CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI HOA KỲ -
2.1. Nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc
HOA KỲ - TRUNG QUỐC
Mặc dù là những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau và mối quan hệ thương mại khởi sắc từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, song Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại những tranh chấp và căng thẳng. Không phải đến thời tổng thống Donald Trump những mâu thuẫn, xung đột mới như thế mới xuất hiện. Ngay trong thời gian đương nhiệm của các vị tổng thống như Bill Clinton, Bush hay tổng thống Barack Obama, sự ngờ vực lẫn nhau giữa hai siêu cường quốc đã tồn tại, căng thẳng, đối đầu về kinh tế, an ninh, chính trị ngày càng leo thang, nhất là trong thời gian gần đây. Chúng giống như những ngọn lửa âm ỉ cháy, và ông Trump với những chính sách cứng rắn và mạnh tay hơn hẳn những lãnh đạo tiền nhiệm là cơn gió tràn đến, làm những căng thẳng bùng lên thành cuộc thương chiến mạnh mẽ. Cụ thể hơn, chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bắt nguồn từ một số lý do nằm ở cả hai quốc gia.
2.1.1. Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc tăng mạnh
Tháng 1/1979, Mỹ và Trung Quốc đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau.
Sau đó, vào tháng 7, hai nước đã ký hiệp định song phương Hoa Kỳ - Trung Quốc. Cú bắt tay này chính là khởi đầu cho sự phát triển nhanh chóng trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác kinh tế thuộc hàng quan trọng nhất của nhau. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi về phía Mỹ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, chỉ sau hai nước láng giềng nằm trong NAFTA cùng Mỹ là Canada và Mexico.
Tuy nhiên, quan hệ thương mại được thúc đẩy cũng kéo theo những tranh chấp liên quan đến cán cân thương mại. Trong những năm trở lại đây, lượng hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc tăng đột biến, dẫn đến thâm hụt nghiêm trọng trong xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc. Theo số liệu từ Trade Map, năm 2017, lượng hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến hơn 526 tỷ USD trong khi con số ở chiều ngược lại chỉ gần 130 tỷ USD. Cán cân thương mại của Mỹ thâm hụt hơn 396 tỷ USD năm 2017.
Hành động áp thuế cao lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cho thấy rằng chính quyền Mỹ đang muốn cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc. Thuế quan
sẽ khiến giá hàng hóa Trung Quốc ở thị trường Mỹ tăng lên, giảm mức độ cạnh tranh so với hàng nội địa Mỹ. Người dân Mỹ sẽ chuyển sang tiêu dùng hàng hóa Mỹ thay vì phải bỏ ra số tiền cao hơn để mua hàng nhập khẩu. Hệ quả này sẽ gây sức ép lên Trung Quốc.
Nếu muốn chấm dứt tình trạng trên, Trung Quốc sẽ phải tăng mua hàng hóa Mỹ, làm giảm khoản thâm hụt mà Mỹ đang phải chịu.
2.1.2. Chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Donald Trump
Trong suốt khoảng thời gian kể từ khi vận động tranh cử đến lúc chính thức nắm quyền điều hành Hoa Kỳ, Tống thống Donald Trump đã luôn cho thấy rõ tư tưởng bảo hộ của mình. Ông đã nỗ lực bằng những hành động cụ thể để mục tiêu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” không chỉ là một khẩu hiệu tranh cử đơn thuần. Trump đã khiến “nước Mỹ trên hết” ở cả lĩnh vực an ninh quốc gia, an ninh năng lượng và nhất là thương mại.
Riêng đối với thương mại, vị tổng thống này đã bảo hộ bằng một loạt các biện pháp làm giảm thâm hụt cán cân thương mại như: quyết định rời khỏi TPP; yêu cầu đàm phán lại các FTA đã có như NAFTA, KORUS để có những điều khoản thuận lợi hơn cho Mỹ;
đáp trả các hành động trợ cấp, bán phá giá, thương mại không công bằng gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân Mỹ. Làm bùng phát chiến tranh thương mại với Trung Quốc là một hành động đáp trả như thế. Đây là động thái để bảo hộ cho nền sản xuất trong nước tránh khỏi sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc giá rẻ, ngăn chặn sự gia tăng quá nhanh chóng của hàng hóa Trung Quốc trên đất Mỹ để đảm bảo sức cạnh tranh cho hàng nội địa.
