CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI HOA KỲ -
2.2. Các biện pháp hoa kỳ và trung quốc đã thực hiện trong chiến tranh thương mại
2.2.1. Các biện pháp Hoa Kỳ thực hiện với Trung Quốc 2.2.1.1. Đánh thuế lên hàng Trung Quốc nhập khẩu
Lượng hàng hóa Hoa Kỳ nhập vào từ Trung Quốc chỉ xếp sau hàng hóa nhập từ Canada và Mexico. Vì thế, thuế nhập khẩu là biện pháp chính và đầu tiên mà Hoa Kỳ áp dụng để tạo sức ép về phía Trung Quốc. Tổng thống Trump và cộng sự đã tính toán các mức thuế để áp dụng với hàng Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Ban đầu là gói thuế 50 tỷ USD (với hai đợt 16 và 34 tỷ USD), sau đó là gói thuế áp lên lượng hàng Trung Quốc lên tới 200 tỷ USD. Thậm chí, ông Trump còn đe dọa đánh thuế đối với 267 tỷ USD và áp vào mọi loại hàng hóa Hoa Kỳ mua của Trung Quốc. Ông coi đây là biện pháp tác động mạnh nhất tới Trung Quốc. Thuế quan khiến các nhà nhập khẩu buộc phải tính thuế vào giá hàng hóa để đảm bảo lợi nhuận, khiến giá hàng hóa đội lên đáng kể so với lúc chưa bị đánh thuế, trở nên kém hấp dẫn hơn hàng nội địa và bị khách hàng quay lưng. Áp lực khổng lồ mà thuế nhập khẩu liên tiếp tạo ra buộc Trung Quốc phải mua thêm nhiều hàng hóa của Mỹ nếu không muốn căng thẳng leo thang.
2.2.1.2. Khiếu nại lên WTO về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Trong nửa cuối năm 2018, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã tiến hành điều tra về các chính sách, điều luật để làm rõ việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, áp đặt các điều khoản bất lợi, buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ.
Sau khi kết quả được công bố, USTR đã gửi lên WTO yêu cầu tham vấn với các hành động của Trung Quốc. Sử dụng biện pháp này, Hoa Kỳ đã sử dụng đến luật pháp để trừng trị hành vi vi phạm luật pháp, buộc Trung Quốc không thể lảng tránh và tiếp diễn vi phạm bản quyền. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ nhờ đến tiếng nói của WTO để tố cáo hành vi của Trung Quốc. Năm 2009, nước này cũng từng đệ đơn lên WTO để kiện Trung Quốc với lý do tương tự. Tới nay, khi chiến tranh thương mại chính thức diễn ra, biện pháp này lại một lần nữa được Hoa Kỳ áp dụng để buộc Trung Quốc nhượng bộ.
2.2.1.3. Hạn chế đầu tư của Trung Quốc
Bên cạnh việc báo cáo hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ lên WTO, Hoa Kỳ cũng đã đề ra các quy định để dễ dàng thắt chặt
kiểm soát hành vi đầu tư của Trung Quốc. Cụ thể, Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp hạn chế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Saleha Mohsin và Jenny Leonard (2018) có bài viết trên Bloomberg cho biết ở thời điểm tháng 6/2018, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đang lên kế hoạch tăng cường kiểm tra các khoản vốn mà Trung Quốc rót vào các ngành công nghiệp nhạy cảm của Hoa Kỳ theo luật khẩn cấp, đưa cuộc chiến thương mại của Washington với Bắc Kinh vào một giai đoạn không thể đảo ngược. Theo kế hoạch, Nhà Trắng sẽ sử dụng một trong những công cụ pháp lý quan trọng nhất để công bố đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Hoa Kỳ liên quan đến các phương tiện sử dụng nhiên liệu mới, rô bốt và hàng không vũ trụ - một mối đe dọa đến kinh tế và an ninh quốc gia. [17]
