CHƯƠNG 3: ẤN ĐỘ THỜI CẬN ĐẠI
3.2. Thực dân Anh xâm lược và cai trị Ấn Độ
Từ thế kỷ XVI, thực dân phương Tây dòm ngó và từng bước xâm nhập vào thị trường phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ. Mở đầu là người Bồ Đào Nha. Lợi dụng sự tranh giành giữa các tiểu vương ở Ấn Độ, người Bồ Đào Nha chiếm một số căn cứ ở vùng bờ biển phía Tây Nam, trong đó có Goa là vị trí quan trọng nhất.
Đến giữa thế kỷ XVII, thực dân Bồ Đào Nha suy yếu, người Hà Lan đánh bại ưu thế thương mại của Bồ Đào Nha và chiếm được một số căn cứ trừ vùng Goa, Diu và Ddamman.
Về phía thực dân Anh, vào đầu thế kỷ XVII, người Anh chỉ thiết lập được một thương điếm tạm thời ở Suras, sau đó thương điếm này chuyển về Bombay. Đến giữa thế kỷ XVII, Anh lập thêm một số căn cứ ở Madras, Calcutta.
Thực dân Pháp có mặt ở Ấn Độ vào cuối thế kỷ XVII, chiếm các đại lý ở Pondicherry, Sangdecnago… Ngoài ra, xâm nhập vào Ấn Độ còn có người Đan Mạch, Thụy Điển, Áo…
Các nước châu Âu đều thực hiện mưu đồ xâm lược Ấn Độ thông qua hoạt động của Công ty Đông Ấn Độ của các nước. Cuộc cạnh tranh của người châu Âu ở Ấn Độ ngày một gay gắt và cuối cùng Ấn Độ trở thành nơi tranh chấp giữa Anh và Pháp.
Đến giữa thế kỷ XVIII, hoạt động của các Công ty Đông Ấn Độ được đẩy mạnh, Pháp chiếm được một số ưu thế nhất định ở Ấn Độ: thành lập những đội quân đánh thuê người Ấn Độ (Xipay); đưa quân chiếm đóng một số nơi và được bon phong kiến Ấn Độ giúp đỡ đã kiểm soát được những vương quốc rộng lớn ở phía Nam như Hyderabad, Carnatic.
Sau khi chiếm được ưu thế so với các nước phương Tây khác ở Ấn Độ, thực dân Anh tăng cường xâm chiếm và đất đai Ấn Độ lần lượt rơi vào tay thực dân Anh.
Ở Bengal, sau khi đánh bại cuộc kháng cự của nhân dân do nhà vua trẻ tuổi Siras Us Doile đứng đầu, Công ty Đông Ấn Độ của Anh đã giành được quyền thu thuế, đóng quân, lập tòa án và thiết lập bộ máy cai trị cả vùng Bengal rộng lớn. Vương quốc Aođơ cũng bị xâm chiếm. Ở phía Nam, vương quốc Hyderabad cũng bị Anh chinh phục. Ở vương quốc Maixuya, trong vòng gần 20 năm, thực dân Anh tiến hành 4 cuộc chiến tranh xâm lược mới chiếm được vương quốc giàu có này.
Đến cuối thế kỷ XVIII, những vùng đất giàu có nhất của Ấn Độ như Bengal, Biha, Aođơ, Oritsa và toàn bộ miền Nam Ấn Độ rơi vào tay thực dân Anh.
16 C. Mác, Những kết quả tương lai của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ, Tuyển tập Mác – Ăngghen, Tập 1, NXB Sự thật, Hà Nội 1962, tr. 538
52
Sang đầu thế kỷ XIX, thực dân Anh tiếp tục chinh phục những vùng đất còn lại của Ấn Độ.
Năm 1803, thực dân Anh tấn công vương quốc của người Maras ở miền Trung Ấn Độ.
Ngay từ đầu, nhân dân Maras đã nổi dậy đấu tranh chống xâm lược rất kiên quyết. Nhưng vì thiếu người lãnh đạo, thiếu sự tổ chức thống nhất và mâu thuẫn gay gắt giữa các tập đoàn phong kiến đã tạo thời cơ thuận lợi cho thực dân Anh. Đến năm 1817, vương quốc Maras hoàn toàn bị chinh phục. Từ đó, thực dân Anh tiếp tục bành trướng ra xung quanh và bán đảo Ấn Độ chỉ còn lại một quốc gia độc lập là Punjab.
