Hình phạt đối với các tội phạm về hối lộ

Một phần của tài liệu Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự VN và so sánh với luật hình sự thụy điển, australa (Trang 151 - 154)

2.2. CÁC TỘI PHẠM VỀ HỐI LỘ THEO LUẬT HÌNH SỰ THỤY ĐIỂN

2.2.4. Hình phạt đối với các tội phạm về hối lộ

Các tội phạm về hối lộ bị xem là những hành vi có mức độ nguy hiểm “vừa phải” cho xã hội, nếu so sánh với các loại tội phạm khác được quy định trong BLHS của Thụy Điển. Chính vì vậy hình phạt được quy định đối với các tội phạm này có

mức độ nghiêm khắc vừa phải. Tội đưa hối lộ chỉ bị quy định hình phạt tiền hoặc phạt tù cao nhất đến hai năm. Tội nhận hối lộ cũng chỉ bị phạt tiền hoặc phạt tù cao nhất (trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng) đến sáu năm. Việc quy định trường hợp phạm tội nghiêm trọng (gross offence) bên cạnh trường hợp phạm tội thông thường (normal offence) cho thấy luật hình sự Thụy Điển đã tôn trọng nguyên tắc phân hoá TNHS. Việc quy định trường hợp phạm tội nghiêm trọng ở các tội đưa và nhận hối lộ chính là biểu hiện của việc tôn trọng nghĩa vụ thực thi các công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước của COE. Theo các quy định về tội phạm hối lộ, kể cả trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng thì hai tội phạm này đều không bị quy định loại hình phạt hoặc mức hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Thụy Điển.108 Bên cạnh đó, Chương 29 của BLHS quy định các nguyên tắc quyết định hình phạt cũng giúp cho việc thực hiện nguyên tắc cá thể hoá hình phạt. Điều 1 của Chương này quy định nguyên tắc bảo đảm sự tương xứng giữa mức độ nghiêm khắc của hình phạt với tính chất nghiêm trọng của tội phạm. Tuy nhiên có thể thấy rằng so với hình phạt được quy định trong luật hình sự của nhiều quốc gia khác đối với nhóm tội phạm về hối lộ thì hình phạt quy định trong luật hình sự Thụy Điển còn quá nhẹ. Về vấn đề hình phạt đối với các tội phạm về hối lộ, có ý kiến nhận xét như sau:

Mức cao nhất của hình phạt tù là hai năm đối với những trường hợp phạm tội về hối lộ “thông thường” có vẻ như rất nhân từ trong sự so sánh với quốc tế, đặc biệt nếu ai đó quan tâm sẽ thấy rằng mức hình phạt cao nhất hầu như không bao giờ được áp dụng và rằng người chấp hành án phạt tù thường được tha trước thời hạn khi họ mới chỉ thi hành được hai phần ba bản án của họ [Bogdan 2002, tr.7].

Bên cạnh hình phạt tù, một số hình phạt khác cũng được quy định tại Chương 27 Điều 2 và Chương 28 Điều 2 có thể áp dụng đối với tội phạm về hối lộ như hình phạt có điều kiện và buộc phải chịu thử thách được áp dụng cùng với hình phạt tiền.

108 Trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Thụy Điển, phạt tù được xem là hình phạt nghiêm khắc nhất với hai loại là tù chung thân và tù có thời hạn với mức cao nhất là mười năm.

BLHS còn quy định một số chế tài áp dụng đối với pháp nhân có liên quan đến các tội phạm về hối lộ. Theo Luật sửa đổi BLHS 2006, phạt tiền pháp nhân sẽ được áp dụng từ mười nghìn đến mười triệu cu-ron Thụy Điển. Từ quan điểm quốc tế, việc tăng mức phạt tiền sẽ đạt hiệu quả thực sự khi áp dụng cùng với biện pháp tịch thu tài sản đối với pháp nhân [Báo cáo OECD, đoạn 12]. Ngoài ra nếu hành vi đưa hối lộ được thực hiện trong mối liên hệ với hoạt động kinh doanh của người đưa hối lộ, người phạm tội sẽ bị cấm hoạt động kinh doanh hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong doanh nghiệp trong thời gian từ ba năm đến mười năm theo Luật về việc cấm kinh doanh thương mại (1986: 436).

Quy định hình phạt đối với các tội phạm về hối lộ đã phù hợp với truyền thống quy định hình phạt của luật hình sự Thụy Điển cũng như bảo đảm được tính tương thích giữa quy định này với quy định chung về hệ thống hình phạt và quy định về hình phạt đối với các loại tội phạm khác trong BLHS của Thụy Điển. Tuy nhiên, nếu xét trong mối liên hệ với các luận điểm khoa học đã được đề cập tại Chương 1 của luận án cũng như với những khuyến nghị của các công ước quốc tế về vấn đề đường lối xử lý các tội phạm hối lộ thì quy định về hình phạt của luật hình sự Thụy Điển chưa tương thích. Cụ thể là mức hình phạt được quy định còn quá nhẹ so với những yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn lập pháp.

Tóm lại, trong hơn mười năm qua Thụy Điển đã nỗ lực trong việc sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn cũng như thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan đến các tội phạm về hối lộ. Tuy nhiên, các quy định của luật hình sự về các tội phạm này vẫn nhận những chỉ trích nhất định. Báo cáo của Greco 2009 (đoạn 81) đề cập đến những hạn chế của luật hình sự Thụy Điển đã được Viện nghiên cứu chống tham nhũng của Thụy Điển109 nêu ra như: hạn chế trong việc thiếu định nghĩa của hối lộ, hạn chế trong quy định về chủ thể của tội nhận hối lộ, hạn chế về quy định hối lộ trong khu vực công và khu vực tư trong

109 Viện nghiên cứu chống tham nhũng là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi Phòng Thương mại Thụy Điển và Liên đoàn các ngành công nghiệp Thụy Điển. Mục đích của Viện này chủ yếu để giúp tăng cường nhận thức về các quy định về hối lộ và tham nhũng, để giúp đưa ra công luận những vụ việc về tham nhũng, tư vấn cho công chúng cách giải thích và sử dụng những quy định của pháp luật để đấu tranh với hiện tượng tham nhũng.

cùng điều luật nên đã không thể hiện rõ những yếu tố đặc trưng của từng hình thức hối lộ này. Những hạn chế nêu trên của luật đã có những tác động tiêu cực đến hiệu quả của hoạt động áp dụng luật. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng luật hình sự Thụy Điển đang dần đáp ứng được những yêu cầu lập pháp đối với các quốc gia thành viên của nhiều Công ước quốc tế về chống tham nhũng. Từ những hành vi đưa và nhận hối lộ trong khu vực công đến những hành vi cùng loại xảy ra trong khu vực tư, trong lĩnh vực bầu cử hoặc hành vi hối lộ công chức, nhân viên nước ngoài, nhân viên của các tổ chức quốc tế đều đã được luật hình sự Thụy Điển quy định ở mức độ chi tiết khác nhau. Những quy định đó đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chống các tội phạm về hối lộ của Nhà nước Thụy Điển.

Một phần của tài liệu Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự VN và so sánh với luật hình sự thụy điển, australa (Trang 151 - 154)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(324 trang)