CHƯƠNG 4: ĐÔNG NAM Á THỜI CẬN ĐẠI
4.2. Cuộc đấu tranh chống thực dân giành độc lập dân tộc của nhân dân Đông Nam Á
Cuộc đấu tranh này nhằm mục đích chủ yếu là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đến cuối thế kỷ XIX, cuộc xâm lược thuộc địa của các nước tư bản đế quốc phương Tây đã hoàn thành, cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân chuyển sang phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, lật đổ ách thống trị của đế quốc.
Ở Philippineses, từ giữa thế kỷ XVI, người Tây Ban Nha đã chiếm quần đảo này làm thuộc địa. Mâu thuẫn giữa nhân dân Philippines với thực dân Tây Ban Nha ngày càng trở nên
68
gay gắt. Năm 1872, nhân dân Cavitô nổi dậy khởi nghĩa và làm chủ thành phố Cavitô trong 3 ngày. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt nhưng báo hiệu một cơn bão táp cách mạng mới.
Cuộc cách mạng năm 1896 được xem là mốc mở đầu cho giai đoạn đấu tranh dưới ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với Philippines mà “có ý nghĩa như một sự kiện đầu tiên ở Đông Nam Á theo xu hướng mới” – xu hướng dân chủ tư sản” 19.
Đóng vai trò quan trọng trong phong trào theo khuynh hướng cải lưởng là Jose Rizal.
Ông là nhà chính trị, nhà văn, nhà bác học và thầy thuốc nổi tiếng. Đầu năm 1892, Jose Rizal thành lập “Liên minh Philippines”, thu nạp nhiều trí thức yêu nước, thương dân, địa chủ và tư sản tiến bộ cùng một số dân nghèo. Liên minh chủ trương đường lối cải lương, ôn hòa đế đòi cải cách, đòi bình đẳng giữa người Tây Ban Nha và người Philippines, đòi hạn chế đặc quyền của bọn tăng lữ, thủ tiêu các tòa án dị giáo. Hoạt động của Liên minh có tác dụng thức tỉnh tinh thần dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, có ý nghĩa như một sự chuẩn bị tư tưởng cho cao trào cách mạng sau này.
Không được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, Liên minh Philippines đã sớm chấm dứt hoạt động sau 5 tháng ra đời.
Tháng 7/1892, Bonifacio lập ra “Liên minh những người con yêu quý của nhân dân” (viết tắt là KATIPUNAN) thu hút nhiều nông dân và dân nghèo thành thị, chủ trương đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tháng 8/1896, cuộc khởi nghĩa do Bonifacio lãnh đạo nổ ra ở ngoại ô Manila với sự tham gia đông đảo của nhân dân để thành lập nước Công hòa. Thực dân Tây Ban Nha đàn áp dã man cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Philippines. Nhiều chiến sỹ yêu nước, trong đó có Ridan – dù không tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa – bị xử bắn.
Sự khủng bố của chính quyền thực dân không ngăn nổi cuộc khởi nghĩa phát triển. Nghĩa quân đã giải phóng nhiều vùng rộng lớn, lấy đất của kẻ giàu, nhà thờ chia cho nông dân nghèo, thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện đời sống công nhân và dân nghèo thành thị.
Cuộc đấu tranh đang trên đà phát triển thì một cuộc lật đổ Bonifacio xảy ra, do những người không tán thành đường lối của ông. Aguinaldo, một phần tử cánh hữu đã cướp đoạt thành quả cách mạng, giải tán KATIPUNAN và lên làm tổng thống nước Cộng hòa Philippines (1897). Tháng 5/1897, Aguinaldo bắt Bonifacio và giết. Ngay sau đó, Aguinaldo nhận tiền 80 vạn pêsô bồi thường của Tây Ban Nha và bỏ sang Hồng Kông cư trú.
Tháng 4/1898, chiến tranh Mĩ – Tây Ban Nha bùng nổ. Mĩ lợi dụng phong trào đấu tranh của nhân dân Philippines để chống Tây Ban Nha. Mĩ liên lạc với Aguinaldo yêu cầu phát động phong trào đấu tranh chống Tây Ban Nha. Nhân dân Philippines lại vùng lên đấu tranh góp phần cho quân Mĩ chiến thắng, song lại rơi vào ách thống trị của Mĩ.
