CHƯƠNG 5: CHÂU PHI THỜI CẬN ĐẠI
5.2. Sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân châu Âu
Sau những cuộc phát kiến địa lý, thực dân châu Âu xâm nhập, ăn cướp và xâm chiếm thuộc địa.
Người Bồ Đào Nha là những người châu Âu đầu tiên đặt căn cứ ở châu Phi. Từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI, Bồ Đào Nha đã thăm dò bờ biển châu Phi từ Gibranta cho đến miền Bắc Mozambique, và thành lập ở Tây Phi thuộc địa Guinea và Angola, ở Đông Phi thuộc địa Mozambique.
Nửa cuối thế kỷ XVII, Hà Lan chiếm phần cực Nam châu Phi. Nhiều thế hệ người gốc Hà Lan sinh sống ở vùng này được gọi là người Bôơ. Đầu thế kỷ XIX, thực dân Anh xâm chiếm Cape, gây chiến với người Bôơ, hòng xâm chiếm hai quốc gia của họ là Tơrăngxvan và Orănggiơ. Anh còn mở rộng thuộc địa Cape của mình về phía Bắc. Năm 1843, Anh xâm chiếm Natan và đánh đuổi người Bôơ.
Mục tiêu xâm chiếm thuộc địa của thực dân Pháp ở châu Phi trước hết là vùng bờ biển Bắc Phi. Sau cuộc chiến tranh lâu dài chống lại người Arập, thực dân Pháp chiếm toàn bộ Algeria vào giữa thế kỷ XIX.
Đầu những năm 20 của thế kỷ XIX, Mĩ mua một vùng đất ở bờ biển phía Tây châu Phi làm xuất phát điểm để mở rộng việc xâm chiếm châu Phi. Mĩ tuyên bố trao trả độc lập cho cư dân vùng đất này, đặt tên là Liberia vào năm 1847, nhưng thực tế là nước phụ thuộc đế quốc Mĩ.
Căn cứ quân sự của thực dân Tây Ban Nha đặt tại Guinea và Riôdơ Orô, Pháp đặt tại Senegal và Gabon, còn Anh thì ở Sierra Leone, Gambia, Bờ biển Vàng và Lagos.
Ban đầu, hình thức phổ biến mà bọn thực dân dùng vào việc xâm nhập châu Phi là trao đổi hàng hóa công nghiệp để lấy nguyên liệu rẻ mạt. Từ thế kỷ XV, nghề buôn người xuất hiện, dần dần phát triển với một quy mô lớn. Rất nhiều người da đen bị đưa từ châu Phi đến châu Mĩ để làm nô lệ. Nghề buôn nô lệ da đen phải coi là một vết nhơ trong lịch sử phát triển của nhân loại. Con số nô lệ da đen đến Mĩ Latinh trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX đã lên tới 60 triệu. Trong cuộc hành trình đầy gian khổ qua Đại Tây Dương, những người nô lệ da đen đã bị trói chân tay và nhốt dưới hầm tàu không khác gì súc vật. Hàng triệu người bị chết dọc đường, xác bị quẳng xuống biển. Những người còn lại phải làm nhiều công việc khổ sai cực nhọc, bị chà đạp dưới báng súng và roi vọt của bọn chủ mỏ, chủ đồn điền và tay sai của chúng; bị giày vò vì đói rét, bệnh tật và tai nạn lao động.
Thực dân châu Âu đã vơ vét tài nguyên thiên nhiên phong phú ở châu Phi, cướp ruộng đất, sử dụng nhân công rẻ mạt, đuổi dân, phá hoại các di sản văn hóa cổ truyền, bóc lột đến tận xương tủy, đàn áp vô cùng dã man nhân dân châu Phi.
Đến giữa những năm 70 của thế kỷ XIX, 10,8% đất đai của châu Phi đã bị xâm chiếm.
Từ những năm 70 – 80 của thế kỷ XIX, các nước đế quốc đua nhau xâu xé châu Phi.
