CHƯƠNG 2: TRUNG QUỐC THỜI CẬN ĐẠI
2.2. Cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840 – 1842)
Đã từ lâu, giữa Trung Quốc và các nước phương Tây đã có quan hệ buôn bán bằng đường bộ và đường biển. Đầu tiên là người Bồ Đào Nha, sau đó là người Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Mĩ, Nga… lần lượt có mặt ở Trung Quốc. Do sự phát triển nhanh chóng của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, các nước thực dân phương Tây ra sức chiếm đoạt thị trường thế giới. Ở châu Á, các nước Ấn Độ, Indonesia, Mã Lai, Miến Điện từng bước bị các nước đế quốc tranh giành thôn tính. Trong tình hình đó, Trung Quốc trở thành miếng mồi ngon để bọn đế quốc phân chia. Đầu thế kỷ XIX, các nước Anh, Pháp, Mĩ đã thể hiện ý đồ muốn thôn tính Trung Quốc. Trong đó, Anh là kẻ hiếu chiến nhất, vì lúc này Anh đang trong quá trình hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp, đòi hỏi phải mở rộng thị trường để tiêu thụ hàng hóa và cung cấp nguồn nguyên liệu. Mặt khác, lúc này về cơ bản thực dân Anh đã hoàn thành việc xâm lược Ấn Độ và việc mở rộng lãnh thổ chiếm đóng là điều cần thiết.
Về phía triều đình Mãn Thanh, trước áp lực của các nước phương Tây, cuối thế kỷ XVII, nhà Thanh cho mở 4 cửa biển cho các nước vào thông thương là: Quảng Châu, Ninh Ba, Định Hải và Hạ Môn. Tuy nhiên, chính phủ Mãn Thanh vẫn tìm cách hạn chế số lượng hàng hóa ra vào Trung Quốc, đánh thuế quan rất nặng. Tư bản phương Tây không thỏa mãn với cách buôn bán ấy nên nhiều lần cử đại diện đến Bắc Kinh xin mở rộng việc buôn bán nhưng đều bị từ chối. Năm 1757, chính phủ Mãn Thanh thấy rằng, việc thương nhân ngoại quốc ra vào buôn bán tự do là điều nguy hiểm, có thể uy hiếp nền thống trị của họ, nên ra lệnh đóng 3 cửa biển đã mở là Định Hải, Ninh Ba, Hạ Môn và chỉ cho phép người nước ngoài buôn bán ở cửa Quảng Châu. Như vậy, phạm vi buôn bán bị thu hẹp. Thêm vào đó thương nhân phương Tây còn gặp khó khăn vì triều đình lập ra một cơ quan gọi là Dương hàng và người nước ngoài muốn buôn bán thì chỉ được giao dịch với Dương hàng chứ không được giao dịch trực tiếp với nhân dân.
Trước chính sách “đóng cửa” của triều đình Mãn Thanh, các nước tư bản phương Tây, nhất là Anh không chịu bó tay, chúng tìm mọi cách để chống lại. Để bù vào chỗ hao hụt trong cán cân buôn bán không có lợi cho Anh, thực dân Anh tìm đến một món hàng bán chạy và lãi cao. Đó là thuốc phiện.
Việc buôn bán thuốc phiện của Anh vào Trung Quốc tăng rất nhanh vì lợi nhuận của món hàng này rất lớn, thường giá bán gấp 10 lần giá mua. Mặt khác, bọn quan lại Mãn Thanh tham tiền đút lót cũng tiếp tay cho tư bản nước ngoài đưa thuốc phiện vào Trung Quốc.
26
Ban đầu, khi thuốc phiện mới vào Trung Quốc thì chỉ có bọn quan lại và bọn ăn chơi hút.
Nhưng sau đó số người hút càng đông, cả đàn ông lẫn đàn bà. Tác hại của nó ngày càng rộng lớn, phá hoại nền kinh tế Trung Quốc, làm cho đồng bạc trắng chạy ra ngoài rất nhiều. Bạc trắng càng có giá trị và chính quyền Mãn Thanh cũng như bọn địa chủ đều thu tô thuế bằng bạc trắng, làm người nông dân điêu đứng.