Công nghệ cao là ngành sản xuất thế mạnh của Hoa Kỳ và cũng là lĩnh vực Hoa Kỳ cho là nhạy cảm và ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia. Bởi thế, trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã ra sức bảo vệ ngành này, nhất là khi Trung Quốc có nhiều hành động mang tính xâm phạm đến nó. Khi đã nhiều lần cảnh báo và kiện tụng nhưng thực trạng này vẫn tiếp diễn, Hoa Kỳ buộc phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn khả năng gian lận của Trung Quốc ngay từ đầu. Không thể phủ nhận rằng khi nhận đầu tư từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tiếp cận nguông vốn cũng như người lao động sẽ có thêm nhiều công ăn việc làm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ rõ ràng đã tính đến những ảnh hưởng dài hạn. Hoa Kỳ thà chấp nhận hy sinh những khoản đầu tư từ các quốc gia khác, nhất là từ Trung Quốc chảy vào, còn hơn là nhận đầu tư để rồi bị nước này lợi dụng các ý tưởng, sự sáng tạo công nghệ quan trọng do người Mỹ phát minh ra. Nói cách khác, Trung Quốc chỉ mất một khoản để đầu tư theo kiểu liên doanh, mua bán sáp nhập với các doanh nghiệp Hoa Kỳ rồi buộc họ chuyển giao công nghệ là đã có được những công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ mà họ chưa đủ năng lực tự làm ra. Và Hoa Kỳ đã dùng cách cắt giảm dòng vốn vào từ Trung Quốc để ngăn chặn từ đầu kế hoạch này.
Công nghệ là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ quyết định tiến đến chiến tranh thương mại. Bởi thế ngăn đầu tư Trung Quốc để bảo vệ tài sản công nghệ, tài sản trí tuệ và an ninh quốc gia là một biện pháp Hoa Kỳ đem ra đối đầu với Trung Quốc.
Đây là biện pháp giúp Hoa Kỳ gây áp lực đáng kể về phía Trung Quốc vì nó đã gây trở ngại cho việc thực hiện tham vọng trở thành quốc gia đầu ngành công nghệ của Trung Quốc.
2.2.1.4. Lôi kéo đồng minh
Mặc dù là siêu cường quốc hùng mạnh nhất thế giới hiện nay, Hoa Kỳ vẫn tìm kiếm cho mình lực lượng đồng minh để củng cố sức mạnh trong cuộc đối đầu về thương mại với Trung Quốc. Trước hết, đó là hai người hàng xóm vùng Bắc Mỹ. Sau khi chỉ trích NAFTA cướp đi cơ hội việc làm của người dân Mỹ, tổng thống Donald Trump ngỏ ý đàm phán lại hiệp định này với hàng loạt các điều khoản sửa đổi mà ông cho rằng sẽ công bằng hơn với Hoa Kỳ. Cuối cùng, sau nhiều vòng đàm phán gian nan cùng nhiều nhượng bộ đến từ Mexico và Canada, ngày 30/11/2018, ba nước đã cho ra đời USMCA xây dựng trên nền móng của NAFTA. Đặc biệt USMCA đặt ra ranh giới rõ ràng về việc các thành viên không được ký hiệp định với các nước hoạt động với nền kinh tế phi thi trường. Quốc gia nào bước qua ranh giới đó sẽ phải rút khỏi USMCA và hai nước còn lại sẽ có quan hệ song phương.
Hoa Kỳ còn cố gắng đàm phán các thỏa thuận với Nhật Bản và EU. Theo David Lawder và Karen Freikerd (2018) đưa tin trên Reuter, Mỹ đang trong bước đầu đàm phán với Nhật Bản và EU để giảm thuế và các hàng rào pháp lý và nỗ lực giảm khoản thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đối với ô tô và các hàng hóa khác. Nếu EU và Nhật Bản ký với Mỹ các điều khoản tương tự thỏa thuận mới giữa Mỹ - Mexico – Canada (USMCA), đó sẽ là dấu hiệu cho thấy họ ủng hộ Washington trong việc cố gắng gây sức ép lên Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong việc thay đổi các chính sách kinh tế chính yếu [20].
Không những thế, tháng 9/2018, Mỹ cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ -Hàn Quốc sửa đổi (KORUS). Điều đó nghĩa là nước này lại có thêm một đồng minh và cuộc thương chiến với Trung Quốc lại có thêm một nước về phe Hoa Kỳ.