Sau hội nghị Pariss (1898), Tây Ban Nha nhường Philippines cho Mĩ, quân Mĩ lại mở cuộc tấn công vào quân đội yêu nước Philippines, đàn áp cuộc đấu tranh ở đây. Cuộc đấu tranh chống Mĩ của nhân dân Philippines diễn ra trong tình trạng không cân sức, kéo dài đến năm 1902 thì bị dập tắt. Từ đó, Philippines biến thành thuộc địa của Mĩ.
19 Vũ Dương Ninh, Nhìn lại nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập ở Đông Nam Á, T/C NC Đông Nam Á, số 2/1992, tr.2
69
Ở Việt Nam, sau khi phong trào Cần Vương thất bại, cuộc đấu tranh chống Pháp vào đầu thế kỷ XX do những sỹ phu yêu nước lãnh đạo. Họ đã chấp nhận tư tưởng tư sản từ Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp đưa sang nên đã đưa phong trào yêu nước theo một hướng mới. Những phong trào do họ tổ chức lãnh đạo (Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy tân, Khất thuế Trung Kỳ,…) chưa phải là những cuộc vận động tư sản thật sự, nhưng đã có khuynh hướng tư sản, mang tính chất cải lương. Bên cạnh khuynh hướng tư sản ấy, cuộc đấu tranh tư phát của nhân dân, tiêu biểu là khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám đứng đầu và những cuộc khởi nghĩa của dân tộc ít người, phong trào hội kín Nam Kỳ… bùng nổ liên tục, mạnh mẽ. Song các phong trào đấu tranh ấy đều thất bại.
Ở Campuchia, ách thống trị của thực dân Pháp gây nên nỗi bất bình trong hoàng tộc và các tầng lớp nhân dân. Cuộc khởi nghĩa của hoàng thân Sivôtha vẫn tiếp tục diễn ra. Sau tổn thất vào năm 1876, Sivôtha lại nổi dậy lãnh đạo nhân dân chống triều đình và thực dân Pháp.
Được sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân Sivôtha mở rộng địa bàn hoạt động ra Kôngpông Soài, Ba Phnom, trở thành mối đe dọa đối với triều đình Khơme và bọn thực dân. Đến tháng 10/1892, ông chết vì bệnh, sau đó phong trào lụi dần.
Bất bình trước bản hiệp ước nhục nhã năm 1884, một số quan lại cũ của triều đình đã tiến hành cuộc khởi nghĩa Campôt (1885 – 1886). Nghĩa quân chiếm nhà bưu điện, đập phá máy móc, kiểm soát tàu bè qua lại trên sông, chiếm các kho hàng. Thực dân Pháp vừa đàn áp, vừa mua chuộc, chia rẽ những người lãnh đạo làm cho phong trào tan rã. Năm 1900, thái tử Yucanto lấy cớ sang Paris dự triển lãm đã gửi thư lên chính phủ Pháp tố cáo tội ác của bọn thực dân ở Campuchia. Những lời tố cáo của ông đã làm chấn động dư luận Pháp. Ông bị trục xuất, trốn sang Bỉ rồi về Băng Cốc và mất ở đó.
Các phong trào chống Pháp ở Campuchia nói lên tinh thần bất khuất của các tầng lớp nhân dân trước sự xâm lược và cai trị của thực dân Pháp nhưng đều thất bại.
Lào từ năm 1893 đã trở thành thuộc địa của Pháp. Những người yêu nước Lào theo sự chỉ huy của Phôcàduột, tiến hành khởi nghĩa giải phóng Xavanakhét một thời gian, mở rộng sang đường 9 biên giới Lào – Việt. Đặc biệt kiên cường là cuộc khởi nghĩa trên cao nguyên Bôlôven kéo dài 36 năm (1901 – 1937) do Ông Kẹo và Kommađam chỉ huy. Hai ông tiến hành cuộc chiến tranh du kích, gây cho địch nhiều tổn thất. Không thể tiêu diệt nghĩa quân bằng vũ lực, thực dân Pháp giở trò đàm phán. Ông Kẹo nhận lời đến họp để thăm dò thái độ cua địch.
