Thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, cơ hội và trách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam (Trang 65 - 70)

CHƯƠNG 3: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

3.3. Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam

3.3.2. Thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam

3.3.2.1. Nguy cơ hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ bị áp thuế nhập khẩu cao

Một trong những mục tiêu của Tổng thống Donald Trump khi lên nắm quyền điều hành là giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với các nền kinh tế trên thế giới.

Với ông Trump, thâm hụt thương mại đồng nghĩa với việc khả năng sản xuất và cạnh tranh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã suy giảm và vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ đang có dấu hiệu bị lung lay. Bởi thế, chính quyền ông Trump đã có nhiều hành động thể hiện quyết giảm bớt thâm hụt thương mại với các quốc gia khác. Ban đầu, đó là việc kêu gọi các doanh nghiệp trong nước - các yếu tố chủ quan – gia tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Sau đó, Tổng thống Mỹ quyết định rút khỏi các FTAs mà các đời tổng thống tiền nhiệm đã dày công đàm phán và ký kết. Xa hơn nữa, Tổng thống Donald Trump quyết định giáng các đòn thuế nhập khẩu lên nhôm và thép từ các quốc gia khác. Đỉnh điểm là chiến tranh thương mại với Trung Quốc thông qua áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD, thậm chí là tăng thêm 267 tỷ USD và đánh thuế mọi mặt hàng Hoa Kỳ nhập từ Trung Quốc. Việc Trung Quốc là đối tượng đầu tiên mà chính quyền ông Trump hướng mũi nhọn tấn công thương mại có thể là do Hoa Kỳ đang thâm hụt thương mại với nước này nhiều nhất. Mexico – một quốc gia láng giềng Bắc Mỹ với Hoa Kỳ cũng chịu sức ép không nhỏ khi vừa không được Hoa Kỳ miễn thuế nhập khẩu với nhôm và thép, vừa phải chấp nhận đàm phán lại NAFTA dù biết chắc chắn các điều khoản tái thỏa thuận sẽ có lợi hơn cho Hoa Kỳ. Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng của mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP và mới đây đã đe dọa đánh thuế ô tô nhập khẩu 25%, yêu cầu đàm phán song phương, gây sức ép nhằm Nhật Bản phải mở cửa cho hàng hóa Mỹ.

Việt Nam hiện là nước đang thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Năm 2017, Việt Nam là nước có thặng dư thương mại với Mỹ xếp thứ năm, sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản và Đức. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 6 sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Đức và Ireland. Vậy nếu Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào Hoa Kỳ, khiến khối lượng thặng dư thương mại với Hoa Kỳ nhiều hơn nữa thì nguy cơ Hoa Kỳ đánh thuế lên hàng nhập khẩu Việt Nam tương tự như đã làm với các nước kể trên khả năng xảy ra là rất cao. Trung Quốc, Nhật Bản là những nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới nên vị thế trong việc đàm phán hay đối đầu với Trung Quốc là những vị thế cân xứng. Mexico

là đối tác của Hoa Kỳ trong NAFTA, Đức thuộc EU – đồng minh của Hoa Kỳ nên cũng có nhiều đối sách nhằm đáp trả những đòn thuế của Tổng thống Trump. Việt Nam chỉ là một nền kinh tế nhỏ, kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, nếu như bị Hoa Kỳ áp thuế tương tự như với Trung Quốc, với Nhật Bản và EU thì việc chúng ta đáp trả bằng nhiều biện pháp ngoài kiện tụng lên WTO là không thể vì chúng ta không đủ tiềm lực như Trung Quốc. Đó là nguy cơ đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt khi chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc diễn ra.

3.3.2.2. Phải cạnh tranh giành thị phần tại thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc

Cho dù cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Trung Quốc để thay thế lượng hàng hóa bị áp thuế là không thể phủ nhận, cơ hội này cũng khá khó khăn để thực hiện. Trước hết, khi không thể bán hàng sang nước đối thủ, cả hai cường quốc đều cố gắng kêu gọi người dân tăng tiêu dùng hàng nội địa đầu tiên. Như vậy, hàng hóa Việt Nam nếu xuất khẩu sang hai thị trường này cũng sẽ phải cạnh tranh với chính hàng nội địa của doanh nghiệp hai nước này. Hơn nữa, các nước muốn đưa hàng hóa của mình tiếp cận người tiêu dùng Mỹ không chỉ có Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể tăng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thì Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore,… các nước khác cũng hoàn toàn có cơ hội làm điều này. Thậm chí, ngay cả Trung Quốc cũng không thể dễ dàng bỏ qua thị trường Hoa Kỳ được vì Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Không những vậy, Hoa Kỳ và Trung Quốc còn có thể cố gắng xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác khiến hàng hóa của chúng ta xuất khẩu sang các thị trường đó cũng phải đối mặt với cạnh tranh.