Lợi dụng những mâu thuẫn gay gắt diễn ra ở Punjab và dựa vào một bộ phận phong kiến phản bội, năm 1845, thực dân Anh bắt đầu đánh chiếm Punjab. Nhân dân Punjab kiên quyết chống trả nhưng được bọn phong kiến phản động giúp sức nên quân đội Anh đã đánh bại quân khởi nghĩa vào tháng 2/1846, sát nhập một phần đất đai Punjab vào lãnh thổ chiếm đóng của thực dân Anh. Năm 1848, nhân dân Punjab lại nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Anh, giành được thắng lợi ban đầu, đánh bại quân Anh tại Trilianvan. Sau đó, quân Anh dựa vào pháo binh đã phản công đánh bại hoàn toàn nghĩa quân và chiếm đóng toàn bộ Punjab.
Như vậy, đến năm 1849, hầu hết đất đai Ấn Độ đã trở thành thuộc địa của Anh, đặt dưới sự cai quản của Công ty Đông Ấn Độ. Chính quyền phong kiến Mogul vẫn còn tồn tại nhưng chỉ là hình thức, quyền lực đã hoàn toàn bị thực dân Anh tước đoạt.
3.2.2. Chính sách thống trị của thực dân Anh ở Ấn Độ a. Tổ chức bộ máy hành chính
Từ khi thành lập ách cai trị đến năm 1858, cơ quan có toàn quyền cai trị ở Ấn Độ là Công ty Đông Ấn Độ. Các chính khách, bọn con buôn và tập đoàn thống trị ra sức củng cố địa vị trong công ty để qua đó tăng cường bóc lột Ấn Độ. Năm 1773, nghị viện Anh thông qua đạo luật về việc cai trị Ấn Độ. Theo đạo luật này, viên tổng đốc của Công ty Đông Ấn Độ đóng ở Calcutta đồng thời giữ chức toàn quyền trên lãnh địa Anh ở Ấn Độ. Viên toàn quyền cùng với một hội đồng do chính phủ Anh chỉ định nắm quyền hành chính, bên cạnh có tòa án tối cao.
Đến năm 1784, chính phủ Anh thiết lập ở Luân Đôn một hội đồng kiểm soát các hoạt động của Công ty ở Ấn Độ do vua Anh chỉ định, bao gồm một số thành viên của nội các. Công ty Đông Ấn Độ “từ một công ty thương mại đã biến thành một quốc gia quân sự và có lãnh thổ”.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản Anh đông đảo và lớn mạnh thêm, họ đòi tự do buôn bán với phương Đông nên quyền hạn của Công ty Đông Ấn Độ ngày một giảm đi. Năm 1813, nghị viện Anh bãi bỏ độc quyền của Công ty trong việc buôn bán với Ấn Độ, nhưng vẫn duy trì bộ máy hành chính và thương mại của nó. Năm 1832, độc quyền của Công ty Đông Ấn Độ bị tước bỏ hoàn toàn, chính phủ Anh nắm mọi quyền hành ở Ấn Độ. Quan thống đốc xứ Bengal được phong toàn quyền ở Ấn Độ với những quyền hạn mạnh hơn trước. Tuy nhiên, Công ty Đông Ấn Độ vẫn có quyền lực lớn trong việc cai trị Ấn Độ cho đến khi nó bị giải tán vào năm 1858.
Thực dân Anh thống trị Ấn Độ dưới danh nghĩa là người được vương triều Mogul ban cho quyền hành đó. Giai cấp phong kiến Ấn Độ trở thành chỗ dựa cho chúng và hoàng đế Mogul chỉ là một ông vua bù nhìn. Trong quá trình cai trị Ấn Độ, thực dân Anh lợi dụng sự khác biệt về đẳng cấp, tôn giáo và sự tồn tại của nhiều vương quốc để thực hiện chính sách chia để trị. Trong thời gian đầu, công cụ cai trị chủ yếu là quân đội, bộ máy tư pháp và thu
53
thuế. Đến những năm 30 của thế kỷ XIX, thực dân Anh đã tiến tới hoàn thiện bộ máy thống trị của chúng ở Ấn Độ và thực hiện một loạt chính sách bóc lột thuế khóa, chiếm ruộng đất, đàn áp… có hệ thống và toàn diện hơn trước. Lúc này, quyền lực tập trung vào tay bọn trưởng khu nắm quyền hành chính, thu thuế và tư pháp. Bọn chúng có thể tự xét xử, kết ản và thi hành bản án đối với những người không nộp thuế.
b. Chính sách kinh tế
Về nông nghiệp: Khi thực dân Anh xâm chiếm Ấn Độ, nền kinh tế ở đây chủ yếu là nông nghiệp. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vơ vét, bóc lột, trên cơ sở chế độ tô thuế phong kiến, thực dân Anh ban hành một số chính sách ruộng đất và thuế khóa mới.
