Những loại hành vi hối lộ xuất hiện sau và đang thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội chưa được luật bao quát. Một số dấu hiệu pháp lý của tội phạm còn chưa được quy định cụ thể hoặc quy định ở phạm vi hẹp. Bên cạnh đó, ngôn ngữ lập pháp chưa rõ ràng cũng làm cho việc áp dụng luật gặp nhiều khó khăn. Việc hiểu rộng ra hoặc hẹp đi so với tinh thần và nội dung của điều luật rất dễ xảy ra. Trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra những giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể và thích đáng đối với các quy định về các tội phạm về hối lộ nói riêng và tội phạm về chức vụ nói chung. Những thiếu sót này đã được phân tích cụ thể tại Chương 2 và được chứng minh thêm tại Chương 3 của luận án. Rõ ràng các quy định của luật hình sự về các tội phạm hối lộ cần được xem xét và được kiến nghị sửa đổi, bổ sung cũng như được giải thích thỏa đáng.
Để có thể đưa ra những kiến nghị có tính toàn diện và có giá trị tham khảo đối với các quy định của luật hình sự Việt Nam về các tội phạm hối lộ, chúng tôi cho rằng cần đưa ra những nguyên tắc mang tính định hướng cho việc đề xuất kiến nghị. Đây là những nguyên tắc trong việc xác định (1) phạm vi những vấn đề kiến nghị, (2) mục đích của việc kiến nghị, (3) cơ sở của các kiến nghị và (4) những yêu cầu và điều kiện để các mô hình hoặc nội dung đưa ra trong kiến nghị có thể thực hiện được trên thực tế.
Trước hết là nguyên tắc xác định phạm vi của kiến nghị. Chúng tôi đề ra nguyên tắc chỉ kiến nghị những nội dung có liên quan trực tiếp đến phạm vi nghiên cứu của đề tài. Tại chương này chúng tôi tập trung đưa ra những kiến nghị liên quan đến hoàn thiện luật và nâng cao chất lượng của hoạt động áp dụng luật hình sự về các tội phạm hối lộ. Như chúng tôi đã đề cập, việc tiếp cận các tội phạm này từ góc độ luật hình sự đã cho thấy những nội dung liên quan khá phong phú. Một số nội dung trong đó tuy cần được đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc giải thích luật (ví dụ như vấn đề quy định TNHS của pháp nhân, vấn đề quy định cụ thể dấu hiệu pháp lý của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản để tránh nhầm lẫn với tội nhận hối lộ v.v…), nhưng chúng tôi xét thấy những kiến nghị đó không liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu của luận án. Các kiến nghị được đưa ra bao gồm các kiến nghị đối với các quy định trực tiếp điều chỉnh các tội phạm về hối lộ và các quy định có liên quan mật thiết tới việc xác định TNHS đối với người phạm tội về hối lộ.
Khi đề xuất kiến nghị chúng tôi xác định phải kiến nghị bổ sung cùng với sửa đổi luật, kiến nghị hoàn thiện về nội dung cùng với hoàn thiện về kĩ thuật lập pháp của luật, hoàn thiện về dấu hiệu pháp lý cùng với hoàn thiện về đường lối xử lý tội phạm về hối lộ. Đồng thời, kiến nghị đưa ra sẽ không chỉ liên quan tới hoạt động sửa đổi, bổ sung luật mà còn liên quan tới hoạt động áp dụng luật và việc nâng cao chất lượng của hoạt động này trong hoạt động đấu tranh với tội phạm về hối lộ.
Hoạt động áp dụng luật cũng phản ánh phần nào chất lượng và tính khả thi của luật hình sự, đồng thời có tác động nhất định đến hiệu quả đấu tranh với tội phạm về hối lộ. Trong phạm vi này chúng tôi sẽ đưa ra kiến nghị ở mức độ khác nhau, hoặc chỉ gợi ý vấn đề cần sửa đổi hoặc đề xuất mô hình cụ thể cùng một số kiến giải cho những nội dung đề xuất.
Thứ hai là nguyên tắc xác định mục đích của việc kiến nghị. Việc đưa ra các kiến nghị phải nhằm cụ thể hoá kết quả nghiên cứu cuối cùng của luận án. Quan trọng hơn, các kiến nghị được xây dựng phải nhằm giúp cho công tác hoàn thiện luật hình sự về các tội phạm hối lộ cũng như nhằm giúp cho hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực này có hiệu quả hơn. Nói một cách khác, các kiến nghị nhằm
mục đích làm cho quy định của luật không chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức mà còn trở nên một công cụ có ý nghĩa thực tiễn đối với việc đấu tranh chống các tội phạm về hối lộ. Những kiến nghị này còn nhằm mục đích xây dựng những quy phạm pháp luật hình sự hiện đại hơn, đáp ứng được những yêu cầu của hội nhập.
