CHƯƠNG II: TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÔNG NAM Á
2.4. Văn hóa Đông Nam Á từ nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1945
1. Đặc điểm nổi bật nhất, quán xuyến toàn bộ quá trình lịch sử Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XIX đến năm 1945 là sự đô hộ của thực dân phương Tây đối với các quốc gia ở khu vực này.
Quá trình thâm nhập của thực dân phương Tây vào Đông Nam Á với mục đích thực dân diễn ra ngay từ cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI. Sự giàu có về hương liệu và khoáng sản, vị trí quan trọng về giao thông và quân sự,… là những lí do chính khiến người phương Tây “để mắt”
đến và nảy sinh ý đồ thôn tính, xâm lược Đông Nam Á.
59 Trần Quốc Vượng (chủ biên), 1997, tr.115.
45
Về cơ bản, đến cuối thế kỉ XIX, tất cả các quốc gia Đông Nam Á (trừ Xiêm) đều rơi vào tay thực dân phương Tây. Tuy nhiên, tùy theo tình hình cụ thể của mỗi nước mà quá trình đô hộ của thực dân phương Tây ở từng nước diễn ra sớm muộn và nhanh chậm khác nhau, với cách thức khác nhau như xâm chiếm đất đai, dùng vũ lực, gây sức ép cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự…
Trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Indonesia là nước bị phương Tây đô hộ đầu tiên.
Ngay từ năm 1511, các thương nhân Bồ Đào Nha đã chiếm Malacca. Năm 1595, Hà Lan chiếm được Jakarta. Năm 1811, Indonesia rơi vào tay Anh và đến năm 1814 lại hoàn toàn trở thành thuộc địa của Hà Lan.
Các bang của Malaysia bị Anh đô hộ dần dần từ nửa sau thế kỉ XIX. Năm 1874 Anh đặt sự đô hộ của mình ở các bang Perack, Selangor và Sembilan và năm 1888 thôn tính được Pahang. Hai bang lớn của phía đông là Sabah và Sarawak cũng bị Anh chiếm vào năm 1888.
Năm 1909, bốn bang thuộc Xiêm là Perlis, Kelantan, Kedah và Terengganu cũng trở thành thuộc địa của Anh và từ đó các bang này trở thành vùng đất của Malaysia. Cũng năm đó, Anh chiếm được Johor. Như vậy, đến đầu thế kỉ XX, toàn bộ Malaysia đã bị Anh xâm chiếm.
Philippines từ 1571 đã là thuộc địa của Tây Ban Nha. Đến năm 1902, quốc gia này hoàn toàn rơi vào tay Hoa Kì.
Mảnh đất bé nhỏ Brunei, sau bao nhiêu năm bị Mĩ, Tây Ban Nha và Hà Lan “để mắt”, cuối cùng, ngày 17 tháng 9 năm 1888 cũng hoàn toàn trở thành thuộc địa của Anh - chịu chung số phận như Malaysia. Dĩ nhiên không chỉ Brunei mà toàn bộ vùng đất bắc Borneo cũng thuộc quyền kiểm soát của Anh.
Trên bán đảo Trung-Ấn, Miến Điện từ lâu đã bị Anh, Hà Lan, Pháp nhòm ngó. Sau nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, tháng 11 năm 1885, Anh chiếm xong toàn bộ lãnh thổ Miến Điện và Miến Điện thành một tỉnh của Ấn Độ.
Ba nước Đông Dương Việt Nam, Lào, Cămpuchia bị rơi vào tay thực dân Pháp. Trước sự chống trả yếu ớt và nhượng bộ của triều đình Huế, Pháp nhanh chóng chiếm được Việt Nam, sau đó đánh thẳng vào Cămpuchia và Lào. Vua Norodom phải kí với Pháp một hiệp ước, công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Cămpuchia. Với Lào, ách thống trị của Pháp được thiết lập chính thức kể từ khi có hiệp ước Xiêm - Pháp ngày 3 tháng 10 năm 1893, theo tinh thần Xiêm phải nhường quyền lợi ở Lào cho Pháp.
Như vậy là, đến cuối thế kỉ XIX, trừ Xiêm, tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác đều nằm trong tay sự đô hộ của thực dân phương Tây: Philippines thuộc Mĩ, Indonesia thuộc Hà Lan, Malaysia, Brunei, Miến Điện thuộc Anh, Việt Nam, Cămpuchia, Lào thuộc Pháp.
