CHƯƠNG II: TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÔNG NAM Á
2.2. Văn hóa Đông Nam Á từ buổi đầu lịch sử đến thế kỷ X
Phạm vi của khu vực Đông Nam Á tiền sử, như đã nói lên đến tận bờ sông Dương Tử, văn hóa Hán sau này vốn có cốt lõi đầu tiên là văn hóa Ngưỡng Thiều, hình thành ở lưu vực sông Hoàng Hà. Nền văn hóa ấy khác với văn hóa phương Nam ở bờ nam sông Dương Tử - tức văn hóa Đông Nam Á tiền sử mà chủ nhân của nó là những người “nam man” theo cách gọi của Hoa tộc.34 Sự kiện lịch sử quan trọng đầu tiên đối với cư dân Đông Nam Á trong buổi đầu lịch sử là sự bành trướng của nhà Tần, nhà Hán xuống phương Nam. Đó là sự thôn tính của đế quốc Tần, Hán đối với phần phía bắc Đông Nam Á tiền sử. Trước nạn ngoại xâm, cư dân Đông Nam Á lúc đó bị đẩy dần xuống phía nam. Một số khác bị đẩy ra đảo (Hải Nam, Đài Loan) hoặc là vào tận rừng sâu.
Trong tình hình đó, người Lạc Việt đã sớm tập hợp lại thành một liên minh bộ lạc. Đây thực chất là một tổ chức “tiền quốc gia”, “tiền nhà nước”. Về sau liên minh bộ lạc ấy phát triển thành nhà nước Văn Lang.
Đến thế kỷ thứ III TCN, người Âu Việt (cũng thuộc Bách Việt như Lạc Việt) và người Lạc Việt hợp nhất với nhau thành nước Âu Lạc. Tuy nhiên, nhà nước non trẻ vừa mới ra đời đã rơi vào tình trạng bị đô hộ. Năm 179 TCN, Triệu Đà vua nước Nam Việt, đánh đuổi An Dương Vương, chiếm Âu Lạc, và sát nhập Âu Lạc vào Nam Việt, đồng thời chia Âu Lạc ra làm hai quận: quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Đến năm 111 TCN, nhà Hán thôn tính nước Nam Việt.
Nước Âu Lạc vốn thuộc Nam Việt nên cũng bị thôn tính theo. Lúc này, bản thân Âu Lạc lại được mang một tên mới là châu Giao Chỉ, dưới đó có 7 quận. Tính từ thời điểm đó đến mãi thế kỷ thứ X, phần Đông Nam Á từ bờ nam sông Dương Tử đến núi Hoành Sơn (Đèo Ngang) đã bị đế quốc Trung Hoa đô hộ.
32 Wilhelm G. Solheim II, 1971.
33 Dẫn lại qua: Trần Ngọc Thêm, 1996, tr.95.
34 Đinh Gia Khánh, 1993, tr. 55.
24
Như vậy, ngay từ đầu công nguyên, phần đất phía bắc của Đông Nam Á đã bị sát nhập vào Trung Quốc, trừ một vương quốc của người Thái là nước Nam Chiếu (sau đó là Đại Lí) ở Tây Nam Trung Quốc (nay là Vân Nam).
Khi có sự bành trướng của nhà Tần xuống phía nam sông Dương Tử, cư dân Đông Nam Á đã có nhiều cuộc chống trả song đều thất bại. Một số bị đồng hóa vào Hán tộc. Một số chạy xuống phía nam. “Các cuộc di cư về phương nam của người Thái, người Lôlô, người Dao, người Miêu đến các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào, Việt Nam đã diễn ra như vậy từ đầu công nguyên”.35
Trong diễn trình lịch sử văn hóa Đông Nam Á, sự đô hộ của đế quốc Trung Hoa đối với phần phía bắc của khu vực này có một sự tác động không nhỏ. Tuy nhiên, trong tiến trình lịch sử văn hóa, đồng thời với xu hướng Hán hóa là xu hướng chống Hán hóa khá quyết liệt bởi lẽ văn hóa Trung Hoa du nhập vào Đông Nam Á không phải bằng con đường hòa bình mà bằng con đường chiến tranh xâm lược. Trong phần sau chúng ta sẽ xét kỹ về sự giao lưu văn hóa Đông Nam Á - Hán trong thời kỳ này.
