CHƯƠNG 5: CHÂU PHI THỜI CẬN ĐẠI
5.3. Phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân châu Phi
Algeria bị lệ thuộc vào đế quốc Ốttôman, song chính quyền của Sultan ở đây không vững chắc. Trên thực tế, Algeria đầu thế kỷ XVIII là nước có chủ quyền, độc lập. Việc thần phục Xtambun chỉ thể hiện ở việc theo định kỳ Algeria sang cống nạp, mà việc cống nạp cũng không được thường xuyên như trước.
Đầu thế kỷ XIX, Algeria là một nước khá hùng mạnh, có hạm đội trên biển Địa Trung Hải, có quan hệ với nhiều nước láng giềng và nhận sự giúp đỡ về quân sự của Pháp và cũng cung cấp lương thực, nguyên vật liệu cho Pháp, khi bị liên minh phong kiến và Anh bao vây.
Tuy nhiên, Napoléon Bonaparte vẫn âm mưu xâm chiếm Algeria làm thuộc địa để mở rộng thị trường cho sự phát triển công, thương nghiệp Pháp. Khi Algeria bước giai đoạn giai đoạn suy yếu (lực lượng vũ trang không hùng mạnh như trước, tình trạng cát cứ, nội chiến, chính quyền trung ương chỉ quản lý được 1/6 đất nước) thì Pháp thực hiện việc xâm lược của mình.
Lấy cớ Sultan làm nhục Đại sứ Pháp (năm 1827), quân Pháp bao vây bờ biển Algeria.
Mùa hè năm 1830, 37.000 quân Pháp đổ bộ lên đất Algeria và nhanh chóng đánh chiếm thủ phủ Algeria. Sultan phải đầu hàng và bị bắt lưu đày ra nước ngoài. Bọn binh lính, sỹ quan Pháp tha hồ cướp bóc ngân khố, tài sản của nhân dân. Năm 1834, Pháp chính thức tuyên bố Algeria là thuộc địa của mình. Song ngay từ đầu, đội quân viễn chinh Pháp gặp phải sức kháng chiến mạnh mẽ của nhân dân. Sau khi chiếm Algeria, thực dân Pháp phải mất 30 năm nữa mới bình định về quân sự. Trong một thời gian dài, quân Pháp không tiến ra khỏi những nơi chiếm đóng, vì cuộc kháng chiến của nhân dân nổ ra khắp nơi, nổi bật là cuộc đấu tranh của nhân dân miền Tây, do người anh hùng dân tộc Apđen Cađê lãnh đạo.
Năm 1832, các bộ tộc ở Tây Algeria nổi dậy khởi nghĩa chống Pháp và bầu Apđen Cađê làm thủ lĩnh. Trong 8 năm, ông đã tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng, khắc phục sự phân tán, chia rẽ và gây cho thực dân Pháp nhiều thất bại nặng nề. Năm 1834, chính phủ Pháp phải ký hòa ước, công nhận Apđen Cađê đứng đầu một quốc gia có chủ quyền ở Tây Algeria. Đây là một thắng lợi lớn, tạo điều kiện cho ông chuẩn bị lực lượng giải phóng toàn bộ đất nước.
Năm 1835, vi phạm hiệp ước đã ký, quân Pháp tấn công vùng lãnh thổ Algeria được giải phóng, song bị đánh bại. Năm 1837, Pháp buộc phải ký hòa ước lần thứ hai, công nhận quyền lực của Apđen Cađê không chỉ ở miền Tây mà cả vùng Đông Algeria. Làm chủ một vùng giải phóng rộng lớn, Apđen Cađê lo tổ chức công việc quản lý hành chính, xây dựng quân đội, phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục. Ông xóa bỏ dần sự cát cứ địa phương, chia đất nước ra thành các trấn, chịu sự quản lý của chính quyền trung ương. Nhà nước nắm độc quyền về ngoại thương và mở rộng quan hệ với nhiều nước. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm phát triển với việc xây dựng nhiều trường mới. Quân đội cũng được xây dựng vững mạnh, với đội quân dự bị gần 70.000 người và đội quân chính quy gần 10.000 người được huấn luyện tốt.
Thực dân Pháp lo sợ trước sự lớn mạnh của Apđen Cađê, nên lôi kéo các lãnh chúa phong kiến, tù trưởng, thị tộc chống lại, làm cho hàng ngũ kháng chiến suy yếu. Chúng đem quân đánh chiếm một số cứ điểm quan trọng. Năm 1836, quân Pháp tấn công Côngxtăngtin – một khu trung tâm ở miền Đông Algeria – song đã thất bại. Năm 1837, chúng lại đánh chiếm
101
Côngxtăngtin và nhiều khu vực khác ở Đông Algeria. Nhân dân tiến hành chiến tranh du kích, buộc thực dân Pháp phải thương lượng với Apđen Cađê.
