CHƯƠNG 3: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
3.1. Điểm mạnh, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam
Về số lượng doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam hiện nay, Hà My (2019) dẫn số liệu từ Hội nghị Tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục thuế cho biết: “Trong năm 2018, cả nước có 131.807 doanh nghiệp thành lập mới - mức cao nhất từ trước đến nay; có 76.581 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh; 26.649 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 18.071 doanh nghiệp khôi phục kinh doanh. Như vậy, đến thời điểm cuối năm, toàn quốc có 700.647 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 65.076 doanh nghiệp so với thời điểm 31-12-2017” [5]. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, số lượng doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ là đa số. Mặc dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, song các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có những điểm mạnh và điểm yếu chung như sau:
3.1.1. Điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam
3.1.1.1. Hoạt động trong môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ổn định
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất 11 năm qua. Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 và kim ngạch hàng hoá nhập khẩu năm 2018 ước tính đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Đối với đầu tư, Tổng cục thống kê cho hay: tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2018 đạt 25.572,9 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. [8]
Rõ ràng, sự tăng trưởng đều của nền kinh tế cũng như sự ổn định trong chính trị, xã hội của Việt Nam là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt. Họ sẽ có nhiều cơ hội để dễ dàng phát triển, nâng cao sản xuất hơn so với hoạt động ở nhiều thị trường bất ổn khác. Bên cạnh đó, sự ổn định trong kinh tế, chính trị còn khiến các doanh nghiệp Việt Nam trở nên cuốn hút các dòng vốn nước ngoài bởi các chủ vốn đầu tư thường chỉ quyết định rót vốn vào những thị trường có tính ổn định cao.
3.1.1.2. Nhanh nhẹn, sáng tạo, dám tham gia các lĩnh vực mới
Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng năng động, nỗ lực phát triển và tích cực chuẩn bị hành trang để hội nhập. Việt Nam có chưa đến một triệu doanh nghiệp, tuổi đời, kinh nghiệm các doanh nghiệp có thể chưa bằng các doanh nghiệp tại các quốc gia khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp Việt thiếu khát vọng phát triển. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đưa tên tuổi của mình gia nhập vào hàng ngũ những doanh nghiệp tốt nhất của khu vực. Đó là Vinamilk luôn cố gắng mang giọt sữa Việt ra nước ngoài, mạnh dạn đầu tư sang New Zealand, sang Mỹ; đó là Tân Hiệp Phát luôn sáng tạo không chỉ các sản phẩm giải khát mới mà cả quy trình mua hàng và giao nhận; đó là FPT chăm chỉ nuôi dưỡng nhân lực chất lượng cao, khuyến khích sáng tạo để cho ra đời các sản phẩm công nghệ bắt kịp cách mạng 4.0,… Đó là chưa kể hàng năm, Việt Nam có nhiều công ty Start Up do những người trẻ, năng động, có đầu óc tư duy thành lập.
Sự thành công và các bước tiến của các doanh nghiệp này đã cho thấy điểm cộng rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhanh nhạy, sáng tạo, cố gắng vương lên sẽ là điều cần thiết để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển, nhất là khi chiến tranh thương mại đem đến rất nhiều biến động đối với nền kinh tế.
3.1.1.3. Sở hữu các doanh nhân trẻ, được học tập, tiếp thu kinh nghiệm từ nước ngoài Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay là một thế hệ được đào tạo bài bản tốt hơn so với trước kia rất nhiều. Đặc biệt, số lượng doanh nhân và sinh viên đi tu nghiệp, học tập tại nước ngoài cũng rất cao. Các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến việc đưa nhân viên ra nước ngoài đào tạo nhiều hơn. Việc đề cao nhân tố con người, bồi dưỡng và phát triển tài năng ngày càng được quan tâm. Họ trang bị cho nhân viên không chỉ kiến thức chuyên môn liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp nhân viên phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng đàm phán, làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch,… Nhờ đó, đội ngũ những người trẻ, có kiến thức, có chuyên môn và kỹ năng ngày càng nhiều. Với tầm nhìn rộng hơn và những kinh nghiệm quý báu có được từ việc rèn luyện ở các môi trường tiến bộ, khi làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam, họ sẽ là những nhân tố dần dần làm thay đổi doanh nghiệp Việt Nam theo hướng tích cực, thể hiện cho bạn bè thế giới thấy trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam.
