Các biện pháp tiến hành chiến tranh thương mại

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, cơ hội và trách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam (Trang 21 - 26)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI GIỮA CÁC QUỐC GIA

1.3. Các biện pháp tiến hành chiến tranh thương mại

Khi một quốc gia thâm hụt thương mại với một quốc gia khác, nghĩa là lượng nhập khẩu đã vượt quá xa so với lượng xuất khẩu, thì quốc gia bị thâm hụt sẽ sử dụng thuế nhập khẩu cao như một biện pháp để hạn chế lượng hàng nhập vào. Thuế nhập khẩu tăng đồng nghĩa với việc giá hàng nhập khẩu sẽ tăng lên theo và người dân sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa mà họ muốn. Trong khi đó, giá hàng hóa nội địa không đổi và thấp hơn, cạnh tranh hơn. Kết quả là hàng nhập khẩu mất đi tính cạnh tranh và số lượng nhập khẩu giảm. Đây là biện pháp nhanh nhất và được sử dụng nhiều nhất khi các nước tiến hành chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, quyết định xem hàng hóa sẽ đánh thuế là gì, mức thuế sẽ áp là bao nhiêu là một quyết định không hề dễ dàng, phải trải qua sự tính toán rất kĩ lưỡng vì hàng hóa gây ra thâm hụt thương mại có thể là hàng thiết yếu, không tự sản xuất được và nếu áp thuế quá cao thì người dân sẽ phải trả mức giá quá đắt.

Ví dụ, trong cuộc chiến thương mại của Mỹ và EEC giai đoạn 1962 – 1964, Đức thông qua biểu thuế quan đối ngoại chung của các nước châu Âu khiến gà của Mỹ nhập khẩu vào Đức chịu mức thuế cao trong khi gà của Pháp và Hà Lan thì không. Khi được Hội đồng đại diện cho Hiệp định Chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) xác nhận Mỹ đã chịu thiệt hại bởi việc tăng thuế, Mỹ đã mạnh tay đáp trả mức thuế rất cao vào xe tải của Đức, rượu Cognac của Pháp và bột khoai tây và hồ bột (dextrin) từ Hà Lan.

Tại sao lại là các mặt hàng này? Vào những năm 60 của thế kỷ trước, đây là những sản phẩm Mỹ nhập khẩu gần như độc quyền từ các Đức, Pháp, Hà Lan. Chịu mức thuế cao như vậy nhưng dường như các nước này không thể thoát khỏi sự cạnh tranh của hàng nội địa Mỹ và tìm đến các thị trường khác dễ dàng hơn.

1.3.2. Các biện pháp phi thuế quan

Các biện pháp phi thuế quan là các biện pháp thuộc về chính sách của chính phủ mà không phải là các quy định liên quan đến thuế quan, có ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa. Hàng rào phi thuế quan có tác động mạnh đến nhập khẩu hàng hóa thông qua việc hạn chế khối lượng nhập khẩu, tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa vào một thị trường, gia tăng rủi ro với nhà xuất khẩu hàng hóa nước ngoài.

Các biện pháp phi thuế quan có thể được chia thành biện pháp phi thuế quan định lượng (làm giảm khối lượng nhập khẩu) và biện pháp phi thuế quan phi định lượng (tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa hoặc gây bất ổn thương mại quốc tế). [4]

1.3.2.1. Biện pháp phi thuế quan định lượng

Cuốn Chính sách thương mại quốc tế (2017) có nêu rõ các khái niệm về một số biện pháp phi thuế quan định lượng như sau:

Hạn ngạch nhập khẩu (Quota)

“Hạn ngạch nhập khẩu là khối lượng hay giá trị nhập khẩu tối đa được phép nhập khẩu vào trong nước” và “Hạn ngạch nhập khẩu được đưa ra để bảo vệ nhà sản xuất trong nước khi giá hàng nhập khẩu thấp hơn giá hàng sản xuất và bán trong nước.” [4]

Hạn ngạch thuế quan

“Hạn ngạch thuế quan là một biện pháp hạn chế nhập khẩu và là một chế độ hai loại thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu. Khối lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch cho phép (in – quota) được hưởng mức thuế quan ưu đãi (thuế quan trong hạn ngạch). Trong khi khối lượng nhập khẩu ngoài hạn ngạch cho phép (out – of – quota) phải chịu mức thuế cao hơn (thuế quan ngoài hạn ngạch).” [4]

Điều này có nghĩa là nhà nước sẽ quy định một khối lượng hàng nhập khẩu vào được hưởng thuế quan ưu đãi. Nếu số lượng nhập khẩu lớn hơn mức hạn ngạch mà nhà nước đưa ra thì doanh nghiệp nhập khẩu phải đóng mức thuế suất lớn hơn.