Nạn thuốc phiện tràn vào đã phá hoại xã hội Trung Quốc một cách nghiêm trọng. Quan lại Mãn Thanh thì tham ô, hà hiếp nhân dân, tiếp tay cho bọn buôn bán thuốc phiện còn quân đội thì hút sách, nhũng nhiễu nhân dân mạnh hơn, không còn sức chiến đấu. Những mâu thuẫn sẵn có trong xã hội càng trở nên gay gắt. Nhân dân Trung Quốc muốn kiên quyết chống tệ nạn thuốc phiện đang hủy hoại cuộc sống của họ. Trước tình hình đó, vì quyền lợi khác nhau, trong triều đình Mãn Thanh chia làm 3 phái:
- Phái thỏa hiệp hay là phái giữa, chủ trương chỉ cấm quan lại hút chứ không cấm nhân dân.
- Phái đầu hàng gồm quan lại quý tộc Mãn Thanh nắm hầu hết quyền bính trong tay. Bọn này được nhiều quyền lợi do thương nhân Anh hối lộ và do buôn bán thuốc phiện đem lại, chủ trương mở cửa, tự do buôn bán và hút thuốc phiện.
- Phái kiên quyết do Lâm Tắc Từ đứng đầu, đại diện cho những phần tử phong kiến có ý thức dân tộc, chủ trương cấm thuốc phiện. Đồng thời họ phát động phong trào đấu tranh chống sự xâm nhập của nước ngoài, bảo vệ độc lập và tự chủ.
Phong trào đấu tranh đòi cấm thuốc phiện của nhân dân đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính quyền Mãn Thanh. Phái kiên quyết của Lâm Tắc Từ giành được ưu thế. Ngày 31/12/1838, Vua Đạo Quang cử Lâm Tắc Tử làm Khâm sai đại thần tại Quảng Châu để thực hiện việc cấm thuốc phiện một cách triệt để. Mùa xuân năm 1839, Lâm Tắc Từ đến Quảng Châu tổ chức ngăn chặn nạn thuốc phiện. Dựa vào lực lượng quần chúng nhân dân, ông buộc thương nhân Anh nộp toàn bộ số thuốc phiện còn lại và cam kết không được chở thuốc phiện đến bán, nếu trái lệnh sẽ bị nghiêm trị.
Để tạo sức mạnh cho mình và đề phòng bọn đế quốc gây chiến, Lâm Tắc Từ củng cố lực lượng quân sự, tăng cường phòng ngự ở các cửa biển, khuyến khích nhân dân ven biển tổ chức lực lượng dân binh.
Trước thái độ kiên quyết của phái Lâm Tắc Từ và sức mạnh của quần chúng nhân dân, thương nhân Anh buộc phải đem nộp hơn 2 vạn hòm thuốc phiện và số thuốc phiện trên bị thiêu hủy trong suốt 20 ngày đêm.
Không chịu để mất nguồn lợi béo bở này, thực dân Anh quyết đối phó lại và lấy vấn đề thuốc phiện làm cái cớ để gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc.
2.2.2. Chiến tranh bùng nổ (1840 – 1842 )
Mất thị trường Trung Quốc là một tổn thất lớn với giai cấp tư sản Anh nên chúng thấy cần phải mở cửa Trung Quốc bằng vũ lực.
Sau khi nhận được những báo cáo từ Trung Quốc, tháng 4/1840, Quốc hội Anh thông qua ngân sách, tổ chức một đội quân xâm lược sang Trung Quốc do Charles Elliot cầm đầu.
Tháng 6/1840, đội quan viễn chinh phương Đông của Anh gồm 15 ngàn người và hơn 40 tàu chiến đến Quảng Châu. Cuộc chiến đấu xảy ra trên cửa sông Châu Giang rất ác liệt. Elliot và
27
đội quân viễn chinh không thu được thắng lợi. Quân Anh chuyển lên Phúc Kiến, đánh chiếm Hạ Môn. Nhưng ở đây chúng cũng gặp phải một lực lượng quân Trung Quốc mạnh do tổng đốc Đặng Đình Trinh chống lại, nên chúng phải chuyển lên Triết Giang. Tháng 7/1840, quân Anh đánh chiếm Định Hải, tàn phá và cướp bóc thị trấn này.
Sự phân bố lực lượng của Mãn Thanh càng lên phía Bắc càng yếu, nguyên nhân vì toàn bộ quyền bính nằm trong tay phái đầu hàng quý tộc người Mãn.
