CHƯƠNG 6: MĨ LATINH THỜI CẬN ĐẠI
6.2. Phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX
6.2.1. Thắng lợi của cách mạng Haiti cuối thế kỷ XVIII
Mở đầu cho phong trào đấu tranh giành độc lập ở Mĩ Latinh là cuộc cách mạng ở Haiti.
Haiti vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha, được nhường lại cho Pháp từ cuối thế kỷ XVII. Dân bản địa là người Indian, nhưng dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, họ bị tiêu diệt nhanh chóng và thay vào đó là những nô lệ da đen từ châu Phi sang. Đến cuối thế kỷ XVIII, ở Haiti có khoảng nửa triệu người da đen (90% dân số) và người lai đen – trắng. Ở đây, thực dân Pháp mở nhiều đồn điền lớn trồng mía, cà phê và bóc lột dã man người lao động da đen.
107
Khi cuộc cách mạng tư sản bùng nổ ở Pháp (1789), nhân dân bị áp bức ở Haiti chờ Quốc hội lập hiến xóa bỏ chế độ nô lệ, nhưng Quốc hội lập hiến đã không đếm xỉa đến nguyện vọng chính đáng của họ. Năm 1790, nhiều người da đen tự do dự định khởi nghĩa song bị đàn áp.
Tuy nhiên, tháng 5/1791, Quốc hội lập hiến buộc phải cho người lai và người da đen tự do được hưởng quyền công dân, còn đa số nhân dân Haiti vẫn bị đọa đày trong chế độ nô lệ.
Không thỏa mãn với chính sách của Quốc hội lập hiến, tháng 8/1791, nhân dân Haiti tiếp tục nổi dậy khởi nghĩa với sự tham gia của hơn 10.000 người da đen và một số dân nghèo da trắng.
Đứng đầu cuộc khởi nghĩa là Toussaint Louverture (Tuxanh Luvectuya), một lãnh tụ xuất sắc người da đen. Toussaint tuyên bố giải phóng nô lệ, tịch thu ruộng đất của chủ đồn điền chia cho nô lệ, thành lập nước cộng hòa, thực hiện quyền bình đẳng giữa người da đen và người da trắng. Bọn chủ nô Pháp hoảng sợ cầu cứu Anh và Tây Ban Nha. Trong vòng hơn một thập kỷ, cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Haiti trải qua nhiều khó khăn thử thách.
Dưới sự lãnh đạo của Toussaint Louverture, nhân dân Haiti đã lần lượt đánh bại các kẻ thù Tây Ban Nha, Anh và Pháp. Năm 1798, sau một trận chiến đấu quyết liệt, Toussaint buộc Maitland, chỉ huy quân đội viễn chinh Anh phải đầu hàng và nước Anh phải thừa nhận nền độc lập của Haiti. Năm 1801, quân đội cách mạng Haiti đẩy lùi một đạo quân Pháp ở Santo Domingo. Để đẩy lùi lực lượng cách mạng, thực dân Pháp dùng thủ đoạn đàm phán hòa bình, mời Toussaint Louverture đến rồi bắt cóc giải về Pháp. Tuy mất người lãnh đạo tài ba, nhưng nhân dân Haiti vẫn kiên quyết kháng chiến đến cùng và đã đánh bại hoàn toàn quân đội viễn chinh Pháp. Năm 1804, Haiti trở thành một nước Cộng hòa độc lập.
6.2.2. Cuộc đấu tranh giành độc lập của các thuộc địa Tây Ban Nha (1810 – 1826) a. Giai đoạn thứ nhất (1810 – 1815)
Sang thế kỷ XIX, những điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập của các thuộc địa Tây Ban Nha ở Mĩ Latinh xuất hiện. Năm 1808, triều đình Tây Ban Nha bị Napoléon lật đổ và lãnh thổ bị quân Pháp chiếm đóng. Nhân cơ hội đó, nhân dân thuộc địa nổi dậy đấu tranh cho nền độc lập dân tộc của mình.
Trong giai đoạn đầu, phong trào cách mạng nổ ra ở ba trung tâm chính là Venezuela, Mexico và Argentina.
