GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢO ĐẢM TIỀN VAY TẠI NHTMCP CÔNG THƯƠNG CHI NHÁNH BA ĐÌNH
3.3.1.1. Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay.
Hiện nay, đã có rất nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay. Các văn bản pháp luật này đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và ổn định cho hoạt động tín dụng nói chung và bảo đảm tiền vay nói riêng. Nhiều quy định trong đó phù hợp với yêu cầu của hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh, quyền tự chủ của các TCTD và trách nhiệm của khách hàng vay, bên bảo lãnh trong giao dịch bảo đảm bằng tài sản được quy định tương đối rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện mở rộng hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hoạt động bảo đảm tiền vay bằng tài sản của khách hàng vay còn tồn tại nhiều vướng mắc, chưa thực sự bắt nhịp với những yêu cầu đa dạng, phong phú của thực tiễn cuộc sống, chưa thích ứng với những yêu cầu, đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều và có thể được đánh giá từ nhiều giác độ khác nhau: do tính chất phức tạp của giao dịch bảo đảm bằng tài sản; do năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng; do cơ chế quản lý, chỉ đạo điều hành…vv, nhưng chủ yếu là do những tồn tại, hạn chế trong hệ thống pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng tài sản thế chấp của khách hàng vay. Nội dung quy định trong các văn bản còn chưa đồng bộ, thống nhất làm cho việc triển khai thực hiện nhiều lúc còn lúng túng, thậm chí không thực hiện được. Chính vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm
tiền vay là rất cần thiết. Bên cạnh yêu cầu tuân thủ những nguyên tắc cơ bản đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay cần quán triệt các định hướng chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, phải gắn với việc khẳng định Bộ luật Dân sự là đạo luật gốc
điều chỉnh các quan hệ tư. Điều đó có nghĩa là định chế bảo đảm tiền vay trước hết cần phải được hoàn thiện thông qua việc thiết lập các quy định chung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự. Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan chỉ quy định những quan hệ bảo đảm đặc thù hoặc (và) giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật cụ thể nhưng phải đảm bảo thống nhất, phù hợp với những quy định về bảo đảm trong Bộ luật Dân sự.
Thứ hai, phải được đặt trong phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung, theo đó, các biện pháp bảo đảm cần phải tăng cường hơn nữa tính tự chủ, quyền tự do cam kết thoả thuận của các bên, kết hợp với việc đề cao nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của các bên về quyết định của mình trong quan hệ bảo đảm. Từ đó tạo điều kiện cho các bên tham gia giao dịch bảo đảm có thể chủ động hơn, linh hoạt hơn khi giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tế mà pháp luật không dự liệu hết được, đạt được sự thông thoáng cần thiết.
Thứ ba, việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay nói chung và bằng tài sản nói riêng cần được xem xét dưới nhiều góc độ, trong đó đặc biệt chú trọng các quy định về sở hữu, về hợp đồng, các vấn đề mang tính chính sách, định hướng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch dân sự, các bên tham gia quan hệ bảo đảm, nhất là bảo vệ quyền lợi của các bên có nghĩa vụ.
Thứ tư, việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay bằng tài sản phải
ràng trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán của bên vay trên tài sản được dùng làm bảo đảm, tính hiệu quả trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; trên cơ sở đó, bảo đảm được nhu cầu của bên vay vốn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng, cũng như bảo đảm sự an toàn trong hoạt động của các TCTD.
3.3.1.2.Chính phủ cần có quy định về việc mua bảo hiểm cho tài sản bảo đảm.
Chính phủ cần có quy định rõ loại tài sản nào bắt buộc mua bảo hiểm, loại tài sản bảo đảm nào không nhất thiết phải mua. Thông thường, những tài sản phải mua bảo hiểm là những tài sản có độ rủi ro cao, việc xử lý khó khăn. Trên thực tế, việc áp dụng bảo hiểm tài sản bảo đảm làm tăng chi phí vay vốn ngân hàng của khách hàng, do đó khách hàng rất ngại khi vay vốn Ngân hàng, vì trên địa bàn hoạt động của Ngân hàng còn rất nhiều các TCTD khác nên khách hàng sẽ lựa chọn tổ chức nào có cơ chế cho vay thống nhất. Do áp lực cạnh tranh buộc các ngân hàng phải nới lỏng một số quy định trong bảo đảm tiền vay để giữ khách nên việc bảo hiểm tài sản tiền vay có nguy cơ không thực hiện được. Vì vậy, chính phủ cần có văn bản quy định loại tài sản nào buộc phải mua bảo hiểm, loại tài sản nào không, vừa bảo vệ quyền lợi cho các TCTD, vừa tạo được sự thống nhất trên toàn hệ thống.
Đồng thời, Chính phủ cần quy định rõ mức phí áp dụng cho mỗi loại tài sản bảo đảm trên cơ sở những thông tin như: tốc độ hao mòn của tài sản, giá trị tài sản, thời hạn vay, quy mô khoản vay, tính ổn định đối với thị trường...vv, để tránh trường hợp không đồng bộ trong quy định mức phí giữa các Công ty Bảo hiểm gây khó khăn cho hoạt động của cả ngân hàng lẫn khách hàng.
