu chuyện tình giữa một người lính và một cô ca sĩ bị kẹt lại trong vùng mới giải phóng vào thời điểm hiệp định Paris, phải sống lang thang trầy trật là một kiểu biến cố bi thảm. Cái éo le và bi thảm là ở chỗ người đàn ông (Tuấn) bị ràng buộc sinh tử vào bổn phận với cuộc chiến tranh, trong khi người đàn bà sa vào một cảnh sống lầy lữa - sẽ ngang với cái chết nếu không thể thoát ra. Mà lối thoát duy nhất vào lúc ấy chỉ có được nếu người đàn ông kia từ bỏ bổn phận chiến đấu của mình trong cuộc chiến. Đó là một đối chọi hoàn toàn phi đối xứng giữa một bên là nhân cách cộng đồng với một bên là nhân cách cá nhân, mà cả hai đều cấp bách như nhau. Bất kỳ lựa chọn về phía nào thì cũng là tìm cách phủ nhận cái thân phận mà mình đã lâm vào. Sự lựa chọn có thể đáng giá bằng mạng sống hoặc bằng một món nợ tinh thần mà tâm trí người ta phải đeo mang suốt cuộc đời còn lại.

Các nhân vật của Bảo Ninh hầu hết được xây dựng theo môtíp suy tưởng về một vùng ký ức xa xăm. Đặc biệt, họ đều là những người đàn ông đã bước qua ngưỡng của tuổi trẻ, đã kinh qua chiến trận nên có những suy tư chiêm nghiệm của con người từng trải. Do vậy, trong truyện ngắn Bảo Ninh, ta bắt gặp hàng loạt những triết lý về chiến tranh, về con người trong và sau chiến

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

tranh: “Thành phố chiến tranh - Như bên bờ vực” [60,59], “Trong chiến tranh, đau xé lòng người ta nhất là nỗi đau chia lìa, cho nên hạnh phúc lớn nhất trong ngày hoà bình đầu tiên là niềm vui sướng được đoàn tụ” [60,275], “Sự đời, tình người, thần tình vậy đó. Tất cả nhẹ tênh. Không có gì là vĩnh cửu hết, kể cả nỗi đau khổ, sự khiếp sợ và lòng căm thù” [60,162]…

Ký ức chiến tranh được hồi tưởng lại xuất hiện đậm đặc trong hầu hết các truyện ngắn Bảo Ninh cho nên tác giả thường chọn thời điểm hiện tại hướng về quá khứ. Chiến tranh ấy là chiến tranh trong quá khứ, chiến tranh của nhiều thập niên trước đó (Hà Nội lúc không giờ, Rửa tay gác kiếm, Khắc dấu mạn thuyền…)

Hà Nội lúc không giờ là câu chuyện hướng về dĩ vãng, qua cái nhìn hồi tưởng của người kể chuyện. Nhân vật “tôi” đứng từ thời điểm hiện tại ngược về quá khứ, nhớ về Hà Nội của năm Giáp Thìn xa lắc xa lơ. Chiến tranh không phải chỉ ngày một ngày hai mà là cả chuỗi ngày dài đầy khó khăn gian khổ. Thời điểm mà Bảo Ninh tạo ra cho nhân vật “tôi” nghĩ về chiến tranh là khoảnh khắc của “Hà Nội trong vắt lúc không giờ” để “về gần hơn với bạn bè một lứa bên trời, về gần hơn với tình yêu ban đầu, về gần hơn với tuổi thơ non dại” [60,143]. Nếu Hà Nội lúc không giờ dẫn người đọc trở về với chiến tranh trong một khoảnh khắc thời gian thì Rửa tay gác kiếm lại đưa độc giả đến với chuỗi ngày trong quá khứ. Dù quá khứ ấy lúc mờ, lúc tỏ, hơi hướng bao năm trận mạc chẳng còn tăm tích nhưng giữa những bộn bề của thời hậu chiến, nhân vật “tôi” cũng tìm lại được dòng chảy dư âm chiến tranh. Dấu ấn chiến tranh trong tâm hồn nhân vật là nỗi khiếp sợ của người lính trước tiếng rền vang của máy bay Mỹ, bom đạn và chất độc màu da cam. Đó là những hình ảnh dù cho năm tháng đi qua nhưng người chiến binh vẫn bị ám ảnh. Nhà văn Bảo Ninh đã lần giở cho người đọc từng gian khổ mất mát của chiến tranh.

Khi miêu tả chiến tranh trong sự hồi tưởng nhà văn đã dựng lên khoảng cách nhìn của thời gian quá khứ: trong Khắc dấu mạn thuyền, khoảng cách của thời gian là “hai chục năm tròn”, Rửa tay gác kiếm với khoảng thời gian là “hơn hai chục năm trời sau chiến tranh”. Trại “Bảy chú lùn” cũng “hai chục vụ

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

rẫy”, Thời tiết của ký ức cũng “đã non bốn chục năm trời”... Với khoảng cách này, người đọc nhận thấy những câu chuyện được hồi nhớ lại với những nỗi niềm đầy khắc khoải về cuộc chiến đã qua.

Như vậy, ký ức về cuộc chiến của dân tộc vẫn còn hằn sâu trong tâm trí và trong những sáng tác Bảo Ninh. Với “độ lùi” thời gian và với tư duy nghệ thuật của mình, Bảo Ninh đã cảm nhận chiến tranh, cuộc sống và con người trong và sau chiến tranh trọn vẹn hơn, đa chiều hơn qua cái nhìn hồi cố. Nhà văn tập trung vào một cảm hứng chủ đạo: những vấn đề của thời chiến và hậu chiến gắn với những số phận “bị buộc vào và xoay quanh cái trục thời đại ấy”.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

CHƢƠNG 2

NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN BẢO NINH 2.1. Giới thuyết về nhân vật

2.1.1. Khái niệm nhân vật

Thuật ngữ nhân vật vốn được lấy từ tiếng Pháp và có nguồn gốc từ tiếng La tinh. Lúc đầu người ta gọi bằng “Persona” – cái mặt nạ mà diễn viên đeo vào mặt, về sau gọi là nhân vật khi được miêu tả một cách nghệ thuật trong tác phẩm. Ðọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện. Vì vậy, Tô Hoài đã có lí khi cho rằng “nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ truyện ngắn bảo ninh (Trang 32 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)