CHƯƠNG 6: MĨ LATINH THỜI CẬN ĐẠI
6.3. Các nước Mĩ Latinh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Đến khoảng thập niên 70 của thế kỷ XIX, nhiều nước Mĩ Latinh đã giành được độc lập và xây dựng chế độ cộng hòa. Tuy vậy, vẫn còn một vài nước chưa thoát khỏi ách thống trị các nước đế quốc như Cuba, Puerto Rico, Guyana, Belize và một số đảo nhỏ ven Đại Tây Dương.
Phần lớn các nước Mĩ Latinh bắt đầu phát triển chủ nghĩa tư bản. Song các tàn tích của quan hệ phong kiến, thậm chí chiếm hữu nô lệ và công xã nguyên thủy vẫn còn tồn tại trong một số nước, đặc biệt ở những vùng sâu trong nội địa.
112
Về công nghiệp, thời kỳ này, nền kinh tế các nước Mĩ Latinh có một số biến chuyển.
Công nghiệp khai thác được chú trọng, nhất là dầu mỏ (ở Venezuela, Braxin), ở Mexico sản xuất đồng sắt tăng từ 0,5 triệu tấn năm 1910 lên đến 8 triệu tấn năm 1917. Cùng với việc khai thác, công nghiệp luyện kim cũng phát triển ở Colombia, Peru, Mexico, Venezuela, đã sản xuất được thép màu. Hệ thống giao thông được mở rộng, nhất là mạng lưới đường sắt (trong vòng 30 năm, chiều dài đường sắt ở các nước tăng hơn 10 lần. Ở Argentina trong những năm 1880 – 1916 độ dài đường sắt từ 2.000 lên 28.800 km ở Mexico năm 1870 mới có 690 km đến năm 1910 lên đến 24.000 km).
Trong nông nghiệp, đồn điền mở rộng rất nhanh, do có nhiều đất hoang và dân di cư từ châu Âu sang ngày một đông (ở Argentina từ 1896 – 1913 có khoảng 3 triệu người, ở Braxin từ những năm 1870 – 1917 có khoảng 2,5 triệu người đến sinh sống). Các chủ đồn điền lớn và các chủ trại giàu có phát canh thu tô và sử dụng lao động làm thuê để sản xuất hàng xuất khẩu (cà phê, bông…), chăn nuôi súc vật, một số người khác tham gia kinh doanh công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp chế biến (làm đường, đồ hộp, da…). Giáo hội Thiên chúa cũng chiếm một diện tích đất đai không nhỏ và cũng kinh doanh thu lãi.
Nông dân thường bị đuổi ra khỏi ruộng đất của mình, phải làm thuê trong các đồn điền để trồng trọt hay chăn nuôi gia súc và bị bóc lột theo hình thức nô lệ đồn điền. Một số người đi làm thuê ở các công trưởng xây dựng, chủ yếu là xây dựng đường sắt của các công ty Anh, Pháp, Mĩ cũng bị bóc lột tàn tệ với đồng lương rẻ mạt. Ở nông thôn, chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến (tô hiện vật, lao dịch, nghĩa vụ) và nan cho vay nặng lãi đè nặng trên vai nhân dân lao động đói nghèo.
Chế độ cộng hòa tuy được thiết lập ở nhiều nước, song người dân không có một quyền lợi gì, mọi quyền hành đều tập trung vào chủ đồn điền, địa chủ, tăng lữ lớp trên. Chế độ nô lệ đối với người da đen tuy được tuyên bố xóa bỏ ở một vài nơi, song trên thực tế vẫn tồn tại dai dẳng đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Người Inđian lao động trong các hầm mỏ, đồn điền ở Mexico, Bôlivia, Êcuađo, Peru, Argentina… cũng bị bóc lột tàn nhẫn.
Các ngành khai thác, chế biến khá phát triển, đặc biệt công nghiệp dầu hỏa, khai thác kim loại. Năm 1913, mới bắt đầu khai thác đồng ở Mĩ Latinh, nhưng đến năm 1918, sản lượng đồng đã đạt tới 250.000 tấn.
Chủ nghĩa tư bản xâm nhập sâu vào nông thôn Mĩ Latinh. Máy cày, bừa, gieo hạt được sử dụng rộng rãi, lao động làm thuê trên đồng ruộng khá phổ biến.