2.2.2. Các biện pháp Trung Quốc thực hiện với Hoa Kỳ 2.2.2.1. Áp thuế trả đũa lên hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ
Đáp trả mức thuế nhập khẩu hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, Trung Quốc đã đánh thuế trả đũa với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, mạnh nhất là nông sản. Có thể nói thuế quan không phải là vũ khí lợi hại nhất của Trung Quốc trong cuộc thương chiến này bởi lượng hàng Trung Quốc mua của Hoa Kỳ ít hơn nhiều so với Hoa Kỳ nhập từ Trung Quốc và Hoa Kỳ đe dọa sẽ tăng thuế cao hơn với danh sách nhiều hơn các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Nếu như vậy, giá hàng hóa trong nước tăng cao,
nhất là nông sản, nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi và Trung Quốc cũng chịu thiệt hại từ thuế nhập khẩu. Đó là chưa kể ông Trump là một người khá ưa thích các đòn thuế và việc Trung Quốc đáp trả băng thuế có khả năng sẽ khiến chính quyền ông Trump có những đòn thuế cứng rắn hơn. Do vậy, thuế nhập khẩu vẫn được đem ra sử dụng nhưng hiệu quả của nó sẽ không bằng những phương pháp khác.
2.2.2.2. Khiếu nại lên WTO về chính sách thuế của Hoa Kỳ
Từ khi chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc nổ ra cho đến nay, Trung Quốc đã hai lần tìm đến WTO để đòi hỏi sự công bằng. Lần thứ nhất, đó là sau khi Mỹ áp dụng mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm để cáo buộc Mỹ đã có hành vi bảo hộ thương mại nội địa. Lần tiếp theo là khi Mỹ áp 25% thuế nhập khẩu bổ sung lên gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Trung Quốc hiểu rằng Hoa Kỳ có vai trò rất lớn trong WTO song nước này vẫn đem vụ việc Hoa Kỳ áp thuế lên hàng nhập khẩu lên WTO để khiếu kiện vì WTO có chức năng giải quyết tranh chấp cho các nước thành viên và Trung Quốc cho rằng WTO cần phải giải quyết hành động áp thuế của Hoa Kỳ - hành động thể hiện sự phân biệt với Trung Quốc, đi ngược lại xu thế thương mại tự do chung của thế giới.
2.2.2.3. Biện pháp hành chính
Nếu thuế nhập khẩu không đem lại hiệu quả thực sự trong việc tạo ra sức ép với Mỹ, kiện tụng lên WTO xem ra cũng không khả thi hơn do Mỹ có vai trò rất lớn trong tổ chức này, Trung Quốc còn có trong tay hàng loạt các biện pháp hành chính khiến các doanh nghiệp Mỹ thật khó để vận hành và sản xuất một cách trơn tru. Trung Quốc vốn nổi tiếng là thị trường khó tiếp cận bởi việc tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng khi các công ty nội địa được ưu ái, trong khi doanh nghiệp nước ngoài lại vướng phải rào cản thủ tục khá lớn. Các nhà cầm quyền tại Trung Quốc có thể đề ra yêu cầu cao để được cấp phép hoạt động, liên tiếp mở các cuộc điều tra về an toàn sử dụng, an toàn y tế, an toàn lao động và sức khỏe người tiêu dùng, chậm làm thủ tục hải quan nhập khẩu,…Bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động tại Trung Quốc sẽ phải chịu tổn thất về tiền bạc, thời gian khi gặp những trở ngại này. Đặc biêt, với phong cách làm việc rõ ràng và ưa sự nhanh nhẹn, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể e ngại nhiều hơn.
2.2.2.4. Lôi kéo đồng minh
Trung Quốc hoàn toàn không khoanh tay đứng nhìn và tự đưa mình vào thế bị cô lập khi Hoa Kỳ ra sức kêu gọi các đồng minh. Catherine Wong (2018) có bài viết trên South Morning Post đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Canada kêu gọi Ottawa hợp tác với Trung Quốc trong việc thúc đẩy hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Canada. Hành động của Bắc Kinh chỉ diễn ra vài ngày sau kết quả đàm phán USMCA [28]. Qua đây, có thể thấy Trung Quốc cũng nhận ra Canada và Mexico đã phải nhượng bộ nhiều khi đàm phán lại NAFTA với Hoa Kỳ. Trung Quốc muốn lợi dụng điểm này để kéo người láng giềng của Hoa Kỳ về chiến tuyến của mình để có thêm sự ủng hộ.