Lợi dụng phong tục người Lào không sờ đến người khác, tên công sứ Pháp đã dấu súng trong chiếc mũ đang đội. Sau khi làm xong thủ tục khám xét, tên Pháp đã rút súng bắn Ông Kẹo.
Ông mất ngày 13/10/1907.
Sau khi Ông Kẹo mất, Kommađam tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chiến đấu. Ông bị trọng thương và hy sinh trong trận đánh tháng 9/1936. Những người con của ông tiếp tục chiến đấu cho đến tháng 7/1937 mới bị bắt.
Nhìn chung, những cuộc nổi dậy chống Pháp ở 3 nước Đông Dương cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX đều thất bại. Những phong trào này đều mang tính tự phát, do sỹ phu tiến bộ hay nông dân lãnh đạo, thiếu đường lối đúng đắn và thiếu tổ chức vững vàng. Những cuộc đấu tranh đó biểu lộ tinh thần yêu nước và tình đoàn kết của nhân dân 3 nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa thực dân Pháp.
70
Ở Indonesia từ những năm 70 của thế kỷ XIX, phong trào giải phóng dân tộc nổ ra sôi nổi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa Atgiê, ở Tây Xuamtơra, kéo dài 30 năm (1873 – 1904);
khởi nghĩa Calmantan (1884 – 1886); khởi nghĩa nông dân Giava (1890) do Xamin, một trí thức tiến bộ lãnh đạo.
Vào đầu thế kỷ XX, phong trào dân tộc ở Indonesia có những bước phát triển mới.
Mở đầu cho phong trào đấu tranh là việc thành lập công đoàn đầu tiên của công nhân xe lửa vào năm 1905 – lấy tên là “Liên Hiệp hỏa xa quốc gia”. Năm 1908, tổ chức gọi là Budi Utômô (“Lương tri xã”) ra đời ở Giacacta. Tổ chức này chỉ là tổ chức văn hóa nhằm giáo dục nâng cao sự hiểu biết của quần chúng, khơi dậy tinh thần dân tộc. Nó thu hút đông đảo nhân dân tham gia, năm 1909 có 10.000 hội viên. Năm 1908, sinh viên và thanh niên Giava cùng thành lập “Liên minh Indonesia”, đòi quyền độc lập cho nước nhà. Cũng năm này, các công đoàn liên kết với nhau thành “Hội liên hiệp công nhân Indonesia”, một tổ chức công đoàn cách mạng nhất của Indonesia lúc đó.
Giai cấp tư sản Indonesia cũng khá lớn mạnh. Đến năm 1911, họ tập trung với nhau trong một tổ chức chính trị riêng của mình – “Liên hiệp thương nhân Hồi giáo” nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế, chống sự cạnh tranh của hàng ngoại. Năm 1912, Liên hiệp bị chính phủ thực dân cấm hoạt động, và đổi thành “Liên hiệp Hồi giáo”. Chương trình hoạt động của nó gồm các điểm chủ yếu: phát triển việc buôn bán giữa người Indonesia; tương trợ nhau về kinh tế; phát triển giáo dục và phúc lợi xã hội; nâng đỡ đạo Hồi. Năm 1913 có đến 80.000 người, chủ yếu là tín đồ đạo Hồi, tham gia Liên hiệp này. Khuynh hướng chung của những người lãnh đạo là thỏa hiệp với chính phủ.
Năm 1912, “Đảng Indonesia” được thành lập, sau đổi tên thành Đảng Quốc dân, gồm chủ yếu là người lai Indonesia – châu Âu, đấu tranh cho sự bình đẳng với người Âu.
Ở Miến Điện, từ cuối thế kỷ XIX, cuộc đấu tranh chống Anh bước vào giai đoạn mới.
Chính sách thống trị của Anh đụng chạm tới mọi tầng lớp nhân dân Miến Điện nên cuộc đấu tranh rộng rãi và quyết liệt hơn. Tiêu biểu là cuộc chiến tranh du kích kéo dài suốt từ 1885 – 1896. Đầu tiên nó phát triển ở Bắc Miến Điện, sau đó lan dần xuống Nam Miến Điện và trở thành một phong trào rộng lớn, có cơ sở rất chắc trong quần chúng: nông dân, thợ thủ công và quân đội Miến Điện cũ. Ngoài ra phong trào còn lôi cuốn cả quan lại, địa chủ.