Thực dân Pháp tăng quân viễn chinh từ 42.000 (năm 1837) lên 90.000 (năm 1844) và dùng chính sách chia rẽ dân tộc nên lần lượt chinh phục được toàn bộ Algeria. Apđen Cađê chạy sang Marốc, rồi trở về nước, tiến hành cuộc chiến tranh du kích ở vùng sa mạc.
Năm 1847, Apđen Cađê bị bắt, bị kết án 5 năm tù. Những năm tháng cuối đời, ông sống ở Đamát và mất vào năm 1883.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Algeria vẫn tiếp tục mạnh mẽ. Năm 1851, cuộc khởi nghĩa của các bộ lạc nổ ra ở vùng núi Cabili. Năm 1852, cuộc đấu tranh giải phóng nổ ra ở các ốc đảo vùng sa mạc Sahara. Trong những năm 1854 – 1857, cuộc đấu tranh chống Pháp lại bùng nổ mạnh mẽ ở vùng Cabili.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Algeria cho độc lập dân tộc là một trong những phong trào giải phóng dân tộc đầu tiên chống thực dân xâm lược ở các nước châu Phi nửa đầu thế kỷ XIX.
Mặc dù thất bại nhưng có tác động mạnh đến các nước châu Phi.
5.3.2. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ai Cập
Thực dân Anh cũng như Pháp đều muốn chiếm Ai Cập, nhất là sau khi kênh đào Suez khánh thành năm 1869. Mặc dù chế độ quản lý kênh là trung lập quốc tế, Anh vẫn tìm cách mua cổ phần để tham gia việc quản lý kênh, tìm cách kiểm soát tài chính Ai Cập. Anh lợi dụng lúc Ixmain được Thổ hoàng phong vương, tiêu hoang phí phải vay của Anh và Pháp một số tiền lớn, ép Ai Cập nhường cho mình cổ phần Suez vào năm 1875 và từ đó Anh đẩy mạnh việc xâm chiếm Ai Cập.
Năm 1878 ở Ai Cập thành lập chính phủ mà người ta gọi là “Nội các châu Âu” vì trong chính phủ đó, người Anh giữ chức bộ trưởng Bộ Tài chính và người Pháp giữ chức bộ trưởng Bộ Lao động. Chính phủ đặt dưới quyền của Nuba Pasa thân Anh, tìm cách tăng mọi thứ thuế và giảm quân đội. Điều đó làm cho nhân dân yêu nước Ai Cập phẫn nộ. Tháng 4/1879, 300 sỹ quan Ai Cập gửi thư cho chính phủ đòi thải hồi các bộ trưởng ngoại quốc ra khỏi chính phủ.
Do áp lực của sỹ quan và sự phẫn nộ của đông đảo quần chúng nhân dân Ai Cập, chính phủ buộc phải thực hiện yêu cầu đó và thành lập nội các mới do Sêrip Pasa đứng đầu, không còn bộ trưởng người nước ngoài.
Anh cũng như Pháp đòi vua Thổ lật đổ Ixmain và đem Chiuphích lên ngôi. Vua mới Chiuphích công nhận việc kiểm soát tài chính của Anh, Pháp và giảm số lượng quân đội Ai Cập xuống chỉ còn lại 18.000 người. Điều đó làm cho sự công phẫn của nhân dân Ai Cập càng lớn và phong trào giải phóng dân tộc ngày càng lên cao. Đứng đầu phong trào này là tầng lớp tư sản dân tộc còn non trẻ, tầng lớp sỹ quan trong quân đội Ai Cập, các trí thức và một số địa chủ yêu nước Ai Cập. Họ liên kết lại với nhau dưới khẩu hiệu: “Ai Cập của người Ai Cập” và thành lập một tổ chức chính trị của mình là Đảng Quốc gia.
