Văn hóa Đông Nam Á từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX

Một phần của tài liệu Bài giảng khái lược văn hóa đông nam á (Trang 35 - 44)

CHƯƠNG II: TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÔNG NAM Á

2.3. Văn hóa Đông Nam Á từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX

Từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, lịch sử - văn hóa Đông Nam Á trải qua hai thời kỳ chính: thời kỳ xác lập và phát triển thịnh đạt của các vương quốc dân tộc (thế kỷ X - XV) và thời kỳ suy thoái của chúng (thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XIX).

Trước đó, thế kỷ VII - thế kỷ IX, có thể coi là giai đoạn chuẩn bị, tích lũy của các vương quốc phong kiến Đông Nam Á. Và thế kỷ X là thế kỷ “bản lề” trong quá trình phát triển của các vương quốc này. Từ đây đánh dấu một kỷ nguyên mới đối với các quốc gia Đông Nam Á:

“kỷ nguyên độc lập dân tộc mở đầu cho thời đại phục hưng trên toàn Đông Nam Á với đặc điểm nổi bật là trở lại chính mình, là sự khẳng định ý thức dân tộc, một nền văn hóa dân tộc đã định hình”.48 Ở khu vực Đông Nam Á hải đảo, thay thế quốc gia Kalinga là quốc gia hùng mạnh Mataram của vua Sindok (927 - 947). Dưới vương triều mới này, việc khai khẩn đất đai, phát triển nông nghiệp được đặc biệt chú trọng. Các hoạt động thương mại với bên ngoài như với bán đảo Malacca, với Sumatra và với các đảo khác rất phát triển.

Sau khi đánh tan quân Nguyên, vua Vijaya lập một quốc gia mới gọi theo tên thủ đô là Majapahit. Đế chế Java Majapahit (1293 - 1527) là quốc gia lớn nhất mang tính chất thống nhất toàn quốc ở Indonesia thời trung cổ. Quốc gia này bao hàm cả Jawa, Sumatra, phần lớn Kalimanta, đảo Sulawedi, bán đảo Malai và quần đảo Moloku. Kinh tế thời Vijaya của quốc gia Majapahit phát triển mạnh cả về nông nghiệp, nghề thủ công lẫn thương mại. Lúc này không chỉ lái buôn Ấn Độ, Arập đến đây buôn bán hương liệu, gia vị mà bản thân cư dân ở đây cũng vượt biển đi đến nhiều nơi để làm thương mại. Họ đã có sự giao lưu buôn bán với người Chăm, người Môn, người Maxlai, người Khmer,.. Ở thời hưng thịnh của Majapahit, hệ thống quản lý nhà nước, chế độ thuế khóa, chế độ tố tụng đều được xác lập và củng cố. Nhà nước này có quan hệ ngoại giao và kinh tế với Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Cămpuchia, Xiêm, Miến Điện và các quốc gia khác ở Đông Nam Á.49

Từ thế kỷ XIV, sau khi Tumasik (khu vực Singapore ngày nay) bị thiêu hủy bởi người Java, khu vực Malacca (thuộc Malaysia ngày nay) trở thành một trung tâm thương mại lớn ở Đông Nam Á. Từ thế kỷ XV, Malacca trở thành một quốc gia có ảnh hưởng rất lớn ở vùng này, đặc biệt là sau khi đế quốc Majapahit bước vào con đường suy yếu dần. Quốc gia Malacca còn thâu tóm vào mình cả các vương quốc khác như Kedah, Patani, Brunei,... “Malacca bước vào thời kỳ phồn vinh, hải cảng sầm uất, thuyền bè nước ngoài qua lại tấp nập, mang về đây nhiều sản vật quý giá của các địa phương: đậu khấu từ đảo Malucca, hồ, long não, vàng từ Sumatra, diêm sinh, thuốc phiện từ Trung Quốc, gạo từ Xiêm và Java, đường từ Manila và tơ lụa từ Ấn Độ”.50

48 Phan Ngọc Liên (chủ biên), 1997, tr.31.

49 Xin xem: Ngô Văn Doanh, Nguyễn Huy Hồng, Nguyễn Đức Ninh, Phạm Thị Vinh, 1987, tr.24-25; Phan Ngọc Liên (chủ biên), 1997, tr.34-35.