98
Sau khi kênh đào Suez đã hoàn thành (1869), sự tranh giành quyền lợi giữa các nước tư bản phương Tây, đặc biệt giữa Anh và Pháp, lại càng gay gắt trong việc khống chế kênh đào này. Do Ai Cập nợ nhiều của Anh nên buộc phải để cho Anh tham gia vào việc quản lý công ty kênh đào Suez. Sau đó, Anh lại đòi độc quyền kiểm soát tài chính và đến năm 1882, đem quân chiếm thủ đô Cairô rồi toàn bộ lãnh thổ Ai Cập. Pháp đành phải nhường Ai Cập cho Anh.
Thực dân Anh cũng đẩy mạnh xâm chiếm Nam Phi, nơi có nhiều kim loại quý. Vào những năm 70 của thế kỷ XIX, quân Anh đánh chiếm Cáp và Natan rồi đẩy mạnh việc sử dụng nhân công rẻ mạt ở đây để khai thác kim cương.
Ở Nam Phi, năm 1883, Anh đã chiếm xong đất đai của người Dulu và sáp nhập vào Natan, làm đất bảo hộ. Năm 1902, Anh hoàn thành xâm chiếm hai nước của người Bôơ là Tơrăngxvan và Ôrănggiơ.
Ở Tây Phi, Anh chiếm Nigeria, Bờ biển Vàng, Gambia, Sierra Leone.
Ở Đông Phi, Anh làm chủ Kênia, Uganđa, Dandiba, Xômali, Sudan và Ai Cập về danh nghĩa vẫn thuộc đế quốc Ottoman, trên thực tế cũng là thuộc địa của Anh.
Pháp chiếm hàng thứ hai trong việc xâm chiếm thuộc địa ở châu Phi, sau Anh (với dân số 17 triệu người). Thuộc địa của Pháp bao gồm Tây Phi, miền xích đạo châu Phi, Madagascar, một phần Somali, Algeria, Tunisia, Sahara…
Đức chiếm Camơrun, Tôgô, Tây Nam Phi, vùng Tandania… với số dân 10 triệu người.
Bỉ làm chủ cả vùng Congo rộng lớn, với diện tích rộng gấp 80 lần chính quốc và khoảng 10 – 15 triệu dân.
Italia tuy thất bại trong việc xâm chiếm Ethiopia, vẫn còn chiếm vùng Êritơria và Xômali, với số dân 600.000 người.
Bồ Đào Nha giành được Môdămbich, Angola, một phần Guinea.
Tây Ban Nha còn chiếm đóng một phân Guinea.
Trong quá trình xâm lược thuộc địa, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc gay gắt. Năm 1884, một hội nghị quốc tế họp ở Beclin; 14 nước có liên quan đến quyền lợi ở châu Phi đã tham dự. Qua những cuộc tranh cãi căng thẳng, các nước dự hội nghị thỏa thuận với nhau một số điểm quan trọng:
- Tự do buôn bán ở Congo.
- Tàu bè các nước được tự do qua lại trên các sông ở châu Phi.
Thỏa thuận này chỉ là sự hòa hoãn tạm thời, vì quyền lợi của mình, các nước đế quốc dễ dàng vi phạm. Năm 1894, 10 năm sau hội nghị Beclin, Bỉ chiếm Congo, bất chấp sự phản đối của nhiều nước khác và phải đương đầu với cuộc kháng chiến mạnh mẽ của nhân dân Congo.
Pháp cũng chiếm đóng một phần lưu vực sông Congo (vì vậy Congo chia làm 2 phần – Congo thuộc Pháp và Congo thuộc Bỉ - đến nay vẫn tồn tại là 2 nước riêng). Đến đầu thế kỷ XX, việc phân chia thuộc địa giữa các nước đế quốc ở châu Phi căn bản hoàn thành.
Sau khi hoàn thành xâm lược, các nước đế quốc bóc lột rất tàn bạo nhân dân châu Phi.
Người dân bản xứ không có một quyền gì, ngoài nghĩa vụ phục vụ mẫu quốc. Về thực chất, chế
99
độ thuộc địa của các nước đế quốc ở châu Phi đều giống nhau, nhưng hình thức cai trị lại rất khác biệt.