Tháng 5/1880, một nhóm sỹ quan lại nổi dậy phản đối việc thải hồi sỹ quan, chống lại việc bắt binh lính Ai Cập làm những việc lao dịch và đòi phải tôn trọng họ. Đầu năm 1881, đại tá Átmet Arabi đứng đầu một nhóm sỹ quan tổ chức khởi nghĩa đòi thải hồi Bộ trưởng Chiến tranh. Cuộc khởi nghĩa do Arabi chỉ huy chiếm Bộ Chiến tranh, bỏ tù bộ trưởng, đòi nội các từ chức, đòi tăng cường quân đội và đòi thảo ra hiến pháp mới. Nhà vua phải đồng ý với những
102
yêu sách của Đảng Quốc gia và nghĩa quân. Sau hai lần thay đổi nội các, Arabi giữ chức Bộ trưởng chiến tranh. Việc đó làm cho thực dân Anh và Pháp lo lắng. Anh gửi công hàm cho Chiuphích, đòi nội các mới từ chức, đòi đày Arabi và đuổi các nhà lãnh đạo Đảng Quốc gia ra khỏi Cairô. Nhưng vì cuộc nổi dậy diễn ra ở Cairô cũng như ở Alêchxăngđria nên Chiuphích không dám làm gì. Cuối cùng, ngày 11/7/1882, tự lệnh hải quân Anh ra lệnh bắn 10 giờ liền vào Alêchxăngđria, đổ bộ 25.000 tên lính và chiếm thành phố này. Chiuphích phản bội chạy đến Alêchxăngđria.
Lúc này, một cuộc hội nghị được triệu tập ở Cairô gồm có đại biểu quý tôc và sỹ quan Ai Cập. Hội nghị tổ chức tự vệ chống lại sự xâm nhập của quân viễn chinh Anh, tuyên bố phế truất Chiuphích và chỉ định Arabi làm tổng tư lệnh quân đội. Quân đội của Arabi gồm khoảng 19.000 người và 40.000 lính mới nhập ngũ, có nhiều đạn dược và vũ khí, trong đó có 500 đại bác. Nhưng trong việc thực hiện chiến thuật quân sự, đại tá tổng tư lệnh Arabi phạm sai lầm, đã không tăng cường lực lượng chiến đấu ở khu vực kênh đào Suez vì cho rằng, bọn thực dân Anh không thể vi phạm quy định trung lập của kênh này. Nhưng thực dân Anh không đếm xỉa đến điều quy định này mà dùng đường đó để tấn công Ai Cập. Ngày 13/9/1882, quân Arabi bị thua.
Ngày 14/9, quân viễn chinh Anh chiếm đóng kênh Suez, chiếm Cairô và chiếm nhanh toàn bộ Ai Cập, đánh bại quân khởi nghĩa, Arabi bị bắt và bị đi đày.
5.3.3. Cuộc đấu tranh chống thực dân Anh của nhân dân Đông Sudan
Trước đây, vùng Đông Sudan thuộc Ai Cập, nhưng từ năm 1882 tách khỏi Ai Cập. Nhân dân vùng thượng lưu sông Nin thành lập một đội quân tôn giáo do Muhamét Atmét, biệt hiệu là Mátdi (tức Cứu thế) chỉ huy. Mátdi là nhà truyền đạo trẻ rất quen biết ở Sudan. Ông kêu gọi nhân dân Sudan đứng dậy, tổ chức cuộc “kháng chiến thần thánh” chống bọn ngoại xâm, đòi bỏ các thứ thuế và tuyên bố quyền bình đẳng của mọi người. Mátdi trở thành kẻ “cứu thế”, người lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Sudan chống đế quốc Anh. Số người tham gia kháng chiến ngày càng đông, tuy trang bị thiếu thốn, nhưng rất kiên quyết tiêu diệt kẻ thù. Cuộc khởi nghĩa lan nhanh khắp Sudan vào cuối năm 1882 đầu năm 1883. Nghĩa quân đã tràn đến các miền ở bờ biển Hồng Hải – gần con đường tiếp nối chính giữa nước Anh và thuộc địa Anh. Tháng 1/1885, nghĩa quân hạ Kháctum – thủ đô Đông Sudan và giết chết tên tướng Anh đóng giữ ở đây. Quân Anh bị đuổi hết khỏi Đông Sudan.
Cuộc nổi dậy của nhân dân Đông Sudan chống thực dân Anh mang tính chất một phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau chiến thắng này, miền Đông Sudan có những biến đổi lớn về xã hội. Chế độ bộ lạc cũ bị tiêu diệt. Các cơ quan cụ bị lật đổ và thay vào đó là dòng quý tộc lên cầm quyền. Qua cuộc chiến đấu, các dân tộc đã đoàn kết lại và dần dần hình thành một tổ chức quốc gia. Sau khi Mátdi chết (6/1885), Ápđulabi cầm đầu chính phủ và nắm tất cả các quyền bính trong tay.
