2.1. CÁC TỘI PHẠM VỀ HỐI LỘ THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
2.1.3. Đường lối xử lý các tội phạm về hối lộ theo BLHS Việt Nam
Đường lối xử lý đối với các tội phạm về hối lộ của Việt Nam một mặt thể hiện tính nghiêm khắc, mặt khác vẫn chứa đựng tinh thần nhân đạo của luật hình sự.
Điều đó thể hiện qua quy định về hình phạt cũng như các biện pháp liên quan đến giải quyết TNHS của người phạm tội về hối lộ.
Trước hết, các tội phạm về hối lộ trong luật hình sự Việt Nam hiện hành bị quy định hình phạt khá nghiêm khắc. Điều đó thể hiện các tội phạm này bị đánh giá là những hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ rất cao. Tội nhận hối lộ bị quy định có thể bị xử phạt lên đến mức cao nhất là tử hình. Đối với tội đưa hối lộ trường hợp nguy hiểm nhất có thể bị phạt tù chung thân và với tội làm môi giới hối lộ mức phạt cao nhất có thể bị áp dụng là phạt tù hai mươi năm.102 Hình phạt phổ biến nhất được quy định cho cả ba tội phạm này là phạt tù có thời hạn và mức phạt tù được quy định cũng khá cao. Những quy định về hình phạt đối với người phạm tội về hối lộ trong luật hình sự Việt Nam về cơ bản đã thể hiện được tinh thần của nguyên tắc phân hoá TNHS và cá thể hoá hình phạt, bảo đảm sự phù hợp giữa tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm với mức độ nghiêm khắc của hình phạt. Hình phạt chính
101 Điều 20 BLHS.
102 Đối với hình phạt tù trong luật hình sự Việt Nam đây là mức phạt tù cao nhất đối với một tội theo quy định tại Điều 33 BLHS.
được xây dựng theo bốn khung hình phạt với việc quy định hình phạt được áp dụng chủ yếu là tù có thời hạn. Tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, từ đó xây dựng các khung hình phạt tương ứng, là giá trị của “của hối lộ” và hậu quả khác do hành vi hối lộ gây ra. Hình phạt tiền được quy định là hình phạt bổ sung đối với tất cả các tội về hối lộ, với mức phạt từ một đến năm lần giá trị của hối lộ. Những quy định này cho thấy nhà làm luật đã nhận thức được tính chất vụ lợi của các tội phạm về hối lộ và vai trò của lợi ích vật chất trong việc thực hiện các tội phạm này cũng như sự cần thiết phải sử dụng các chế tài mang tính trừng phạt về kinh tế đối với những tội phạm này.
Tội nhận hối lộ, với chủ thể thực hiện là người có chức vụ, quyền hạn, thể hiện bản chất nguy hiểm cao cho xã hội (cũng là tội phạm nguy hiểm nhất trong nhóm tội về hối lộ) và cần bị trừng trị bằng những chế tài nghiêm khắc tương xứng.
Việc quy định hình phạt tù chung thân và hình phạt tử hình đối với tội phạm này cho thấy quan điểm về đường lối xử lý nghiêm khắc đó của luật hình sự Việt Nam.
Tuy nhiên các hình phạt này chỉ để áp dụng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tức là đối với những trường hợp nhận hối lộ gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội.
Việc xác định những trường hợp cần bị áp dụng các hình phạt rất nghiêm khắc này đòi hỏi phải hết sức thận trọng và chính xác. Để đáp ứng được yêu cầu đó, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định của phần các tội phạm, trong đó có Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ. Theo hướng dẫn này, trong trường hợp phạm tội không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có cả hai loại tình tiết này nhưng tính chất của chúng tương đương nhau thì người phạm tội sẽ chỉ bị xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên; trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá giữa tính chất của hai loại tình tiết này xét thấy có thể giảm nhẹ TNHS cho người phạm tội thì không áp dụng hình phạt tử hình và chỉ áp dụng hình phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên; trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất
của hai loại tình tiết này xét thấy cần tăng nặng TNHS đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội hình phạt tử hình khi của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng trở lên.103 Văn bản hướng dẫn nêu trên đã vừa thể hiện được nguyên tắc cá thể hoá hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, vừa giúp bảo đảm tính thống nhất của việc áp dụng luật hình sự. Cùng với các hình phạt chính, có ba hình phạt bổ sung được quy định, trong đó “cấm đảm nhiệm chức vụ” được quy định là hình phạt bổ sung bắt buộc áp dụng, hai hình phạt còn lại là phạt tiền, tịch thu tài sản được quy định có thể áp dụng đối với tội nhận hối lộ. Theo quy định đó, người bị kết án về tội nhận hối lộ chắc chắn bị áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ trong một thời gian nhất định. Việc quy định hình phạt bổ sung bắt buộc “cấm đảm nhiệm chức vụ” là nhằm loại bỏ môi trường trong đó người bị kết án có thể tái phạm tội nhận hối lộ.
