2.1. CÁC TỘI PHẠM VỀ HỐI LỘ THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
2.1.1. Dấu hiệu pháp lý của các tội phạm về hối lộ theo BLHS Việt Nam
Từ những quy định nêu trên chúng tôi xác định những dấu hiệu pháp lý của các tội phạm này như sau:
Trước hết, chủ thể của tội nhận hối lộ (đồng thời cũng liên quan đến đối tượng tác động của tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ) theo quy định của điều luật phải là người có chức vụ, quyền hạn. Khoa học luật hình sự Việt Nam gọi đây là chủ thể đặc biệt của tội phạm. Đó là chủ thể mà ngoài hai đặc điểm là có năng lực
TNHS và đủ tuổi chịu TNHS còn đòi hỏi phải có thêm đặc điểm khác nữa về nhân thân thì mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội được mô tả trong CTTP [Nguyễn Ngọc Hoà 2006, tr.60-63]. Cụ thể, đặc điểm có thêm ở chủ thể của tội nhận hối lộ là dấu hiệu “có chức vụ, quyền hạn”. Theo quy định tại Điều 277 BLHS, người có chức vụ là “người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.” Bên cạnh khái niệm được nêu tại Điều 277 BLHS, những đối tượng cụ thể được coi là người có chức vụ, quyền hạn còn được xác định theo Điều 1 (khoản 3) của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, bao gồm: (a) Cán bộ, công chức, viên chức;
(b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; (c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; (d) Người được giao nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Như vậy phạm vi người có chức vụ, quyền hạn theo luật hình sự Việt Nam được xác định bao gồm tất cả những đối tượng nêu tại Điều 1 (khoản 3) của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005. Những đối tượng này có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan xét xử hoặc các cơ quan kiểm sát, ở tất cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Một điểm chung dễ nhận thấy ở những người này là dấu hiệu được giao công vụ và đang thực thi công vụ. Tuy nhiên, phạm vi khái niệm người có chức vụ, quyền hạn theo luật hình sự Việt Nam không chỉ dừng lại ở những nhân viên được giao vị trí công tác hoặc quyền hạn nhất định trong các cơ quan của bộ máy nhà nước. Khái niệm này còn được mở rộng tới đối tượng là những người có chức vụ trong các tổ chức xã hội, miễn là với chức danh của mình những người này có quyền ra những quyết định có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người khác, ví dụ như chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, tổ trưởng dân phố. Ngoài ra, những người không có một
chức danh trong hệ thống cơ quan công quyền song được giao nhiệm vụ hoặc công vụ nhất định và có quyền hạn khi thực hiện công việc đó cũng có thể trở thành chủ thể của tội nhận hối lộ, ví dụ như người làm công tác dân phòng được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự, trị an khu dân cư có quyền hạn khi thực hiện công vụ đó.
Dựa trên khái niệm được đưa ra tại Điều 277 BLHS và những đối tượng được liệt kê tại Điều 1 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, có thể khái quát một số đặc điểm của người có chức vụ, quyền hạn. Thứ nhất, chức vụ, quyền hạn của những người này được xác lập trên những căn cứ pháp lý khác nhau, ví dụ như do được bổ nhiệm, do được dân cử, theo hợp đồng hoặc do một hình thức khác. Hình thức khác này có thể là do được ủy quyền, do được bầu và phê duyệt, ví dụ như chức danh bộ trưởng do Quốc hội bầu và do Chủ tịch nước phê duyệt. Đặc điểm nêu trên cho thấy chức vụ, quyền hạn của chủ thể có thể được phát sinh theo quy chế giữ chức vụ hoặc theo những căn cứ pháp lý khác. Thứ hai, chế độ lương bổng và thời gian thực hiện chức năng, nhiệm vụ không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với người có chức vụ, quyền hạn. Điều đó nghĩa là họ có thể không được hưởng lương, họ có thể chỉ tạm thời được giữ chức vụ hoặc có quyền hạn trong một thời gian ngắn hoặc quyền hạn của họ có thể chỉ phát sinh theo một công việc nhất định được giao nào đó mà không có tính bền vững. Thứ ba, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ phải thuộc về phạm vi công vụ và chỉ phát sinh trong khi họ thực hiện công vụ. Trong số ba đặc điểm nêu trên, chúng tôi cho rằng đặc điểm thứ ba có ý nghĩa quyết định đối với việc xác định khái niệm người có chức vụ, quyền hạn. Bởi vì tính chất của chức năng, nhiệm vụ của chủ thể và thời điểm thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó đóng vai trò mấu chốt để một người trở thành người có quyền hạn đối với người khác. Như vậy, chức năng, nhiệm vụ và thời điểm đang thực hiện công vụ là những dấu hiệu bắt buộc ở người có chức vụ, quyền hạn. Một tác giả cũng nhận định tương tự: “dấu hiệu có ý nghĩa quyết định làm cơ sở để xác định một người có phải là người có chức vụ, quyền hạn hay không là tính chất của chức năng, nhiệm vụ mà người đó thực hiện và quyền hạn mà pháp luật quy định đối với người đó”
[Võ Khánh Vinh 1996, tr.37].