Cuộc chiến tranh du kích làm cho thực dân Anh vất vả trong việc củng cố nền thống trị cũng như việc ổn định khai thác ở Miến Điện. Đến năm 1896, phong trào chiến tranh du kích mới bị dập tắt. Tuy nhiên thực dân Anh cũng bị tổn thất nặng nề khi tiến hành đàn áp phong trào du kích. Người Anh đã tổn hao về người và của rất lớn, bằng khối lượng người và của mà họ tổn thất trong 3 cuộc chiến tranh xâm lược Miến Điện.
Sang đầu thế kỷ XX, do những biến động của xã hội Miến Điện nên phong trào chống thực dân Anh diễn ra sâu sắc hơn, đa dạng hơn. Hoạt động du kích được đẩy mạnh ở miền Trung Miến Điện. Các tổ chức yêu nước hợp pháp và nửa hợp pháp xuất hiện nhiều do giai cấp tư sản Miến Điện lãnh đạo. Các tổ chức yêu nước đó đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân Miến Điện vào cuộc đấu tranh chung.
Ở Mã Lai, sau khi hoàn thành xâm chiếm, Anh chủ trương duy trì bọn lãnh chúa phong kiến cũ, duy trì bộ máy thống trị cũ để phục vụ cho việc bóc lột của Anh ở đất nước này.
Người Anh khai thác triệt để sự khác biệt về mặt tôn giáo và dân tộc để phục vụ cho việc thống
71
trị. Về kinh tế, Anh chú ý khai thác cây công nghiệp, nhất là cây cao su, khai thác mỏ,… Đến đầu thế kỷ XX, Mã Lai xuất khẩu cao su chiếm lới 53% tổng sản lượng cao su thế giới, xuất khẩu thiếc chiếm 50% tổng sản lượng thế giới.
Chính sách chia để trị của Anh đã kìm hãm phong trào đấu tranh của nhân dân Mã Lai chỉ giới hạn ở địa phương và có tính chất tự phát. Còn phong trào có tính chất toàn quốc vào những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX chưa phát triển. Trong phong trào đấu tranh của nhân dân Mã Lai, đáng chú ý là phong trào của Hoa kiều. Vào cuối thế kỷ XIX, trong Hoa kiều ở Mã Lai đã xuất hiện những tổ chức bí mật chống Anh.
Từ đầu thế kỷ XX, ở Mã Lai đã ra đời tổ chức “Đại hội toàn Mã Lai” đòi cải cách đạo Hồi, dùng tiếng Mã Lai trong nhà trường. Phong trào phát triển thành phong trào đấu tranh chống thực dân Anh, đòi tự trị. Tuy nhiên, sự khác biệt về tôn giáo và dân tộc, được thực dân Anh lợi dụng để khơi sâu hận thù, là trở ngại cho việc tập hợp lực lượng thống nhất để đấu tranh thắng lợi.
Ở Xiêm, cũng như các quốc gia phong kiến trong khu vực Đông Nam Á, đến giữa thế kỷ XIX, vương quốc Xiêm đứng trước sự đe dọa xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Vua Rama IV là người giỏi tiếng Anh và tiếng Latinh, Nhật Bản và văn minh phương Tây, đặc biệt là chú ý đến đường lối đối ngoại của vương quốc. Ông chủ trương mở cửa buôn bán với bên ngoài, dùng thế lực các nước tư bản kìm giữ lẫn nhau để bảo vệ nền độc lập của đất nước.
Từ năm 1852, Xiêm ký một loạt hiệp ước với các nước tư bản phương Tây đảm bảo tự do buôn bán, cho phép người nước ngoài được mua đất ở khu vực Băng Cốc, quy định tỷ lệ thuế xuất nhập khẩu, để các nước có đại diện bên cạnh triều đình và cho phép các hội truyền giáo nước ngoài được hoạt động ở Xiêm.
Hậu quả của những hiệp ước này, một mặt là tăng nhanh việc xuất khẩu gạo, nhờ đó mà nông nghiệp và các ngành xay xát phát triển; mặt khác, sự xâm nhập hàng hóa giá rẻ của nước ngoài làm nhiều ngành thủ công (dệt vải, nhuôm, đúc khí giới…) phá sản.