Tháng 8/1840, quân Anh hành quân lên vùng Trực Lệ, uy hiếp cửa sông Bắc Hà, Thiên Tân. Tổng đốc Trực Lệ là Xixan thuộc phái đầu hàng, sau khi nhận được thư của bọn thực dân Anh dọa nạt, yêu cầu thông thương, liền tâu lên vua Đạo Quang xin cầu hòa.
Triều đình Mãn Thanh hết sức run sợ, vội vàng cử Xixan đến Quảng Châu thay Lâm Tắc Từ. Khâm sai đại thần Xixan đến Quảng Châu sai phá bỏ tất cả công sự phòng thủ, giảm bớt binh thuyền, giải tán lực lượng dân binh. Bằng hành động trên, Xixan hy vọng Anh sẽ bằng lòng thương lượng. Nhưng thực dân Anh đã lấn tới khi biết triều đình Mãn Thanh nhu nhược.
Chúng đánh úp Hổ Môn (tháng 2/1841), sau đó tấn công Quảng Châu (tháng 5/1841) và ép nhà Thanh phải ký điều ước Xuyên Ty nhận bồi thường và chuộc tiền để Anh rút quân.
2.2.3. Cuộc đấu tranh của nhân dân Tam Nguyên Lý (Bình Anh Đoàn)
Nếu như quan quân triều đình cúi đầu nhượng bộ đầu hàng giặc thì nhân dân Trung Quốc, chủ yếu là nông dân đã chọn con đường kiên quyết đấu tranh không chịu khuất phục.
Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh của nhân dân ở vùng Tam Nguyên Lý.
Ngày 29/5/1841, sau một thời gian tấn công vào Quảng Châu, Anh thấy bọn thống trị phong kiến nhà Thanh đầu hàng thảm hại nên coi thường cuộc phản kháng của nhân dân Trung Quốc, cho lính đi ngang nhiên cướp bóc, hãm hiếp khắp nơi. Lính Anh đến ăn cướp vùng Tam Nguyên Lý bị nhân dân giết chết hơn 10 tên và bắt sống 12 tên.
Ngày 30/5/1841, cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Châu bước vào một giai đoạn mới, quy mô cuộc đấu tranh được mở rộng. Xung quanh Tam Nguyên Lý có 103 thôn. Nhân dân ở đây lấy cờ thờ ở miếu ra để tụ tập nghĩa dũng chống lại bọn Anh. Trong ngày hôm đó, 5 ngàn quân nghĩa dũng đến pháo đài của Anh khiêu chiến. Hơn 1 ngàn quân Anh kéo ra đánh, quân nghĩa dũng rút về vùng gần Tam Nguyên Lý. Nhân dân trong 103 thôn đã vác cuốc, xẻng, búa đến bao vây chặt lấy quân Anh. Nhân lúc trời mưa to, quân nghĩa dũng cắt quân Anh ra làm mấy tốp để đánh. Chiến đấu giáp lá cà, súng ướt, đường lầy và trơn, lính Anh không làm gì được, bí thế định rút lui, nhưng vòng vây chặt như lưới thép, bọn chúng không tài nào tháo chạy được. Tên Elliot đem quân đến giải thoát, cũng bị bao vây nốt. Tin này làm nhân dân cả vùng Tam Nguyên Lý nức lòng. Họ tập hợp dưới cờ chiến thắng càng đông và chiến đấu rất anh dũng. Nhân đà thắng lợi, ngày 31/5/1841, nhân dân lại tấn công địch, giết chết 2 tên sỹ quan và 200 lính.
Biết không có cách gì thoát nổi, cuối cùng Elliot phải nhờ bọn quân nhà Thanh đóng ở Quảng Châu cứu viện. Tên tri phủ Dư Bảo Thuần đến vùng Tam Nguyên Lý dọa nạt các phần tử phong kiến lãnh đạo và nghĩa quân. Những thân sĩ lãnh đạo cuộc đấu tranh này sợ phải gánh vác số tiền bồi thường 600 vạn nên bỏ mặc phong trào và phong trào đã bị dập tắt.