3.1.2. Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam 3.1.2.1. Năng suất lao động thấp
Con người là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thế hệ trẻ hiện nay càng ngày càng năng động, sáng tạo và dám nghĩ dám làm. Nhưng với lực lượng lao động phổ thông, năng suất lao động lại đang thua xa các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Năm 2017, người Việt cùng lúc thấy tự hào khi 4 cái tên của Việt Nam xuất hiện trong “30 Under 30 Asia 2017” do tạp chí Forbes bình chọn, song cũng xấu hổ khi Tổng cục Thống kê cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5%
của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philipines và bằng 87,4% của Lào [9].
Như vậy, phải hơn 14 người Việt lao động mới bằng năng suất của 1 người Singapore, gần 6 người Việt lao động mới bằng năng suất 1 người Malaysia, gần 3 người Việt lao động mới bằng 1 người Thái làm. Doanh nghiệp Việt có đội ngũ lao động với năng suất không chỉ kém lao đông của các nước trên thế giới mà còn kém xa các nước ngay trong khu vực.
3.1.2.2. Công nghệ lạc hậu
Rất nhiều sản phẩm trong các loại hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu đi các nước là các sản phẩm nông - lâm - thủy sản tươi, thô, các sản phẩm gia công, các loại linh kiện máy móc,… Đây đều là những mặt hàng có hàm lượng sức lao động con người cao, không sử dụng công nghệ kỹ thuật đạt tiêu chuẩn nên không tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Chẳng hạn, khi xuất khẩu hoa quả, nhất là xuất sang Trung Quốc, người nông dân Việt chỉ đơn giản là thu hoạch, chất hàng lên xe và đem bán theo giá thương lượng. Điều đó dẫn đến thực trạng, dù khối lượng nông sản xuất bán hàng năm vẫn cao nhưng lợi nhuận của người làm nông nghiệp thu về lại không đáng bao nhiêu. Trong khi đó, cùng số lượng nông sản đó, cùng chất lượng đó, nếu doanh nghiệp mua hàng từ người trồng, đem vào những dây chuyền công nghệ để khử trùng, làm bao gói, nhãn mác hay chế biến thành các loại quả khô thì giá trị tăng thêm rất nhiều và thu nhập cũng cao hơn.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về hàng nông sản. Thực tế, công nghệ lạc hậu trong các ngành nghề khác cũng làm mất điểm của doanh nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, chủ
yếu vẫn duy trì những cơ sở sản xuất cũ, đơn sơ, nhiều khi làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính.
3.1.2.3. Khả năng cạnh tranh chưa cao
Doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh về khả năng cạnh tranh. Hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam làm ra chưa được đa dạng hay khác biệt hóa như các sản phẩm ở thị trường nước ngoài, chất lượng khó đáp ứng được các yêu cầu ở nhiều thị trường trên thế giới. Gần đây, doanh nghiệp Việt nam cũng đã nỗ lực sáng tạo để trình làng nhiều sản phẩm mới, do người Việt làm ra như điện thoại Bphone, ô tô Vin Fast, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp dược liệu Thái Dương,… nhưng chưa nhiều. Có những doanh nghiệp với những sản phẩm nổi trội thì lại bị các đại gia nước ngoài thâu tóm, điển hình như Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sài Gòn Sabeco) hay Công ty Nhựa Bình Minh. Các doanh nghiệp Việt Nam đôi khi nhầm tưởng chỉ cần giảm giá là có thể thu về tính cạnh tranh. Tuy nhiên, với mức thu nhập càng ngày càng tăng lên, người mua hàng dễ đánh đồng giá cả với chất lượng và nếu chỉ chú trọng về giá, doanh nghiệp dễ để mất khách hàng. Sức cạnh tranh trong khâu tiêu thụ cũng chưa thực sự tốt.
Điều đó làm cho hàng hóa Việt rất khó khăn trong việc tiếp cận thị trường khu vực và thế giới. Đặc biệt, những năm trở lại đây, các FTA được ký kết và thuế nhập khẩu 0%
đã khiến chủ đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam, mang hàng hóa và hệ thống bán hàng của họ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Người tiêu dùng Việt sẽ ưa chuộng và biết đến các sản phẩm của nước ngoài nhiều hơn do doanh nghiệp nước ngoài vừa có lợi thế về vốn, vừa có kinh nghiệm quản lý, sản xuất, phân phối,… Việc này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam dễ thua trong cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà.