trung cho đầu tư phát triển vào ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh
Phát triển công nghiệp toàn diện, song tập trung cho công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp có lợi thế so sánh làm đầu tàu lôi kéo và tạo sự bứt phá trong phát triển công nghiệp tỉnh. Đây là đòi hỏi tất yếu, chỉ có như vậy mới khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
Phát triển công nghiệp toàn diện là phát triển cả công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ; công nghiệp sản xuất, công nghiệp chế biến; công nghiệp hiện đại..., phát triển tất cả các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và trên các vùng trong tỉnh. Chỉ có phát triển toàn diện mới bảo đảm cho nền công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên phát triển hài hoà, cân đối hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau, thông qua đó khai thác hết khả năng của mọi thành phần kinh tế, của các ngành kinh tế trên các vùng. Đồng thời, phát huy lợi thế của tỉnh để phát triển ngành công nghiệp có thế mạnh, như luyện kim, khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng.
Trên cơ sở đó, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh mời gọi đầu tư vào ngành công nghiệp thép, mở rộng quy mô để tiến tới trở thành trung tâm của cả nước về cơ khí luyện kim, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác. Tỉnh đang có nhiều dự án lớn mời gọi các nhà đầu tư, nhưng tập trung vào những dự án trọng điểm để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Ngành cơ khí luyện kim của đất nước còn yếu, vì vậy phải tập trung huy động nguồn lực ở cả trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo cho ngành thép trở thành ngành công nghiệp trọng điểm của Thái Nguyên và cả nước. Tiêu biểu là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên, được thành lập năm
1959, là khu Công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép và cán thép. Hiện công ty đã có tới 17 chi nhánh đơn vị thành viên với gần 6.000 lao động và 8 công ty cổ phần có vốn góp của công ty tại 9 tỉnh phía Bắc và các nhà máy sản xuất chính đóng tại khu vực Lưu Xá thuộc phía Nam thành phố Thái Nguyên.
Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành phối hợp với ngành công nghiệp của Trung ương nằm trên địa bàn tỉnh đầu tư vào lĩnh vực có lợi thế, để không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm công nghiệp có thế mạnh. Giai đoạn 2006-2010 đã có các dự án lớn được thực hiện như : Dự án nâng công suất Nhà máy Luyện Thép Lưu Xá lên 450.000 tấn/năm; dự án phun than lò cao Nhà máy Luyện Gang ; Nhà máy hợp kim sắt; khai thác quặng sắt mỏ Trại Cau, mỏ Linh Nham, mỏ Tiến Bộ. Từ đó, Thái Nguyên được biết đến với những sản phẩm nổi tiếng của ngành công nghiệp luyện kim như: Thép Tisco, thép Natsteel Vina, Disoco, PomiHoa, Thăng Long... Với 18 đơn vị sản xuất thép các loại, mỗi năm tỉnh đã xuất ra thị trường khoảng 800.000 tấn thép cán chất lượng, có tính cạnh tranh cao. Cùng với đó là các sản phẩm thiếc thỏi (đạt hàm lượng 99,75% trở lên), mỗi năm xuất khẩu hàng trăm tấn. Đặc biệt, mới đây Nhà máy kẽm điện phân đầu tiên của Việt Nam tại Thái Nguyên đi vào hoạt động với công suất 10.000 tấn/năm đã khẳng định ưu thế vượt trội của ngành luyện kim.