Sự phát triển chủ nghĩa tư bản đem lại nhiều biến đổi trong xã hội Mĩ Latinh.
6.3.2. Các nước đế quốc tăng cường xâm nhập vào Mĩ Latinh
Sau khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các nước Mĩ Latinh trở thành miếng mồi béo bở của các nước đế quốc Âu, Mĩ.
Đế quốc Anh nhanh tay nắm giữ quyền lợi của mình ở khu vực này. Một mặt, Anh đẩy mạnh đầu tư vào các thuộc địa của mình như Barbados, Jamaica, Trinidad, Tobago, Guyana…;
mặt khác vươn tới các nước khác, chủ yếu là các nước ở miền Nam Nam Mĩ. Anh bỏ nhiều vốn vào các ngành đường sắt, xây dựng hải cảng, khai thác nguyên liệu, trồng cà phê, cao su, ngũ cốc, chế biến thịt… Trong vòng 40 năm (1873 – 1913), Anh đã đầu tư vào Argentina 333,7
113
triệu bảng; Braxin 223,9 triệu bảng; Mexico 159 triệu bảng; Chile 63,9 triệu bảng… Nhìn chung, giai đoạn này, Anh vẫn nắm được ưu thế ở Mĩ Latinh.
Đế quốc Đức cũng ra sức mở rộng thế lực của mình ở Mĩ Latinh, song bị Mĩ ngăn cản, nên Đức chỉ có thể tăng cường hoạt động về mặt kinh tế. Từ năm 1886 – 1893, các ngân hàng của Đức lần lượt được thành lập ở các nước Braxin, Argentina, Chile, Peru, Uruguay… Việc buôn bán giữa Đức và khu vực Mĩ Latinh cũng phát triển nhanh chóng với số thương thuyền và khối lượng hàng hóa trao đổi ngày càng nhiều.
Trong số các nước đế quốc vươn thế lực đến Mĩ Latinh, đế quốc Mĩ ngày càng chiếm vị trí hàng đầu.
Kế hoạch bành trướng của đế quốc Mĩ ở khu vực Mĩ Latinh được thực hiện theo 2 hướng chủ yếu: xâm chiếm đất đai và khống chế về các mặt chính trị, kinh tế.
Từ giữa thế kỷ XIX, đế quốc Mĩ tăng cường làm chủ eo đất Panama để giành những quyền ưu tiên về thương mại, quyền tự do vận chuyển qua eo đất Panama. Năm 1846, Mĩ ký với Colombia một hiệp ước; theo đó Mĩ được hưởng các độc quyền thông thương trên eo đất Panama và “đảm bảo” sự trung lập của Panama và chủ quyền của Colombia. Năm 1845, Mĩ dùng vũ lực đánh chiếm nước láng giềng Mexico ở phía Nam, bắt nước này nhường một nửa diện tích lãnh thổ của mình để thành lập một bang của Mĩ.
Năm 1898, Mĩ gây cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha với lý do “trừng phạt” Tây Ban Nha dùng mìn phá nổ chiến hạm Mênô của Mĩ đang đậu ở cảng La Habana. Thực chất của cuộc chiến tranh này là việc đấu tranh để chia lại thuộc địa. Mĩ muốn xâm chiếm Cuba – một địa bàn chiến lược quan trọng để nắm giữ quyền làm chủ ở vùng Trung Nam Mĩ và các thuộc địa khác của Tây Ban Nha. Vì vậy, cuộc chiến tranh Mĩ - Tây Ban Nha được xem như cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa đầu tiên. Tây Ban Nha thất bại, phải ký hòa ước Paris. Tháng 12/1898, Tây Ban Nha nhường cho Mĩ nhiều quyền lợi về đất đai ở vùng Trung, Nam Mĩ. Các thuộc địa của Tây Ban Nha trở thành thuộc địa của Mĩ. Puerto Rico bị sáp nhập như là một bang của Mĩ. Cuba trên danh nghĩa là một nước cộng hòa độc lập, nhưng trên thực tế lại bị đặt dưới quyền bảo hộ của Mĩ. Một phần lãnh thổ của Cuba, đặc biệt hải cảng Guantanamo, bị Mĩ chiếm đóng để xây dựng căn cứ quân sự.