Thứ ba là nguyên tắc xác định cơ sở của các kiến nghị. Việc đề xuất các kiến nghị cần được thực hiện trên cả hai cơ sở lý luận và thực tiễn. Hệ thống quan điểm lý luận cùng với những quan điểm lập pháp hình sự quốc tế được thừa nhận chung đã trình bày tại Chương 1cần được xem là nền tảng lý luận và chuẩn mực pháp luật quốc tế cho việc đưa ra những kiến nghị sửa đổi luật. Hệ thống những quan điểm lý luận được xây dựng tại Chương 1 của luận án là những vấn đề đã được khẳng định và được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Chúng tôi xác định phải dựa trên những khái niệm đã được xây dựng; những luận điểm về các dấu hiệu pháp lý của tội phạm, về những hình thức hối lộ đang trở nên phổ biến và gây nguy hiểm cho hoạt động của bộ máy nhà nước và các thiết chế có liên quan và cho nhiều lợi ích khác của xã hội; những lập luận về chính sách hình sự đối với tội phạm về hối lộ để đề xuất kiến nghị. Những nội dung pháp luật thực định của một số quốc gia trong phân tích so sánh tại Chương 2 cùng với những vấn đề thực tiễn về tội phạm hối lộ được nêu tại Chương 3 sẽ là cơ sở thực tiễn để xây dựng các kiến nghị.
Tiếp theo chúng tôi muốn đề cập tới nguyên tắc đóng vai trò như các yêu cầu và điều kiện cụ thể để bảo đảm tính khả thi của các kiến nghị.
Những yếu tố đầu tiên cần phải được xem xét là thái độ và ý thức của mọi người trong xã hội đối với hành vi hối lộ (ví dụ như lên án ở mức độ nào, lên án ở khía cạnh nào), văn hoá, truyền thống và quan niệm của xã hội. Đây cần được coi là những yếu tố có tính chất điều kiện cho việc xác định phạm vi hình sự hoá các hình thức hối lộ và đường lối xử lý đối với các tội phạm về hối lộ. Ví dụ việc kiến nghị mở rộng phạm vi khái niệm người có chức vụ, quyền hạn tới những đối tượng là người đang được xem xét để bổ nhiệm hoặc đang trong danh sách bầu cử hoặc đã hết nhiệm kì (không còn giữ chức vụ nữa) là không cần thiết và không phù hợp với quan niệm của xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, mức độ phát triển kinh tế và sự hội
nhập kinh tế - quốc tế của đất nước cũng cần được chú ý vì đây là những yếu tố luận giải cho sự cần thiết phải hình sự hoá một số hình thức hối lộ mới như hối lộ trong khu vực tư hay hối lộ công chức nước ngoài. Tóm lại, những kiến nghị đưa ra cần được xem xét về tính phù hợp và tính khả thi trong mối quan hệ với các điều kiện xã hội và kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, các quy định của pháp luật có liên quan cũng cần được quan tâm khi đưa ra các kiến nghị sửa đổi và giải thích luật hình sự về các tội phạm về hối lộ, ví dụ như Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005; Luật cán bộ, công chức năm 2008 hoặc các quy định khác của luật hình sự như quy định chung về TNHS và miễn TNHS, về nội dung và ý nghĩa của một số hình phạt được kiến nghị bổ sung, hay quy định về các tội phạm có liên quan, v.v...
Bên cạnh đó, chúng tôi xác định các yêu cầu của chính sách xử lý tội phạm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đế xuất kiến nghị. Nhà nước Việt Nam đang đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tội phạm về tham nhũng, trong đó có tội phạm về hối lộ. Trước yêu cầu xử lý hiệu quả hơn đối với các tội phạm này, những kiến nghị sửa đổi luật cần theo hướng xây dựng dấu hiệu pháp lý của tội phạm đơn giản hơn, dễ chứng minh hơn. Đồng thời kiến nghị về quy định hình phạt và chính sách xử lý khoan hồng đối với người phạm tội về hối lộ cũng cần xem xét khả năng hỗ trợ hoạt động phòng, chống các tội phạm này.