Sống dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây, nhân dân Đông Nam Á phải chịu sự bóc lột tàn bạo của chúng. Chúng thực hiện hàng loạt chính sách khai thác và bóc lột thuộc địa, chẳng hạn:
- Khai thác tài nguyên thiên nhiên như than đá, thiếc, kẽm, đồng, vàng, bạc,… để mang về chính quốc
- Tăng thuế và đặt ra nhiều thứ thuế vô lí, kể cả thuế thân.
- Thực hiện chính sách chia rẽ quần chúng, mua giai cấp thống trị bản địa.
46
- Thực hiện chính sách ngu dân, đầu độc nhân dân bằng thuốc phiện và rượu.
Đông Nam Á thuộc địa đã thực sự trở thành nơi cung cấp nguyên liệu, nhân công và lương thực rẻ mạt cho thực dân phương Tây, trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghệp của chúng. Hơn thế nữa, Đông Nam Á còn bị chúng biến thành một căn cứ quân sự để làm bàn đạp tấn công các nước khác.
2. Sau năm 1940, các nước Đông Nam Á lại rơi vào một hiểm họa ngoại xâm khác: Nhật Bản.
Ngày 2 tháng 3 năm 1941, Nhật đánh chiếm Sumatra và Java. Chỉ sau đó một tuần, quân Hà Lan đã phải hạ vũ khí. Quyền thống trị Indonesia thuộc về tay Nhật cho đến tháng 8 năm 1945.
Cũng trong năm đó, Nhật tấn công Philippines và thiết lập nền thống trị ở nước này.
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật đổ bộ vào Malaysia và cũng thiết lập được sự thống trị của mình không mấy khó khăn giống như ở Philippines.
Trên bán đảo Trung-Ấn, trong tháng 7 năm 1941, Nhật đã chiếm toàn bộ vùng Đông Dương thuộc Pháp (Việt Nam, Lào, Cămpuchia). Ngày 8/12/1941, Nhật đổ bộ vào Thái Lan và Phibun đã phải đầu hàng.
Đến đầu năm 1942, có thể nói, Nhật đã đánh bại tất cả các thực dân phương Tây như:
Anh, Mĩ, Pháp, Hà Lan và thiết lập được sự thống trị của mình trên toàn khu vực Đông Nam Á.
Khẩu hiệu tuyên truyền của Nhật lúc đó là “Châu Á của người châu Á”, “Nhật là người lãnh đạo châu Á”, “Nhật là người bảo hộ châu Á”, “Nhật là ánh sáng của châu Á”,... Trên thực tế, Nhật khủng bố dân chúng địa phương rất tàn bạo, đặc biệt là nạn hãm hiếp phụ nữ và việc bắt dân đi lao động khổ sai. Hàng nghìn người đã bị sử dụng vào việc xây dựng “con đường sắt thần chết” nối liền nam Miến Điện với Bangkok qua Canburi. Hàng nghìn người Indonesia bị đưa đi phục vụ quân đội Nhật ở Niu Ghine và bắc Molucca.60 Một thảm cảnh hết sức bi đát mà người dân Đông Nam Á phải gánh chịu mà nguyên nhân chính là sự đô hộ của Nhật là các nạn đói và nạn dịch xảy ra ở nhiều nơi, đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân vô tội.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Nam Á giành độc lập dân tộc, lật đổ ách thống trị của thực dân đã diễn ra ở tất cả các nước trong suốt thời kì từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945. Tất nhiên, tùy theo tình hình cụ thể của từng nước mà con đường cứu nước của mỗi quốc gia có những nét khác nhau.
Ở Indonesia các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ở tây Sumatra kéo dài suốt 30 năm (từ 1873 đến 1904). Đầu thế kỉ XX, phong trào giải phóng dân tộc càng phát triển rầm rộ với nhiều tổ chức chính trị, trong đó có Liên đoàn các thương nhân Hồi giáo. Đến tháng 5 năm 1920, Đảng cộng sản Indonesia ra đời, truyền bá tư tưởng Mác-Lênin vào nước này. Năm 1923, giai cấp công nhân, được sự ủng hộ của nông dân, đã tổ chức một cuộc bãi công lớn trong ngành đường sắt. Vào các năm 1926 - 1927, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân liên tiếp nổ ra. Năm 1927, Đảng quốc dân, hay còn gọi là Đảng dân tộc, do Sukarno đứng đầu ra đời, tiếp tục lãnh đạo nhân dân Indonesia đấu tranh đòi giải phóng dân tộc. Trong thời kì Nhật chiếm đóng, Đảng Cộng sản Indonesia, mặc dù bị khủng bố ráo riết, vẫn bí mật lãnh đạo phong
60 D.G.E Hall, 1997, Lịch sử Đông Nam Á, tr.1169.
47
trào đấu tranh chống Nhật. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Singaparna, Semarang và nhiều nơi khác.
