Những kiến nghị đối với việc áp dụng các quy định của BLHS Việt Nam về các tội phạm về hối lộ

Một phần của tài liệu Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự VN và so sánh với luật hình sự thụy điển, australa (Trang 302 - 307)

4.2. NHỮNG KIẾN NGHỊ CỤ THỂ

4.2.2. Những kiến nghị đối với việc áp dụng các quy định của BLHS Việt Nam về các tội phạm về hối lộ

Thứ nhất, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác áp dụng luật cũng như để hoạt động áp dụng luật được thống nhất, trước mắt các cơ quan hữu quan cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng Chương XXI của BLHS 1999, trong đó có những quy định về các tội phạm về hối lộ.

Kiến nghị này của chúng tôi được đưa ra trên cơ sở những nghiên cứu về thực tiễn áp dụng luật hình sự của Việt Nam trong thời gian mười năm từ 2000 đến

2009 tại Chương 3, đồng thời đối chiếu với những yêu cầu lý luận đặt ra tại Chương 1 và đối chiếu với quy định của luật hình sự hiện hành phân tích tại Chương 2. So với lý luận và so với tinh thần của luật thực định, hoạt động áp dụng luật của Việt Nam những năm gần đây vẫn còn những hạn chế nhất định. Các cơ quan áp dụng luật gặp khó khăn, vướng mắc và sai sót trong việc xác định nhiều vấn đề liên quan đến các tội phạm về hối lộ như vấn đề phạm vi chủ thể của tội nhận hối lộ, vấn đề tính chất của “của hối lộ” (xác định của hối lộ có thể là những vật, những tài sản bị cấm lưu thông như ma túy, hàng cấm, dịch vụ mại dâm không), vấn đề dấu hiệu pháp lý cụ thể của tội làm môi giới hối lộ, phân biệt giữa tội làm môi giới hối lộ và hành vi đồng phạm của tội đưa hoặc nhận hối lộ, vấn đề xác định giai đoạn thực hiện tội phạm, vấn đề xác định dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng”, vấn đề quyết định hình phạt và miễn TNHS đối với các tội phạm này, vấn đề phân biệt tội phạm về hối lộ với một số tội phạm về chức vụ khác, v.v… Như đã phân tích tại Chương 3, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sai sót hay vướng mắc này là sự thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng của các quy định của luật hình sự hiện hành. Việc ban hành văn bản giải thích luật đặc biệt có ý nghĩa ở thời điểm hiện tại, vì những quy định về các tội phạm về chức vụ đã được duy trì khá ổn định từ khi được ban hành và việc sửa đổi, bổ sung các quy định này là điều khó có thể thực hiện ngay. Trong khi đó, thực tiễn lại chỉ ra rất nhiều vấn đề có liên quan nhóm tội này. Hơn nữa, hầu hết quy định trong BLHS về các nhóm tội phạm khác đã có văn bản hướng dẫn thực hiện. Trước đòi hỏi của thực tiễn áp dụng luật cũng như yêu cầu cao của việc đấu tranh chống các tội phạm về chức vụ nói chung và tội phạm về hối lộ nói riêng, việc ban hành văn bản này càng trở nên cấp thiết. Văn bản này cần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc chúng tôi đã chỉ ra tại Chương 3 và đã tổng hợp ở trên.

Hầu hết những giải thích cụ thể cho các vấn đề cần ban hành văn bản hướng dẫn chúng tôi đã đề cập ở phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật. Một số vấn đề khác chúng tôi đã trình bày quan điểm rất cụ thể tại Chương 2 và Chương 3 của luận án.

Ở đây chúng tôi có thể dẫn ra một số nội dung như sau: (1) Liên quan đến dấu hiệu của hối lộ, thực tiễn đang đặt ra vấn đề hành vi đưa và nhận các đối tượng vật chất

bị cấm lưu hành như ma túy, hành cấm, hàng lậu, v.v...để không xử lý người có hành vi mua bán hay vận chuyển các đối tượng đó có cấu thành các tội phạm về hối lộ không. Chúng tôi cho rằng việc áp dụng luật hình sự trong trường hợp này cần dựa trên hai luận điểm: thứ nhất, người nhận những đối tượng đặc biệt trên có thể khai thác được lợi ích vật chất từ chúng; thứ hai, việc đưa những đối tượng này có thể giúp người đưa mua chuộc được người có chức vụ, quyền hạn khiến người đó làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa. Từ đó có thể thấy rằng những hành vi đưa hoặc nhận các đối tượng vật chất được lưu hành hoặc lưu thông bất hợp pháp để mua chuộc người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa đều có thể cấu thành tội phạm về hối lộ. (2) Việc xác định dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” ở các tội phạm về hối lộ có thể dựa vào những thiệt hại về vật chất do các hành vi hối lộ gây ra. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh rằng khi xác định dấu hiệu “hậu quả nghiêm trọng” cần thấy rằng đó phải là hậu quả phát sinh trực tiếp từ hành vi nhận hối lộ, chứ không nên là những hậu quả mang tính suy diễn chủ quan. Việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội về hối lộ cần dựa vào tác hại tổng hợp của hành vi mà chủ yếu nhất là tác hại gây ra cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và sự suy giảm uy tín của người có chức vụ, quyền hạn cũng như của các thiết chế này đối với người dân. Theo chúng tôi những tình tiết có giá trị nhất đối với việc đánh giá dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” ở đây là tính chất sai trái của việc làm hay không làm mà người nhận hối lộ chấp nhận thực hiện theo yêu cầu của người đưa hối lộ, vị trí công tác và tầm ảnh hưởng của người nhận hối lộ trong cơ quan, tổ chức hoặc trong bộ máy nhà nước.