Từ năm 2001 đến năm 2010, Đảng bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có sự chỉ đạo phát triển công nghiệp một cách toàn diện, khai thác có hiệu quả khả năng các ngành, nghề công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, các ngành công nghiệp vừa và nhỏ. Thái Nguyên cũng có lợi thế từ các sản phẩm vật liệu xây dựng. Thị trường trong nước những năm qua vẫn rất chuộng các loại xi măng Cao Ngạn, La Hiên, Núi Voi, mới đây là xi măng Thái Nguyên công nghệ lò quay hiện đại công suất 1,5 triệu tấn/năm. Ngoài
ra, các sản phẩm khác là gạch Ceramic, tấm lợp, đá ốp lát, cấu kiện bê tông, vật liệu chịu lửa... cũng đang được khách hàng ưu chuộng. Các sản phẩm động cơ Diesel, phụ tùng xe máy, ô tô, dụng cụ y tế, băng chuyền... cũng là những sản phẩm có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng lĩnh vực trên thị trường. Hiện nay, chất lượng những sản phẩm này đã gây được chú ý đối với các đối tác lớn trong nước và quốc tế. Một số nhà đầu tư có thương hiệu mạnh như Honda, Yamaha đã có đơn đặt hàng lâu dài với các đơn vị đủ năng lực của Thái Nguyên. Thái Nguyên cũng nổi tiếng với ngành công nghiệp chế biến chè xuất khẩu. Với hàng chục doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, mỗi năm sản lượng chè xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 5 nghìn tấn, giá trị kim ngạch trên 4 triệu USD. Sản phẩm may mặc xuất khẩu cũng được đánh giá khá cao với giá trị kim ngạch mỗi năm khoảng 25 triệu USD.
Những năm 2006-2010 là thời kỳ có tốc độ thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp nhanh nhất. Mặt khác, đầu tư cho đào tạo nhân lực phục vụ các ngành kinh tế có tính đột phá trong phát triển công nghiệp. Tiếp tục củng cố, mở rộng phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, công nghiệp mũi nhọn, đồng thời chủ động đi tắt, đón đầu các ngành công nghiệp hiện đại có khả năng của tỉnh.
Vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Nhà nước được tỉnh coi là biện pháp tạo môi trường thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút vốn đầu tư cho các ngành nghề. Bên cạnh đó, Thái Nguyên tiếp tục bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp truyền thống như luyện kim, cơ khí chế tạo theo hình thức đa dạng hoá chủ sở hữu, củng cố các khu công nghiệp hiện có, tập trung đầu tư cho các khu, cụm công nghiệp có điều kiện phát triển tốt.
Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp của Đảng, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã có định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến trước năm 2020 Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng ngành công nghịêp luyện kim và cơ khí động lực lớn của đất nước như khu công nghiệp Gang thép
Thái Nguyên, nhà máy Điêzen Sông Công, nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, xi măng Thái Nguyên và nhiều nhà máy quốc phòng cùng các cơ sở công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu, chế biến nông, lâm sản…
Thái Nguyên có đủ nguồn lực, từ nguyên liệu, hạ tầng đến nguồn nhân lực tại chỗ để phát triển công nghiệp một cách toàn diện. Đặc biệt là Nhà nước đã có Dự án xây dựng quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đang được tích cực triển khai sớm, khi Dự án này hoàn thành sẽ là điều kiện thuận lợi rất lớn cho thu hút đầu tư và giao lưu kinh tế, đến năm 2015 sẽ có 7 tuyến đường quốc gia đi qua Thái Nguyên, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tốt nhất khu vực, góp phần tăng cường hiệu quả của việc đầu tư phát triển toàn diện công nghiệp của tỉnh. Do đó, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên cần phân tích kỹ những thời cơ, thuận lợi này để xây dựng quyết tâm cao, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo tập trung vào phát triển ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh.
Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây với định hướng tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sản xuất công nghiệp đã có những bước phát triển khá. Các ngành công nghiệp: khai khoáng, luyện kim, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, để phát triển công nghiệp toàn diện, Đảng bộ tỉnh có sự chỉ đạo phát triển hợp lý các ngành, nhiều doanh nghiệp công nghiệp đi vào hoạt động, tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và góp phần chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, để tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn cần phải xây dựng một số ngành sản xuất quan trọng làm nền tảng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao năng lực cạnh tranh và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển sản xuất các sản phẩm và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong điều kiện hiện nay,
yêu cầu Đảng bộ tỉnh phải bám sát vào tình hình thực tiễn, thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo nhanh nhạy, nắm chắc diễn biến tình hình, thời cơ, phát huy tối đa những thế mạnh và lợi thế của tỉnh để phát triển công nghiệp một cách vững chắc.