Điều này cho chúng ta thấy, trên đường đua để mang hàng hóa sang bán tại Hoa Kỳ, tại Trung Quốc và nhiều thị trường khác ngoài hai thị trường này, Việt Nam gặp rất nhiều đối thủ khác cũng đang tăng tốc tìm cách xuất khẩu sang. Cơ hội trở thành thị trường nhập khẩu thay thế của Hoa Kỳ và Trung Quốc đến với rất nhiều quốc gia và quốc gia nào cũng nỗ lực theo nhiều cách để mang hàng hóa tiếp cận với người tiêu dùng ở đó. Nếu chúng ta không chú ý năng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm về chất lượng, chủng loại, giá cả, phân phối bán hàng,… thì sẽ dễ bị các nước khác ngay lập tức vượt qua.

3.3.2.3. Hàng nội địa chịu sự cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc

Khi Hoa Kỳ đánh thuế nhập khẩu lên khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, khối lượng hàng Trung Quốc tiêu thụ được ở thị trường này sẽ giảm mạnh. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc và giảm bán hàng ở Hoa Kỳ nghĩa là Trung Quốc thiệt hại nặng ở lĩnh vực xuất khẩu. Dù vậy, Trung Quốc sẽ không vì thế mà dừng sản xuất trong nước bởi đây là quốc gia có tiềm lực sản xuất rất lớn. Để duy trì sản lượng và năng suất, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục sản xuất.

Số lượng hàng hóa không thể bán cho người tiêu dùng Mỹ, các công ty Trung Quốc buộc phải tìm các thị trường tiêu thụ khác để thay thế. Các nước thuộc vùng lân cận Trung Quốc là những lựa chọn đầu tiên mà các doanh nghiệp nước này nghĩ đến. Việt Nam với mối quan hệ giao thương lâu đời với Trung Quốc cũng như vị trí địa lý gần gũi, chung đường biên giới dài chắc chắn sẽ là nơi Trung Quốc mang hàng hóa sang và bán với giá rẻ. Việc này một phần khiến cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày càng thâm hụt, đi ngược lại mục tiêu cân bằng xuất nhập khẩu với Trung Quốc mà chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Mặt khác, nó còn đẩy hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt khi hàng Trung Quốc đang rất phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam, nay lại có giá cả rẻ hơn.

3.3.2.4. Nguy cơ bị Trung Quốc mượn đường xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Khi xuất khẩu trực tiếp hàng hóa từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ gặp trở ngại do chính sách thuế mạnh tay của Tổng thống Donald Trump, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách đưa hàng sang Hoa Kỳ thông qua một nước thứ ba. Mục đích của việc đi đường vòng như vậy là vì Trung Quốc muốn lợi dụng quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với nước thứ ba này để tranh tác động của thuế. Việt Nam có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ thông qua BTA lại có vị trí địa lý gần kề Trung Quốc nên rất có thể rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc để trở thành con đường thứ hai đưa hàng hóa sang Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể đưa hàng hóa vào Việt Nam, gia công thêm để có nhãn mác Việt Nam sau đó mới xuất bán sang Hoa Kỳ. Nếu điều này thạt sự xảy ra thì tổn thất Việt Nam phải gánh chịu là cực kỳ lớn.