Bên cạnh việc quy định hình phạt nghiêm khắc, nhà làm luật cũng quy định những biện pháp liên quan đến xác định TNHS, trong đó thể hiện rõ nét nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam. Đó là việc quy định những điều kiện xác định vô tội đối với hành vi đưa hối lộ và những điều kiện miễn TNHS đối với người phạm tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ tại Điều 289 và Điều 290 khoản 6 BLHS. Trước hết, để bảo đảm chính sách hình sự khoan hồng đối với người do bị ép buộc phải đưa hối lộ, luật hình sự Việt Nam đã quy định việc xác định vô tội đối với những trường hợp đưa hối lộ thỏa mãn hai điều kiện. Thứ nhất, việc đưa hối lộ không xuất phát từ ý muốn của người đưa mà do họ bị ép buộc. Người ép buộc chủ thể phải đưa hối lộ ở đây chính là người có chức vụ, quyền hạn. Bằng hành vi “đòi hối lộ, sách nhiễu”104 người có chức vụ, quyền hạn đã làm cho người khác lo sợ một cách có căn cứ rằng nếu không đưa hối lộ thì quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Như vậy, người bị ép buộc để bảo đảm quyền lợi của mình phải đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn. Nếu liên hệ thái độ
103 Xem chi tiết Nghị quyết số 01 ngày 15-3-2001của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 của BLHS.
104 Đây là hai trong số những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt được quy định tại Điều 179 khoản 2 BLHS về tội nhận hối lộ. Về những tình tiết này xem thêm: Trần Hữu Tráng 2009, tr.68-69.
chủ quan của người đưa hối lộ trong hoàn cảnh này với lý luận về lỗi trong luật hình sự Việt Nam thì có thể thấy người này có mức độ lỗi rất nhẹ. Thứ hai, người đưa hối lộ đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác. Điều này có nghĩa là chủ thể đưa hối lộ đã tự quyết định khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi đưa hối lộ của mình cũng như về hành vi nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn mà không chịu bất kỳ một áp lực nào từ phía người khác. Hơn nữa, trước khi chủ thể đến khai báo, các cơ quan pháp luật hoặc các cơ quan, tổ chức khác chưa biết về sự việc phạm tội. Kết hợp hai điều kiện nêu trên có thể thấy trường hợp đưa hối lộ này đã chứa đựng những tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, vì vậy hành vi được xem là vô tội.
Cũng thể hiện nguyên tắc nhân đạo, đồng thời tạo điều kiện cho công tác đấu tranh chống tội phạm về hối lộ, luật hình sự Việt Nam quy định việc miễn TNHS đối với người phạm tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ với điều kiện người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi hành vi phạm tội bị phát giác. Đây là trường hợp đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ mà hành vi phạm tội đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu trong CTTP theo quy định của luật. Tuy nhiên, người phạm tội đã chủ động thể hiện mong muốn khắc phục sự nguy hiểm cho xã hội của hành vi của bản thân. Họ đã tự mình quyết định đến khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự việc phạm tội trước khi hành vi bị phát giác. Quy định này đặc biệt có ý nghĩa trong việc thực hiện chính sách hình sự đối với các tội phạm về hối lộ, vì nó góp phần thúc đẩy việc phát hiện sớm và xử lý được các vụ phạm tội hối lộ cũng như hành vi nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên cần lưu ý quy định về miễn TNHS là quy định tùy nghi và toà án có thể áp dụng hoặc không tùy trường hợp phạm tội cụ thể. Hiện nay có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề nên miễn TNHS cho những trường hợp phạm tội như thế nào và những trường hợp nào không nên áp dụng. Dường như phần lớn ý kiến đều cho rằng chỉ nên áp dụng việc miễn TNHS trong trường hợp người phạm tội có thái độ ăn năn hối cải, muốn lập công chuộc tội, phạm tội lần đầu, do thiếu hiểu biết pháp luật nên cho rằng phải chạy chọt mới được việc [Trịnh Tiến Việt 2005, tr.34-36]. Theo chúng tôi quy định của luật
hình sự hiện hành về việc miễn TNHS đối với người phạm tội về hối lộ nên được áp dụng theo hướng có lợi nhất cho người phạm tội. Mức độ thành khẩn khai báo và thái độ tích cực giúp đỡ các cơ quan tố tụng trong điều tra, xử lý vụ án hối lộ là đủ để người phạm tội được miễn TNHS.
Đối chiếu với những luận điểm về đường lối xử lý tội phạm hối lộ tại Chương 1, chúng ta có thể thấy những quy định nêu trên của luật hình sự Việt Nam đã đáp ứng được phần nào yêu cầu về mặt lý luận của vấn đề. Việc quy định những biện pháp xử lý mang tính khoan hồng này vừa thể hiện tinh thần của nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam vừa có ý nghĩa tích cực trong việc phát hiện và đấu tranh chống tội phạm về hối lộ, đặc biệt là hành vi nhận hối lộ. Tác dụng phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm về hối lộ cũng phần nào được phát huy thông qua các quy định đó.
Tóm lại, có thể thấy luật hình sự Việt Nam có những quy định tương đối bao quát về các loại hành vi hối lộ gây nguy hiểm cho xã hội là hành vi nhận hối lộ, hành vi đưa hối lộ và hành vi làm môi giới hối lộ. Quy định của BLHS Việt Nam về ba loại tội phạm hối lộ này đã thể hiện ở mức độ nhất định những dấu hiệu pháp lý đặc trưng cho từng tội phạm. Những dấu hiệu pháp lý quan trọng đối với việc xác định tội phạm đã được mô tả tương đối rõ ràng. Hình phạt được quy định đối với các tội phạm này cũng thể hiện rõ đường lối xử lý nghiêm khắc của luật hình sự Việt Nam dành cho những loại hành vi nguy hiểm cao cho xã hội này.
Mặc dù vậy, một số hạn chế còn tồn tại như còn thiếu quy định mô tả tội phạm đối với các tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ, dấu hiệu pháp lý của tội nhận hối lộ chưa đủ cụ thể và đặc trưng... Tuy còn một vài điểm hạn chế và khác biệt nhất định nhưng về cơ bản những quy định đó đã phù hợp với lý luận luật hình sự cũng như tinh thần của các Công ước quốc tế về tội phạm hối lộ đã được đề cập tại Chương 1 của luận án.