Hạn chế xuất khẩu tự nguyện

“Hạn chế xuất khẩu tự nguyện là biện pháp phi thuế quan mà chính phủ nước nhập khẩu yêu cầu nước xuất khẩu đồng ý “tự nguyện” hạn chế khối lượng hoặc kim ngạch sang nước nhập khẩu.” [4]

Nếu quốc gia xuất khẩu không thực hiện yêu cầu này thì quốc gia nhập khẩu sẽ áp dụng biện pháp trả đũa. Biện pháp này hay được các nước nhập khẩu lớn áp dụng để bảo vệ cho các doanh nghiệp nội địa khỏi sự cạnh tranh khi có quá nhiều hàng hóa nhập khẩu trên thị trường.

Giấy phép nhập khẩu

“Giấy phép nhập khẩu (ngoại trừ lý do vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng rào thương mại) là giấy phép cấp cho nhà nhập khẩu trước khi nhập khẩu hàng hóa.” [4]

Nhà nước có thể yêu cầu một hàng hóa phải có giấy phép mới được nhập khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập vào được sử dụng trong lĩnh vực quan trọng, hàng hóa nhập vào là hàng hóa mà sản xuất trong nước không đáp ứng đủ như cầu người tiêu dùng, hoặc đó là các hàng hóa liên quan đến các vấn đề văn hóa, chính trị,…

1.3.2.2. Biện pháp phi thuế quan phi định lượng

Cuốn Chính sách thương mại quốc tế (2017) đã nêu rõ một số khái niệm về một số biện pháp phi thuế quan phi định lượng như sau:

Kiểm dịch động thực vật

“Hiệp định Kiểm dịch động thực vật (Sanitary and Phytosanitary Agreement – viết tắt là SPS) là hiệp định WTO ban hành, bao gồm các quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc nhằm: (i) bảo đảm an toàn thực phẩm như rủi ro từ chất phụ gia, đọc tố, dịch bệnh phát tán từ động thực vật; (ii) bảo vệ con người, vật nuôi, động thực vật khỏi các dịch bệnh có nguồn gôc từ động thực vật; (iii) bảo vệ các loài động vật hoang dã.” [4]

Tiêu chuẩn hàng hóa

“Tiêu chuẩn hàng hóa là các quy định duy trì chất lượng hàng hóa, có hiệu lực ở các lĩnh vực như sức khỏe, vệ sinh, an toàn và môi trường.” [4]

Để bảo hộ sản xuất trong nước, nhiều quốc gia đặt ra các tiêu chuẩn ngặt nghèo cho doanh nghiệp nước ngoài và thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp nội địa. Chẳng hạn, EU yêu cầu thịt nhập khẩu cần có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của các nước ngoài EU, do Tổng cục Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng EU xem xét công nhận.

Hàng rào kỹ thuật

“Hàng rào kỹ thuật là các quy định kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp với quy định kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn, ngoại trừ các biện pháp đề cập trong hiệp định SPS.” [4]

Nếu các quy định trong Hiệp định kiểm dịch động thực vật liên quan đến hàng hóa là động thực vật và các chế phẩm từ động thực vật thì hàng rào kỹ thuật nghiêng nhiều hơn về đặc tính sản phẩm, quy trình sản xuất, bao gói, kẻ ký mã hiệu,…

Các biện pháp hành chính

Việc bảo hộ hay đáp trả hành động bảo hộ trong chiến tranh thương mại cũng có thể được thực hiện bằng cách gây khó dễ cho các doanh nghiệp xuất khẩu về thủ tục

hành chính, thủ tục hải quan. Các doanh nghiệp nước ngoài khi bị cản trở bởi các thủ tục hành chính rườm rà, chậm cấp phép hoạt động, trì hoãn hoạt động hải quan gây nên dồn ứ hàng hóa tại cảng sẽ cảm thấy không mặn mà và tìm một thị trường khác dễ dàng hơn. Qua đó, lượng nhập khẩu phần nào sẽ giảm xuống.

Hàm lượng nội địa hóa

“Hàm lượng nội địa hóa hay yêu cầu một sản phẩm sản xuất và bán tại một quốc gia phải có hàm lượng nội địa tối thiểu cụ thể, dưới dạng lương trả cho lao động địa phương hoặc nguyên vật liệu, linh kiện được sản xuất trong nước.” [4]

Xuất xứ hàng hóa

“Xuất xứ hàng hóa bao gồm luật, quy định của nước nhập khẩu về nơi sản xuất hay khai thác ra hàng hóa. Các nước thường quy định mức thuế quan khác nhau đối với hàng hóa sản xuất từ các nước khác nhau, phụ thuộc vào hiệp định thương mại song phương, đa phương, nguyên tắc tối huệ quốc.” [4]

1.3.3. Kiện đối phương lên tổ chức thương mại thế giới WTO

Một trong bốn chức năng cơ bản của WTO là giải quyết tranh chấp xảy ra giữa các nước thành viên. Không chỉ là diễn đàn đàm phán, đưa ra các quyết định cho thương mại quốc tế, WTO còn giải quyết các bất đòng và tranh chấp thương mại phát sinh giữa các nước thành viên theo các quy định đã thỏa thuận, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế và luật lệ của WTO.