50 Các nước Đông Nam Á, 1976, tr.130.

36

Sở dĩ Malacca có sự bành trướng đặc biệt nhanh chóng là vị nó có vị trí thuận lợi hơn Palembang hay Jambi trong việc kiểm soát tàu bè qua lại eo biển Malacca. Thêm nữa, Malacca được thừa hưởng thế lực thương mại mà Srivijaya đã từngcó. Nế u như các hải cảng của Sumatra chỉ là những nơi xuất khẩu hồ tiêu thuần túy thì Malacca thực sự trở thành một trung tâm buôn bán đa dạng, nhiều thứ. Ngoài việc là trung tâm thương mại quan trọng nhất, Malacca còn là một trung tâm chủ yếu truyền bá đạo Hồi ở Đông Nam Á.

Ở bán đảo Trung-Ấn, dưới vương triều Indrapura, vương quốc Chămpa cũng bước vào thời kỳ thịnh vượng. Đất nước này hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự. Chính vì thế, ngay trong giai đoạn này, Chămpa đã có những lần tấn công An Nam. Rồi những đợt đánh chiếm của quân Chân Lạp vào Chămpa cũng bị Chămpa đẩy lùi nhanh chóng. Ngoài ra, sự hưng thịnh của quốc gia Chămpa còn thể hiện ở sự tăng cường quyền lực của nhà vua và của chính quyền trung ương tập quyền.

Nhà nước Cămpuchia cũng trở thành một vương quốc mạnh ở khu vực Đông Nam Á.

Trong thời kỳ Ăngco huy hoàng (802 - 1434), đặc biệt là dưới thời Jayavarman (1181 - 1201), quân đội quốc gia này đã đánh chiếm Chămpa (1190), chinh phục cả vùng trung và hạ lưu sông Menam rồi tiến đến tận Sayphong (gần Viêng Chăn). Quân đội Jayavarman VII còn đánh chiếm địa bàn của vương quốc Môn, sát biên giới Miến Điện. Về phía nam, biên giới của Cămpuchia mở tới bắc bán đảo Mã Lai. Vào thời kỳ này, Jayavarman VII không chỉ chú trọng đến việc mở mang bờ cõi mà còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các công trình công cộng (như hệ thống đường giao thông, bệnh viện,...) và đền thờ mà tiêu biểu nhất là khu đền Ăngco Thom kì vĩ nổi tiếng thế giới.

Trên khu vực sông Irawadi thế kỷ XII là thế kỷ cường thịnh của vương quốc Pagan. Đây là thời kỳ phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, văn hóa lẫn lãnh thổ. Người ta đã xây dựng được cả chùa vang, chùa bạc, các đập nước, hồ chứa nước trên núi,...

Từ thế kỷ X, Việt Nam bước vào thời kỳ mới: thời kỳ tự chủ. Đó là một cái mốc lớn đánh dấu sự chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc.

Thời kỳ tự chủ của Đại Việt kéo dài gần một thiên niên kỷ, với nhiều sự kiện quan trọng:

- Sau chiến thắng Bạch Đằng, năm 939 Ngô Quyền xưng là Ngô Vương, định đô ở Cổ Loa.

- Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, quy giang sơn về một mối, đóng đô ở Hoa Lư và đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

- Năm 981, Lê Hoàn lập ra nhà Tiền Lê.

- Năm 1010, Nhà Lý lên ngôi, định đô ở Thăng Long và năm 1054 đổi tên nước thành Đại Việt.

- Năm 1226, nhà Trần thay thế nhà Lý.

- Năm 1228, Lê Lợi giành độc lập cho đất nước, lên ngôi vua lập nên nhà Lê.

Diễn trình lịch sử Việt Nam thời kỳ này mang những đặc điểm chính như sau:51

51 Dẫn từ: Trần Quốc Vượng (chủ biên), 1997, tr.113-114.

37

- Các vương triều liên tục thay thế nhau xây dựng một quốc gia tự chủ. Sự thay thế các vương triều không làm đứt đoạn lịch sử mà vẫn làm cho nó tạo thành một dòng chảy liên tục.

- Đất nước được mở rộng dần về phía nam. Việc khai khẩn Nam Bộ được hoàn thành vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Về cơ bản, đến cuối thế kỷ XIX, đất nước Việt Nam đã có một lãnh thổ thống nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau.

- Có một số cuộc chiến bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của phong kiến phương Bắc.

Sự trưởng thành của các quốc gia Đông Nam Á thời kỳ này còn được khẳng định qua cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ.

