CHƯƠNG 2: TRUNG QUỐC THỜI CẬN ĐẠI
2.4. Trung Quốc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Trước sức ép của bọn đế quốc và nỗi lo sợ phong trào nổi dậy của quần chúng nông dân, chính quyền Mãn Thanh ngày càng cấu kết chặt chẽ với đế quốc. Các nước đế quốc cũng tìm đủ mọi cách lợi dụng tình hình đó để mở rộng việc xâm nhập và chia cắt Trung Quốc.
Trung Quốc là một nước lớn, dân đông, giàu tài nguyên, nên trở thành đối tượng xâm lược của các nước đế quốc, song không một đế quốc nào đủ sức mạnh một mình chiếm giữ Trung Quốc, nên phải cùng nhau xâu xé. Việc xâm lược Trung Quốc của các nước đế quốc được tiến hành theo hai hướng: xâm nhập về kinh tế và xâm chiếm đất đai để làm nhượng địa hay khu vực ảnh hưởng.
37
Về mặt thuế quan, Trung Quốc dần dần mất hết quyền tự chủ. Thuế hàng nhập bị hạ đến mức thấp nhất thế giới, chỉ có 4%. Trái lại, đối với thương nghiệp trong nước, nhà Thanh đặt ra đủ các loại thuế. Thương nghiệp không thể nào phát triển được. Hàng hóa Trung Quốc giá thành đã cao lại càng cao, không thể nào cạnh tranh với hàng ngoại quốc.
Trung Quốc buộc phải mở các cửa biển cho thương nhân nước ngoài vào buôn bán.
Đường biển, đường sông dần dần bị đế quốc lũng đoạn. Đến năm 1892, 70% – 80% trọng tải hàng hải ở Trung Quốc nằm trong tay tư bản nước ngoài.
Từ năm 1848, Anh bắt đầu lập các ngân hàng ngoại thương ở Trung Quốc (Thượng Hải).
Sau đó Pháp và các đế quốc khác cũng đua nhau lập ngân hàng ngoại thương. Các nước đế quốc dùng tiền để cột chặt nhà Thanh với chúng vì nhà Thanh rất cần vay tiền để mua súng ống đàn áp phong trào khởi nghĩa của nông dân.
Từ sau năm 70, hàng ngoại vào Trung Quốc tăng nhanh, công cuộc đầu tư của tư bản nước ngoài cũng bắt đầu mở rộng. Trước chiến tranh Giáp Ngọ, công nghiệp của tư bản nước ngoài ở Trung Quốc có thể chia ra làm 3 loại:
- Công nghiệp sửa chữa tàu.
- Công nghiệp gia công như chế biến chè tơ, da, dầu, bông cán.
- Công nghiệp dịch vụ trong các vùng tô giới như điện, nước, hơi, than…
Cùng với sự kinh doanh của tư bản nước ngoài, các quan lại nhà Thanh như Lí Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên, Tả Tôn Đường cũng bắt đầu kinh doanh theo kiểu tư bản chủ nghĩa. Năm 1862, Lí Hồng Chương mở một số công xưởng vũ khí. Năm 1866, Tả Tôn Đường mở xưởng sửa chữa đóng tàu Mã Vĩ ở Phúc Kiến. Các công xưởng này đều do quan lại và bọn địa chủ phong kiến kinh doanh quản lý, có cố vấn nước ngoài điều khiển kỹ thuật, thiết bị trong xưởng đều do đế quốc cung cấp. Quy mô sản xuất nhỏ, các công xưởng thường bị lỗ vốn vì sự cạnh tranh của bên ngoài.
Nửa sau thế kỷ XIX, do sự xâm lược của nước ngoài, kinh tế Trung Quốc có nhiều biến đổi. Do ảnh hưởng của tư bản phương Tây, chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc được kích thích phát triển tương đối nhanh chóng. Tư bản dân tộc xuất hiện khoảng từ năm 70 của thế kỷ XIX, sớm nhất là trong ngành công nghiệp ươm tơ. Năm 1872, công xưởng ươm tơ đầu tiên lập ở Nam Hải, Quảng Đông. Đến năm 1890 có khoảng 60 nhà lập xưởng ươm tơ, xưởng lớn thuê đến hàng vạn thợ. Sau chiến tranh Giáp Ngọ, công nghiệp dệt của Trung Quốc phát triển rất nhanh.
