II. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ NGUYÊN NHÂN NHẬP SIÊU CỦA VIỆT NAM
2. Phân tích đánh giá nguyên nhân nhập siêu của Việt Nam theo khu vực thị trường nhập siêu
2.2. Nguyên nhân nhập siêu của Việt Nam với một số đối tác song phương
Diễn biến nhập siêu từ Trung Quốc và ASEAN và đầu tư nước ngoài của Việt Nam, 1995 - 2008 (Triệu USD)
Chú thích: (*) Bao gồm cả vốn tăng thêm của các dự án đã được cấp giấy phép từ các năm trước
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục thống kê, 2009
2.2.1. Nguyên nhân nhập siêu từ thị trường Trung Quốc:
(1) Trung Quốc là “đại công xưởng của thế giới” với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, trình độ sản xuất qui mô lớn. Hàng hóa Trung Quốc, kể cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, gia công xuất khẩu đại đa số giá rẻ, phong phú và có tính cạnh tranh cao hơn hàng của nhiều nước khác nên không chỉ Việt Nam mà rất nhiều thị trường khác cũng chịu nhập siêu từ Trung Quốc như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ.
(2) Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn thiết lập cơ sở sản xuất cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam. Đây chính là điểm khác biệt giữa Việt Nam với các nước ASEAN 6. Do các nước này đã thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt cơ sở sản xuất của khu vực tại nước mình nên kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị điện và cơ khí chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước này sang Trung Quốc.
(3) Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đại bộ phận tương đồng với Trung Quốc, trong khi chất lượng lại kém hơn nên không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc và hàng của các đối thủ khác tại thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, giá cả tại thị trường Trung Quốc đối với một số mặt hàng ta có thể xuất sang nước này như dầu thô, dệt may, giầy dép, hàng thủ công mỹ nghệ không cao như tại một số thị trường khác. Vì vậy, các doanh nghiệp của ta có xu hướng xuất khẩu các mặt
hàng này sang các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản thay vì xuất sang Trung Quốc. Điều này cũng góp phần hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc và làm tăng trị giá nhập siêu.
(4) Các ngành công nghiệp phụ trợ và ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam chưa phát triển nên ta vẫn phải nhập một khối lượng lớn vải cũng như phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy và các loại phụ tùng máy móc khác từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất trong nước.
2.2.2. Nguyên nhân nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc.
(1) Hàn Quốc là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Tính theo số lượng dự án và tổng vốn đầu tư, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1857 dự án với số vốn 14,4 tỷ USD. Tính theo vốn thực hiện, Hàn Quốc cũng vẫn là nhà đầu tư lớn thứ tư với số vốn 2,7 tỷ USD. Do đó, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Hàn Quốc phục vụ cho các dự án có vốn đầu tư của Hàn Quốc luôn ở mức cao. Chẳng hạn như năm 2007, khi có một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam (chỉ riêng năm 2007 đã có thêm 424 dự án đầu tư của Hàn Quốc ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư 4,8 tỷ USD), nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng của Việt Nam từ Hàn Quốc đã tăng 84,2%, từ 457 triệu USD năm 2006 lên 842 triệu USD năm 2007. Đầu tư của Hàn Quốc tăng mạnh cũng khiến nhập khẩu các mặt hàng nguyên vật liệu từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc tăng mạnh.
(2) Hàn Quốc là một thị trường có mức độ bảo hộ tương đối cao đối với các mặt hàng nông sản. Vì thế, các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh xuất khẩu của ta gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Hàn Quốc do gặp phải hàng rào kiểm dịch chặt chẽ cũng như chế độ hạn ngạch thuế quan và các chính sách mang tính chất hạn chế nhập khẩu khác của Hàn Quốc.
2.2.3. Nguyên nhân nhập siêu từ thị trường Đài Loan.
(1) Cũng giống như nhiều thị trường khác, nhập siêu từ Đài Loan chịu ảnh hưởng của yếu tố đầu tư nước ngoài. Đài Loan đứng thứ ba trong số các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Gần đây Đài Loan đầu tư ngày càng nhiều các dự án lớn với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đô la và chủ yếu nằm trong lĩnh vực công nghiệp, điện tử như: Dự án của tập đoàn sản xuất linh kiện máy tính lớn nhất thế giới Foxconn với tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD, Dự án sản xuất thép của
tập đoàn Taiwan Steel có tổng vốn đầu tư trị giá 1 tỷ USD vào khu công nghiệp Dung Quất. Ngoài ra còn có một số dự án lớn khác như: VN JIN WEN ENTER 524,5 triệu USD, Doanh nghiệp Hưng Nghiệp Formosa 482,2 triệu USD, Công ty Xi măng Ching Fong Hải Phòng 450,3 triệu USD, Công ty Vedan Việt Nam 387 triệu USD … Nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho các dự án của Đài Loan khiến kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Đài Loan tăng cao.
(2) Đài Loan hầu như không nhập khẩu dầu thô từ Việt Nam. Dầu thô là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giúp Việt Nam cân bằng hoặc giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại. Vì vậy, việc không xuất khẩu dầu thô sang Đài Loan khiến mức độ nhập siêu của Việt Nam với Đài Loan càng lớn.
2.2.4. Nguyên nhân nhập siêu từ thị trường Hồng Kong.
(1) Hồng Kong là một trong những trung tâm buôn bán của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Hồng Kong vẫn là nơi cung cấp hàng nhập khẩu chính của họ, đặc biệt về các mặt hàng sản phẩm điện tử và máy móc thiết bị.
(2) Thực chất thị trường Hồng Kong là một thị trường có dung lượng nhỏ, nhu cầu tiêu thụ nội địa không lớn nhưng lại đóng vai trò như một thị trường trung chuyển hàng hóa. Do hạn chế về dung lượng thị trường, xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kong khó có thể tăng mạnh như xuất khẩu sang các thị trường khác.