Ngày 12/12/1257, sau khi đánh chiếm nhiều lãnh thổ ở Châu Âu, châu Á, quân Mông Cổ tràn xuống Đại Việt. Dưới sự lãnh đạo của Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ quân dân ta đã dũng cảm chống lại một kẻ thù đế quốc hung hãn và mạnh nhất bấy giờ. Đây là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất của dân tộc ta.

Tiếp theo đó, vào các năm 1285, 1287, ngựa theo đường cũ, quân Nguyên lại tấn công Đại Việt và lại chịu thất bại thảm hại. Thế là cả ba lần, quân dân Đại Việt đều đánh tan quân Nguyên. Ý nghĩa của việc kháng chiến chống quân Nguyên Mông không chỉ dừng lại ở chỗ bảo vệ được nền độc lập dân tộc mà còn cản được một mũi tiến, một gọng kìm của quân thù xuống các vùng khác của Đông Nam Á.

Ở khu vực hải đảo, năm 1292 Hốt Tất Liệt đưa hai vạn quân đánh xuống Majapahit sau hai lần (vào các năm 1279 và 1289) đòi hoàng đế nước này phải cử người đến Bắc Kinh triều kiến nhưng đều bị hoàng đế cự tuyệt. Khi đó, vì triều đình lục đục, quân đội của Majapahit trên đảo Java không đủ sức chống lại nên Majapahit bị rơi vào tay giặc. Nhưng vì nhiều lý do (Majapahit ở xa, quân Nguyên khó khăn trong việc sử dụng vũ khí, lương thực, binh lính, sự kháng cự của nhân dân địa phương,....) trong đó có một lý do khá quan trọng là quân Nguyên đã hao tổn khá nhiều về cả vật chất lẫn tinh thần sau ba lần bại trận ở Đại Việt, nên chỉ một năm sau chúng phải rút khỏi Majapahit.

Năm 1282, Chiêm Thành cũng bị quân Nguyên tấn công. Quân Chiêm Thành chống trả quyết liệt. Quân Nguyên dưới sự chỉ huy của Toa Đô, phải co cụm về vùng biển Quy Nhơn để chờ viện binh. Sau đó, giữ Quy Nhơn không ổn, chúng lại rút về Đại Lẵng (Thừa Thiên). Cuối cùng, quân tiếp viện gặp bão, quân ở Đại Lẵng thì tan tác, âm mưu thôn tính Chiêm Thành của quân Nguyên vì vậy thất bại. Với sự thất bại này, quân Nguyên không thể thực hiện được ý đồ tấn công Đại Việt một lần nữa từ phía nam và làm bàn đạp tấn công các nước khác trong khu vực.

Ở Cămpuchia, quân Nguyên cũng bị thiệt hại năng nề. Chỉ duy ở Pagan là quân Mông Cổ đạt được ách đô hộ. Pagan bị tàn phá nặng nề sau các cuộc tấn công của quân Nguyên vào các năm 1277, 1283.

Như vậy, xét trên tổng thể, đế quốc Mông Cổ đã không thực hiện được âm mưu bành trướng của chúng ở toàn vùng Đông Nam Á. Đây là kết quả của sự hợp sức và của tinh thần chiến đấu ngoan cường của các dân tộc Đông Nam Á, trong đó có vai trò không nhỏ của quân dân Đại Việt.

Trong thời kỳ từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, ở Đông Nam Á, ngoài những nước được hình thành từ trước và đang phát triển thịnh vượng còn xuất hiện thêm hai quốc gia mới là Ayuthaya

38

của người Thái (hợp nhất từ vương quốc Lanna có kinh đô là Chiềng Mai, được lập vào năm 1292, vương quốc La Hộc ở Lavo và vương quốc Sukhothay) và Lansang của người Lào. Nói chung, đến thế kỷ XV phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đã được hình thành và phát triển ổn định.

Sau thế kỷ XV,nói chung các quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu đi vào thời kỳ suy thoái.

Tất nhiên, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng nước mà thời gian và mức độ suy thoái của mỗi nước không hoàn toàn như nhau. Trên bán đảo Trung Ấn, theo trình tự thời gian, Cămpuchia bước vào thời kỳ suy thoái sớm nhất (khoảng thế kỷ XIII), sau đó đến Chămpa (thế kỷ XV), tiếp theo là Việt Nam, Miến Điện và cuối cùng mới là Xiêm và Lan Sang.