Thứ hai, đối với hoạt động thực tiễn của cơ quan áp dụng luật, chúng tôi kiến nghị cần thống nhất nhận thức về các dấu hiệu của tội phạm cũng như về tính nguy hiểm của các tội phạm này, tránh tình trạng nhận thức sai các dấu hiệu đó và đánh giá không đúng mức sự nguy hiểm của tội phạm. Một số sai sót trong xác định tội danh hoặc quyết định hình phạt được chỉ ra tại Chương 3 của luận án đã minh chứng cho những nhận thức còn hạn chế này. Bên cạnh đó, việc chứng minh đầy đủ

các dấu hiệu của tội phạm cần được lưu ý và thực hiện nghiêm túc, vì thực tế cho thấy vẫn còn hiện tượng các cơ quan tố tụng bỏ qua không phân tích một vài dấu hiệu của tội phạm, đặc biệt là dấu hiệu lỗi. Việc áp dụng hình phạt bổ sung bắt buộc

“cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định” theo khoản 5 Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ cũng cần được thực hiện đầy đủ và triệt để. Việc áp dụng hình phạt cần bảo đảm tính nghiêm khắc để đạt được mục đích trừng trị và răn đe của hình phạt.

Thứ ba, đối với các vụ án về hối lộ nên bố trí các Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán có kinh nghiệm về loại án này và có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Như chúng tôi đã phân tích tại Chương 3 của luận án, do tính chất phức tạp của các vụ án về hối lộ, hoạt động phát hiện và xử lý cũng như hoạt động áp dụng pháp luật đấu tranh với các tội phạm này gặp nhiều khó khăn và còn thiếu hiệu quả.

Một trong những điểm mấu chốt để hoạt động này có thể thành công là năng lực chuyên môn, ý thức và bản lĩnh nghề nghiệp của những cán bộ pháp luật trực tiếp giải quyết các vụ án về hối lộ. Nhóm các quốc gia Châu Âu chống tham nhũng cũng khuyến nghị rằng muốn có một cuộc đấu tranh với tham nhũng hiệu quả cần có một đội ngũ cán bộ được trang bị đầy đủ về kiến thức, được tập huấn và được chuyên nghiệp hoá [Báo cáo GRECO 2001, đoạn 122]. Muốn có một đội ngũ cán bộ như vậy chúng ta cần chú trọng công tác chuyên môn hoá lực lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán; nâng cao trình độ cũng như ý thức đấu tranh chống tội phạm về hối lộ cho họ, đồng thời nâng cao thu nhập của đội ngũ này để tránh những ảnh hưởng không tốt của những yếu tố vật chất đối với hoạt động nghiệp vụ của họ. Đây cũng chính là kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong công tác đấu tranh chống tội phạm về hối lộ như Thụy Điển hay Ôt-xtrây-lia.

Thứ tư, các cơ quan chức năng và các thiết chế khác cần có cơ chế tăng cường và bảo đảm sự độc lập cho hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đó có Toà án. Một trong những khó khăn các cơ quan này gặp phải trong quá trình giải quyết các vụ án về tham nhũng là thủ tục hành chính phiền hà và còn gây ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạt động của các cơ quan này. Ngoài ra, một vài yếu tố khác có tác động không tốt đến hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật đối với tội

phạm về hối lộ cũng xuất phát từ sự can thiệp vào hoạt động của các cơ quan này.

Những vấn đề đó chúng tôi đã có dịp đề cập tại Chương 3 của luận án. Vì vậy, theo chúng tôi bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật là yêu cầu quan trọng để việc xử lý các tội phạm về hối lộ được hiệu quả.

Tóm lại, tại chương này chúng tôi đã cố gắng đưa ra những kiến nghị đối với quy định về các tội phạm về hối lộ và việc áp dụng luật hình sự xử lý các tội phạm này một cách có hệ thống và tương đối toàn diện. Những kiến nghị nêu trên vừa phù hợp với những luận điểm khoa học đã được thừa nhận chung vừa đáp ứng được những yêu cầu lập pháp của những công ước quốc tế điển hình về các tội phạm này.

Đồng thời, những kiến nghị đưa ra cũng phản ánh nhu cầu thực tế của luật hình sự và thực tiễn áp dụng luật ở Việt Nam hiện nay. Có thể nói những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cũng như ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng luật hình sự đối với các tội phạm về hối lộ là kết quả của hoạt động nghiên cứu của chúng tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án. Đây là kết quả tất yếu của những phân tích, luận giải và so sánh tại các chương trước đó của luận án. Với những kiến nghị này, chúng tôi mong muốn hoạt động đấu tranh với tội phạm về hối lộ bằng pháp luật hình sự sẽ ngày càng có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự VN và so sánh với luật hình sự thụy điển, australa (Trang 302 - 307)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(324 trang)