Sau chiến thắng Tây Ban Nha, Mĩ tăng cường khống chế Mĩ Latinh. Cuối thế kỷ XIX, phát triển “học thuyết Monroe”, nấp dưới chiêu bài “hợp tác” và “đoàn kết” toàn châu Mĩ, đế quốc Mĩ thực hiện “chủ nghĩa Liên Mĩ”, trên thực tế là đặt sự thống trị của mình lên cả châu Mĩ. Năm 1898, Mĩ triệu tập “Hội nghị toàn châu Mĩ” đầu tiên ở Washington. Hội nghị thành lập “Cơ quan thương mại của các nước châu Mĩ”. Hai mươi năm sau, tổ chức này biến thành
“Liên minh toàn châu Mĩ “ phụ thuộc vào Mĩ.
Dùng danh nghĩa chính trị và áp lực quân sự, đế quốc Mĩ can thiệp vào nội bộ các nước Mĩ Latinh để bành trướng thế lực của mình. Mĩ đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng kênh đào Panama. Trước hết, Mĩ tổ chức một “cuộc nổi dậy” tách vùng đất Panama ra khỏi Colombia và thành lập nước “Cộng hòa Panama” vào năm 1903. Chính phủ Panama ký hiệp ước nhường cho Mĩ quyền đào một con kênh qua eo đất Panama, nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, Mĩ được xây dựng đường sắt và pháo đài dọc theo kênh. Năm 1914, kênh đào Panama hoàn thành, mở đường cho Mĩ làm bá chủ khu vực Mĩ Latinh và Viễn Đông.
114
Ngoài ra, Mĩ tiếp tục can thiệp vũ trang, xâm lược Dominica năm 1905, Nicaragua năm 1909, Haiti năm 1914, 1915, Mexico năm 1914, 1916.
Cùng với những hoạt động quân sự, đế quốc Mĩ xuất khẩu tư bản, tăng cường đầu tư vào các nước Mĩ Latinh bằng cách trực tiếp xây dựng các cơ sở công nghiệp khai thác, chế biến hoặc cho chính phủ các nước vay, hay “viện trợ” để chi phối, khống chế về chính trị và cạnh tranh với các nước đế quốc châu Âu.
6.3.3. Phong trào cách mạng ở các nước Mĩ Latinh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX a. Phong trào cách mạng cuối thế kỷ XIX
Sau khi giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các nước Mĩ Latinh lại phụ thuộc vào đế quốc Âu Mĩ, đặc biệt là Mĩ.
Chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa kết hợp với tàn tích phong kiến, của địa chủ, nhà thờ trong nước, của đế quốc làm cho sự phát triển về kinh tế bị cản trở, đời sống nhân dân lao động rất khốn cùng.
Nông dân (107 triệu) chiếm 70% dân số Mĩ Latinh, nhưng 75% nông dân lại không có đất canh tác, phải thuê ruộng, làm công nhân nông nghiệp hay đi lang thang kiếm sống. So với công nghiệp, sản xuất nông nghiệp còn khá lạc hậu, do đó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp.
Nhìn chung, kinh tế Mĩ Latinh phát triển chậm, không đồng đều giữa các nước và là thị trường tiêu thụ hàng hóa, cung cấp nguyên vật liệu cho các nước, nhất là đế quốc Mĩ.
Trong điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội như thế, phong trào cách mạng nổ ra ở nhiều nước.
Nổi bật là cuộc đấu tranh chống thực dân Tây Ban Nha của nhân dân Cuba, dưới sự lãnh đạo của Jose Marti (1853 – 1895). J. Marti tham gia phong trào cách mạng từ năm 16 tuổi (1869), 2 lần bị trục xuất ra nước ngoài (1871 và 1881), đã sang Tây Ban Nha, Guatemala, Venezuela, Mexico, Mĩ để tìm cách cứu nước. Năm 1892, ông thành lập một đảng cách mạng ở Cuba nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc. Năm 1893, J. Marti chỉ huy một đạo quân, được thành lập ở nước ngoài, về nước đánh đuổi quân Tây Ban Nha và hy sinh ngày 19/5/1895.