Năm 1793, chính phủ Anh thi hành “chế độ Daminda vĩnh viễn” ở Bengal và Biha.
Trước đây, Daminda là những người thầu thuế của nhà vua trên những khu vực nhất định, nhưng họ không có quyền sở hữu ruộng đất. Họ thu thuế của nông dân, đem nộp một phần cho nhà nước và được hưởng một phần. Theo điều luật 1793, Daminda trở thành chủ ruộng đất mà họ thu thuế và được tự do sử dụng đất đai của công xã. Như vậy, quyền thừa kế ruộng đất và các quan hệ ruộng đất trong công xã nông thôn bị thủ tiêu. Các Daminda trở thành tầng lớp địa chủ mới với những quyền hành phong kiến trước đây. Họ nộp cho Công ty Đông Ấn Độ theo mức cố định vĩnh viễn bằng 9/10 số thuế thu được của nông dân năm 1790. Nếu không nộp đúng kỳ hạn, ruộng đất của họ bị thu lại và bán đấu giá. Do đó, Daminda thỏa sức bóc lột nông dân dưới hình thức thuế và các thứ lao dịch khác. Daminda trở thành đồng minh và cơ sở xã hội mới vững chắc cho nền thống trị của thực dân Anh ở Ấn Độ.
Năm 1822, ở miền Trung Ấn, thực dân Anh áp dụng “chế độ Daminda tạm thời”. Về cơ bản, chế độ này giống như “chế độ Daminda vĩnh viễn”. Nhưng vì tình hình giá cả và thu hoạch thay đổi, bọn Daminda kiếm được nhiều lãi nên cứ 25 đến 30 năm, Công ty Đông Ấn Độ sẽ quy định lại số thuế một lần để tăng thu nhập của Công ty. Các Daminda ở đây phần lớn là phong kiến trung và nhỏ.
Ở miền Nam Ấn Độ, trước khi thực dân Anh xâm chiếm, chế độ tư hữu ruộng đất chiếm ưu thế. Do sự chống đối quyết liệt của nông dân, thực dân Anh không thể tịch thu ruộng đất của nông dân giao cho Daminda nên chúng thi hành “chế độ Raiôtơvari” vào năm 1820. Theo đó, nông dân vẫn cày cấy trên những trang trại cũ nhưng phải nộp thuế trực tiếp cho Công ty.
Thuế đánh rất nặng, chiếm hầu hết hoa lợi của nông dân. Để bảo đảm chắc chắn lợi ích của mình, chính phủ Anh quy định cày cấy ruộng đất là một nghĩa vụ quốc gia của người nông dân, họ không được rời bỏ ruộng đất. Công ty Đông Ấn Độ biến thành một tập đoàn phong kiến đặc biệt. Người nông dân bị cột chặt vào ruộng đất, bị bóc lột tàn khốc, đời sống ngày càng sa sút.
Đến năm 1852, do phong trào đấu tranh của nông dân, thực dân Anh có sửa đổi phần nào chế độ Raiôtơvari, cày cấy không còn là nghĩa vụ đối với nhà nước nữa và hạ thấp thuế đánh vào ruộng đất.
Đồng thời, để tăng lợi nhuận, thực dân Anh mở nhiều đồn điền rộng lớn trồng thuốc phiện, chàm, cà phê, thuốc lá… để đem bán trên thị trường thế giới.
Chính sách ruộng đất của thực dân Anh dẫn đến sự hình thành một tầng lớp địa chủ mới, là chỗ dựa vững chắc và tay sai đắc lực của thực dân Anh. Mặt khác, nhân dân Ấn Độ bị bóc lột tàn nhẫn, nền nông nghiệp bị suy sụp nhanh chóng vì nông dân không đủ tiền để đóng thuế phải bỏ ruộng đất đi lang thang, nạn đói thường xuyên xảy ra.
54
Về công thương nghiệp: Đối với nước Anh, Ấn Độ là một thuộc địa giàu có, là nơi cung cấp nguyên liệu cho nền công nghiệp ở Anh và là thị trường tiêu thụ hàng hóa, đem lại nguồn lợi nhuận to lớn.
Từ khi thiết lập nền thống trị ở một phần đất đai Ấn Độ vào giữa thế kỷ XVIII, Công ty Đông Ấn Độ dùng bạo lực cướp đoạt trắng trợn hoặc thu mua với giá rẻ mạt những sản phẩm của Ấn Độ.
Sau khi xóa bỏ độc quyền buôn bán với Ấn Độ của Công ty Đông Ấn Độ, giai cấp tư sản công nghiệp Anh tăng cường vơ vét nguyên liệu ở Ấn Độ. Nếu số bông vải chở về Anh năm 1813 chỉ có 9 triệu pound (pound = 453 gam), thì đến năm 1833 tăng lên 32 triệu pound và năm 1844 là 88 triệu pound. Gạo và nhiều nguyên liệu khác tiếp tục đưa sang Anh trong khi nhân dân Ấn Độ đói kém và chết hàng loạt.