Rama IV cũng đã thực hiện một số cải cách xã hội, như giảm nhẹ chế đọ lao dịch vì nợ, xóa bỏ chế độ tạp dịch của nông dân đối với cá nhân phong kiến và nhà nước phong kiến, cải cách chế độ thuế, giảm những chi tiêu vô ích cho chùa chiền và giảm số lượng sư sãi.
Năm 1868, Chulalongcon lên ngôi (Rama V: 1868 – 1910) là người uyên bác, tiếp nối chính sách cải cách của vua cha. Ông ra lệnh xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ vì nợ, giải phóng một số đông người lao động; xóa bỏ cho nông dân nghĩa vụ lao dịch bắt buộc 3 tháng trên các công trường nhà nước, giảm nhẹ thuế ruộng. Những biện pháp trên đã nâng cao năng suất và tăng nhanh lượng gạo xuất cảng. Năm 1885, xuất khẩu 225 tấn gạo, năm 1900 là 500.000 tấn.
Từ năm 1885 – 1895, gỗ xuất khẩu tăng gấp 4 lần.
Nhà nước khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh công thương nghiệp, xây dựng nhà máy xay xát gạo, nhà máy cưa, mở hiệu buôn, ngân hàng. Năm 1890, ở Băng Cốc có 25 nhà máy xay xát, 4 nhà máy cưa.
Năm 1892, Rama V cải cách hành chính theo mẫu hình quân chủ lập hiến Đức. Vua có quyền tối cao. Hội đồng nhà nước đóng vai trò tư vấn và khởi thảo pháp luật. Bộ máy hành pháp của triều đình được thay thế bằng Hội đồng chính phủ gồm 12 bộ trưởng, do các hoàng
72
thân du học ở phương Tây về đảm nhiệm. Hệ thống tòa án, trường học đều tổ chức lại theo phương Tây. Quân đội được huấn luyện trang bị hiện đại…
Rama V cho phép nước ngoài đầu tư kinh doanh ở Xiêm. Nhà vua đặc biệt chú ý đến hoạt động ngoại giao. Nhờ những cuộc đàm phán với Pháp và Anh, nước Xiêm vừa lợi dụng được vị trí “nước đệm” giữa hai thế lực đế quốc vừa cắt nhượng một số vùng đất phụ thuộc (vốn là lãnh thổ của Campuchia, Lào, Mã Lai) để gìn giữ chủ quyền của vương quốc. Nhờ đó mà Anh và Pháp đều xóa bỏ những hiệp ước không bình đẳng đã ký từ thời Rama IV, tuyên bố tôn trọng độc lập của Xiêm. Xiêm không bị rơi vào tình trạng thuộc địa như các nước trong khu vực, vẫn giữ được vẻ ngoài độc lập, nhưng thực sự lệ thuộc về chính trị và kinh tế vào Anh và Pháp.
Dẫu sao, chính sách duy tân của các vua Rama IV và Rama V cũng có ý nghĩa tiến bộ và tích cực đối với việc phát triển kinh tế và cải cách hành chính của vương quốc Xiêm.
Như vậy, vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, các nước thực dân phương Tây đã hoàn thành việc xâm chiếm thuộc địa ở Đông Nam Á. Chúng chia nhau thuộc địa, khu vực ảnh hưởng, tiến hành một cuộc chiến tranh đế quốc đầu tiên để tranh giành thuộc địa (chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha).
Sự xâm chiếm, đô hộ ở những hình thức và mức độ khác nhau đã gây ra những chuyển biến sâu sắc trong xã hội các nước khu vực Đông Nam Á trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tư tưởng. Cùng với tác động từ bên ngoài, nhưng sự phát triển của bản thân các nước cũng đưa lại nhiều thay đổi với sự xuất hiện của những nhân tố mới. Sự trưởng thành của giai cấp tư sản dân tộc, giai cấp công nhân làm cho cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Nam Á mang màu sắc và đặc điểm mới, ảnh hưởng đến việc xác định con đường, hình thức đấu tranh, giai cấp lãnh đạo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân dân lao động trong đó nòng cốt là công nhân và nông dân trong thời kỳ này vẫn đi đầu trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do.
Tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân trong khu vực, đặc biệt giữa các nước láng giềng được củng cổ và phát triển