Ở các thuộc địa của Anh, chế độ cai trị gián tiếp được thực hiện dưới hình thức giữ nguyên bộ máy nhà nước cũ và các bộ tộc tự cai quản công việc của mình. Thông qua những người cầm quyền bản xứ tay sai, thực dân Anh thiết lập nền thống trị kinh tế, chính trị của mình.
Hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp lại được xây dựng trên cơ sở “chế độ cai trị trực tiếp”. Chúng xóa bỏ bộ máy nhà nước cũ. Trực tiếp nắm quyền thống trị từ cơ sở đến trung ương, với sự giúp việc của một đội ngũ công chức tay sai người bản xứ.
Trên thực tế. hai hình thức cai trị “gián tiếp” và “trực tiếp” được kết hợp chặt chẽ ở các thuộc địa với những mức độ khác nhau.
Hình thức bóc lột cơ bản của bọn thực dân ở châu Phi là thu thuế (bằng tiền, hiện vật và lao dịch), khai thác đồn điền, hầm mỏ.
Ở Nam Phi và Đông Phi, nhân dân bị cướp đoạt đến 9/10 ruộng đất phì nhiêu để bọn tư bản thực dân xây dựng đồn điền. Họ bị đưa vào vùng sa mạch, đất cằn cỗi, khó canh tác. Thiếu ruộng đất, phần lớn người châu Phi phải đi làm thuê cho chủ thực dân ở các đồn điền, hầm mỏ, công trường xây dựng với tiền công rẻ mạt. Trên lời nói, các nước đế quốc kêu gọi chống chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ ở châu Phi; song trên thực tế, chúng lại bóc lột người làm thuê theo kiểu nô lệ, hàng năm họ phải đi làm phu không công trong một vài tháng cho thực dân.
Ở Tây Phi, chế độ tiểu nông được duy trì, người nông dân phải sản xuất độc canh để cung cấp cho chính quyền thực dân nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, hoặc cung cấp cho công nghiệp chính quốc, như ca cao, cà phê, lạc, bông vải. Ở Bờ biển vàng, năm 1900, giá trị ca cao không chiếm quá 3% kim ngạch xuất khẩu, đến năm 1913 đã tăng lên 50% – 80%. Giá trị xuất khẩu của Nigiêria là sản phẩm lấy từ cây cọ dầu. Gần 60% giá trị xuất khẩu của Uganđa là bông vải. 96% giá trị xuất khẩu Xiêra Lêôn là sản phẩm cây cọ dầu, dừa và lạc.
Nông dân buộc phải bán nông sản cho các công ty độc quyền với giá rất thấp. Cuối thế kỷ XIX, giá thu mua ca cao, lạc, cọ dầu, dừa của bọn thực dân đối với nông dân châu Phi chỉ bằng 25%
đến 30% giá bán của các công ty ở thị trường châu Âu. Trong khi đó, giá bán các hàng hóa của chính quốc sang thuộc địa châu Phi lại tăng lên gấp nhiều lần.
Cùng với việc phân chia thuộc địa giữa các nước đế quốc ở châu Phi, việc xuất khẩu tư bản từ chính quốc sang thuộc địa cũng tăng lên. Trước năm 1914, số tư bản xuất khẩu sang các nước từ Nam Phi đến vùng Xahara hơn 600 triệu bảng Anh, chiếm gần bằng 8% tư bản xuất khẩu của các nước đế quốc lớn nhất. Phần lớn số tiền này để xây dựng đường sắt, đường bộ, cầu, cảng, kho và khai mỏ.
Bọn thực dân châu Âu đã cướp một khối lượng tài sản lớn của nhân dân châu Phi. Đến năm 1914, châu Phi đã cung cấp cho thế giới hơn 40% số vàng khai thác được, 95% số kim cương, một khối lượng lớn đồng, thiếc, than đá. Công ty khai thác kim cương ở Nam Phi, hàng năm thu lãi bằng 30% số vốn bỏ ra. Trong khi đó, công nhân phải lao động mỗi ngày từ 10 – 12 giờ với đồng lương rất thấp. Đây là một nguyên nhân làm cho cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi vì độc lập tự do phát triển mạnh mẽ.
100