Nghiên cứu đa dạng chức năng cảnh quan

Một phần của tài liệu Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên huyện Văn Chấn phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp (Trang 28 - 29)

8. Cấu trúc của luận văn

1.3.3. Nghiên cứu đa dạng chức năng cảnh quan

Trong quá trình nghiên cứu cảnh quan, việc phân tích, xác định chức năng của các cảnh quan là cơ sở để đánh giá cảnh quan. Theo Vũ Tự Lập “chức năng là sự biểu hiện những đặc tính là hệ quả của tổ chức kết cấu nội dung sự vật. Cấu trúc quy định chức năng cảnh quan và ngược lại chức năng thể hiện ra bên ngoài cấu trúc của cảnh quan. Cảnh quan có hai chức năng cơ bản là chức năng tự nhiên và chức năng kinh tế xã hội” [11 ].

Chức năng tự nhiên là tiếp nhận các dòng vật chất, năng lượng để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cảnh quan, còn gọi là chức năng tự điều chỉnh của cảnh quan. Chức năng kinh tế xã hội là khả năng sử dụng cảnh quan vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội, là thuộc tính thể hiện bên ngoài của chức năng tự nhiên và chỉ xuất hiện khi có con người; nếu sử dụng cảnh quan phù hợp với chức năng kinh tế thì sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững cho mối quan hệ giữa tự nhiên và con người .

Theo quan điểm của De Groot (1992, 2006), của Bastian và Roder (2002) thì có thể chia chức năng của một đơn vị cảnh quan ra 3 nhóm chức năng chính là: Chức năng tự nhiên, chức năng sản xuất và chức năng xã hội.

- Chức năng tự nhiên hay còn gọi là chức năng sinh thái: Là khả năng cảnh quan có thể tự điều chỉnh các dòng vật chất năng lượng nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường như: Chống xói mòn, rửa trôi, suy thoái đất đai; cân bằng mực nước, độ ẩm, nhiệt nhằm cân bằng môi trường; phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học.

- Chức năng sản xuất hay chức năng kinh tế: Là khả năng có thể cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật, vật liệu, nhiên liệu, môi trường đất, nước, khí hậu sử dụng vào sản xuất các ngành kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, du lịch, quần cư.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

- Chức năng xã hội: gồm các khả năng mà cảnh quan có thể ứng dụng vào các mục đích: Giáo dục, nghiên cứu khoa học, thẩm mỹ, giải trí hay giá trị về nhân văn.

Chức năng cảnh quan được xác định trên cơ sở cấu trúc cảnh quan, mỗi đơn vị cảnh quan có thể có nhiều chức năng và nhiều đơn vị cảnh quan có thể cùng một chức năng. Nếu con người sử dụng cảnh quan phù hợp với chức năng cảnh quan thì hướng sử dụng đó là hợp lý và cảnh quan có khả năng phát triển bền vững, lâu dài; nếu con người sử dụng cảnh quan không phù hợp với khả năng đáp ứng của cảnh quan thì cảnh quan bị suy giảm và thường là không bền vững. Con người sử dụng cảnh quan nếu vượt quá khả năng đảm bảo của cảnh quan ở một số bộ phận hoặc thành phần cấu trúc nào đó của cảnh quan thì hệ thống này sẽ có những biến đổi về cấu trúc, phá vỡ cấu trúc cũ hình thành nên cấu trúc cảnh quan mới và khi đó chức năng của cảnh quan cũng sẽ thay đổi theo. Chính vì vậy nghiên cứu chức năng của cảnh quan, đánh giá tiềm năng vốn có của nó là cơ sở để định hướng sử dụng hợp lý cảnh quan, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường lãnh thổ.

Cảnh quan huyện Văn Chấn đa dạng trong cấu trúc cảnh quan. Các thành phần cấu tạo cảnh quan ở đây có sự phân hoá phức tạp, có tác động lẫn nhau và có mối quan hệ mật thiết hình thành nên một hệ thống phân loại cảnh quan gồm các đơn vị phân loại từ cao đến thấp, mỗi đơn vị có chức năng riêng phù hợp với đặc điểm cấu trúc của nó. Chính đa dạng trong cấu trúc cảnh quan huyện Văn Chấn đã tạo nên tính đa dạng trong chức năng của nó.

Một phần của tài liệu Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên huyện Văn Chấn phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)