Một sự kiện văn hóa - lịch sử khác cũng có sự tác động đến văn hóa Đông Nam Á thời kỳ này là ảnh hưởng của Ấn Độ. Ấn Độ có tác dụng rõ rệt đến sự hình thành các nhà nước cổ đại Đông Nam Á
Cư dân Đông Nam Á ở những vùng thung lũng và đồng bằng, do yêu cầu phải chinh phục thiên nhiên để trồng lúa nước (như làm thủy lợi), họ buộc phải liên minh với nhau. Liên minh ấy ngày càng rộng lớn hơn, chặt chẽ hơn và dần dần trở thành những tổ chức tiền quốc gia vững mạnh. Và các tổ chức tiền quốc gia ấy chắc chắn là phải có cơ sở ở sự phát triển của thương mại giữa các khu vực rộng lớn với nhau. Sự phát triển thương mại ở vùng Đông Nam Á vào những thế kỷ đầu công nguyên có liên quan chặt chẽ với Ấn Độ.
Lúc bấy giờ, để phục vụ cho nhu cầu của các hoàng đế đông và tây và của các tầng lớp giàu có, việc buôn bán những sản phẩm quý như hương liệu, châu ngọc, tơ lụa,... giữa Nam Á và châu Âu ngày càng tấp nập. Các nhà buôn Ấn Độ đã đến vùng đất phía đông sông Hằng, tức vùng Đông Nam Á, mua hương liệu, gia vị, long não, xạ hương, gỗ mun,... để mang đi bán ở các vùng Tiểu Á, Ba Tư và La Mã. Ngoài ra, họ còn đến vùng Đông Nam Á để tìm vàng (Đông Nam Á, như đã nói, được gọi là Suvannabhumi nghĩa là “bán đảo vàng”). Chính vì thế đã nảy sinh mối quan hệ giao lưu Ấn Độ - Đông Nam Á. Và cũng chính vì sự có mặt của cư dân Ấn Độ ở đây mà bản thân các bộ lạc, các liên minh bộ lạc Đông Nam Á có điều kiện liên kết với nhau, tạo ra một điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự ra đời của một loạt nhà nước sơ khai Đông Nam Á. Có thể nói, sự hình thành các quốc gia Đông Nam Á đã chịu ảnh hưởng không ít của văn hóa Ấn Độ (ở phía nam) và văn hóa Trung Quốc (ở phía bắc).
Ở phía nam Đông Nam Á lục địa, từ khoảng đầu công nguyên đến thế kỷ thứ VII đã ra đời một loạt nhà nước sơ khai, trong đó có những nhà nước khá mạnh như vương quốc Phù Nam mà thủ đô là Vyadhapura (ở Preivieng, Cămpuchia ngày nay) bao gồm chủ yếu là các thành thị thương cảng ở ven biển mà quan trọng nhất là Óc Eo, Takkola và Ligor ở eo biển Malacca (nay là nam Thái Lan), hoặc là vương quốc Chămpa (Chiêm Thành) với các thành thị ven biển như Indrapura (Quảng Nam - Đà Nẵng), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Phan
35 Đinh Gia Khánh, 1993, tr. 62.
25
Rang). Nếu như Âu Lạc ở phía bắc được coi là nhà nước hình thành do nhu cầu kiểm soát giao thông đường bộ thì các nhà nước như Phù Nam, Chămpa,... ở ven biển Đông lại là những nhà nước được hình thành do nhu cầu kiểm soát đường giao thông trên biển.
Từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ VII còn có nhiều quốc gia khác xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á. Ở phần lục địa, cộng đồng Môn xây dựng đến mấy quốc gia: Pegu (Hamsawati), Thaton (Sudhanmawati), Xích Thổ. Trên bán đảo Mã Lai xuất hiện nhà nước Tumasik (khu vực bang Johor và Singapo ngày nay), nhà nước Melayu (khu vực đảo Sumatra ngày nay), nhà nước Taruma (trên đảo Jawa). Vương quốc Taruma ngay từ thế kỷ thứ IV đã có quan hệ buôn bán mật thiết với Ấn Độ và Trung Quốc.