2.1.3. Hoa Kỳ muốn củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực công nghệ
Trung Quốc là một quốc gia đầy tham vọng, nhất là trong việc hướng đến vị trí dẫn đầu trong cuộc đua về khoa học công nghệ và công nghệ cao. Hàng tỷ USD được Trung Quốc mạnh tay chi vào những dự án phát triển công nghệ cao khi quốc gia này đang cố gắng thoát khỏi hình ảnh một nước chỉ có kỹ thuật thấp, nỗ lực tách mình ra khỏi sự chi phối của các nước sở hữu công nghệ then chốt. Hai ví dụ điển hình cho tham vọng này là “Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ trong trung và dài hạn giai đoạn 2006 -2020” và chiến lược “Made in China 2025” mở ra con đường phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu.
Nếu thành công với những chiến lược trên, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc sẽ có thể tự làm ra những thứ trước đây Trung Quốc không thể
sản xuất như người máy, ô tô điện không người lái, máy bay cao cấp, mạng 5G và chiếm ngay ngôi đầu bảng của các doanh nghiệp Mỹ. Chính quyền tổng thống Donald Trump chắc chắn nhìn ra khả năng này và sẽ nỗ lực khiến cho kịch bản tươi sáng ấy của Trung Quốc không thể thành hiện thực. Thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng Trung Quốc một mặt khiến người dân Mỹ dần quay lại với hàng hóa Mỹ, khiến Mỹ trở nên độc lập hơn, không phụ thuộc vào nhập khẩu Trung Quốc, mặt khác sẽ khiến Trung Quốc phải mất nhiều thời gian để giải quyết và Mỹ tận dụng cơ hội này đẩy mạnh phát triển công nghệ và củng cố vị thế số một của mình.
2.1.4. Trung Quốc đánh cắp công nghệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ Mặc dù có tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu về công nghệ, song trình độ phát triển công nghệ và kỹ thuật sản xuất của Trung Quốc vẫn tồn tại rất nhiều điểm trừ.
Quốc gia này vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ cốt lõi, đòi hỏi kỹ thuật cao của các nước có thế mạnh công nghệ như Hoa Kỳ. Đích đến là một siêu cường quốc về công nghệ với Trung Quốc còn một khoảng cách rất dài. Chính quyền tổng thống Trump rất bất bình khi cho rằng Trung Quốc đã chọn lối đi tắt, đánh cắp công nghệ cao của Hoa Kỳ qua những hành vi thương mại không công bằng. Chẳng hạn, Trung Quốc bắt buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ nếu hoạt động tại đất nước này, hoặc nhập khẩu công nghệ cao từ Mỹ, hay lợi dụng việc mua bán sáp nhập với các doanh nghiệp Hoa Kỳ để có công nghệ cao của họ, thậm chí là đánh cắp chúng. Khai hỏa chiến tranh thương mại giống như một lời khẳng định Mỹ không bao giờ đồng ý với việc Trung Quốc chiếm đoạt hay lợi dụng các công nghệ do Hoa Kỳ sở hữu để vượt lên thành cường quốc công nghệ.
Chiến tranh thương mại cũng là sự trừng phạt mà Hoa Kỳ dành cho Trung Quốc với thực trạng vi phạm quyền sở hữu không thể cho qua. Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đã ăn cắp bí mật kinh doanh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty của họ.
Phần mềm sao chép lậu, điện thoại hàng giả, quần áo thời trang hàng nhái,… những sản phẩm mang tên tuổi thương hiệu Hoa Kỳ nhưng sản xuất hàng loạt theo công nghệ Trung Quốc đã khiến Hoa Kỳ thiệt hại không hề nhỏ. Một cuộc đối đầu nổ ra thể hiện Hoa Kỳ sẽ đáp trả quyết liệt với hành vi xấu này.