Trung Quốc cũng bày tỏ ý muốn hợp tác với Nhật Bản khi ông Tập Cận Bình gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe. Ngoài ra, nước này cũng có thể hợp tác với Brazil để chủ động tìm nguồn cung đậu nành, giảm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước và có thể mạnh tay hơn trong các đòn thuế đáp trả lại Hoa Kỳ.
2.2.2.5. Hạn chế lượng khách du lịch và du học sinh sang Mỹ
Các thương hiệu Nhật Bản từng phải đối mặt với sự suy giảm tới 32% doanh số bán ra sau 12 tháng do bị người Trung tẩy chay để phản ứng với sự việc tranh chấp đảo Senkaku (Điếu Ngư) giai đoạn 2012 – 2013. Năm 2017, các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hóa Hàn Quốc nhất là Lotte cũng phải chịu những tác động tương tự khi Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn sau sự kiện Hàn chấp nhận thiết đặt hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, chiêu tẩy chay hàng hóa vẫn chưa được nước này sử dụng chính thức và trên diện rộng trong cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.
Stephen Vines (2018) có bài viết trên South Morning Post chỉ ra rằng nếu việc tẩy chay các thương hiệu Hoa Kỳ thực sự được tiến hành, nó sẽ chủ yếu tác động đến các tập đoàn Trung Quốc đang điều hành các công ty nhượng quyền của Hoa Kỳ hoặc liên doanh với các công ty Hoa Kỳ. Chẳng hạn như McDonald’s, một thương hiệu thành công thấy rõ nhất ở Trung Quốc được hợp tác hoạt động trên đại lục cùng tập đoàn Evergrande, KFC được điều hành bởi Yum China Holdings. Và Starbucks hãng đã phải chịu sự sụt giảm doanh số mà không liên quan tới tẩy chay nào, gần đây đã thành lập liên kết với tập đoàn Alibaba để tạo điều kiện cho dịch vụ giao hàng [27]. Vì thế, tẩy
chay các đối tượng rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các công ty của Hoa Kỳ, song nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty của Trung.
Khi việc mạnh dạn tẩy chay các hàng hóa do Hoa Kỳ sản xuất không khả thi, thương mại dịch vụ cũng có thể trở thành lĩnh vực Trung Quốc gia tăng sức ép lên Hoa Kỳ. Theo David J. Lynch (2018), sự suy giảm bước đầu và có thể thấy trong các phê duyệt visa và đặt vé máy bay - không phải là kết quả của hành động chính thức từ phía Bắc Kinh. Nhưng nó cho thấy một vũ khí mạnh mẽ mà Trung Quốc có thể sử dụng nếu chiến tranh thương mại còn tiếp diễn: cắt giảm 60 tỷ USD mà người dân Trung Quốc tiêu vào các dịch vụ du lịch tại Hoa Kỳ hàng năm. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, số người Trung Quốc nhận visas đi công tác, du lịch hay học tập tại từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2018 đã giảm 102.000 người, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Số công dân Trung Quốc thực sự tới Hoa Kỳ giảm 4% trong tháng 4/2018. Số lượng đặt vé máy bay từ Trung Quốc tới các điểm đến tại Hoa Kỳ giảm tới 42% vào tuần đầu tiên tháng 10/2018 dù thời gian này người Trung Quốc đang nghỉ Quốc khánh và thường đi du lịch. [22]
Như vậy, bên cạnh chính phủ Trung Quốc với chính sách thuế và phi thuế quan, 1,4 tỷ dân Trung Quốc cũng cho thấy sự đáng gờm của sức mạnh tập thể mà họ tạo nên khi đang dần rời xa các dịch vụ của Mỹ. Nếu hành động này tiếp diễn lâu dài, cục diện về cán cân thương mại dịch vụ có thể thay đổi. Trung Quốc muốn họ sẽ thặng dư trong dịch vụ và buộc Mỹ nhượng bộ trong việc tính toán và thi hành chính sách thuế.