Trên đây là những nét sơ lược về các quốc gia Đông Nam Á được hình thành từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ VII. Tuy nhiên, vào các thế kỷ sau, do các cuộc chiến tranh danh sách và biên giới các quốc gia có sự thay đổi.
Đến thế kỷ thứ VII, nước Vạn Xuân bị nhà Tùy thôn tính. Nước Phù Nam cũng sụp đổ và nhường chỗ cho một quốc gia mới là Chân Lạp.
Trên đảo Sumatra, thay thế cho Melayu là quốc gia mới Srivijaya. Quốc gia này làm chủ toàn bộ eo biển giữa Sumatra và Malacca. Trên đảo Java, quốc gia Kalinga được hình thành.
Đến cuối thế kỷ thứ VIII, quốc gia này chinh phục cả đảo Bali.
Nói chung, đến thế kỷ thứ X, tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều bắt đầu đi vào thế ổn định, để ngay sau đó bước vào thời kỳ phát triển cực thịnh trên toàn vùng.
Trong một bối cảnh như trình bày, văn hóa Đông Nam Á thời kỳ này mang tính chất đa dạng: một mặt vừa giữ gìn, phát triển bản sắc, truyền thống văn hóa bản địa, mặt khác vừa tiếp thu những cái mới của hai nền văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ. Trong sự giao lưu văn hóa với nước ngoài, bao giờ cũng tồn tại hai xu hướng đối lập nhau: chống đối và tiếp thu. Chống đối là để Đông Nam Á không bị đồng hóa, tiếp thu là để làm giàu thêm, phong phú thêm cho nền văn hóa bản địa. Không thể phủ nhận rằng những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc đối với Đông Nam Á là khá toàn diện và sâu sắc. Nó được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực:
tôn giáo, chữ viết, văn chương, nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc,... Và cũng cần nói thêm rằng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến Đông Nam Á thì nhiều nhất, nếu không nói là chủ yếu, là vào bắc bán đảo Trung-Ấn. Trái lại, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ thì chủ yếu lại thể hiện rõ hơn ở các vùng nam bán đảo Trung-Ấn, phía tây và phía nam của Đông Nam Á.
Tuy vậy Đông Nam Á không trở thành chiến trường văn hóa giữa Trung Hoa và Ấn Độ.
Ví dụ như trong khía cạnh tôn giáo, không hề có sự kình địch giữa Trung và Ấn để lưu giữ những nét văn hóa của mình ở Đông Nam Á. Ngược lại, Trung Quốc đi theo đạo Phật, tôn giáo được truyền từ Ấn Độ qua Trung Á vào thời Đông Hán, thế kỷ I SCN. Trong suốt thiên niên kỷ đầu tiên, các học giả và tín đồ từ Trung Hoa cũng như Đông Nam Á đều ghé thăm đền đài và trường học Ấn Độ. Nhiều học giả và tín đồ Trung Quốc còn dừng chân giữa chặng ở Borneo hay Sumatara để học tiếng Sankrit và Pali trước khi đến Ấn Độ học lên bậc cao hơn. Trong giai đoạn này cả Trung Hoa và Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ.
Phủ lên cơ tầng bản địa Đông Nam Á là sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa.
Nhờ nền tảng sẵn có, văn hóa bản địa chưa bao giờ đánh mất bản sắc của mình, ngay cả khi giữa chúng có “sự tương đồng chủng tộc” xuất phát từ cơ sở vay mượn Ấn Độ là chủ yếu. Văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc thâm nhập sâu rộng từ khoảng đầu công nguyên, hai đến ba thế kỷ
26
sau cuộc đại thống nhất về chính trị đầu tiên ở các quốc gia này - vào thế kỷ thứ III TCN dưới thời Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc và thời Asoka Maurya ở Ấn Độ.