- Mở đầu cho phong trào đấu tranh là cuộc khởi nghĩa ngày 19/4/1810 ở Caracas dưới sự lãnh đạo của Francisco de Miranda. Đến tháng 5/1811, Cộng hòa độc lập Venezuela được thành lập ở Caracas. Nhưng chính phủ mới gồm đại địa chủ, tư sản Criollo không chú ý đến quyền lợi của nhân dân lao động nên mất chỗ dựa trong quần chúng và không đứng vững được lâu. Năm 1812, quân đội Tây Ban Nha phản công chiếm lại Caracas. Miranda bị bắt đưa đi đày và chết trong ngục vào năm 1816. Kế tục sự nghiệp của Miranda là Simon Bolivar, xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có ở Venezuela. Bolivar là người chịu ảnh hưởng sâu sắc của những tư tưởng tiến bộ của các nhà triết học Ánh sáng Pháp, là một nhà hoạt động chính trị có tài, một chỉ huy quân sự giỏi. Ngày 6/4/1813, Bolivar lãnh đạo nghĩa quân giải phóng Caracas lần thứ hai, Cộng hòa Venezuela được lập lại nhưng cũng tồn tại không lâu. Năm 1814, Fernando VII cử quân đội sang đàn áp. Do chưa đủ thế lực, Bolivar phải lánh ra nước ngoài, phong trào cách mạng Venezuela tạm thời lắng xuống.
- Ở Mexico, dưới sự lãnh đạo của linh mục Michel Hidalgo, phong trào giải phóng dân tộc bùng nổ với quy mô lớn nhất. Ngày 16/9/1810, Hidalgo tập hợp quần chúng trong nhà thờ
108
và kêu gọi họ nổi dậy đấu tranh lật đổ chính quyền thực dân. Ông nêu lên yêu cầu giành độc lập, thu hồi ruộng đất bị cướp đoạt và xóa bỏ chế độ nô lệ, được nhân dân hưởng ứng đông đảo. Nghĩa quân chiếm được nhiều thành phố và tiến tới sát thành phố Mexico (thủ đô của phó vương quốc Nueva Espanha). Nhưng đến tháng 1/1811, nghĩa quân bị quân Tây Ban Nha trang bị tốt hơn đánh bại. Hidalgo bị bắt và bị xử tử.
Sau khi Hidalgo bị giết, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục phát triển ở miền Nam Mexico dưới sự lãnh đạo của linh mục Jose Morelos, một người lai Indian và da đen. Morelos đấu tranh đòi quyền bình đẳng giữa các dân tộc, xóa bỏ đặc quyền của Giáo hội và của bọn sỹ quan, chia ruộng đất cho nông dân. Năm 1813, Morelos giải phóng được gần toàn bộ miền Nam Mexico, triệu tập Quốc hội và tuyên bố Mexico độc lập. Năm 1814, Hiến pháp của nền Cộng hòa được thông qua. Nhưng tinh thần cách mạng của nhân dân đã làm cho địa chủ, tư sản Criollo sợ hãi và một số dao động rời bỏ phong trào. Trong lúc đó, quân đội Tây Ban Nha được tăng viện từ chính quốc, đã đánh bại nghĩa quân và năm 1815. Morelos hy sinh, cuộc cách mạng ở Mexico đi vào thời kỳ đấu tranh du kích.
- Ở các nước thuộc phó vương quốc La Plata, khi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bùng nổ, đây là khu vực yếu nhất của Tây Ban Nha. Ngày 25/5/1810, tại thành phố Buenos Aires (thủ đô phó vương quốc La Plata) đã nổ ra một cuộc biểu tình thị uy của quần chúng. Sau đó, chính phủ lâm thời của Liên tỉnh La Plata được thành lập. Chính phủ Buenos Aires chủ trương thống nhất toàn lãnh thổ của phó vương quốc thành một quốc gia tập trung, nhưng một số tỉnh trong phó vương quốc lại chủ trương giành quyền tự trị rộng rãi cho các tỉnh. Do đó, những cố gắng của chính phủ Buenos Aires nhằm mở rộng quyền hành của mình ra toàn phó vương quốc gặp sự phản kháng của các tỉnh và dẫn đến xung đột (giữa quân đội Paraguay với quân đội chính phủ Buenos Aires đầu năm 1811). Tháng 5/1811, nhân dân Paraguay nổi dậy đấu tranh chống thực dân. Họ bắt tên phó vương Tây Ban Nha và thành lập chính phủ cách mạng do Francia đứng đầu. Ngày 14/8/1811, Paraguay tuyên bố độc lập và tách khỏi Liên tỉnh La Plata. Chính phủ cách mạng Paraguay đã tịch thu một nửa số ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo.
Phong trào đấu tranh cũng lan sang các tỉnh ven biển phía Đông La Plata. Trong năm 1811 – 1812, thành phố Montevideo đã bị quần chúng cách mạng bao vây hai lần.
Trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở La Plata, thực dân Tây Ban Nha cử quân đội sang đàn áp. Riêng Paraguay, nhờ có địa thế hiểm trở và có cơ sở vững chắc trong quần chúng mới giữ được độc lập, còn các vùng khác đều bị thất bại.
b. Giai đoạn thứ hai (1816 – 1826)
Sau khi chiếm lại các thuộc địa, thực dân Tây Ban Nha đã tiến hành khủng bố hết sức tàn bạo nhằm tiêu diệt tận gốc ý chí đòi độc lập của nhân dân Mĩ Latinh. Tuy nhiên, hành động đó của thực dân Tây Ban Nha đã thúc đẩy phong trào cách mạng của nhân dân Mĩ Latinh bùng lên mạnh mẽ.
Được sự giúp đỡ của Cộng hòa Haiti, Bolivar cùng với 250 chiến sỹ từ đảo Hamaica đổ bộ lên Venezuela phối hợp với quân du kích tiếp tục đấu tranh trở lại. Sau khi chiếm được Caracas (tháng 1/1817), Bolivar đã nhanh chóng giải phóng một vùng rộng lớn ở lưu vực sông Orinoco. Chính quyền mới được thành lập và Bôliva từ chối mọi sự điều đình với chính quyền Tây Ban Nha, do các cường quốc làm trung gian.
109
Mùa thu năm 1819, Bolivar cho quân vượt dãy Andes vô cùng hiểm trở để bất ngờ tiến đánh quân đội Tây Ban Nha, giải phóng những vùng còn lại của Nueva Granada. Trong một trận quyết chiến ở Boyaca, quân Bolivar đã đánh bại quân Tây Ban Nha và giải phóng thành phố Bogota (thủ đô phó vương quốc Nueva Granada). Cuối năm 1819, Cộng hòa Đại Colombia ra đời (bao gồm Venezuela và Ecuador) do Bolivar làm Tổng thống. Chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra. Tháng 1/1820, cuộc khởi nghĩa của Riego giành thắng lợi lớn. Tháng 9/1820, hai bên ký kết hiệp định đình chiến. Nhưng tháng 4/1821, chiến tranh lại tái diễn. Để tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng, năm 1821, Quốc hội lập hiến Đại Colombia ban bố hiến pháp, trong đó nêu lên một số chính sách tiến bộ như: bãi bỏ chế độ nô lệ, cho tự do tín ngưỡng… Đầu năm 1822, Bolivar đánh bại một cuộc phiến loạn và chiến thắng quân đội Tây Ban Nha ở cánh đồng Bombona. Một cánh quân khác do Jose de Sucre, phó tướng của Bolivar chỉ huy đã tiến vào giải phóng Quito.
Ở Mexico, sau năm 1815, cuộc đấu tranh giải phóng vẫn tiếp diễn dưới hình thức chiến tranh du kích. Năm 1820, cách mạng bùng nổ ở Tây Ban Nha, bọn đại địa chủ và giáo sỹ cao cấp ở thuộc địa sợ ảnh hưởng của phong trào cách mạng ở chính quốc sẽ gây ra một cao trào giải phóng dân tộc mới ở Mexico nên chủ động đứng ra hiệu triệu thoát ly chính quốc. Chúng dựa vào Agustin de Iturbide, một sỹ quan Tây Ban Nha đã từng đàn áp phong trào cách mạng Mexico trước đây. Năm 1821, Iturbide kéo quân vào thủ đô và tuyên bố độc lập. Năm 1822, Iturbide xưng đế, lấy hiệu là Agustin I và thiết lập chế độ độc tài quân sự. Nhân dân Mexico không cam chịu để cho bọn quyền quý ở thuộc địa lại tròng lên cổ mình những gông xiềng mới nên tiếp tục đấu tranh. Năm 1823, chế độ độc tài quân sự bị lật đổ, nền Cộng hòa Mexico được thiết lập và Agustin bị xử bắn.
Tại Trung Mĩ, từ 1811 – 1814, các nước Guatemala, Honduras, Nicaragua, Costa Rica, San Salvador cũng lần lượt đứng lên khởi nghĩa nhưng đều bị đàn áp. Bước vào giai đoạn thứ hai, phong trào đấu tranh tiếp tục nổ ra. Năm 1821, chính phủ cách mạng thành lập ở Guatemala và tuyên bố độc lập. Đến tháng 7/1823, Cộng hòa liên hiệp Trung Mĩ chính thức thành lập.
