2.3. CÁC TỘI PHẠM VỀ HỐI LỘ THEO LUẬT HÌNH SỰ ÔT-XTRÂY-LIA
2.3.1. Giới thiệu chung về luật hình sự Ôt-xtrây-lia về các tội phạm hối lộ
Ở cấp liên bang, các quy định về tội phạm về hối lộ nằm trong BLHS của Liên bang năm 1995. Cụ thể, Chương 7 Phần 7.6 của BLHS Liên bang quy định các tội phạm về hối lộ và các tội phạm khác có liên quan. Điều 141.1 quy định tội hối lộ công chức liên bang bao gồm hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ bởi công chức của Liên bang. Kiểu quy định này cho thấy các nhà làm luật của Ôt-xtrây-lia đã thông qua kĩ thuật lập pháp để thể hiện mối quan hệ hai chiều của hiện tượng hối lộ, đồng thời cũng phản ánh hai hành vi phạm tội này có cùng khách thể bị xâm hại.
Điều 142.3 của BLHS Liên bang cho phép các quy định về tội phạm hối lộ công chức của Liên bang trong Bộ luật này được áp dụng trong một phạm vi rất rộng, đối với hầu hết những người làm việc cho hoặc nhân danh Liên bang. Theo quy định về
phạm vi áp dụng (theo không gian) của BLHS thì đây là một trong số những tội phạm bị áp dụng trong phạm vi rộng nhất (loại D).110 Bên cạnh đó, vì Ôt-xtrây-lia đã phê chuẩn Công ước OECD về hối lộ công chức nước ngoài nên Liên bang đã ban hành Luật sửa đổi BLHS năm 1999 về tội hối lộ công chức nước ngoài. Hiện nay tội phạm này được quy định tại Điều 70 BLHS Liên bang.
Ở cấp bang, hiện nay hình thức pháp lý quy định các tội phạm về hối lộ không hoàn toàn giống nhau. Đối với hai bang là New South Wales và Victoria, hối lộ vẫn là loại tội phạm của luật án lệ. Trong khi đó sáu bang và vùng lãnh thổ khác đều quy định tội phạm về hối lộ trong BLHS với những nội dung tương tự nhau.
Các quy định này đều khá cụ thể và chi tiết, một đặc điểm chung của kĩ thuật lập pháp ở các nước theo hệ Common Law. Đặc biệt, một số BLHS của các bang đã đi sâu vào quy định tội phạm hối lộ trong một vài lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như BLHS của bang Western Ôt-xtrây-lia đã quy định tội hối lộ thành viên của Nghị viện (Điều 61), tội hối lộ công chức (Điều 82), tội hối lộ trong bầu cử (Điều 96), tội hối lộ trong tư pháp (Điều 121), tội hối lộ nhân chứng (Điều 130).
Không như nhiều quốc gia thành viên khác của OECD, Ôt-xtrây-lia vẫn duy trì sự phân định rõ ràng giữa tội phạm về hối lộ trong hai khu vực công và tư. Các tội phạm về hối lộ trong khu vực công vốn bắt nguồn từ luật án lệ, trong khi tội phạm về hối lộ trong khu vực tư nằm hoàn toàn trong luật thành văn. Bên cạnh đó, chỉ tội phạm về hối lộ trong khu vực công được quy định trong BLHS của Liên bang. Hối lộ trong khu vực tư cũng đã được quy định ở mức độ khác nhau trong luật hình sự của Ôt-xtrây-lia. Cụ thể hiện nay ở hầu hết các bang của Ôt-xtrây-lia đều quy định về Secret Commissions (có thể hiểu là luật về các khoản hoa hồng không minh bạch) với mục đích ngăn ngừa và đấu tranh với hối lộ trong khu vực tư.
Điển hình là BLHS của bang Western Ôt-xtrây-lia đã dành riêng Chương LV quy định cụ thể một số tội phạm về hối lộ trong khu vực tư với tên gọi “Hối lộ các đại diện, người được ủy thác hoặc những người được tín nhiệm khác”. Trong khi đó,
110 BLHS của Ôt-xtrây-lia quy định hai loại phạm vi áp dụng theo không gian là phạm vi áp dụng chuẩn và phạm vi áp dụng mở rộng. Phạm vi áp dụng mở rộng lại được chia thành bốn mức độ là A, B, C, D, trong đó D là mức độ áp dụng rộng nhất.
một số bang khác, ví dụ như bang NSW, quy định hối lộ trong khu vực tư cùng với hối lộ trong khu vực công.111
Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước OECD, Ôt-xtrây-lia đã thực hiện nghĩa vụ thành viên của mình bằng việc ban hành Luật bổ sung BLHS về tội hối lộ công chức nước ngoài 1999 ở cấp Liên bang. Hiện nay tội phạm này được quy định tại Điều 70 của BLHS Liên bang. Việc ban hành quy định về tội phạm này cho thấy quyết tâm của Nhà nước Liên bang trong việc đấu tranh với hành vi hối lộ công chức của nước ngoài. Theo đó, mục đích của các quy định này được cho là để cấm việc dung các lợi ích không chính đáng để gây ảnh hưởng tới việc thực thi công vụ của công chức nước ngoài, để bảo đảm việc thực thi những cam kết quốc tế với OECD và để bảo đảm hành vi hối lộ diễn ra ở trong hay ngoài phạm vi lãnh thổ của Ôt-xtrây-lia đều bị xử lý [Báo cáo JSCT 1998, tr.21].