3.3.1.3.Về quyền sở hữu tài sản.
Theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ ban hành ngày 01/07/2000 về một số giải pháp điều hành phát triền kinh tế xã hội quy định thì “đối với khách
hàng là doanh nghiệp khi cầm cố tài sản là máy móc, thiết bị…vv, mà pháp luật chưa quy định phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ cần giấy tờ chứng minh tài sản hợp pháp và cam kết với TCTD là tài sản đó thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, không có tranh chấp là đủ”. Song việc xác định số lượng các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp là bao nhiêu, xác minh tính hợp pháp của các giấy tờ đó như thế nào lại không hề đơn giản. Do đó, khách hàng vay và bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản bảo đảm, song nếu TCTD không có khả năng xác minh toàn diện tính hợp pháp của tài sản đó thì khi xảy ra rủi ro buộc phải thanh lý tài sản, các ngân hàng sẽ phải chịu thiệt thòi do không đủ giấy tờ hợp lệ, thậm chí bị mất vốn do khách hàng cố tình lừa đảo. Vì vậy, để thuận tiện cho các TCTD xác định rõ tính chất hợp pháp của tài sản bảo đảm tiền vay, chính phủ cần phải có chương trình cấp quyền sở hữu đối với tài sản có giá trị như máy móc, dây chuyền sản xuất, nhà cửa…vv, và cung cấp công khai về quyền sở hữu đó.
3.3.1.4.Chính phủ cần tạo điều kiện để việc việc phát mại tài sản thế chấp qua trung tâm đấu giá được thuận lợi hơn.
Việc bán tài sản thế chấp tại Trung tâm bán đấu giá theo quy định phải được UBND cấp có thẩm quyền cho phép bán đấu giá. Như vậy, Trung tâm bán đấu giá chưa thực sự có đủ chức năng quyền hạn để việc bán đấu giá tài sản được dễ dàng và thuận lợi hơn. Sau khi có sự chấp thuận của UBND cấp có thẩm quyền thì việc tổ chức bán đấu giá tại Trung tâm bán đấu giá gặp không ít khó khăn, việc có tiếp nhận hồ sơ bán đấu giá hay không còn phụ thuộc vào quan điểm và thái độ của Trung tâm bán đấu giá. Khả năng bán được tài sản cũng rất mong manh, bởi tâm lý người mua ít ai chịu mua loại tài sản phải qua đấu giá này vì họ cho rằng đây là tài sản gán nợ, không đem lại may mắn và nếu có mua thì họ chỉ chấp nhận mức giá rất thấp. Do đó, việc
bán tài sản qua Trung tâm đấu giá tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Bên thế chấp thường không đồng ý vì họ cho rằng bán tài sản thế chấp qua Trung tâm đấu giá thấp hơn so với giá trên thị trường, còn ngân hàng thì khó thu hồi đủ nợ. Để tạo điều kiện cho việc bán tài sản qua Trung tâm bán đấu giá dễ dàng hơn, đề nghị Chính phủ:
+ Giảm lệ phí bán đấu giá tài sản thông qua Trung tâm bán đấu giá.
+ Đơn giản hoá các thủ tục hành chính, pháp lý không cần thiết khi bán đấu giá tài sản thông qua Trung tâm, tạo điều kiện cho tài sản được mua bán chuyển nhượng dễ dàng nhanh chóng.
+ Sớm thành lập thêm nhiều Trung tâm đấu giá mang tính chuyên nghiệp trong phạm vi cả nước, có tư cách pháp nhân với đầy đủ chức năng quyền hạn để giải quyết công việc nhằm thực hiện nhanh chóng thuận tiện cho các bên khi có tài sản phải xử lý mà cần có sự tham gia của Trung tâm bán đấu giá.
3.3.2.Kiến nghị với NHNN
Đề nghị NHNN tăng cường tiếp xúc và đệ trình những vướng mắc khó khăn lên Chính phủ, Quốc hội nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ. Ví dụ như tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất, quyền thuê đất đòi hỏi NHNN Việt Nam cần tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đề xuất lại với Chính phủ, Quốc hội để có thể sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất để có thể miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các TCTD, thuế chuyển nhượng tài sản nói chung và quyền sử dụng đất nói riêng trong những trường hợp phải xử lý để thu hồi nợ. Nếu kiến nghị đó không được chấp nhận thì ít nhất nên giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống dưới mức hợp lý.
NHNN cần chủ động phối hợp với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Tổng cục địa chính nhằm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm hoàn thiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về xác minh tính hợp pháp của tài sản, về quyền ưu tiên trong xử lý tài sản bảo đảm.
Nâng cao vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế, tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, nhằm đảm bảo thị trường tài chính hoạt động và cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn việc hạ thấp tiêu chuẩn, nguyên tắc tín dụng để cạnh tranh thu hút khách hàng. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, buộc các tổ chức tín dụng phải thực hiện một cơ chế tín dụng thống nhất, một hệ thống các biện pháp bảo đảm tiền vay để đảm bảo sự lành mạnh trong hoạt động tín dụng. Những sai sót, vi phạm phải được xử lý kịp thời và nghiêm túc đối với cá nhân, tập thể, cả TCTD trong và ngoài quốc doanh.