Ngoài ra, các ngành làm bột, làm diêm, làm giấy, in… cũng xuất hiện tương đối sớm ở Thiên Tân, Thượng Hải, Phúc Châu, Bắc Kinh… Tư sản dân tộc cũng kinh doanh cả trong các ngành chế tạo và sửa chữa cầu, lập công ty đèn điện, khai mỏ, công ty vận chuyển…
Sự xâm nhập của kinh tế tư bản bên ngoài và sự phát triển kinh tế tư bản dân tộc đã thúc đẩy quá trình tan rã nhanh chóng của nền kinh tế tự nhiên ở Trung Quốc. Đồng thời, sự hình thành và phát triển cao của nhân tố kinh tế mới là tiền đề vật chất cho những xu hướng tư tưởng mới mang tính chất tư sản ra đời và phát triển.
38
b. Các nước đế quốc tăng cường phân chia Trung Quốc
Đồng thời với các hoạt động xâm nhập về kinh tế, các nước đế quốc tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, tiêu biểu là các cuộc chiến tranh Trung – Pháp (1884 – 1885), Trung – Nhật (1894 – 1895) và việc phân chia phạm vi thế lực của các nước đế quốc.
Tháng 8/1884, cuộc chiến tranh Trung – Pháp nổ ra. Bị thất bại, triều đình Mãn Thanh phải ký hiệp ước Thiên Tân với Pháp (6/1885) công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam, mở cửa thông thương và cho Pháp xây dựng đường sắt từ Việt Nam vào miền Hoa Nam.
Nhật Bản trong khi bành trường vào lục địa châu Á đã muốn xâm chiếm Triều Tiên, để làm bàn đạp tấn công Trung Quốc. Tháng 7/1894, không tuyên chiến, Nhật tấn công chiến hạm Trung Quốc đậu ở cảng Triều Tiên. Chiến tranh nổ ra, triều đình Mãn Thanh thất bại. Mĩ sợ Nhật thắng lớn sẽ gây nhiều ảnh hưởng ở Trung Quốc, nên đứng ra làm trung gian hòa giải.
Ngày 17/5/1895, Nhật và Trung Quốc ký hiệp ước Mã Quan (Simonoseki). Theo đó, Trung Quốc công nhận Triều Tiên là nước độc lập, không lệ thuộc Trung Quốc (trên thực tế trở thành thuộc địa của Nhật Bản). Đồng thời Trung Quốc phải nhường bán đảo Liêu Đông, Đài Loan, quần đảo Bành Hồ cho Nhật, bồi thường 200 triệu lạng bạc trả trong 8 năm, mở nhiều bến cảng trong lục địa như Sa Thị, Trùng Khánh, Tô Châu cho Nhật buôn bán, xây dựng công xưởng…
Thắng lợi của Nhật Bản làm cho các nước đế quốc, nhất là Nga, lo sợ thế lực Nhật Bản tăng nhiều, nên ép buộc Nhật không chiếm Liêu Đông và được nhận thêm 30 triệu lạng bạc làm tiền bồi thường.
Sau chiến tranh Trung – Nhật (1894 – 1895), các nước đế quốc đua nhau xâu xé Trung Quốc. Pháp được quyền khai thác ở Hoa Nam (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam), được thuê đất Quảng Châu Loan. Anh được mở thêm các cảng sông Ngô Châu, Tam Thủy, được thuê Uy Hải Vệ, Hương Cảng (trong 99 năm, từ1898 – 1997). Đức chiếm Giao Châu Loan, được quyền xây dựng đường sắt Giao Tế ở Sơn Đông và khai thác mỏ ở khu vực hai bên đường sắt trong phạm vi 15km bề ngang. Nga được xây dựng đường sắt ở vùng Đông Bắc, từ Hắc Long Giang đến Hải Sâm Uy, rồi chiếm Lữ Thuận, Đại Liên.
Để cùng nhau chia cắt Trung Quốc một cách êm thấm, các nước tư bản đã tạm thừa nhận những “phạm vi thế lực” của nhau. Anh, Pháp được hưởng chung mọi quyền lợi ở hai tỉnh: Tứ Xuyên, Vân Nam. Đức độc quyền xây dựng đường sắt từ Sơn Đông đến Thiên Tân. Anh xây dựng đường sắt từ Nam Sơn Đông đến Trấn Giang.