Ngay từ thế kỷ XIII, Cămpuchia đã mất dần một số lãnh thổ phụ thuộc ở bên ngoài. Năm 1220, quân Cămpuchia rút khỏi Chămpa chấm dứt hơn 30 năm đánh chiếm nước này. Từ thế kỷ XV, Cămpuchia thực sự bước vào thời kỳ suy thoái mà sự kiện lịch sử được đánh dấu chính là cái chết của vị hoàng đế cuối cùng của vương triều III năm 1336 - cái chết do Tachay, một người trồng dưa gây ra.

“Nguyên nhân sâu xa của quá trình này chính là sự suy thoái từ bên trong - sự suy thoái về kinh tế, xã hội sau nhiều thế kỷ đã tận dụng hết các tiềm năng của mình để xây dựng những công trình đồ sộ và tiến hành các cuộc chiến tranh nhằm củng cố quyền lực và tranh giành lãnh thổ”.52 Ngoài ra, những cuộc tấn công của người Thái từ nước Auuthaya cũng làm Cămpuchia kiệt quệ. Đến năm 1434, Cămpuchia phải dời đô về phía nam Biển Hồ, bên bờ sông Tônlêsap, tức Pnôm Pênh ngày nay. Thời đại Ăngco huy hoàng đến đây chấm dứt. Từ đó suốt bốn thế kỷ tiếp theo, Cămpuchia lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên và trầm trọng.

Ở quốc gia Majapahit, tình hình cũng bắt đầu xấu đi từ thế kỷ XV. Sau khi có sự du nhập của đạo Hồi, quốc gia này bị “chia năm xẻ bảy” bởi các nhóm quần chúng đối lập nhau về tôn giáo. Ở phía đông Jawa, vương quốc Hồi giáo Pajajaran tách khỏi Majapahit. Ở phía bắc Jawa, nhiều thành phố quốc gia hải cảng theo Hồi giáo cũng được củng cố. Majapahit mất dần lãnh thổ. Cuối cùng vào năm 1527, quốc gia này coi như bị xóa sổ. Nhưng nửa sau thế kỷ XVI lại xuất hiện hai quốc gia mới là Bantam và Mataram. Các quốc gia mới tồn tại không được bao lâu thì phải đương đầu với sự xuất hiện của những người phương Tây: Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Năm 1511, Bồ Đào Nha chiếm được Malacca. Năm 1605, Hà Lan chiếm pháo đài của Bồ Đào Nha trên đảo Ambon. Năm 1619, Hà Lan xây pháo đài đầu tiên ở thành phố cảng miền tây Java,... Những năm sau đó, Indonesia trở thành thuộc địa của Anh và Hà Lan.

So với các nước khác trong vùng, chế độ phong kiến ở Miến Điện kéo dài thời thịnh vượng của mình hơn một thời gian. Trong thời Tongu (1531 - 1752), kinh tế và văn hóa Miến Điện khá phát triển. Nhưng sau đó, các cuộc chiến tranh với người Môn (1752 - 1755), với người Trung Quốc (1766 - 1770), với người Xiêm (1768 - 1776), với người Ấn Độ (1794 - 1795) làm nước này suy yếu đi nhiều, để rồi sau đó (năm 1885) hoàn toàn rơi vào ách thống trị của thực dân Anh.

Tóm lại, sau một thời kỳ khá dài phát triển thịnh vượng, đến khoảng cuối thế kỷ XVI, phần lớn các quốc gia ở Đông Nam Á đều đi vào con đường suy thoái. Sự suy thoái này có nguyên nhân sâu sa từ trong lòng chế độ phong kiến đã lỗi thời. Trước những đòi hỏi cấp bách phải thay đổi nền kinh tế - xã hội, các nhà nước phong kiến lúc bấy giờ không những không

52 Phan Ngọc Liên (chủ biên), 1997, tr.42.

39

thực hiện được mà còn dồn hết sức vào các cuộc chiến tranh liên miên, gây ra những mâu thuẫn xã hội gay gắt. Với một tình hình như thế, cộng với sự xâm nhập của các đế quốc phương Tây, các quốc gia Đông Nam Á càng đi vào con đường suy sụp nhanh chóng.

2.3.2. Những thành tựu văn hóa

Trên cái nền của văn hóa bản địa cộng với sự tiếp thu văn hóa Trung - Ấn của thiên niên kỉ đầu công nguyên, trong thiên niên kỉ tiếp theo của thời kì lịch sử, văn hóa Đông Nam Á đã đạt được những thành tựu đáng kể cả về mặt vật chất và tinh thần.