Mười năm sau khi thất bại ở Kháctum của quân Anh, tình hình chính trị ở Đông Phi đã thay đổi. Bọn đế quốc tiếp tục xâm chiếm và bành trướng thuộc địa vào các vùng gần Đông Sudan. Do đó, chính phủ Anh quyết định có biện pháp cứng rắn đối với Đông Sudan, dùng quân viễn chinh tấn công xâm lược đất nước Đông Sudan. Mười ngàn quân viễn chinh Anh được trang bị đầy đủ tấn công Đông Sudan. Nghĩa quân Đông Sudan có 50.000, nhưng chỉ 1/3 trong số đó là có súng. Năm 1896, Anh đánh chiếm miền Đông Sudan ở phía Nam Ai Cập.
Cuộc tiến công của quân Anh về phía thượng lưu sông Nin chậm chạp và kéo dài mấy năm liền. Nghĩa quân và nhân dân Đông Sudan chiến đấu anh dũng và quyết liệt, song không tránh
103
khỏi thất bại. Năm 1898, quân Anh chiếm được Kháctum sau một cuộc thảm sát đẫm máu.
Tháng 1/1899, Anh hoàn thành việc chinh phục Đông Sudan.
5.3.4. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Etiopi
Trước đây Etiopi chia thành nhiều công quốc nhỏ. Giữa thế kỷ XIX, Etiopi bắt đầu hình thành một quốc gia tập quyền. Bên cạnh những thay đổi về mặt kinh tế, những yếu tố chính trị cũng được thay đổi. Do sự đe dọa của một cuộc tấn công của các lực lượng thực dân châu Âu, Etiopi phải tập trung lực lượng để đấu tranh bảo vệ nền độc lập. Vào năm 1856, các miền Tigơrơ, Soa và Ambara thống nhất với nhau dưới quyền của Têôđôrốt II. Têôđôrốt II lên ngôi lấy tên là Nêgút (tức Vua của các vị Vua). Từ năm 1856 – 1868, Nêgút thực hiện cải cách và làm yếu bọn phong kiến cát cứ, tập trung quyền vào tay mình. Ông đã tổ chức được một quân đội thống nhất. Hệ thống thuế má được thay đổi, thu nhập được quy định và cấm việc buôn bán nô lệ.
Vào những năm 80, Italia đã chú ý đến Etiopi. Từ năm 1886 – 1887, Italia tìm cách xâm nhập nhiều lần vào Etiopi, nhưng đều thất bại. Đầu năm 1889, khi mà giữa các thế lực phong kiến lớn ở Etiopi tranh chấp ngôi vua, Italia lợi dụng tình thế đó ủng hộ Manêlích II – thủ lĩnh vùng Soa lên ngôi. Giữa Manêlích II và Italia đã ký hiệp ước Uxiali vào ngày 2/5/1889, rồi dần dần, biến Etiopi thành đất bảo hộ của Italia.
Năm 1890, Italia tuyên bố khai lập nền bảo hộ ở Etiopi và chiếm đóng. Vua Tigơrơ, Mênêlích phản đối kịch liệt và phủ nhận quyền bảo hộ của Italia ở Etiopi. Mênêlích chuẩn bị lực lượng để đấu tranh chống lại. Một đội quân gồm 11 vạn 2 ngàn người được tổ chức.
Mênêlích đã thống nhất được các tỉnh để chiến đấu, đó là điều mà từ trước, lịch sử Etiopi chưa hề làm được.
Năm 1895, Italia mở cuộc tấn công, nhưng ngày 1/3/1896, Italia bị thua thảm hại trong trận Adua, bị chết 3.000 quân, lại thêm 3.000 thương binh bị chết vì thiếu thuốc men và chăm sóc, hơn 3.000 quân bị bắt làm tù binh. Tất cả khí giới của quân Italia đều bị tịch thu. Có 4 viên tướng chỉ huy thì 2 tử trận, 1 bị thương và 1 bị bắt. Đây là cuộc thua trận lớn nhất trên đường chinh phục của bọn thực dân Italia.
Tháng 10/1896, Italia buộc phải ký Hiệp ước hòa bình ở Atđi Abêba, công nhận nền độc lập của Etiopi, hủy bỏ hiệp ước Uxiali và bồi thường chiến phí. Cuộc kháng chiến của Etiopi giành được thắng lợi, nói lên sức mạnh đoàn kết của nhân dân Etiopi và có ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với phong trào đấu tranh chống xâm lược của nhân dân châu Phi.
Câu hỏi ôn tập
1. Vẽ bản đồ châu Phi và trình bày việc phân chia thuộc địa ở châu Phi giữa các nước đế quốc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX?
2. Trình bày khái quát diễn biến, kết quả cuộc đấu tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc của nhân dân các nước châu Phi (một số nước tiêu biểu). Từ đó rút ra đặc điểm và nguyên nhân thất bại của cuộc đấu tranh ?
104