Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển công nghiệp, là điều kiện tiền đề để thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm xây dựng các khu, cụm công nghiệp hiện đại, góp phần nâng tỉ trọng của công nghiệp trong GDP của tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội càng phát triển, càng tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn từ năm 2001 - 2010, Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực sau:
Về chính sách đất đai: Thực hiện Quyết định 1082/QĐ – TTg, ngày 30
tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đai của tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể không gian đô thị của tỉnh với tầm nhìn dài hạn (30-50 năm) làm cơ sở xác định quỹ đất cho phát triển công nghiệp tỉnh ổn định. Đến năm 2010 nhu cầu quỹ đất để phát triển các khu, cụm công nghiệp là 1.852 ha.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết số 09/2006/NQ-HĐND về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010). Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng các Khu Gò Đầm, Yên Bình, Tây Phổ Yên và Nam Phổ Yên, thúc đẩy việc triển khai xây dựng khu công nghiệp đã được quy hoạch. Dành một phần diện tích đất trong các khu công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ thuê để tiến hành sản xuất, trong đó ưu tiên cho các đơn vị di dời theo quy hoạch của tỉnh. Áp dụng linh hoạt, phù hợp các hình thức cho thuê đất, giao đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu về mặt bằng cho sản xuất. Có chính sách ưu đãi phù hợp đối với các dự án, sản phẩm thuộc lĩnh vực ưu tiên và đầu tư vào các địa bàn khó khăn của tỉnh; khuyến khích và có chính sách giao đất hoặc ưu đãi để doanh nghiệp xây nhà ở cho
công nhân. Kiểm tra, rà soát lại thời hạn cho thuê đất đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, đảm bảo thời gian cho thuê đất ít nhất là 20 năm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong khâu cho thuê đất đối với các dự án trong và ngoài khu công nghiệp, nhằm tạo ra môi trường ngày càng thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư. Xây dựng lộ trình di dời, giải tỏa đối với các doanh nghiệp trong diện di dời, đặc biệt là các doanh nghiệp có qui mô lớn, chi phí di dời cao, để giúp doanh nghiệp có kế hoạch chủ động thực hiện việc di chuyển, bố trí, đầu tư nơi sản xuất mới cho phù hợp.
Về điện khí hóa công nghiệp: Tiếp tục đầu tư mạng lưới điện đến tất cả
các vùng, coi trọng việc đầu tư xây dựng mạng điện 3 pha công nghiệp để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp theo qui hoạch. Năm 2005, toàn tỉnh có trên 90% hộ sử dụng điện, đưa điện đến các khu dân cư tập trung theo qui hoạch, các làng nghề, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương. Phấn đấu đến năm 2010, số hộ sử dụng điện khu vực vùng sâu, vùng xa đạt 100%, điện lưới quốc gia đến tất cả các khu dân cư theo qui hoạch. Đối với các hộ miền núi sống rải rác sẽ khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ như: pin mặt trời, thủy điện vừa và nhỏ để tiết kiệm chi phí đầu tư.
Về giao thông: Tiếp tục chỉ đạo vận động thực hiện chương trình “xã hội hoá giao thông”, “ Hoàn chỉnh cơ bản một bước về mạng lưới giao thông; nâng
cấp và cải tạo hệ thống giao thông hiện có; đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp và làm mới các công trình giao thông như: Quốc lộ 3, 37, đường tránh thành phố Thái Nguyên, Quốc lộ 3 mới” [26, tr.42]. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, tiếp tục mở mới, nâng cấp, cải tạo, sữa chữa duy tu các tuyến đường liên xã, xóa cầu tạm, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại thuận tiện. Phấn đấu đến năm 2010 các trục đường đến trung tâm của các xã sẽ được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100%.
Về xây dựng hạ tầng khu dân cư và cụm công nghiệp: Khuyến khích
các thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng và phát triển nhà dân cư nông thôn. Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng khu dân cư, thành lập Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, tập trung các khoản thu (theo Nghị định số 61/NĐ - CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ) để cho các doanh nghiệp vay xây dựng nhà ở, ưu tiên hỗ trợ để xây dựng hạ tầng và phát triển các khu tái định cư theo qui hoạch nhằm thúc đẩy triển khai nhanh các dự án đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp, người bị thu hồi đất ở nông thôn. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có, qui hoạch và đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới ở những huyện chưa có khu, cụm công nghiệp và dọc các trục giao thông quan trọng,“Các khu công nghiệp trên địa bàn phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn khu công nghiệp với khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ, hình thành khu công nghiệp đô thị hoàn chỉnh” [61, tr.27]. Đặc biệt, chú trọng quản lý xây dựng theo qui hoạch đảm bảo tính ổn định, lâu dài. Triển khai nhanh và đồng bộ các quy hoạch và hỗ trợ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư yên tâm mạnh dạn đầu tư phát triển lâu dài tại Thái Nguyên.
Về bảo vệ môi trường: Tiếp tục thực hiện Dự án quản lý môi trường
tỉnh Thái nguyên, được tiến hành theo Hiệp định giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch từ năm 2001. Thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Luật bảo vệ môi trường và Nghị định 143/NĐ - CP ngày 12 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án: "Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo”.
Theo quy định trong Đề án, các dự án đầu tư phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng. Các dự án gây ô
nhiễm phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Đối với những dự án, nhà máy đã được cấp giấy phép đầu tư xây dựng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường định kỳ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Đối với các cơ sở nằm ngoài địa điểm quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, phải tiến hành khảo sát và đánh giá tổng thể các yếu tố phát triển của các doanh nghiệp về vị trí, điều kiện sản xuất kinh doanh, năng lực sản xuất, công nghệ, tác động môi trường để xây dựng phương án bố trí, di chuyển hợp lý vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết di dời hoặc đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong các khu vực đông dân cư.
Về chính sách huy động vốn: Thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư và quỹ bảo
lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (khi đủ điều kiện). Nâng mức tỉ lệ chi cho đầu tư phát triển trong cơ cấu chi Ngân sách nhà nước lên trên 40%. Trong đó dành phần lớn chi cho phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng công nghiệp. Tạo vốn thông qua tín dụng thương mại, từ quỹ đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, “Đối với dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, nếu vay vốn của các tổ chức tín dụng thì được Quỹ hỗ trợ phát triển hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc được bảo lãnh tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định số 106/2004/ NĐ - CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ” [61, tr.28].
Về chính sách khuyết khích đầu tư: Nhằm đẩy mạnh việc thu hút đầu
tư vào địa bàn, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện 5 giải pháp chính gồm: thực hiện quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp một cách đồng bộ, đảm bảo môi trường; tích cực tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng gắn với việc tổ chức tốt công tác tái định cư phục vụ việc giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư;
tiếp tục thực hiện cơ chế "một cửa giải quyết các thủ tục hành chính"; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận "một cửa liên thông và thu hút đầu tư" của tỉnh; thực hiện tốt việc công khai thông tin liên quan đến lĩnh vực đầu tư.
* * *
Tỉnh Thái Nguyên với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, kinh tế - xã hội rất phù hợp cho phát triển công nghiệp nói riêng và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung. Là tỉnh có thế mạnh của vùng kinh tế Bắc Bộ, hội tụ đầy đủ điều kiện để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, từ thực trạng về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh trước năm 2001 còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Do đó, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm 2001 - 2010, Đảng bộ tỉnh đã bám sát và quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển công nghiệp trong tình hình mới, từ đó vận dụng và đề ra những định hướng quan trọng để Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu mang lại hiệu quả quan trọng, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành công nghiệp của tỉnh phù hợp với xu thế phát triển của cả nước theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chương 2