Về mặt tư tưởng, trước hết phải kể đến sự xuất hiện của một số tôn giáo mới ở Đông Nam Á: Hồi giáo và Kitô giáo.

Như một làn sóng thứ ba tràn vào Đông Nam Á, cùng với những ảnh hưởng của Ấn Độ, Trung Hoa, nền văn minh Hồi giáo của Tây Á cũng tràn đã thâm nhập và có nhiều ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống, văn hóa xã hội khu vực. Tuy xuất hiện muộn nhưng văn minh Hồi giáo -thương nghiệp đã nhanh chóng và trở thành những đế chế cường thịnh. Đồng hành với các đoàn chiến binh và thương nhân, văn minh Ảrập đã lan tỏa đến các vùng đất xa xôi khác trên thế giới. Đối với Đông Nam Á, sau một quá trình thâm nhập, trong cộng đồng khu vực đã thấy xuất hiện một số quốc gia Hồi giáo. Hồi giáo được truyền vào các quốc gia Đông Nam Á hải đảo từ khoảng thế kỉ XIII mà lãnh thổ đầu tiên của nó là vùng bắc Sumatra. Người Aceh là cư dân đầu tiên theo đạo Hồi. Khi Malacca trở nên cường thịnh thì nó trở thành trung tâm chủ yếu truyền bá đạo Hồi. Có một điều đặc biệt là đạo Hồi đến Đông Nam Á thường không phải là những nhà truyền đạo chuyên nghiệp mà là các thương gia Ấn Độ, Ảrập và Batư. Nếu như đạo Hồi đến Trung Cận Đông và Ấn Độ bằng những cuộc chiến tranh “thần thánh” thì, trái lại, nó đến Đông Nam Á hoàn toàn bằng con đường thương mại, hòa bình. Cũng từ đây, văn hóa Ảrập bắt đầu có ảnh hưởng ở Đông Nam Á. So với Ấn Độ giáo, Hồi giáo có tính dân chủ hơn hẳn bởi lẽ nó không bị gò bó bởi tính chất đẳng cấp nặng nề. Nó đáp ứng được những khát vọng của quần chúng nhân dân về sự công bằng, bình đẳng, do đó ở một mức độ nhất định và trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, Hồi giáo đã góp phần đáng kể vào việc đoàn kết các dân tộc trong việc chống ngoại xâm. Ngoài ra, khi đạo Hồi và thương nhân Hồi giáo đến Đông Nam Á đã có tác động rất tích cực đối với sự phát triển thương mại trong khu vực. Gs Denys Lombar đã có nhận xét rất sâu sắc “Hồi giáo đã dệt lên từ hải cảng này sang hải cảng khác một mạng lưới vừa mang tính tôn giáo vừa mang tính thương mại. Tác động hai mặt này được thể hiện qua việc xuất hiện các dô thị thương mại hùng mạnh (Malacca). Hồi giáo xâm nhập vào Đông Nam Á đã thúc đẩy mạnh mẽ nhân tố biển trong nền văn hóa truyền thống của khu vực. Cùng với các đô thị thương mại, xuất hiện giới thương nhân ngày càng có vai trò quan trọng phát triển xã hội ở miền Nam Đông Nam Á. Họ còn kéo dài đường hải thương sang tới vùng duyên hải Trung Hoa (Phúc Kiến) có thể thấy qua các chứng tích văn bia Ả rập từ thế kỷ XIII - XV tìm thấy được ở nơi đó”.

Muộn hơn Hồi giáo một thời gian, Kito giáo cũng thâm nhập vào một số quốc gia Đông Nam Á. Kito giáo vào Philippin từ thế kỉ XVI. Ở Philippin, Kito giáo được khởi xướng bởi giáo sĩ Andres de Urdaneta vào năm 1571. Năm 1574, Manila được Tây Ban Nha và tòa thánh Vatican đặt tên là “thành phố thanh cao và muôn đời trung nghĩa” và nó trở thành trung tâm Kito giáo của quần đảo Philippin. Kito giáo cũng vào Campuchia và Việt Nam từ thế kỉ XVI.

“Năm Nguyên Hòa thứ I (1533), đời vua Lê Trang Tông có một người Tây Dương tên là Inêkhu theo đường biển lẻn vào giảng đạo Giatô ở các làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ”

Một phần của tài liệu Bài giảng khái lược văn hóa đông nam á (Trang 35 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)