Chủ thể của tội nhận hối lộ theo luật định chỉ có thể là người có chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên, không phải người có chức vụ, quyền hạn nào cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. CTTP của tội nhận hối lộ theo Điều 279 BLHS đòi hỏi dấu hiệu “để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.” Vì vậy, chủ thể của tội phạm này phải là người với chức vụ, quyền hạn của mình có thể thực hiện được việc làm hoặc không làm mà người đưa hối lộ yêu cầu. Nói một cách khác, đó phải là người “có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ” [Đinh Văn Quế 2006, tr.77]. Khả năng giải quyết việc mà người đưa hối lộ yêu cầu vừa gắn với tính chất của chức năng, nhiệm vụ, vừa gắn với thời điểm thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó của người có chức vụ, quyền hạn. Điều đó có nghĩa là người có chức vụ, quyền hạn chỉ có thể thực hiện được yêu cầu của người đưa hối lộ nếu việc làm hay không làm đó có liên quan trực tiếp tới việc thực thi chức trách của họ và được tiến hành vào thời điểm họ đang thực thi công vụ. Như vậy, người đã chấm dứt việc thực thi công vụ hoặc người không có khả năng thực hiện được yêu cầu của người đưa hối lộ đều không thể là chủ thể của tội nhận hối lộ. Ví dụ: B là điều tra viên được phân công điều tra vụ án N có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác. Sau khi tiến hành các hoạt động điều tra, B thấy rằng hành vi phạm tội của N có thể được miễn TNHS nên đã làm bản kết luận điều tra đề nghị thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định miễn TNHS đối với N. Sau khi thủ trưởng cơ quan đã kí vào bản kết luận điều tra đồng ý đề nghị miễn TNHS cho N, B liền đến gặp N nói rằng mình đang tiến hành điều tra vụ án của N và đề nghị N nếu muốn được miễn TNHS phải chi cho B một khoản tiền. Hành vi của B trong trường hợp này không cấu thành tội nhận hối lộ vì thời điểm B thực hiện hành vi trách nhiệm điều tra của B đã kết thúc, B không còn có quyền hạn gì đối với việc giải quyết vụ án của N. Hành vi của B phải bị xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với một số đối tượng do tính chất công việc của họ là những hoạt động thuần túy chuyên môn, nghiệp vụ (ví dụ như giáo viên, nhân viên y tế, cán bộ kĩ thuật) thì thông thường họ không thể trở thành chủ thể của tội nhận hối lộ. Tuy
nhiên, những người này có thể trở thành chủ thể của tội nhận hối lộ nếu họ thực hiện chức năng của người có chức vụ, quyền hạn, tức là họ có quyền ra những quyết định có ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, ví dụ như ghi điểm và kí vào học bạ, coi thi hoặc chấm thi tuyển sinh đại học, cấp giấy xác nhận mức thương tật, tiếp nhận bệnh nhân, xác nhận tiêu chuẩn kĩ thuật của phương tiện giao thông hoặc tiêu chuẩn chất lượng của vật liệu sử dụng trong sản xuất, v.v…
Một câu hỏi đặt ra liên quan đến khả năng của người nhận hối lộ giải quyết việc người đưa yêu cầu là: liệu một người - tuy chức vụ, quyền hạn của họ không liên quan trực tiếp đến việc giải quyết yêu cầu của người đưa lợi ích song họ lại có khả năng dùng chức vụ, quyền hạn của mình gây ảnh hưởng tới người có chức vụ, quyền hạn khác để người này thực hiện việc người đưa yêu cầu - có thể trở thành chủ thể của tội nhận hối lộ theo Điều 279 BLHS không? Câu trả lời là không, vì việc làm hay không làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ phải nằm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của chủ thể nhận hối lộ. Nói một cách khác đó phải là những việc thuộc thẩm quyền của người đó. Trong trường hợp nêu trên, hành vi nhận lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn để thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm theo yêu cầu của người đưa lợi ích sẽ cấu thành tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” quy định tại Điều 283 BLHS.