Tháng 8 năm 1945, Nhật bại trận. Nước Cộng hòa Indonesia được thành lập dưới sự lãnh đạo của tổng thống Sukarno.
Ở Malaysia, tổ chức “Đại hội toàn Malaysia” ra đời đầu thế kỉ XX không chỉ với mục đích đòi hỏi cải cách đạo Hồi mà còn là một tâp hợp quần chúng đấu tranh chống thưc dân Anh xâm lược. Trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai, các lực lượng dân tộc dân chủ Malaysia do Đảng Cộng sản đứng đầu đã lãnh đạo nhân dân thành lập các đội du kích chống Nhật ở nhiều nơi. Có lúc, đội quân du kích đã lên tới khoảng 300.000 người. Tháng 8 năm 1945, tổ chức mang tên “Đội quân chống Nhật” vốn lấy chỗ dựa là đội quân du kích đã đứng ra làm nhiệm vụ lịch sử trọng đại: tước vũ khí của Nhật, thành lập các tổ chức chính quyền dân chủ gọi là Uỷ ban Nhân dân”
Tại Philippines, vào năm 1892 hội Katipunan (Hội cao cả nhất và đáng kính nhất của những người con dân tộc), đứng đầu là Andret Bonifaxio (1863 - 1897), đã ra đời và trở thành người tổ chức và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc bằng hình thức đấu tranh vũ trang.
Sau khi Mĩ hất cẳng Tây Ban Nha, chiến sự giữa Mĩ và Philippines diễn ra khá khốc liệt. Chỉ hơn ba năm (từ 4/2/1899 - 4/7/1902) đã có tới 2811 trận giao chiến xảy ra.61 Giai cấp vô sản Philippin dưới hình thức ban đầu là công đoàn, đã xuất hiện trong quá trình đấu tranh chống đế quốc Mĩ. Năm 1924 Đảng Công nhân và năm 1930 Đảng Cộng sản Philippines lần lượt ra đời để lãnh đạo cách mạng. Đáng chú ý nhất là cuộc biểu tình của nông dân với 65.000 người tham gia vào ngày 3/5/1935, bị Mĩ đàn áp rất thảm khốc. Trong cuộc đấu tranh chống Nhật rất quyết liệt ở Philippines, những người cộng sản có một vai trò đáng kể trong việc tổ chức các đội du kích, các lực lượng vũ trang và thành lập Mặt trận thống nhất (năm 1942).
Trên bán đảo Trung-Ấn, hàng loạt cuộc khởi nghĩa của nông dân và các cuộc bãi công của công nhân Miến Điện liên tục xảy ra mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa nông dân do Saia Samon lãnh đạo năm 1930 - 1932 và cuộc bãi công của công nhân ngành dầu lửa năm 1983.
Trong thời cuộc Nhật, Đảng Cộng sản Miến Điện (thành lập từ năm 1930) đóng vai trò quan trọng trong liên minh nhân dân tự do chống phát xít. Từ cuối tháng 3 năm 1945, ở Miến Điện đã nổ ra cuộc khởi nghĩa toàn dân chống Nhật.
Ba dân tộc Việt Nam, Cămpuchia, Lào đoàn kết chặt chẽ với nhau trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Ngay từ năm 1864, thủ lĩnh Acha Soa của Cămpuchia đã liên minh với nghĩa quân của đề đốc Huân (Nam Bộ), xây dựng căn cứ Châu Đốc-Takeo, giáng trả thực dân Pháp nhiều đòn bất ngờ. Năm 1866, quân đội Pôcumpô Cămpuchia tiến đánh Udong (kinh đô cũ) và uy hiếp Phnômpênh. Từ 1876 đến 1887 là cuộc kháng chiến kéo dài của nhân dân Cămpuchia dưới sự lãnh đạo của Hoàng thân Sivôtha, em ruột vua Nôrôđôm. Tiếp đó, đầu thế kỉ XX, lại nổ ra cuộc khởi nghĩa do Vise Nhâu đứng đầu.