Những thế kỷ tiếp theo chứng tỏ sự lan tỏa từng bước của văn hóa thương mại Ấn Độ vào Đông Nam Á, ngoại trừ châu thổ Bắc Bộ Việt Nam. Bởi nơi đây chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa và chính trị Trung Hoa. Và sự phân định ranh giới văn hóa Trung-Ấn này đã được nhà ngoại giao kiêm học giả người Pháp - Reginald Le May nhận định như sau “Trên bản đồ châu Á, có dãy núi chạy dọc theo xương sống Annam, đây chính là dãy núi đánh dấu biên giới hay nói cách khác là đường phân chia giữa văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Nếu mạn Đông và Bắc bên này dãy núi chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thì mạn Tây và Nam phía bên kia lại chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, giữa hai láng giềng này không có sự chồng chéo hay tranh chấp lẫn nhau”.36
2.2.2. Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Đông Nam Á - Trung Hoa
Ở đời Tần, các vương quốc Đông Nam Á tiền sử ở bờ nam sông Dương Tử-nơi những người “nam man” sinh sống - bị đồng hóa vào văn hóa Trung Hoa. Người “nam man”, tức tộc người có cơ tầng văn hóa Đông Nam Á tiền sử, bị đồng hóa cùng với Hoa tộc để cùng trở thành Hán tộc. Tuy nhiên sự đồng hóa này có tính chất hai chiều, nghĩa là cả hai bên đều có sự tác động qua lại. Vì vậy, trong văn hóa Hán tộc cũng có nhiều yếu tố phương nam, chẳng hạn,
“Việc trồng lúa nước, việc trồng dâu nuôi tằm lấy tơ, việc trồng cây chè và uống chè là những thành tựu của vùng Đông Nam Á mà Hoa tộc đã tiếp thu được khi đồng hóa các cư dân nam sông Dương Tử để cùng trở thành Hán tộc”.37
Như vậy, ngay từ đầu công nguyên, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đã lan ra toàn bộ phía bắc của vùng Đông Nam Á tiền sử. Ảnh hưởng ấy diễn ra cùng với sự thôn tính các quốc gia đã hình thành từ trước. Tuy nhiên, bước chân của kẻ xâm lược không dừng lại ở đó. Chúng còn tiếp tục tiến đến nước Âu Lạc ở xa hơn về phía nam.
Trung Quốc tạo được ảnh hưởng to lớn ở Đông Nam Á từ đầu triều Hán (202TCN - 220).
Đây là thời kỳ đế quốc Trung Hoa mở mang bờ cõi đến giáp Đông Nam Á. Triều đình Trung Hoa thiết lập hệ thống triều cống đối với các nước chư hầu. Trải qua phần lớn chiều dài lịch sử Trung Hoa, các hoàng đế trị vì thường áp dụng chính sách làm suy yếu hoặc chia cắt các dân tộc thuộc vùng ngoại vi đế quốc. Nhìn chung, những giai đoạn thống nhất, ổn định và mạnh mẽ về chính trị ở Trung Hoa thường đi đôi với thời kỳ quốc gia này can thiệp hoặc chi phối được hầu hết các nước Đông Nam Á. Trái lại, khi chính thần dân Trung Hoa lung lay niềm tin vào chính quyền trung ương của họ thì các nước Đông Nam Á lại mở rộng quyền tự chủ và độc lập.
Trung Quốc yêu cầu chư hầu dâng nộp cống phẩm lên hoàng đế theo định kỳ, thường 3 năm/1 lần và đáp lại sẽ ban cho tặng phẩm giá trị hơn. Trung Quốc coi cống phẩm là biểu tượng của sự phụ thuộc chính trị và là con đường Hán Hóa “người man di”. Trong phái bộ mang cống phẩm thường có một đoàn thương gia. Những người này nhận được lòng hiếu khách và sự hỗ trợ của Trung Quốc trong quá trình buôn bán dọc theo tuyến đường đi triều cống dài và gian khổ. Hệ thống chư hầu mà Trung Quốc duy trì suốt thời gian dài cho tới tận cuối thế kỷ XIX đã đảm bảo cho thiên triều vị thế tối cao, trong khi chỉ phải hỗ trợ ít nhiều về kinh tế cũng như quân sự cho các chư hầu.
36Reginald Le May “ The Culture of South - East Asia”, London, Allen and Unwin, 1954, p.9.
37 Đinh Gia Khánh, 1993, tr.58-59.