Ngoài ra, các nước đế quốc còn được triều đình Mãn Thanh thừa nhận “phạm vi thế lực”
trên đất Trung Quốc; lưu vực Trường Giang thuộc “phạm vi thế lực” của Anh, phía Bắc Trường Giang là “phạm vi thế lực” của Nga, Phúc Kiến thuộc “phạm vi thế lực” Nhật Bản…
Đế quốc Mĩ tuy có một số quyền lợi ở Trung Quốc (đầu tư xây dựng đường sắt Việt – Hán) song không có “phạm vi thế lực”, nên đề ra chính sách “mở cửa”, để chen chân vào lục địa Trung Quốc. Chính sách “mở cửa” của Mĩ ở Trung Quốc gồm có mấy điểm chủ yếu:
- Hàng hóa của bất cứ nước nào vào Trung Quốc cũng phải chịu thuế như nhau và do chính phủ Trung Quốc thu thuế.
- Không can thiệp vào lợi ích của nước đã được hưởng theo hiệp ước đã ký với Trung Quốc.
- Không được thu thuế theo khu vực của từng nước quá cao.
39
Trong tình thế không đế quốc nào độc quyền xâm chiếm Trung Quốc, các nước chấp nhận đề nghị của Mĩ trong việc chia cắt Trung Quốc.
Sự xâm chiếm, xâu xé Trung Quốc của các nước đế quốc gây nên sự công phẫn, phản kháng của các tầng lớp nhân dân Trung Quốc, kể cả trí thức và một số quan lại, địa chủ.
2.4.2. Phong trào Duy tân
a. Khang Hữu Vi và sự hình thành phái Duy tân
Trước sự suy yếu của Trung Quốc và nguy cơ xâm lược của các đế quốc, một số quan lại, sĩ phu, địa chủ tiến bộ, các nhà buôn, tư sản dân tộc mới lên đã tìm cách cứu vãn đất nước bằng con đường duy tân.
Đại biểu xuất sắc của phái Duy Tân là Khang Hữu Vi. Ông sinh năm 1858 ở Quảng Đông, trong một gia đình địa chủ. Bản thân ông đỗ tiến sĩ và làm quan. Tháng 6/1896, ông tâu trình những biện pháp duy tân, được vua Quang Tự đồng tình. Thông qua báo “Trung ngoại kí văn” và tổ chức “Cường học hội”, Khang Hữu Vi cùng học trò của mình là Lương Khải Siêu, tuyên truyền tư tưởng Duy tân và phát động phong trào Duy tân trong cả nước.
Cương lĩnh hoạt động của phong trào Duy tân gồm có những điểm chủ yếu:
- Về kinh tế: chủ trương bảo hộ và khuyến khích công thương nghiệp, lập hội nông nghiệp, du nhập kỹ thuật phương Tây để khai hoang, canh tác, xây dựng xưởng chế tạo máy móc, súng đạn, nhà nước quản lý khai mỏ, xây dựng đường sắt, khuyến khích phát minh khoa học, chỉnh đốn, quản lý tài chính.
- Về chính trị: mở rộng quyền đóng góp ý kiến của nhân dân đối với triều đình để xây dựng đất nước, trừng trị quan lại tham nhũng, cách chức những người không có năng lực làm việc, thực hiện quyền bình đẳng giữa người Hán và người Mãn.
- Về quân sự: kiểm soát chặt chẽ lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội theo kiểu phương Tây.
- Về văn hóa, giáo dục: lập trường học, tổ chức việc học theo phương Tây, cải cách chế độ thi cử, cử người đi học nước ngoài, in sách báo.
Có thể thấy rằng, phái Duy tân muốn thông qua con đường cải cách ôn hòa để cải tạo quan hệ sản xuất, mở đường cho sức sản xuất mới phát triển. Giai cấp tư sản dân tộc Trung Quốc ra đời trong hoàn cảnh của một nước bị nô dịch nên yếu ớt, không có thế lực chính trị, lực lượng kinh tế chẳng có là bao, lại thêm quan hệ ràng buộc với phong kiến và đế quốc về mọi mặt, không thể nào đề ra những biện pháp tích cực được.
Cuộc vận động Duy tân tuy chủ trương rất ôn hòa, song nó vấp phải sự chống đối rất mạnh của phái thủ cựu trong giai cấp phong kiến. Phái thủ cựu do Từ Hi thái hậu đứng đầu, gồm hầu hết bọn quan lại triều Thanh. Chúng chống đối cải cách rất quyết liệt, chủ trương “thà mất nước chứ không biến pháp”. Lực lượng của chúng lại rất mạnh, nắm hết quyền bính, bộ máy chính quyền và lực lượng võ trang trong tay.