Tại Lào, phong trào đấu tranh chống Pháp của ông Kẹo vào năm 1901 đã phối hợp với phong trào đấu tranh chống Pháp của dân tộc Sơđăng ở Tây nguyên, Việt Nam. Kế tiếp ông Kẹo, ông Commandam tiếp tục lãnh đạo đội quân du kích chiến đấu cho đến tận năm 1936. Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, phong trào đấu tranh của nhân dân Lào càng phát triển mạnh. Nhiều tổ chức yêu nước như “Lào pên Lào” (nước Lào của người Lào), “Lào sêri” (Lào
61 Cao Minh Chơng, 1996, tr.28.
48
tự do) được thành lập, nhiều cuộc biểu tình được tổ chức, ngay cả ở Viên Chăn, tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật thua trận, nhân dân Lào đứng lên giành chính quyền và thành lập Chính phủ trung ương lâm thời.
Cùng với hai nước bạn Cămpuchia và Lào, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam đã diễn ra liên tục và ở nhiều nơi. Sau phong trào Cần Vương là hàng loạt phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, cuộc vận động Duy Tân, do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Ngoài ra còn có các cuộc khởi nghĩa nông dân mà điển hình nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Đặc biệt, cách mạng Việt Nam thực sự thay đổi về chất từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng đầu ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm cuộc cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi vĩ đại.
2.4.2. Các đặc điểm và thành tựu văn hóa
Trong một bối cảnh lịch sử như đã trình bày ở trên, văn hóa Đông Nam Á thời kì này mang hai đặc điểm chính: 1) toát lên tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chân chính trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. 2) tiếp thu những thành quả tiến bộ của văn hóa phương Tây cả về mặt vật chất lẫn về mặt tinh thần.
Có thể nói, đến lúc này, các nước Đông Nam Á đã trải qua hai thời kì tiếp nhận văn hóa nước ngoài.
Thời kì đầu diễn ra trong một thời gian lịch sử khá dài. Đó là thời kì tiếp nhận những yếu tố văn hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ, Arập. Các yếu tố văn hóa du nhập từ bên ngoài cùng với lớp văn hóa Đông Nam Á bản địa đã tạo nên “những nền văn hóa mang tinh quốc gia dân tộc trung đại”. Đây là “thời kì đột biến văn hóa lần thứ nhất của Đông Nam Á”.62
Đến thời kì này, thời kì tuyệt đại đa số các nước Đông Nam Á nằm dưới sự đô hộ của phương Tây, văn hóa phương Tây ồ ạt tràn vào toàn bộ lãnh thổ Đông Nam Á, kể cả những quốc gia không bị phương Tây xâm chiếm như Thái Lan. Nếu như trước đây, sự giao lưu văn hóa chủ yếu diễn ra trong khuôn khổ các nước phương Đông của châu Á thì bây giờ đã lan xa hơn, rộng hơn và đến một khu vực “mới lạ” hơn: châu Âu và châu Mĩ. Và nếu như trước đây, sự tiếp nhận chủ yếu chỉ trong phạm vi tôn giáo thì bây giờ đã lan tỏa ra nhiều mặt khác của văn hóa, trong đó có một nhân tố đặc biệt quan trọng là khoa học kĩ thuật hiện đại. Đúng là, nói như giáo sư Nguyễn Tấn Đắc, ở thời kì đột biến văn hóa lần thứ hai này, các trường giao lưu đã mở rộng hơn trước cả về không gian lẫn nội dung.
Trong sự giao lưu với phương Tây, “những biến động lớn lao, sâu xa đã đột nhiên lôi tuột Đông Nam Á vào guồng máy của thế giới hiện đại, trong khi nó vẫn còn đang mơ màng ở cuối thời kì trung đại. Lần đầu tiên nó tiếp xúc với sức mạnh vật chất của sắt thép và những nền văn hóa xa lạ. Bỡ ngỡ, bị động rồi chấp nhận, trước tiên vì sức ép quá mạnh”.