Thảo luận về nguy cơ hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thông qua Việt Nam, GS- TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

(VEPR) có ý kiến: “Với cuộc chiến này việc mượn mác hàng Trung Quốc thành Việt Nam xuất đi Mỹ có thể có và nhiều hơn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không có lợi lộc gì ngoài 1 chút lời thu về từ dịch vụ và làm gia công cả. Việc này nếu bị lạm dụng, quy mô lớn thì Mỹ sẽ áp dụng biện pháp điều tra, ảnh hưởng nhất định đến ngành hàng xuất khẩu, cần cảnh báo”. [11]

Như vậy, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể nghi ngờ, thậm chí đã tính đến phương án đối phó nếu Việt Nam giúp Trung Quốc đem hàng Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Đến lúc đó, Hoa Kỳ sẽ mở ra các cuộc điều tra thương mại và kết luận Việt Nam đang có những hành vi gian lận, không công bằng. Kết quả là hàng hóa Việt Nam dần mất uy tín của không chỉ Hoa Kỳ mà nhiều thị trường khác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cả ngành và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tệ hại hơn, Hoa Kỳ có thể kiện, thậm chí là áp thuế trừng phạt rất nặng, gây tổn thất lớn cho những ngành sản xuất bị Trung Quốc mượn đường xuất khẩu.

3.3.2.5. Thách thức đối với lĩnh vực đầu tư

Để tránh tác động của thuế, tiết kiệm chi phí sản xuất, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc, của Mỹ hay của những quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc đang triển khai kế hoạch dịch chuyển nhà máy, cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Không ít tên tuổi lớn đã bày tỏ ý định chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam như Foxconn, GoerTek,.. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, không có nhiều doanh nghiệp xác nhận chắc chắn hoặc có hành động cụ thể về việc chuyển sản xuất sang Việt Nam. Điều này có thể do các nhà đầu tư không dễ dàng dịch chuyển dòng vốn hay các cơ sở sản xuất đang có tại Trung Quốc và cũng có thể họ đang lo ngại về thực trạng công nghệ lạc hậu hay lao động tại Việt Nam chưa có trình độ đủ đáp ứng yêu cầu. Để có được các dự án đầu tư chất lượng cao, Việt Nam phải có cơ sở hạ tầng tốt, lao động có trình độ và công nghệ đạt yêu cầu. Điều này là rất khó để cải thiện trong thời gian ngắn.

Các nhà đầu tư vẫn có thể dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam, nhưng trong ngắn hạn, đó sẽ chỉ là những dự án quy mô nhỏ, thậm chí là sử dụng công nghệ lạc hậu khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể được tiếp cận và được chuyển giao công nghệ tiên tiến. Điều này vừa làm trình độ sử dụng, điều hành các dây chuyền hiện đại của người lao động trong các doanh nghiệp Việt không có cơ hội cải thiện, vừa rất dễ gây ra ô nhiễm môi trường nếu việc xả thải không được quản lý chặt chẽ. Đồng thời, việc nhập

khẩu nhiều máy móc về Việt Nam trong ngắn hạn phục vụ việc vận hành các nhà máy này cũng sẽ dẫn đến tình trạng nhập siêu. Hơn thế nữa, nguồn vốn đầu tư và các dự án nước ngoài vào Việt Nam dù mang lại công ăn việc làm cho người lao động nhưng cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh lớn để thu hút lao động. Thực tế trước đây cho thấy khi các nhà đầu tư rót vốn vào thị trường Việt, họ có thể trả lương cho công nhân cao hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam, khiến người lao động dời bỏ doanh nghiệp Việt, gây gián đoạn hoạt động sản xuất.

Tóm tắt chương 3

Tóm lại, ở thời điểm hiện tại, khi Việt Nam có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và Trung Quốc trên cả hai lĩnh vực thương mại và đầu tư, chiến tranh thương mại mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cả những cơ hội và thách thức. Dù hoạt động ở nhiều lĩnh vực và quy mô khác nhau song các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có chung những điểm mạnh, điểm yếu như nhau. Vì thế, cơ hội và thách thức do chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đem tới cũng có điểm tương đồng. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, có được nguồn nguyên liệu giá rẻ, gặp thời cơ thúc đẩy cải cách kinh tế để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, những thách thức gặp phải cũng rất khó khăn. Đó là khả năng hàng Việt Nam xuất sang Mỹ chịu sự cạnh tranh bị áp thuế cao, nguy cơ Trung Quốc mượn đường Việt Nam để tránh thuế, hàng Trung Quốc giá rẻ tràn sang cạnh tranh với hàng nội địa và rủi ro Việt Nam trở thành nơi chuyển giao công nghệ lạc hậu, ô nhiễm qua các dự án đầu tư kém chất lượng.

CHƯƠNG 4

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, cơ hội và trách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)