Nguyên tắc tiếp theo của việc đề xuất kiến nghị là xem xét các nghĩa vụ thực thi pháp luật quốc tế của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đã chính thức là thành viên của Công ước của LHQ về chống tham nhũng. Vì vậy việc đáp ứng các gợi ý cũng như các đòi hỏi của Công ước này là hết sức quan trọng. Quy định của luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về hối lộ cũng là một biểu hiện của mức độ thực thi Công ước của LHQ. Gắn với nghĩa vụ thực thi Công ước này của Việt Nam, chúng tôi thấy cần xem xét liệu phạm vi các hình thức hối lộ đã bị tội phạm hoá có phù hợp với khuyến nghị lập pháp của Công ước, xem xét liệu các dấu hiệu pháp lý của tội phạm có thỏa mãn được những tiêu chí cơ bản đề ra trong Công ước và cuối cùng là xem xét liệu quy định về hình phạt có đáp ứng được những yêu cầu của pháp luật
quốc tế. Bên cạnh đó, việc học hỏi kinh nghiệm lập pháp hoặc kinh nghiệm giải thích luật của các quốc gia trong nghiên cứu so sánh cũng cần được vận dụng trong việc đề xuất kiến nghị. Đây có thể là những kinh nghiệm về kĩ thuật lập pháp, ví dụ như cách xây dựng cấu trúc của quy định về tội phạm sao cho các dấu hiệu pháp lý của tội phạm được thể hiện có tính logic và tương thích với nhau. Đó cũng có thể là những kinh nghiệm về việc quy định hoặc giải thích các dấu hiệu pháp lý của tội phạm, ví dụ: quy định và giải thích dấu hiệu “người có chức vụ, quyền hạn”, dấu hiệu “của hối lộ” hoặc dấu hiệu “người thứ ba được lợi”, hoặc quy định một số hình phạt khác là hình phạt chính bên cạnh hình phạt tù đối với những tội phạm này, v.v... Tuy nhiên chúng tôi vẫn nhấn mạnh rằng việc nghiên cứu so sánh một mặt để tìm ra hạt nhân hợp lý trong quy định về các tội phạm về hối lộ của quốc tế giúp cho việc hoàn thiện luật của Việt Nam, mặt khác để duy trì những quy định trong luật Việt Nam đã trở nên tương đối chuẩn mực. Học hỏi không có nghĩa là sao chép hoặc mô phỏng mà là sự tiếp thu có tính chắt lọc và hợp lý.
Kiến nghị cũng phải được đưa ra theo những đòi hỏi của thực tiễn, trong đó bao gồm cả thực tiễn tình hình tội phạm và thực tiễn áp dụng luật đối với các tội phạm về hối lộ. Những phân tích tại Chương 3 đã chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình hình các tội phạm về hối lộ ở Việt Nam trở nên nghiêm trọng và tình hình tội phạm ẩn trở nên phức tạp là sự hạn chế của những quy định hiện hành về các tội phạm này cũng như sự thiếu đầy đủ của những quy phạm pháp luật hình sự về một số loại hành vi nguy hiểm cho xã hội như hành vi biếu và nhận quà có giá trị lớn. Nói một cách khác cơ sở pháp lý để xử lý các tội phạm về hối lộ được thực tiễn chứng minh là còn yếu về chất và thiếu về lượng. Chương 3 cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân của việc áp dụng luật không chính xác là luật quy định không rõ ràng và không có văn bản giải thích luật. Như vậy, những kiến nghị đưa ra phải đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn có liên quan đến các tội phạm về hối lộ.
Tuy nhiên, ở đây chúng tôi cũng muốn đưa ra một nguyên tắc tương đối ngoại lệ cho việc đề xuất kiến nghị liên quan đến luật hình sự về các tội phạm về hối lộ, đó là kiến nghị có thể chỉ dựa trên những luận điểm đã được thừa nhận
chung và quan điểm lập pháp quốc tế hoặc kinh nghiệm lập pháp học tập từ các nước khác, mà không dựa trên tình hình thực tiễn của Việt Nam. Thực chất kiến nghị trong trường hợp như vậy vẫn dựa vào thực tiễn lập pháp quốc tế và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tiễn về những vấn đề được kiến nghị đó ở Việt Nam chưa được khẳng định bằng một nghiên cứu hoặc một công bố chính thức nào của cơ quan có thẩm quyền, ví dụ như tính phổ biến của hiện tượng hối lộ trong khu vực tư tại Việt Nam, vấn đề hối lộ công chức nước ngoài thực hiện bởi công dân Việt Nam, v.v… Chúng tôi nhận thấy kiến nghị vẫn có thể được đưa ra nếu những vấn đề đó đã được yêu cầu và được xây dựng thành chuẩn mực trong pháp luật quốc tế, cũng như đã được luận giải bằng các quan điểm khoa học có sức thuyết phục hoặc đã được quy định tương đối phổ biến trong luật hình sự các quốc gia.