Sau khi J. Marti hy sinh, cuộc đấu tranh chống Tây Ban Nha của nhân dân Cuba vẫn tiếp tục, dưới sự lãnh đạo của Moncado và Maseo, làm suy yếu bọn thống trị Tây Ban Nha.
Lợi dụng cuộc đấu tranh của nhân dân chống sự xâm nhập của tư sản Anh, giai cấp tư sản Braxin đã lật đổ chế độ phong kiến, thành lập nước Cộng hòa Liên bang Braxin.
Cùng với cuộc đấu tranh yêu nước, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân cũng phát triển. Các tổ chức công đoàn, hội tương tế được thành lập ở nhiều nước (Argentina, Braxin, Mexico, Chile…). Tư tưởng của chủ nghĩa Mác được truyền bá sâu rộng trong công nhân Mĩ Latinh. Năm 1872, Phân bộ Quốc tế thứ nhất được thành lập ở Argentina và Mexico.
Vào những năm 80 – 90 của thế kỷ XIX, ở một số nước Mĩ Latinh đã ra đời các nhóm xã hội và báo chí của công nhân (Braxin, Uruguay). Trong những năm 90, Đảng xã hội Argentina được thành lập, Đảng công nhân Cuba ra đời…
Từ cuối thế kỷ XIX, với sự lãnh đạo của các tổ chức công nhân, phong trào đình công liên tiếp nổ ra ở nhiều nước.
115 b.Cuộc cách mạng Mexico (1910 – 1917)
Sự kiện có ý nghĩa lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Mĩ Latinh đầu thế kỷ XX là cuộc cách mạng Mexico. Cuộc cách mạng bùng nổ năm 1910 nhằm chống lại sự xâm nhập của bọn đế quốc và những tàn dư của chế độ phong kiến còn tồn tại ở trong nước.
Từ năm 1887 – 1911, chính quyền độc tài phản động của Poócphiriô Điat, đại biểu quyền lợi của giai cấp đại địa chủ và tư sản mại bản, thân Mĩ đã lên cầm quyền ở Mexico. Chính quyền Điat không hề chú ý đến quyền lợi của dân tộc, ngược lại dựa vào tư bản nước ngoài, chủ yếu là tư bản Anh và Mĩ. Các công ty nước ngoài chủ yếu là của Mĩ nắm những ngành kinh tế quan trọng nhất của Mexico. Quyền lợi của dân tộc bị xâm phạm, đời sống nhân dân lao động bị sút kém.
Cuộc cách mạng năm 1910 mở đầu bằng những cuộc biểu tình vũ tranh của nông dân đòi ruộng đất đã bị tước đoạt để làm đường sắt, đường ống dẫn dầu, xây dựng nhà máy… Phong trào kết hợp với những cuộc đấu tranh của công nhân đòi giảm giờ làm. Nhiều người thuộc tầng lớp trung gian ở thành thị tham gia. Nông dân đã nổi dậy vũ trang chống lại chính phủ độc tài Điat dưới khẩu hiệu “Vì ruộng đất và tự do”. Trung tâm các cuộc nổi dậy của phong trào nông dân ở Bắc Mexico do Phơrăngxicô Vila và ở Nam Mexico do Emilianô Xapata lãnh đạo.
Giai cấp vô sản cũng nổi dậy đấu tranh. Các cuộc đình công đòi giảm giờ làm xảy ra liên tiếp.
Các nhà tư sản dân tộc và một số địa chủ cũng chống lại Điat, bởi vì sự xâm nhập của tư bản nước ngoài đã cản trở bước phát triển của họ. Trong phong trào cách mạng, các nhà trí thức cũng tham gia.
Đứng đầu tất cả các nhóm tự do tham gia vào phong trào đấu tranh chống lại chính phủ độc tài Điat là Phơrăngxicô Mađêrô. Mađêrô sinh ra trong một gia đình đại địa chủ, không chỉ có nhiều ruộng đất mà có cả hầm mỏ và nhà máy. Mục đích tham gia của các nhóm này vào phong trào là muốn lật đổ Điat để nắm quyền thống trị, Đảng của các nhóm Tự do đã cử Mađêrô ra tranh cử Tổng thống nhưng thất bại. Việc Điat lại trúng cử đã gây thêm lòng căm phẫn sẵn có từ lâu của quảng đại quần chúng nhân dân ở mhc. Do đó, những người lao động ở thành thị cũng như nông thôn đã vùng dậy tự phát đấu tranh. Nhóm tự do bị Điat đàn áp, Mađêrô bị bỏ tù nhưng ông trốn được.