27
Đồng thời với việc xâm chiếm lãnh thổ, đế quốc Tần, Hán đã tiến hành một loạt chính sách đồng hóa văn hóa Đông Nam Á trên mọi lĩnh vực. Chúng bắt dân bản xứ Đông Nam Á tổ chức xã hội, học tập, làm ruộng, rồi ăn, mặc, ở ,... đúng như người Hán. Điều đó có nghĩa là đế quốc Tần, Hán muốn thiết lập ở Đông Nam Á một thể chế chính trị, một cơ cấu xã hội, thậm chí một phong tục tập quán theo kiểu Trung Hoa. Song song với sự cưỡng bức nói trên là việc truyền bá các hệ tư tưởng như: Nho giáo, Đạo giáo,... vào Đông Nam Á.
Nho giáo vào Đông Nam Á ngay từ trước công nguyên song suốt 10 thế kỷ nó vẫn chưa khẳng định được sự tồn tại bền vững của mình ở khu vực này. Số người theo nho học rất ít.
Những người theo nho học chủ yếu là những người thuộc tầng lớp trên của xã hội. Dẫu sao đây cũng là một giai đoạn chuẩn bị, một cơ sở cho sự phát triển cao hơn của đạo nho ở giai đoạn sau.
Cùng với đạo Nho, đạo Giáo và đạo Lão Trang cũng được truyền vào Đông Nam Á. Cả hai đạo này tuy có ảnh hưởng không nhiều nhưng cũng đã trở thành một bộ phận trong tư tưởng và quan niệm của cư dân Đông Nam Á.
Sự tiếp xúc cưỡng bức và giao thoa văn hóa Đông Nam Á - Hán, mà rõ nhất là Việt Nam
“còn để lại dấu ấn trong những lĩnh vực khác như cách ăn, mặc, ở, đi lại, phương thức sản xuất, quan hệ xã hội, ngôn ngữ,…”38
Về mặt ngôn ngữ, hàng loạt từ Hán đã được du nhập vào các ngôn ngữ ở Đông Nam Á như tiếng Thái, tiếng Khmer, tiếng Lào, tiếng Việt,... Riêng trong tiếng Việt, như mọi nguời đều biết, số lượng từ Hán chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Dấu ấn của văn hóa Trung Hoa còn được lưu lại ở các ngôi mộ gạch cổ được xây dựng từ thế kỷ I đến thế kỷ thứ VI mà người ta thường coi là sự nảy sinh của một nền văn hóa nghệ thuật Hán-Việt.
Về âm nhạc, bên cạnh những nhạc cụ mang bản sắc riêng Đông Nam Á, một số nhạc cụ Trung Hoa như khánh, chuông,... cũng được người Việt và một số dân tộc Đông Nam Á khác tiếp nhận và sử dụng.
Như vậy, quả thực cư dân Đông Nam Á đã tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Trung Hoa nhưng “Hán hóa với mục tiêu là đồng hóa thì bọn xâm lược phương bắc không thành công”.39 Như một tác giả phương Tây nhận xét, “qua Bắc thuộc, nước Việt Nam như một tòa nhà chỉ bị thay đổi “mặt tiền” (faỗade) mà khụng bị thay đổi cấu trỳc bờn trong”.40 Sở dĩ như vậy là vỡ, như trên đã nói, đồng thời với xu hướng Hán hóa, còn có một xu hướng đối nghịch khá mạnh:
xu hướng chống Hán hóa. Điều đó thể hiện tính kiên cường bất khuất, ý chí bảo vệ nền văn hóa dân tộc của cư dân Đông Nam Á. Và đây cũng chính là một trong những đặc điểm chủ yếu của văn hóa Đông Nam Á thời kỳ này.
2.2.3. Tiếp xúc và giao lưu văn hóa Đông Nam Á - Ấn Độ
Ngay từ đầu công nguyên, các cư dân Đông Nam Á đã có dịp tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Ấn Độ qua các thương gia và các nhà truyền đạo.
38 Trần Quốc Vượng (chủ biên), 1997, tr.89.
39 Trần Quốc Vượng, (chủ biên), 1997, tr.89.
40 Giron, Croyances et Religons annammites, Hà Nội, 1902. Dẫn lại theo: Trần Quốc Vượng (chủ biên), 1997, tr.103.