Trong nhiều cuộc chiến tranh thương mại, khi nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng, phải chịu thiệt hại do hành động của đối phương, các quốc gia đã đệ đơn lên WTO để yêu cầu bác bỏ các hành động đó. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là biện pháp hiệu quả để đảm bảo lợi ích quốc gia khi có tranh chấp xảy ra. Kiện đối phương lên WTO là một biện pháp đối phó mang tính pháp luật, tự nguyện tuân thủ và thực thi theo các phán quyết của WTO. Biện pháp này giúp đảm bảo thực hiện thương mại theo hướng tự do hóa, đảm bảo phát triển kinh tế quốc tế ổn định, có quy củ, chặt chẽ. Tuy nhiên, điểm hạn chế của biện pháp này là đôi khi thủ tục để khởi xướng vụ kiện hơi phức tạp và có trường hợp dù đã có phán quyết nhưng các quốc gia bị xử thua cố tình phớt lờ và không thực thi nên không đủ tính răn đe và hiệu quả.

1.3.4. Lôi kéo đồng minh để gia tăng sức mạnh chính trị

Chính trị và kinh tế có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Chiến tranh thương mại sẽ không đơn thuần là cuộc đối đầu về thương mại, xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác như an ninh quân sự, chính trị. Trong một cuộc thương chiến, những sức ép về chính trị hoàn toàn có thể được các bên đưa ra để nhận lại những nhượng bộ về kinh tế. Để gây ra sức ép chính trị đáng kể cho đối phương và đòi hỏi có được những nhượng bộ như mong muốn, một quốc gia cần phải có nền chính trị ổn định và lớn mạnh mà trong đó những phương án tiếp cận và đối phó của lãnh đạo phải được người dân đồng thuận và ủng hộ dù lợi ích của họ đôi khi bị ảnh hưởng. Tiếp theo, các hành động của lãnh đạo nước này cũng cần có tiếng nói ủng hộ của các quốc gia khác trên thế giới. Khi chiến tranh thương mại xảy ra, các nước trực tiếp tham gia thường có xu hướng lôi kéo các nước đồng minh về phía mình. Các liên minh được thành lập là lúc các nước thành viên sẽ đàm phán để đạt được những lợi ích tương đồng, những chính sách chung và tiếng nói chung. Có đồng minh là có những người ủng hộ, càng hợp tác với những nước lớn và phát triển thì sức mạnh càng lớn. Các nước tham chiến sẽ nỗ lực thuyết phục thậm chí là tranh giành các đồng minh để củng cố sức mạnh và gây áp lực nhằm dễ dàng cô lập nước đối thủ.

1.3.5. Tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của đối thủ

Một vũ khí nữa có thể được sử dụng trong các cuộc thương chiến là tẩy chay. Khi quốc gia A bị áp thuế nhập khẩu bởi quốc gia B, hàng hóa từ A xuất tới B sẽ trở nên đắt đỏ và giảm tính cạnh tranh so với hàng nội địa của B. Để đáp trả và làm cho hàng hóa của quốc gia B cũng phải chịu những thiệt hại tương tự, A có thể tiến hành tẩy chay các sản phẩm, dịch vụ do B cung cấp. Nếu thuế nhập khẩu làm người dân hạn chế mua hàng do giá cao và chỉ sẵn sàng mua nếu họ thực sự cần và có khả năng chi trả thì tẩy chay còn có thể khiến người dân có thái độ nặng nề và quay lưng với sản phẩm để chọn sản phẩm khác dù mức giá ban đầu vẫn giữ nguyên.

Trong cuộc chiến trà Boston năm 1773, tẩy chay đã được người dân thuộc địa sử dụng để đáp trả chiêu trợ cấp của chính phủ Anh. Tim Nguyễn (2018) chỉ ra rằng để cứu vẫn tình hình làm ăn của công ty trà Đông Ấn, chính phủ Anh cho phép các công ty này được độc quyền bán trà ở các thuộc địa mà không phải đóng bất cứ thứ thuế nào ở Anh Quốc, chỉ đóng thuế rất nhẹ ở thuộc địa. Nhờ đó, công ty Đông Ấn có thể bán trà rẻ bằng

nửa giá cũ cho dân Mỹ. Người dân thuộc địa đã tẩy chay trà của công ty Đông Ấn. Trà của công ty này vào cảng Philadelphia và New York thì tàu không được cập bến. Còn ở Charleston, tàu chở trà tới sẽ phải nằm ở cảng suốt ba năm cho đến khi những nhà ái quốc đem bán để ủng hộ cách mạng. Sự tẩy chay lên đỉnh điểm khi người dân cải trang để được lên thuyền, quẳng 342 kiện trà xuống biển để phản đối chính sách của Anh. [10]

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, cơ hội và trách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam (Trang 21 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)