Ở miền Nam Nam Mĩ, Liên tỉnh La Plata tuyên bố độc lập lần thứ hai vào tháng 7/1816.
San Martin, một người yêu nước xuất sắc của Argentina đứng đầu phong trào đấu tranh ở La Plata. San Martin cùng với đạo quân 5000 người (1/3 là người da đen), khắc phục khó khăn, vượt dãy Andes tiến sang Chile, phối hợp với nghĩa quân Chile đánh bại quân Tây Ban Nha ở Chacabuco vào tháng 2/1817 và tiến vào Santiago. Tháng 4/1818, Chile hoàn toàn giải phóng, chính phủ cách mạng được thành lập do Bernardo O’Higgins đứng đầu. Tây Ban Nha chỉ còn một căn cứ cuối cùng và vững chắc là Peru.
Năm 1820, quân đội San Martin từ Chile vượt biển đổ bộ lên Peru. Mùa hè năm 1821, quân San Martin và nghĩa quân Chile do O’Higgins chỉ huy gặp nhau và cùng tấn công Lima (thủ đô phó vương quốc Peru). Thành Lima bị hạ, Cộng hòa Peru tuyên bố độc lập và San Martin được tôn làm Bảo quốc công. Tuy nhiên, lúc đó Cộng hòa Peru chỉ mới làm chủ được vùng ven biển, phần lớn lãnh thổ thuộc miền Thượng Peru và cảng Cagiao vẫn nằm trong tay Tây Ban Nha.
Năm 1823, Bolivar đem quân tiến sang Thượng Peru. Tháng 12/1823, quân đội Bolivar thắng lớn ở trận Ayacucho và liên tiếp tấn công quân địch. Tháng 5/1825, Thượng Peru tuyên bố độc lập và lấy tên là Cộng hòa Bolivia để ghi nhớ công ơn của Bolivar.
110
Ngày 23/11/1826, Cagiao, vị trí duy nhất còn lại của Tây Ban Nha trên lục địa đầu hàng, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của nền đô hộ Tây Ban Nha từ hơn ba thế kỷ nay ở Mĩ Latinh (trừ Puerto Rico và Cuba).
6.2.3. Cuộc đấu tranh giành độc lập ở Braxin
Từ giữa thế kỷ XVI, Braxin bị Bồ Đào Nha xâm chiếm. Dưới sự thống trị của thực dân Bồ Đào Nha, nhân dân Braxin bị áp bức bóc lột nặng nề nên nhiều lần nổi dậy đấu tranh. Đến cuối thế kỷ XVIII, phong trào giải phóng dân tộc của Braxin phát triển mạnh mẽ. Sự thắng lợi của cách mạng ở Bắc Mĩ và Pháp đã thúc đẩy tầng lớp địa chủ, tư sản người Criollo mạnh dạn đứng lên đấu tranh đòi thoát ly chính quốc.
Năm 1789, một nhóm trí thức, thanh niên Criollo ở Braxin đã thành lập một hội kín, mà người cầm đầu có biệt hiệu là “Nha sỹ”. Mục đích của họ là đấu tranh cho nền cộng hòa và xóa bỏ chế độ nô lệ. Nhưng sau đó, hội bị phát giác và bị đàn áp. “Nha sỹ” bị bắt và bị treo cổ vào năm 1790.
Năm 1807, Napoléon I tấn công Bồ Đào Nha. Thái tử nhiếp chính và hoàng gia Bồ Đào Nha được hải quân Anh đưa sang Braxin lánh nạn. Năm 1815, Thái tử Bồ Đào Nha tuyên bố độc lập và thành lập một Vương quốc liên hiệp gồm Braxin và Bồ Đào Nha. Năm 1816, y lên ngôi vua lấy hiệu là Huan VI. Dưới sự thống trị trực tiếp của Juan VI, mâu thuẫn giữa chính quốc và thuộc địa chẳng những không dịu đi mà còn tăng thêm. Tháng 3/1817, phái cộng hòa nổi dậy khởi nghĩa ở Pecnambuco, một hải cảng sầm uất của Braxin. Nhưng nghĩa quân chỉ giữ vững chính quyền được 76 ngày thì bị đàn áp và thất bại.