Cuộc đấu tranh chống Anh của Tam Nguyên Lý là cuộc đấu tranh chống xâm lược có tính chất tự phát đầu tiên của nhân dân Trung Quốc. Tuy bị bọn thống trị phản động phá hoại
28
nhưng đã để lại những trang sử vẻ vang trong lịch sử Trung Quốc, đã cổ vũ cuộc đấu tranh chống xâm lược nước ngoài của nhân dân Trung Quốc.
Bọn xâm lược Anh sau đòn choáng váng ở Tam Nguyên Lý, lại thêm tình hình ở Quảng Châu không an toàn nên đến tháng 6/1841 chúng buộc phải rút về Hổ Môn.
2.2.4. Thực dân Anh mở rộng chiến tranh xâm lược và điều ước Nam Kinh
Tháng 4/1841, chính phủ Luân Đôn nhận được bản dự thảo điều ước Xuyên Ty. Nhưng tư bản Anh không vừa lòng vì việc cắt Hương Cảng chưa được Mãn Thanh đồng ý, tiền bồi thường thuốc phiện chưa đủ, khoản bồi thường chiến phí chưa có, nên chính phủ Anh không phê chuẩn. Để mở rộng chiến tranh, chính phủ Anh cử Henry Pottinger, tên đao phủ đã từng khét tiếng ở Ấn Độ sang chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc.
Ngày 26/8, bọn chúng đánh chiếm Hạ Môn, sau đó chiếm Định Hải, Ninh Ba.
Tháng 6/1842, quân Anh tấn công cửa Ngô Tùng, sau khi nhận được tiếp viện hơn 100 chiến thuyền và hơn 1 vạn quân từ Ấn Độ đến. Với đa số áp đảo, súng đạn kỹ thuật đều vượt xa, chúng đã tiêu diệt toàn bộ quân Trung Quốc ở Ngô Tùng. Sau đó, Thượng Hải và Bảo Sơn đều bị chiếm. Quân Anh tiến vào bắn phá Trấn Giang và khống chế vùng hạ lưu quan trọng của Trường Giang. Đến đây, triều đình Mãn Thanh dường như đã bó tay, chuẩn bị đầu hàng, chấp nhận mọi yêu cầu của kẻ địch.
Đầu tháng 8/1842, hạm thuyền của quân Anh vào Nam Kinh. Triều đình Mãn Thanh vội vàng phái đại thần đi điều đình. Ngày 29/8/1842, hiệp ước Nam Kinh được ký kết. Mãn Thanh nhận tất cả điều khoản yêu cầu của thực dân Anh.
Nội dung chủ yếu của hiệp ước Nam Kinh gồm có:
- Trung Quốc phải mở 5 cửa biển cho tự do thông thương là Quảng Châu, Phúc Châu, Ninh Ba, Hạ Môn, Thượng Hải.
- Trung Quốc cắt Hương Cảng cho Anh.
- Bồi thường cho Anh 21 triệu bảng.
- Thuế nhập khẩu, xuất khẩu của Anh phải do hai bên bàn bạc.
- Anh được hưởng quyền lãnh sự tài phán ở Trung Quốc.
Hiệp ước Nam Kinh là hiệp ước đầu hàng của Trung Quốc, là xiềng xích đầu tiên của bọn đế quốc tròng vào cổ nhân dân Trung Quốc. Với việc mở 5 cảng khẩu quan trọng, Trung Quốc đã buộc phải mở cửa đất nước. Chính sách bế quan tỏa cảng của triều Mãn Thanh bị phá sản. Trung Quốc bị cuốn vào thị trường tư bản thế giới. Đó cũng chính là màn đầu của quá trình biến Trung Quốc từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa.
Sau đế quốc Anh, Mĩ buộc Trung Quốc ký hiệp ước Vọng Hạ (tháng 7/1844), Pháp buộc Trung Quốc ký hiệp ước Hoàng Phố (tháng 10/1844). Ngoài ra, triều đình Mãn Thanh còn buộc phải ký nhiều điều ước với các nước tư bản khác như Bỉ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Na Uy… Các điều ước đó đã đáp ứng một phần yêu cầu thị trường buôn bán có lợi cho bọn đế quốc và đẩy Trung Quốc vào tình trạng phụ thuộc.