Cuộc ép duyên Đông - Tây, ở đây muốn nói tới cuộc ép duyên văn hóa, xét ra cũng là một tất yếu lịch sử. Đông Nam Á đứng trước một vấn đề dân tộc mới mẻ, không phải chỉ bảo vệ mà còn phải cải tạo, xây dựng. Không thể nào bảo vệ được dân tộc nếu chỉ dựa vào cái vốn liếng của quá khứ mà thôi. Chính vận mệnh dân tộc lại đòi hỏi Đông Nam Á phải nhanh chóng
62 Nguyễn Tấn Đắc,1991
49
chiếm lĩnh lấy những điểm cao mới của thế giới, đặc biệt là khoa học kĩ thuật của phương Tây, mới mong bảo tồn được dân tộc”.63
Và sự tiếp thu văn hóa phương Tây đã tạo ra những thành quả mới cho văn hóa Đông Nam Á thời kì này, mà trước hết là những thành tựu văn hóa vật chất còn tồn tại đến ngày nay.
A. Những thành quả của văn hóa vật chất
Điểm nổi bật trong thời kì này là sự phát triển nhanh chóng của các đô thị theo hướng không chỉ là trung tâm chính trị - văn hóa mà còn là những trung tâm công - thương nghiệp lớn
Xin bắt đầu từ thủ đô Yangon của Miến Điện. Tại đây người ta xây dựng thành phố theo kểu hiện đại của phương Tây: hai đường trục lớn và bốn đường phố chính giao nhau, chia thành phố thành các ô vuông mà trung tâm là ngôi chùa Sule xinh đẹp. Mỗi chiều của một ô vuông như vậy dài 250 m. Các tòa nhà đường có độ cao từ 15 - 20 m. Ngay từ những năm 70 của thế kỉ XIX, người ta đã xây dựng ở đây những tòa nhà lớn như Tòa thị chính cũ, bệnh viện trung ương, tòa án Tối cao,… Sau đó là những công trình kiến trúc theo kiểu cổ điển cách tân như Trường Đại học Tổng hợp, ngân hàng, khu các cơ quan trung ương,…”.64
Từ năm 1856, Singapore đã được coi là một thành phố - trung tâm thương mại lớn của Đông Nam Á, nó được quy hoạch và xây dựng nhanh chóng thành một thành phố cảng sầm uất. Vai trò của nó càng được khẳng định từ khi kênh đào Sue được hoàn thành. Hàng hóa từ các vùng khác nhau của Đông Nam Á được chuyển tới đây để rồi từ đây chúng lại được chuyển đi Trung Quốc, Ấn Độ và các nước phương Tây. Ngược lại, từ Mĩ, Australia các thương gia lại mang đến đây kim loại màu, sắt, vũ khí, bông,… Người ta ước tính rằng vào các năm 1872 -1873, doanh số thương mại của thành phố cảng này đã lên tới 90 triệu đôla Mĩ.65 Như vậy là, từ nửa sau thế kỉ XIX, Singapore đã thực sự trở thành một trung tâm thương mại lớn không chỉ của Đông Nam Á mà còn của thế giới.
Tại Manila - thủ đô của Philippines - trong thời kì thuộc Tây Ban Nha, nhiều công trình xây dựng “tầm cỡ” đã được hoàn thành: Lâu đài của quan thống chế Malahanyang (1863, nay là dinh tổng thống), nhà thờ Manila (hoàn thành 1878 - 1879 sau gần 100 năm xây dựng), nhà băng Ssud (1887 - 1893),…
Vào đầu thế kỉ XX, với sự có mặt của người Mĩ, thủ đô Manila càng có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, hàng loạt tòa nhà như Trung tâm hành chính - thương mại, bưu điện, Tòa nghị viện, nhà hát Metropolitentan, bệnh viện Trung ương,… được mọc lên. Manila được mở rộng cả về lãnh thổ lẫn dân số.
Ở Thái Lan, dưới triều vua Rama V (tức Chulalongkon), bộ mặt thủ đô Bangkok có nhiều thay đổi. Rất nhiều công trình công cộng được xây dựng, một trong những công trình kiến trúc lớn được hoàn thành vào năm 1880 là tòa nhà ba chóp trong Cung điện lớn. Nhiều tòa nhà mô phỏng cấu trúc phương Tây đã xuất hiện trong thời kì đầu thế kỉ XX như nhà Quốc hội, thậm chí nhà chùa Benchamopobit được xây dựng bằng đá cẩm thạch.
63 Nguyễn Tấn Đắc,1991.
64 Xin xem thêm: Lưu Kiếm Thanh,1993, tr.65-66
65 Lưu Kiếm Thanh, 1993, tr.58