Ngày 10/5/1910, Mađêrô công bố chương trình hành động của đảng Tự do, trong đó công nhận cách mạng nhưng đặt dưới quyền kiểm soát của đảng Tự do. Ông kêu gọi nhân dân cầm súng lật đổ chính phủ độc tài Điat, thành lập nước cộng hòa và hứa trả lại ruộng đất cho nông dân. Nhân dân hưởng ứng, các đội quân chống chính phủ ở miền Bắc và miền Nam liên kết với nhau tấn công vào thủ đô từ ngày 11/2/1911. Tháng 5/1911, quân chính phủ buộc phải đầu hàng. Ngày 21/5/1911, chính phủ Điat bị lật đổ.
Cách mạng thành công, nền cộng hòa được thiết lập. Giai cấp đại địa chủ, tư sản trong Đảng Tự do nắm chính quyền. Mađêrô được bầu là người đứng đầu chính phủ, nhưng ông không giữ lời hứa trước đây, vẫn tiếp tục sử dụng các tướng tá cũ và không giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Nhân dân Mexico lại đứng dậy đấu tranh chống chính quyền Mađêrô.
Lợi dụng sự bất mãn của quần chúng, lại được Mĩ ủng hộ, nhà thờ và quý tộc phong kiến tổ chức cuộc bạo động vào tháng 2/1913. Họ đã lật đổ Mađêrô và đưa viên tướng Huecta lên nắm
116
quyền. Nhân dân lại nổi dậy đấu tranh chống Huecta. Tháng 4/1914, quân Mĩ đổ bộ vào Mexico để giúp đỡ Huecta giữ vững sự thống trị, song bị quân giải phóng và nhân dân Mexico đánh bại, phải rút về nước. Huecta bị lật đổ, song chính quyền trở lại tay đảng Tự do và Caranxa đứng đầu chính phủ.
Tháng 1/1915, chính phủ Caranxa công bố luật cải cách ruộng đất, song lại không xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, nên nông dân vẫn không được hưởng đất.
Cách mạng Mexico đã lật đổ chế độ độc tài, song không triệt để - tàn dư phong kiến còn nặng, tư bản nước ngoài còn khống chế, nền độc lập dân tộc không được đảm bảo vững chắc.
Điều này là do giai cấp công nhân còn non trẻ chưa đủ sức lãnh đạo cách mạng. Quyền lãnh đạo cách mạng nằm trong tay giai cấp tư sản có quyền lợi gắn liền với đại địa chủ và tư sản nước ngoài. Tuy vậy, cuộc cách mạng cũng giáng một đòn mạnh vào bọn phong kiến, nhà thờ phản động và đế quốc thực dân, tạo điều kiện cho các cuộc cải cách dân chủ và tiến bộ tiếp theo.
Cuộc đấu tranh chống đại địa chủ, tư sản phản động, các thế lực phong kiến, đế quốc thực dân ở Mĩ Latinh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mang tính chất nhân dân, bao gồm các giai cấp, tầng lớp xã hội. Cuộc đấu tranh này, về khách quan, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển, song sự phát triển này còn chậm và không đồng đều giữa các nước Mĩ Latinh.
Về danh nghĩa, các nước Mĩ Latinh là những quốc gia độc lập song về thực chất bị lệ thuộc nhiều vào các nước đế quốc, đặc biệt là Mĩ. Do đó, cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội còn tiếp tục.
Câu hỏi ôn tập
1. Sự bành trướng thế lực của Mỹ ở khu vực Mỹ latinh diễn ra như thế nào?
2. Phong trào đấu tranh của nhân dân các nước Mỹ latinh vào cuối thế kỷ XVIII đầu XIX:
nguyên nhân bùng nổ, diễn biến (vài nét chính), kết quả, ý nghĩa, tính chất?
3. Lập niên biểu về cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Mỹ latinh vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ?