Tác động của chiến tranh thương mại

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, cơ hội và trách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam (Trang 26 - 29)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI GIỮA CÁC QUỐC GIA

1.4. Tác động của chiến tranh thương mại

1.4.1. Tác động đến các nước trực tiếp tham gia chiến tranh thương mại 1.4.1.1. Tác động đến mối quan hệ giữa các bên

Việc các quốc gia bước vào một cuộc chiến tranh thương mại khiến cho quan hệ giữa các bên ngày càng xấu đi và căng thẳng liên tục leo thang nếu các bên không nỗ lực đàm phán để tìm ra một phương hướng giải quyết tốt nhất. Ngay cả khi các bên có những cuộc gặp mặt đàm phán tìm cách tháo gỡ những bất đồng thì cũng rất khó để cải thiện mối quan hệ ngay.

Hàng loạt những cáo buộc, công kích truyền thông, kiện tụng quốc tế để gia tăng sức ép và tối đa hóa lợi nhuận sẽ làm quan hệ trước khi xảy ra thương chiến trở nên tồi tệ. Thuế và các biện pháp ngăn chặn hàng nhập khẩu khiến khối lượng xuất khẩu của cả hai bên đều giảm. Các nước trực tiếp đối đầu có xu hướng thắt chặt quan hệ với những nước khác có lợi ích tương đồng với họ và liên kết với quốc gia đó để chống lại nước đối đầu.

Hơn thế nữa, khi không có phán quyết nào yêu cầu một trong hai bên phải dừng lại các hành động trong cuộc chiến, khi hai bên ngày càng không tìm được giải pháp, căng thẳng thương mại có thể lây lan các lĩnh vực khác như chính trị, an ninh quân sự,…

1.4.1.2. Tác động đến tăng trưởng kinh tế

Chiến tranh thương mại thường xảy ra giữa các nền kinh tế lớn và có sức ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của toàn thế giới. Và cũng chỉ những nền kinh tế lớn mới đủ tiềm lực tài chính để ganh đua nhau về thuế quan để không ảnh hưởng lớn đến chính doanh nghiệp và người dân trong nước, chỉ những quốc gia lớn mới có sức mạnh để tham gia đàm phán mà không phải nhượng bộ nhiều. Vì thế khi thương mại bùng phát, nó sẽ làm kinh tế thế giới suy giảm đáng kể.

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, dưới tác động của các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, quy mô và khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các bên tham gia

thương chiến sẽ giảm xuống, kéo theo sự suy giảm trong tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chung của toàn thế giới. Các mức thuế càng cao, càng leo thang và các mặt hàng phải chịu thuế càng nhiều thì càng làm tổn hại đến hoạt động thương mại chung của toàn thế giới. Xu hướng kinh tế ngày nay là hội nhập, các nền kinh tế gia tăng bắt tay hợp tác và dựa vào nhau nhiều hơn để phát triển. Chiến tranh thương mại thể hiện yếu tố bảo hộ, đi ngược lại xu hướng thương mại công bằng và hợp tác. Vì thế, nó làm các giao dịch thương mại giảm, quy mô xuất nhập khẩu co lại.

Ở lĩnh vực đầu tư, chiến tranh thương mại cũng gây ra các tác động tiêu cực.Thuế quan cũng làm các nước trực tiếp tham gia cuộc chiến giảm đầu tư lẫn nhau. Chiến tranh thương mại tạo ra sự bất ổn. Không nhà đầu tư nào thích bỏ thời gian, tiền bạc, của cải để nghiên cứu thị trường, quyết định rót vốn đầu tư để rồi phải hoạt động trong một môi trường chịu thuế nhập khẩu khiến chi phí sản xuất tăng cao. Đa số các nhà đầu tư vào thị trường các nước đối đầu trong chiến tranh thương mại sẽ thu hẹp quy mô đầu tư, chờ đợi các động thái hay kết quả đàm phán từ các bên hoặc chuyển nguồn vốn sang các thị trường an toàn hơn để tránh tác động của thuế. Sự dịch chuyển vốn này có thể khiến các luồng vốn đầu tư trên thế giới bị xáo trộn, khó dự đoán để đưa ra các phương án tăng trưởng kinh tế thế giới.

1.4.1.3. Tác động đến người tiêu dùng

Khi một nước gia tăng hoặc tạo ra thuế hoặc các loại rào cản thương mại đối với sản phẩm nhập khẩu từ một nước khác, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải trả thuế cao hơn nếu muốn nhập khẩu các sản phẩm từ nước đó về bán. Kết quả là giá cả hàng hóa tăng lên, và người tiêu dùng buộc phải móc hầu bao nhiều hơn so với trước khi chính phủ áp thuế. Người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt trong trường hợp này.

Người tiêu dùng phải chọn cách hoặc là cắt giảm tiêu dùng đối với các sản phẩm bị đánh thuế, hoặc là tìm kiếm các sản phẩm thay thế, các sản phẩm tương tự từ thị trường nội địa hoặc của các nước khác không bị đánh thuế để tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu hàng hóa bị áp thuế hoặc các rào cản phi thuế quan là các sản phẩm mà quốc gia không thể tự sản xuất được thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ khó khăn. Nói tóm lại, người tiêu dùng, đặc biệt là những người thu nhập thấp sẽ không có lợi ích gì nếu chiến tranh thương mại xảy ra. Họ sẽ có sự lựa chọn hàng hóa ít đi và phải chi trả nhiều hơn dù trong ngắn hạn họ không cảm thấy sự tăng lên rõ rệt trong giá hàng hóa.

1.4.1.4. Tác động đến các doanh nghiệp

Thông qua việc áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập từ nước ngoài vào, giá hàng hóa đó sẽ tăng lên đáng kể. Nhờ vậy, các doanh nghiệp trong nước được bảo hộ, sản phẩm giá rẻ hơn và trở nên cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có nguồn nguyên liệu đầu vào nằm trong danh mục hàng hóa bị áp thuế nhập khẩu cao thì đó lại là một thiệt hại lớn. Ngành sản xuất ô tô của Mỹ là một ví dụ. Mỹ áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu – nguyên liệu chủ chốt sản xuất ô tô đã khiến ngành này chịu chi phí đầu vào tăng đáng kể.

Mặt khác, khi chiến tranh thương mại diễn ra, các quốc gia đối kháng liên tiếp đưa ra các đòn đánh về thuế quan và các rào cản liên tục được dựng lên nhằm ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu được tiếp cận với thị trường nội địa. Xét về ngắn hạn, điều này có thể đem lại sự thịnh vượng cho nhiều doanh nghiệp khi họ đã giảm được nhiều đối thủ ở các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, trong dài hạn, các doanh nghiệp có thể giảm mất tính hiệu quả trong hoạt động theo thời gian vì sự cạnh tranh đã giảm, động lực để phát triển và vượt qua đối thủ cũng có thể theo đó mà giảm sút.

Mâu thuẫn về thương mại làm gia tăng về rủi ro khi đầu tư vào các nước tham chiến. Các nhà đầu tư lo ngại hàng việc bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu nên sẽ hạn chế và chuyển hướng đầu tư sang các nước khác. Kết quả là nguồn vốn đầu tư vào các nước tham chiến giảm mạnh.

1.4.1.5. Tác động đến người lao động

Trong một cuộc chiến tranh thương mại, khi một nước quyết định áp dụng hoặc gia tăng thuế hoặc hàng rào phi thuế quan lên hàng hóa của một nước khác, thì việc nước bị áp thuế lên hàng hóa có những động thái trả đũa chỉ còn là vấn đề thời gian. Một mức thuế quan tương tự hay những hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn khắt khe,… sẽ được áp dụng ngược lại để đáp trả. Hoạt động xuất khẩu của quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng và công ăn việc làm của người lao động làm việc trong lĩnh vực liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu này đương nhiên cũng vì thế mà giảm theo.

1.4.2. Tác động đến nền kinh tế thế giới và các quốc gia khác

Chiến tranh thương mại là cuộc cân sức cực kỳ tốn kém, xem ai là người cuối cùng chịu đựng được nhiều hơn. Hiển nhiên, các nước tham gia thương chiến là các nước lớn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nền kinh tế toàn cầu.

Các biện pháp hạn chế nhập khẩu và các biện pháp trả đũa nối tiếp nhau sẽ làm cho nền kinh tế thế giới suy giảm. Sự suy giảm một phần là do những tác động tiền tệ và sự thay đổi trong giá cả hàng hóa. Nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang khiến các doanh nghiệp dè chừng về vấn đề mở rộng kinh doanh, nền kinh tế thế giới bị thiệt hại phần doanh thu đáng lẽ sẽ có khi các doanh nghiệp mở rộng.

Bên cạnh đó, nếu các nước tham chiến nỗ lực tìm cách liên kết để có những đồng minh mới, thế giới sẽ xuất hiện những liên minh với những định chế, những chính sách thuế quan chung mới. Những chính sách như thế có thể làm dòng chảy hàng hóa, thu nhập giữa các nước trên thế giới bị đảo lộn, rất khó để dự báo.

Với sự hội nhập và mức độ liên kết kinh tế như bây giờ, các nước không phải

“người trong cuộc” vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. Chiến tranh thương mại có thể đem đến những thời cơ và cả thách thức cho những nước khác.

Các tập đoàn, doanh nghiệp đang hoạt động tại các nước tham gia chiến tranh thương mại có xu hướng sẽ dịch chuyển nhà máy sản xuất sang các nước khác có lợi hơn. Đây là cơ hội để các quốc gia bên ngoài tiếp cận với nguồn vốn đầu tư khổng lồ và các thị trường lớn với nhu cầu nhập khẩu cao, là thời cơ để các quốc gia gia tăng khối lượng nhập khẩu của mình ra thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là các quốc gia cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh lớn. Khi hàng hóa sản xuất ra không thể xuất đi các nước áp thuế nhập khẩu cao, nước sản xuất sẽ mang hàng sang nước khác bán với giá rẻ để tiếp cận thị trường. Đây là lúc hàng nội địa của các quốc gia khác đối mặt với sự cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp trong nước phải liên tục có các chiến lược để hàng hóa của mình thu hút được khách hàng nhiều hơn lượng hàng hóa dư thừa được di chuyển sang.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, cơ hội và trách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)