Như vậy, ở cấp liên bang có ba loại tội phạm về hối lộ được quy định là tội hối lộ công chức của Liên bang (bao gồm hành vi đưa và hành vi nhận hối lộ) theo Điều 141 BLHS, tội hối lộ công chức nước ngoài theo Điều 70 BLHS, các tội hối lộ trong khu vực tư (theo Secret Commissions Act). Ngoài ra BLHS Liên bang còn quy định thêm tại Điều 268J tội hối lộ người làm chứng hoặc người phiên dịch (trong trình tự tố tụng của Toà án hình sự quốc tế). Về kĩ thuật lập pháp, các tội phạm này được quy định với những dấu hiệu pháp lý được mô tả cũng như được giải thích tương đối rõ ràng, cụ thể. Các yếu tố của tội phạm khó xác định đối với công tác áp dụng luật đã được nhà làm luật tiên liệu và đưa ra các định nghĩa có liên quan ngay trong luật.
Trong luật hình sự Ôt-xtrây-lia, có một số định nghĩa về hối lộ với nội dung tương tự nhau. Theo luật án lệ, “hối lộ là hành vi nhận bởi hoặc đưa bất kì một lợi ích không chính đáng nào cho bất kì người nào làm việc trong cơ quan công quyền để gây ảnh hưởng tới hoạt động công vụ của người đó hoặc để thúc đẩy người đó hành động trái với các quy tắc về sự trung thực và liêm chính”
[Russell, tr.381]. Ủy ban độc lập chống tham nhũng của bang New South Wales
111 Xem Điều 249B Luật về các tội phạm năm 1900 của bang NSW.
trên trang web của mình cho rằng hối lộ là hành vi đưa cho hoặc nhận bởi những công chức của chính quyền tiền hoặc các loại quà để đạt được một lợi ích hoặc một sự ưu đãi. Còn theo quy định của BLHS Liên bang, hối lộ được hiểu là những hành vi đưa hoặc nhận một cách không trung thực bất kì một lợi ích nào cho hoặc bởi công chức của Liên bang hoặc công chức nước ngoài để gây ảnh hưởng tới hoạt động thực thi công vụ của người đó (Điều 141.1). Theo quy định của luật hình sự Vùng Thủ đô Ôt-xtrây-lia, các bang Nam, Tây và Bắc Ôt-xtrây- lia, bang Queensland và bang Tasmania, tội phạm về hối lộ là hành vi của người công chức tìm kiếm hoặc chấp nhận của hối lộ, hoặc hành vi của người khác đưa của hối lộ hoặc đưa ra lời mời hối lộ.112 Theo luật hình sự bang Nam Ôt-xtrây- lia, hối lộ là hành vi của người công chức tìm kiếm lợi ích người đó không có quyền được nhận với tư cách là một công chức.113 Luật hình sự các bang Bắc Ôt-xtrây-lia, Queensland và Tasmania đều quy định tội phạm về hối lộ đối với hành vi nhận các khoản hậu đãi vì đã thực thi công vụ theo hướng có lợi cho người đưa.114 Tội phạm về hối lộ trong luật án lệ bị xem là trọng tội ở các bang New South Wales và bang Victoria.115 Các tội phạm về hối lộ được định nghĩa là hành vi nhận hoặc đòi các lợi ích hoặc các khoản hậu đãi bất chính bởi những người phục vụ cho Hoàng gia, các nhân viên cảnh sát và các viên chức của hội đồng địa phương theo luật hình sự của bang New South Wales.116 Trong luật án lệ, các tội phạm về hối lộ được xem là những hành vi phạm nghĩa vụ trung thực của người công chức.117 Những định nghĩa này đều thể hiện được các đặc điểm cơ bản của tội phạm về hối lộ, đồng thời phù hợp với những định nghĩa khoa học cũng như định nghĩa pháp lý tương ứng đã được phân tích tại Chương 1 của luận án.
112 Xem: BLHS Vùng Thủ đô Ôt-xtrây-lia 2002 Điều 353 và Điều 356; Luật hình sự Nam Ôt-xtrây-lia 1935 Điều 249; BLHS Tây Ôt-xtrây-lia 1913 Điều 82 và Điều 121; BLHS Bắc Ôt-xtrây-lia Điều 77; BLHS Queensland 1995 Điều 87 và Điều 120; BLHS Tasmania 1924 Điều 83, Điều 90 và Điều 9.
113 Luật hình sự Nam Ôt-xtrây-lia 1935 Điều 252.
114 BLHS Bắc Ôt-xtrây-lia Điều 78; BLHS bang Queensland Điều 88; BLHS bang Tasmania Điều 84.
115 Xem ví dụ như R. V. White (1875) 13 SCR (NSW) 322, SC (NSW) Full Court.
116 Luật về các tội phạm của bang NSW 1990 các điều 249A và 249B.
117 Xem ví dụ như R. v. Wellburn (1979) 69 Cr App Rep 254 đoạn 265; R. v. Dillon & Riach [1982] VR 434 đoạn 436; hoặc Singh V. R. [2006] 1 WLR 146 đoạn 13.