Không giống như chủ thể của tội nhận hối lộ, chủ thể của tội đưa hối lộ chỉ yêu cầu phải có hai dấu hiệu như những chủ thể bình thường của tội phạm là dấu hiệu có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS. Để được coi là người có năng lực TNHS, chủ thể của tội đưa hối lộ đòi hỏi phải có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và có khả năng điều khiển được hành vi phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Theo quy định tại Điều 12 BLHS người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối chiếu với quy định về tội đưa hối lộ thì người từ đủ 14 tuổi trở lên có thể phải chịu TNHS về hành vi đưa hối lộ. Như vậy, bất kỳ người nào có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS theo luật định đều có thể trở thành chủ thể của tội đưa hối lộ. Chủ thể của tội đưa hối lộ không đòi hỏi là người có chức vụ,
quyền hạn. Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp người phạm tội đưa hối lộ cũng là người có chức vụ, quyền hạn (ví dụ như vụ Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc PMU18 thuộc Bộ Giao thông vận tải phạm tội đưa hối lộ để thoát khỏi bị điều tra và truy tố về hành vi đánh bạc năm 2007). Những trường hợp này không nên được hiểu là chủ thể đó phạm tội nhân danh một người có chức vụ, quyền hạn. Họ phạm tội với những đặc điểm nhân thân như những chủ thể bình thường khác.
Luật hình sự Việt Nam hiện hành không quy định TNHS của pháp nhân. Vì vậy cần hiểu rằng chỉ cá nhân mới có thể là chủ thể của tội đưa hối lộ. Pháp nhân không thể bị truy cứu TNHS về tội đưa hối lộ, dù trên thực tế có những trường hợp người (đại diện hợp pháp của pháp nhân) đưa hối lộ khẳng định và chứng minh rằng hành vi của mình là vì lợi ích của pháp nhân hoặc được thực hiện theo quyết định của pháp nhân.
Mặt khách quan của tội nhận hối lộ được đặc trưng bằng hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kì hình thức nào. Như vậy, đặc trưng cho mặt khách quan của tội phạm này là hành vi nhận “của hối lộ” bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là sử dụng chức vụ, quyền hạn vào việc thực hiện tội phạm. Lợi dụng chức vụ tức là lợi dụng chức danh công tác, chức trách hoặc quyền hạn được giao. Lợi dụng quyền hạn là lợi dụng quyền năng cụ thể được giao do có chức vụ hoặc do một căn cứ khác. Chính nhờ có chức vụ, quyền hạn chủ thể mới có khả năng giải quyết được việc người khác đang mong muốn và người có việc đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn cũng vì chủ thể có khả năng này. Như vậy, hành vi nhận hối lộ chỉ có thể được thực hiện trong mối quan hệ với chức năng, quyền hạn của chủ thể. Mối quan hệ đó được một tác giả nhận định: “hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ,…chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ” [Đinh Văn Quế 2006, tr.84]. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chức vụ, quyền hạn phải được coi là điều kiện có tính quyết định, chứ
không chỉ là điều kiện thuận lợi, để người phạm tội thực hiện được hành vi nhận của hối lộ. Chỉ thông qua thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chủ thể mới có thể nhận lợi ích vật chất để làm hoặc không làm việc mà người đưa hối lộ yêu cầu. Ví dụ: H, S và T là cán bộ của Ban quản lý các dự án của Bộ. Ba cán bộ này đã lợi dụng việc được tham gia vào hội đồng chấm thầu một dự án để gợi ý và nhận tiền của một trong số các bên dự thầu. Như vậy, H, S và T đã lợi dụng quyền được chấm và quyết định bên dự thầu nào đạt đủ điều kiện của chủ dự án để nhận tiền của người đưa hối lộ.
Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ theo quy định của Điều 279 BLHS có thể được diễn giải bao gồm hai khả năng (hai dạng) hành vi được thực hiện: (1) hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ để làm hay không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ; (2) hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ sau khi (do đã) thực hiện việc làm hay không làm theo thỏa thuận với người đưa hối lộ. Như vậy, việc nhận của hối lộ có thể được thực hiện trước hoặc thực hiện sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Trong cả hai trường hợp nhận hối lộ đó, chủ thể đều phải thỏa thuận trước với người đưa hối lộ về việc làm hoặc không làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Đối với trường hợp nhận của hối lộ sau, sự thỏa thuận trước còn bao gồm cả thỏa thuận về việc chủ thể sẽ được nhận của hối lộ sau khi đã thỏa mãn yêu cầu của người đưa hối lộ, tuy nhiên không đòi hỏi phải thỏa thuận trước về giá trị hoặc tính chất của loại lợi ích đó.
Thỏa thuận có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói (thỏa thuận miệng), bằng văn bản, bằng cách đưa ra các ám hiệu, kí hiệu các bên cùng hiểu hoặc những thỏa thuận ngầm. Dù được thực hiện dưới hình thức nào những thỏa thuận đó đều phải thể hiện rõ việc đồng ý làm hay không làm một việc cụ thể theo yêu cầu của người đưa hối lộ từ phía người nhận hối lộ. Bàn về thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ hối lộ, chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng
“thoả thuận trái pháp luật này thông thường là sự bàn bạc, thống nhất giữa các bên.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thoả thuận này hình thành không dựa trên cơ sở