Năm 1820, cách mạng nổ ra ở chính quốc, Quốc hội mới triệu Juan VI về nước. Năm 1821, Juan VI buộc phải từ giã Braxin và để Thái tử Pedro ở lại làm nhiếp chính. Thời gian này cũng là lúc phong trào đòi độc lập của Braxin lên mạnh, nên trước lúc về nước, Juan VI đã căn dặn con nếu tình thế có thay đổi thì Pedro cứ tuyên bố độc lập và xưng đế để duy trì nền thống trị. Năm 1822, Quốc hội Bồ Đào Nha lại quyết định gọi Pedro về nước. Theo lời cha dặn, Pedro cự tuyệt và lập tức tuyên bố Braxin độc lập, rồi lập đế chế và lấy hiệu là Pedro I. Quân đội Bồ Đào Nha bị đuổi khỏi Braxin. Năm 1824, trước những đòi hỏi của địa chủ, tư sản Criollo và để xoa dịu sự bất mãn của nhân dân, Pedro I ban hành hiến pháp, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến ở Braxin. Tuy nhiên, do tầng lớp tư sản dân tộc còn yếu nên chính quyền chủ yếu nằm trong tay bọn địa chủ, chủ nô. Vì vậy, các yêu cầu về quyền lợi của quần chúng nhân dân không được thỏa mãn, mãi tới năm 1888, chế độ nô lệ mới được xóa bỏ ở Braxin.
Năm 1825, Juan VI công nhận nền độc lập của Braxin.
6.2.4. Kết quả và ý nghĩa của phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX
a. Kết quả và đặc điểm của phong trào
Nét nổi bật trong phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt giai cấp chủng tộc. Do điều kiện lịch sử riêng biệt của khu vực này, giai cấp địa chủ, tư sản Criollo đã đóng vai trò lãnh đạo cách mạng, còn đội quân chủ lực là người Inđian và người da đen.
111
Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dã giành được thắng lợi, làm tan rã hoàn toàn hệ thống thuộc địa lâu đời của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, một loạt quốc gia độc lập được hình thành ở Mĩ Latinh.
Sau khi giành được độc lập, chính quyền ở hầu hết các nước đều lọt vào tay giai cấp địa chủ Criollo, vì thế cơ sở kinh tế của xã hội cũ vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn và những quyền lợi cơ bản của quần chúng nhân dân chưa được giải quyết thỏa đáng. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao sau khi độc lập, nền kinh tế của các nước Mĩ Latinh lại phát triển chậm chạp và trở thành đối tượng xâm lược của các nước tư bản tiên tiến, mà trước hết là Anh và Mĩ.
Khi cuộc đấu tranh giành độc lập diễn ra, Anh, Mĩ đã có âm mưu thay thế vai trò của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Mĩ Latinh. Anh đưa ra chính sách “Không can thiệp” rất kiên quyết, khi Liên minh thần thánh định đứng về thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đưa quân sang đàn áp cách mạng. Còn Mĩ thì đưa ra bản “Tuyên ngôn Monroe” (1823) với khẩu hiệu nổi tiếng “Châu Mĩ của người Mĩ”, thể hiện âm mưu muốn độc chiếm Mĩ Latinh để biến thành
“sân sau” của mình.
Chính vì những âm mưu đó, các nước Anh, Mĩ đã tìm mọi cách để ngăn cản sự thành lập Liên bang Mĩ Latinh. Mặc dù trong tiến trình đấu tranh giành độc lập, xu hướng hợp nhất đã có (như việc thành lập Cộng hòa Đại Colombia, Liên tỉnh La Plata, Cộng hòa Liên hiệp Trung Mĩ) nhưng trong đại hội Panama (1826), các nước Mĩ Latinh không thể đi đến thống nhất.
b. Tính chất và ý nghĩa của phong trào
Phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX mang tính chất là một cuộc cách mạng tư sản. Nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng – xóa bỏ chế độ thuộc địa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – đã được giải quyết. Trên lãnh thổ Mĩ Latinh, ở nhiều nước, chế độ Cộng hòa độc lập ra đời, chế độ nô lệ bị thủ tiêu. Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng tư sản còn nhiều hạn chế, không triệt để. Nông dân không được chia ruộng đất, chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại ở một số nước, địa vị nhân dân lao động chưa thực sự có sự thay đổi, những tàn tích của chế độ cũ vẫn chưa bị quét sạch.
Mặc dù còn hạn chế, phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Cuộc cách mạng đã tạo nên một bước ngoặt căn bản trong quá trình phát triển của Mĩ Latinh. Tất cả những thành quả cách mạng đạt được đã có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các nước phát triển mạnh mẽ hơn, làm cho nhân dân lao động ở đây giác ngộ hơn về quyền lợi và địa vị của mình trong xã hội.