Vua Quang Tự chỉ là hư vị, thực quyền đều năm trong tay Từ Hi thái hậu.
Trước nguy cơ dân tộc, vua Quang Tự tán thành cải cách, đồng thời cũng muốn thông qua cuộc biến cách để giành quyền lực về cho mình.
40
b. “Bách nhật Duy tân” và sự thất bại của cuộc vận động
Từ ngày 11/6 – 21/9/1898 (Mậu Tuất), vua Quang Tự liên tục ban hành một số pháp lệnh như mở trường họ, làm đường sắt, cải cách chế độ quan lại, giảm biên chế các tổ chức hành chính... Nhưng lúc bấy giờ, quan lại thuộc phái thủ cựu nắm nhiều chức vụ ở trung ương cũng như ở địa phương đều không nghe, không thực hiện. Cuộc đấu tranh giữa hai phái rất quyết liệt. Phái thủ cựu không chỉ ngăn chặn thực hiện cải cách mà còn muốn đánh đổ phái Duy tân từ gốc.
Trước nguy cơ đó, Khang Hữu Vi dâng điều trần với vua Quang Tự, đề nghị nhà vua lập tức làm 3 việc quan trọng:
- Phỏng theo Nhật, lập bộ tham mưu gồm những người Duy tân trung thành để thay thế chính quyền thủ cựu và làm chỗ dựa cho công cuộc cải cách.
- Đổi niên hiệu thành “Duy tân nguyên niên” để thay đổi cách nhìn của thiên hạ, thực tế là gây thanh thế về hình thức để áp đảo phái chống đối.
- Rời đô về Thượng Hải, nơi phái Duy tân có nhiều cơ sở để lánh xa sào huyệt của phái ngoan cố.
Vua Quang Tự đồng ý, song không thể thực hiện ngay được vì ngày duyệt binh đến gần, mọi việc đều gác lại. Trong lúc nguy khốn, Khang Hữu Vi lại trông chờ vào Viên Thế Khải là người thống soái lục quân với hy vọng dùng quân đội để phá đảo chính, bảo vệ nhà vua.
Nhưng Viên Thế Khải là người gian giảo, hai mặt, vờ hứa hẹn với phái Duy tân, nhưng lại mật báo cho phái thủ cựu. Thái hậu ra lệnh bắt vua Quang Tự và tịch thu tất cả ấn tín. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu trốn sang Nhật.
Một số lãnh tụ phái Duy tân bị bắt, 6 nhà lãnh đạo phong trào Duy tân bị giết là Đàm Từ Đồng, Dương Thâm Tú, Dương Nhuệ, Lâm Húc, Lưu Quang Dệ, Khang Quảng Nhân. Lịch sử Trung Quốc gọi đó là 6 quân tử tuẫn nạn của chính biến Mậu Tuất.
Tất cả chiếu lệnh của phái Duy tân đều phải hủy bỏ. Cuối cùng, 103 ngày Duy tân bị thất bại hoàn toàn.
Nguyên nhân thất bại của phong trào Duy tân là do chỉ giới hạn trong hoạt động của những phần tử trí thức, quan lại, tư sản dân tộc mà không dựa vào nhân dân, không phát động được một phong trào đấu tranh của đông đảo quần chúng. Những người lãnh đạo Duy tân thỏa hiệp với triều đình Mãn Thanh, tiến hành cải cách ôn hòa trong phạm vị chế độ phong kiến, để phát triển chủ nghĩa tư bản. Đó là một ảo tưởng. Bọn thủ cựu, phong kiến phản động chống đối kịch liệt.
Tuy thất bại, song phong trào Duy tân có ý nghĩa tiến bộ, thể hiện lòng yêu nước, yêu cầu được tự do, bình đẳng, giải thoát khỏi những ràng buộc về quan niệm đạo đức phong kiến…
Phong trào Duy tân Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến nhiều nước ở châu Á, góp phần tạo nên những phong trào Duy tân ở khu vực này đầu thế kỷ XX.