29
2.2.5. Hậu quả của cuộc chiến tranh thuốc phiện
Chiến tranh thuốc phiện là một cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây nhằm chiếm lấy thị trường Trung Quốc. Sau chiến tranh, các nước đế quốc đẩy mạnh cho xây dựng các căn cứ. Chúng thuê đất của Trung Quốc, lập “tô giới”, thực chất đó là những vùng lãnh thổ đặc biệt, hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài.
Năm 1845, đế quốc Anh lập tô giới bên sông Hoàng Phố ở Thượng Hải.
Năm 1847, đế quốc Mĩ cũng xây dựng tô giới ở Thượng Hải. Sau đó, hầu hết các thành phố buôn bán lớn vùng duyên hải Trung Quốc, đều bị đế quốc khoanh vùng tô giới. Hương Cảng và những vùng tô giới khác trở thành những vùng đất riêng của chúng. Đây chính là những cứ điểm xâm lược về kinh tế, quân sự, những sào huyệt của thực dân phương Tây.
Cùng với sự hình thành những vùng tô giới, một số ngành công nghiệp mới cũng được xây dựng. Năm 1845, Anh lập xưởng đóng tàu ở bên sông Hoàng Phố, Quảng Châu. Năm 1852, Mĩ lập xưởng sửa chữa tàu ở Thượng Hải. Các ngành công nghiệp nhẹ sản xuất diêm, xà phòng… được xây dựng ở vùng tô giới.
Bọn thực dân mở cửa Trung Quốc, nhằm biến Trung Quốc thành thị trường tiêu thụ. Với tỉ lệ thuế thấp, hàng hóa của đế quốc tràn vào Trung Quốc ngày càng nhiều. Việc nhập thuốc phiện trước kia chịu thuế 24%, nay xuống còn 5%. Các loại hàng hóa vải vóc chịu thuế từ 50%
nay còn 12%.
Số thuốc phiện nhập vào Trung Quốc sau năm 1842 đã lên 33.508 hòm, so với năm 1839 tăng gấp 1,5 lần, đến năm 1850 lại tăng lên 52.927 hòm. Lợi nhuận thuốc phiện của Anh ngày càng tăng, năm 1856 là 25 triệu livrơ, chiếm tỉ lệ lớn so với thu nhập buôn bán với nước ngoài.
Ngoài thực dân Anh, hầu như tất cả các nước đế quốc đều tham gia buôn bán thuốc phiện ở Trung Quốc.
Hàng hóa ngoại quốc tràn vào, đặc biệt là vải làm cho nghề dệt cổ truyền ở Trung Quốc bị phá sản.
Do việc buôn bán bất bình đẳng với nước ngoài, bạc trắng của Trung Quốc chạy ra nước ngoài ngày càng nhiều. Nông dân phải nộp thuế bằng bạc trắng. Họ phải bán lúa lấy tiền rồi mua bạc trắng của bọn nhà giàu với giá cắt cổ để nộp thuế. Gánh nặng bồi thường chiến tranh đổ lên đầu nông dân. Lúc giáp hạt, mất mùa, người nông dân còn bị bọn cho vay nặng lãi bóc lột thêm.
Những biến động về kinh tế làm cho xã hội Trung Quốc phân hóa nhanh chóng. Về mặt giai cấp, nó đã sinh ra một giai cấp công nghiệp làm thuê, trong đó một bộ phận công nhân công nghiệp tiên tiến cũng ra đời như công nhân đóng tàu, công nhân các xưởng máy… Ở Hương Cảng, Quảng Châu, Thượng Hải, Phúc Châu… đã xuất hiện bộ phận công nhân hiện đại đầu tiên của Trung Quốc. Nền kinh tế thực dân cũng cho ra đời một giai cấp tư sản mại bản, tiếp tay cho bọn tư bản nước ngoài. Họ thu mua hàng của Trung Quốc, vận chuyển cho đế quốc và mua hàng nước ngoài bán ở thị trường trong nước. Họ dựa vào đế quốc cả về thế lực quân sự, chính trị, kinh tế để làm ăn, trở thành đồng minh với đế quốc trong mục tiêu lợi nhuận và do đó quên mất quyền lợi của dân tộc.
Sự thâm nhập của chủ nghĩa thực dân đã tàn phá nền kinh tế Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc, nhất là nông dân chịu mọi hậu quả nặng nề của chính sách nô dịch. Đời sống khổ