Trong việc buôn bán giữa người Ấn Độ với Anh, thực dân Anh thi hành chính sách thuế quan không bình đẳng. Thuế hàng hóa của Anh nhập vào thuộc địa chỉ bằng 2 – 3,5% giá trị hàng hóa trong khi người Ấn Độ nhập hàng sang Anh phải chịu thuế từ 20 – 30%. Sự bất bình đẳng về thuế má này làm hàng hóa Anh tràn ngập thị trường Ấn Độ với giá rẻ và chất lượng tốt hơn. Trước đây vải của Ấn Độ bán sang châu Âu nhiều, bây giờ không cạnh tranh nổi với hàng Anh nên số vải xuất khẩu giảm xuống. Năm 1814, số vải Ấn Độ bán sang Anh là 1,25 triệu tấn, năm 1835 là 306 ngàn tấn, và đến năm 1844 chỉ còn 63 ngàn tấn. Ấn Độ từ một nước xưa nay xuất khẩu vải biến thành nơi nhập khẩu vải của Anh.
Tình hình đó làm cho nền thủ công nghiệp lâu đời của Ấn Độ bị tàn lụi và hàng chục vạn thợ thủ công bị phá sản. Ở vùng Mađrát, trong vòng 30 năm đầu thế kỷ XIX, mức thu nhập của thợ dệt giảm 75% và gần 60% thợ dệt Ấn Độ biến thành con nợ của bọn cho vay lãi. Nhiều thành thị như Đaca, Suras, Muaxidabát xưa kia nổi tiếng về các sản phẩm thủ công, đông dân và thịnh vượng nay trở nên suy tàn.
Trong khi đó, một số hải cảng được mở rộng, đường sắt được xây dựng, một số công xưởng sửa chữa hoặc lắp rắp xuất hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vơ vét của cải và chuyên chở hàng hóa giữa Anh và Ấn Độ. Góp phần vào việc khai thác thuộc địa và buôn bán sản phẩm công nghiệp của Anh là tầng lớp tư sản mại bản Ấn Độ mới ra đời, có quyền lợi gắn liền với chủ nghĩa tư bản Anh. Một bộ phận tư sản công nghiệp Ấn Độ bắt đầu mở các ngành công nghiệp mới như khai mỏ, đóng tàu, các công xưởng thủ công nhỏ nhưng chịu sự kiểm soát và chèn ép của tư bản Anh nên không thể cạnh tranh nổi. Việc nhập cảng máy móc thiết bị vào Ấn Độ bị thực dân Anh ngăn cấm. Hai trung tâm công thương nghiệp lớn của Ấn Độ là Bombay và Calcutta hoàn toàn nằm trong vòng khống chế của nền thống trị thực dân Anh.
c. Chính sách về văn hóa giáo dục
Cùng với sự bóc lột về kinh tế, thực dân Anh thi hành chính sách ngu dân và tìm cách bóp chết nền văn hóa dân tộc Ấn Độ. Chúng khuyến khích những tập quán lạc hậu và phản động thời cổ xưa. Năm 1835, thực dân Anh cho thực hiện cái gọi là “cải cách giáo dục” ở Ấn Độ nhưng thực chất là mở các trường học đào tạo người phục vụ cho chính quyền thực dân.
Dưới sự thống trị của thực dân Anh, 80% dân số Ấn Độ bị mù chữ.
Như vậy, đến giữa thế kỷ XIX, thực dân Anh đã hoàn thành xâm lược Ấn Độ và biến nơi đó thành thuộc địa để vơ vét, bóc lột và tiêu thụ hàng hóa. Hậu quả tất yếu của nó là tình trạng bần cùng và chết đói của nhân dân, thợ thủ công bị phá sản, nền thủ công nghiệp bị suy sụp,
55
nền văn minh lâu đời bị phá hoại. Mâu thuẫn giưa nhân dân Ấn Độ với thực dân Anh ngày càng sâu sắc, nhiều cuộc khởi nghĩa chống xâm lược đã bùng nổ ở Ấn Độ.
Chính sách thống trị của thực dân Anh ở Ấn Độ đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Song, nằm ngoài mong muốn của thực dân Anh, xã hội Ấn Độ cũng đã có những biến đổi, yếu tố mới xuất hiện, nền công thương nghiệp dân tộc ra đời, giai cấp tư sản xuất hiện, tạo ra những điều kiện để Ấn Độ hội nhập với thế giới.