41 2.4.3. Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn
a. Nguồn gốc và sự phát triển ban đầu của Nghĩa Hòa Đoàn
Tên thật của Nghĩa Hòa Đoàn là Nghĩa Hòa Quyền, vốn là một phái tách từ Bạch liên giáo. Những người nông dân trong tổ chức này luyện tập quyền thuật và cho rằng đọc thần chú có thể chống được súng đạn, nên được gọi là Nghĩa hòa quyền, sau đổi thành Nghĩa hòa đoàn.
Năm 1895, đế quốc Nhật vào Sơn Đông. Đứng trước nguy cơ dân tộc ngày càng rõ rệt, Nghĩa hòa quyền phát động một phong trào chống sự xâm lược của nước ngoài ở vùng Trực Lệ, Sơn Đông.
Trong thời kỳ chiến tranh Trung – Nhật, bọn Nhật tàn phá đất Sơn Đông và Trực Lệ.
Tiếp đó, bọn đế quốc tranh giành nhau phân chia phạm vi thế lực: Đức chiếm Giao Châu Loan, Anh chiếm Hải Sâm Uy (các khu vực này đều thuộc tỉnh Sơn Đông), Nga hoàng chiếm Lữ Thuận, Đại Liên (gần Trực Lệ và Sơn Đông). Chiến tranh làm nhân dân vùng này khổ sở và họ thấy rõ sự xâm lược của đế quốc uy hiếp đến đời sống của họ. Việc nhà Thanh cho các nước đế quốc xây dựng các con đường sắt đã làm nhà cửa, đất đai, mồ mả của nhân dân bị phá hoại.
Hàng hóa của các nước đế quốc nhập vào Trung Quốc, tràn lên phía Bắc ngày càng nhiều, sự phá sản của thợ thủ công và nông dân càng nhanh chóng. Điều đó làm cho nhân dân rất căm phẫn.
Mâu thuẫn giữa nhân dân Trung Quốc và bọn đế quốc xâm lược do đó ngày càng gay gắt, buộc nông dân vùng Trực Lệ đứng dậy đấu tranh. Vùng Trực Lệ trở thành cái nôi của phong trào đấu tranh quyết liệt chống phong kiến, chống đế quốc mạnh mẽ nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ. Phong trào Nghĩa hòa đoàn đã sinh ra và lớn lên ở đó.
Để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính là bọn đế quốc và tranh thủ địa vị hợp pháp, Nghĩa hòa đoàn đổi khẩu hiệu từ “Phù Minh diệt Thanh” sang “Phù Thanh diệt dương”. Mục tiêu đấu tranh của Nghĩa hòa đoàn là đánh đuổi đế quốc. Cuộc đấu tranh này ban đầu nhằm trực tiếp chống lại những hành động ngang ngược của các giáo sỹ ngoại quốc và giáo dân ở vùng Trực Lê, Sơn Đông, sau đó trở thành phong trào phản đế rộng lớn. Trong nhiều truyền đơn, biểu ngữ, Nghĩa hòa đoàn nói rõ mục đích nổi dậy của họ là vì hơn 40 năm nay bọn tư bản châu Âu hoành hành khắp nơi trên đất Trung Quốc. Họ thề với nhau là trong 3 tháng phải giết hết “dương nhân”, không cho một tên nào còn ở lại đất Trung Quốc.
Nghĩa hòa đoàn là phong trào nông dân tự phát, nhận thức về phương pháp đấu tranh còn rất hạn chế. Họ tin vào việc học binh pháp, học quyền thuật rồi đến phương pháp phá đường sắt, chặt dây điện, phá tàu chiến, đốt nhà ga, phá các cửa hàng ngoại quốc và cướp phá tất cả các cửa hàng nào có hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, do sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, quân Nghĩa hòa đoàn hầu như khống chế cả Thiên Tân và Bắc Kinh. Thế lực của Nghĩa hòa đoàn đã vượt quá xa khả năng khống chế của triều Thanh, chiếm lĩnh một vùng rộng lớn. Nhà Thanh không có khả năng dập tắt ngọn lửa phẫn nộ đang bùng cháy trong nhân dân, nên buộc phải công nhận hoạt động hợp pháp của Nghĩa hòa đoàn.
b. Cuộc đấu tranh anh dũng của Nghĩa hòa đoàn chống đế quốc
Trước sự phát triển của phong trào, tháng 4/1900, các nước Anh, Pháp, Đức, Mĩ… gửi công hàm cho chính phủ nhà Thanh yêu cầu trong 2 tháng phải quét sạch quân Nghĩa hòa đoàn.