Truyền thống lập pháp cùng những kĩ thuật lập pháp đã trở nên quen thuộc cũng sẽ được tôn trọng khi chúng tôi xây dựng các kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng nhận thấy kiến nghị sửa đổi luật cần mạnh dạn thoát khỏi những yếu tố truyền thống đã trở nên lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, ví dụ như việc chỉ nêu tội danh mà không nêu dấu hiệu pháp lý của tội phạm vì sợ lặp lại dấu hiệu của tội phạm khác có liên quan; việc chỉ nêu dấu hiệu một cách chung chung và thiếu tính mô tả; hay việc không đưa dấu hiệu lỗi trong mô tả của điều luật vì cho là không cần thiết, v.v… Các công ước quốc tế về tội phạm hối lộ đã đề cập tại Chương 1 của luận án khuyến nghị việc xây dựng các quy định của luật hình sự về tội phạm hối lộ nên theo hướng cụ thể hoá và cá thể hoá. Theo khuyến nghị của các công ước này, kĩ thuật lập pháp hình sự trong đó các quy định về từng tội phạm hối lộ khác nhau được xây dựng cụ thể, rõ ràng sẽ rất hiệu quả đối với những quốc gia nơi nhận thức của người áp dụng pháp luật cũng như của người dân về tội phạm này chưa đầy đủ. Hơn nữa việc thực hiện những khuyến nghị này cũng thể hiện ý thức tôn trọng những đòi hỏi của nguyên tắc pháp chế trong luật hình sự.
Điều 289 và Điều 290 BLHS chỉ chứa đựng các quy định giản đơn, do đó không nêu rõ được những dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ. Vì vậy, kiến nghị cần đáp ứng yêu cầu xây dựng CTTP của các tội này dưới
hình thức quy định mô tả. Kiến nghị sửa đổi luật sẽ đưa ra theo hướng làm cho các dấu hiệu pháp lý của tội phạm được rõ ràng hơn, đồng thời mở rộng phạm vi một vài dấu hiệu để giảm bớt nghĩa vụ chứng minh tội phạm cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tế cho thấy quy định của luật hiện hành vẫn còn gây khó khăn cho hoạt động chứng minh các tội phạm về hối lộ, thậm chí làm cho hoạt động này trở nên bất khả thi trong một số trường hợp, ví dụ như việc chứng minh dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Mặt khác, những dấu hiệu pháp lý không phản ánh bản chất của các tội phạm này nhưng lại được xây dựng dưới hình thức dấu hiệu định tội sẽ được kiến nghị để loại bỏ (ví dụ: dấu hiệu đã bị xử lý kỉ luật mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm).
Bên cạnh đó, khả năng và trình độ chung của người áp dụng luật là những yếu tố không thể bỏ qua khi chúng tôi đưa ra những kiến nghị sửa đổi hoặc giải thích luật, vì luật chỉ phát huy được tác dụng khi đáp ứng được năng lực hiểu biết và vận dụng của những người này.
Tiếp theo chúng tôi muốn đề cập tới những yêu cầu đối với việc kiến nghị về đường lối xử lý đối với các tội phạm về hối lộ. Như đã phân tích tại Chương 1, những quan điểm lý luận và những nguyên tắc đề ra trong các công ước quốc tế có liên quan có cùng một ý tưởng là xây dựng hệ thống hình phạt có tính hiệu quả, tính tương xứng và tính ngăn ngừa đối với các tội phạm này. Tại Chương 2 của luận án chúng tôi đã đánh giá hệ thống hình phạt và các chế tài hình sự khác được quy định đối với các tội phạm về hối lộ trong luật hình sự các quốc gia Việt Nam, Thụy Điển và Ôt-xtrây-lia. Chương 3 của luận án cũng đã phân tích một số hạn chế của việc áp dụng hình phạt và các biện pháp pháp lý hình sự khác đối với các tội phạm này.
Trên cơ sở những phân tích và đánh giá tại Chương 2 và Chương 3, chúng tôi xác định cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các quy định về hình phạt. Kiến nghị về hình phạt trước hết phải bảo đảm sự phù hợp giữa loại hình phạt được quy định với tính chất của các tội phạm về hối lộ. Kiến nghị hình phạt đa dạng hơn và phù hợp với tính chất của các tội phạm về hối lộ cũng như với tình hình thực tế sẽ là một bảo đảm cho việc thực hiện mục đích của