2.2. CÁC TỘI PHẠM VỀ HỐI LỘ THEO LUẬT HÌNH SỰ THỤY ĐIỂN
2.2.2. Một số hình thức hối lộ đặc biệt đã được tội phạm hoá
Trước hết chúng tôi muốn đề cập đến hình thức hối lộ trong khu vực tư. Tuy không có quy định riêng về các tội phạm về hối lộ trong khu vực tư song dựa vào các quy định về tội đưa hối lộ (Chương 17 Điều 17) và tội nhận hối lộ (Chương 20 Điều 2 và Điều 5) có thể khẳng định luật hình sự Thụy Điển đã hình sự hoá hành vi đưa và nhận hối lộ trong khu vực tư. Luật hình sự Thụy Điển quy định tội phạm hối lộ trong khu vực tư không chỉ để bảo vệ riêng lợi ích của người sử dụng lao động mà còn để bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng và một số yếu tố quan trọng như “sự vận hành của nền kinh tế thị trường” hay “sự cạnh tranh mang tính lành mạnh”
[Leijonhufvud 2003, tr.410-411]. Hối lộ trong khu vực tư được hiểu là hành vi đưa và nhận hối lộ mà cả hai bên chủ thể (người đưa và người nhận) đều là người làm việc trong khu vực tư. Người đưa hối lộ yêu cầu người nhận hối lộ phải giải quyết hoặc đáp ứng một công việc, một nhu cầu (thường là về kinh tế) không có liên quan đến việc thực hiện quyền lực công. Chủ thể nhận hối lộ trong khu vực tư là những đối tượng được nêu tại Chương 20 Điều 2 đoạn 2 điểm 5. Đó là người “vì được tín nhiệm giao cho một nhiệm vụ, nhân danh người khác, để (a) giải quyết một vấn đề tài chính hoặc pháp lý, (b) tiến hành một điều tra mang tính khoa học hoặc một điều tra tương tự, (c) tiến hành độc lập một nhiệm vụ đòi hỏi vốn kiến thức kĩ thuật cao, hoặc (d) tiến hành giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được nêu ở mục (a), (b) hoặc (c)”. Điều luật chỉ nêu tính chất công việc của họ song qua đó có thể thấy đây là những người làm việc cho các pháp nhân tư, thực hiện các công việc có tính chất kinh tế, pháp lý hoặc kĩ thuật. Họ có thể là giám đốc các công ty, các kế toán viên, các kiểm toán viên, các luật sư, người quản lý bất động sản, nhân viên môi giới chứng khoán v.v... Quyền hạn mà những người này có được là do được ủy thác, được tín nhiệm bởi một cá nhân hoặc một pháp nhân.
Về nguyên tắc, các hành vi hối lộ trong khu vực tư bị xử lý giống như các hành vi hối lộ trong khu vực công, bởi vì chúng cùng được quy định tại một điều luật và trong cùng một phạm vi chế tài. Tuy nhiên, có một số khác biệt quan trọng
trong việc xử lý hai loại tội phạm về hối lộ trong hai khu vực này. Trước hết, theo quy định tại Chương 17 Điều 17 và Chương 20 Điều 2, hành vi đưa và nhận hối lộ trong khu vực tư chỉ bị truy tố nếu thỏa mãn hai điều kiện: thứ nhất, người sử dụng lao động hoặc người chịu trách nhiệm chính của pháp nhân báo cáo về các hành vi này để đề nghị truy tố; thứ hai, việc truy tố các hành vi này là chỉ cần thiết nếu để bảo vệ những lợi ích công. Nếu hành vi được thực hiện với sự đồng ý của người sử dụng lao động, đây sẽ được coi là một tình tiết loại trừ TNHS. Bên cạnh đó, một khác biệt nữa là hành vi hối lộ trong khu vực tư sẽ được xử lý nhẹ hơn so với hành vi cùng loại xảy ra trong khu vực công. Theo Dự luật của Chính phủ 1975/76:176, hành vi nhận hối lộ của một viên chức tư thường ít khi bị xem là “nghiêm trọng”, cũng có nghĩa là ít có khả năng bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là sáu năm tù.
Như vậy, luật hình sự Thụy Điển đã có đường lối xử lý phân hoá giữa các hành vi phạm tội về hối lộ xảy ra trong khu vực công và khu vực tư.
Bên cạnh đó, luật hình sự Thụy Điển đã ghi nhận hình thức hối lộ có yếu tố nước ngoài. Hành vi đưa hối lộ cho công chức, nhân viên nước ngoài và nhân viên của các tổ chức quốc tế và hành vi nhận hối lộ của các đối tượng này đã được quy định trong luật hình sự Thụy Điển tại Chương 17 Điều 7 và Chương 20 Điều 2 các điểm 6, 7, 8, 9. Những quy định này là kết quả của nhiều lần sửa đổi, bổ sung BLHS. Luật sửa đổi 1999 không có định nghĩa về loại chủ thể này theo đòi hỏi của các công ước quốc tế có liên quan. Vì vậy lúc đó khái niệm nhân viên và công chức nước ngoài được hiểu trên cơ sở khái niệm nhân viên và công chức quốc gia. Tuy nhiên như một tác giả đã nhận định việc áp dụng luật không hề đơn giản trong những trường hợp có yếu tố nước ngoài [Bogdan 2002, tr.9].
Luật sửa đổi BLHS 2004 đã thực sự tạo chuyển biến khi quy định rõ ràng những đối tượng được coi là chủ thể của tội phạm về hối lộ có yếu tố nước ngoài. Một số đối tượng được quy định cụ thể hơn và một số nhóm đối tượng đã được mở rộng. Lí do mở rộng phạm vi đối tượng được cho là để phù hợp hơn với các cam kết quốc tế vì trước đây luật hình sự Thụy Điển chỉ quy định đối tượng là công chức của một số tổ chức quốc tế ở Châu Âu mà quốc gia này là thành viên [Dự luật 2003/04:70].
Trên cơ sở quy định của , có thể thấy vấn đề hối lộ công chức, nhân viên nước ngoài và nhân viên của các tổ chức quốc tế bao gồm một số nội dung sau:
Thứ nhất, chủ thể của hành vi nhận hối lộ và cũng là đối tượng hành vi đưa hối lộ hướng tới trong trường hợp này bao gồm: công chức nước ngoài, nhân viên của các pháp nhân tư nước ngoài và nhân viên, công chức của một số tổ chức quốc tế công. Khái niệm công chức nước ngoài được nêu khá cụ thể trong luật hình sự Thụy Điển. Chương 20 Điều 2 về tội nhận hối lộ ngoài việc nêu tên một số đối tượng cụ thể như: Bộ trưởng của một nước ngoài hoặc thành viên của một cơ quan lập pháp nước ngoài, còn chỉ ra một loại đối tượng khá đặc biệt là người “thực hiện một quyền lực công ở nước ngoài”.
Thứ hai, hành vi đưa và nhận hối lộ của nhân viên nước ngoài trong khu vực tư cũng có thể bị truy cứu TNHS theo luật hình sự Thụy Điển. “Những trường hợp hối lộ này sẽ bị truy cứu theo cùng những điều kiện giống những trường hợp hối lộ do nhân viên làm việc trong các công ty tư của Thụy Điển thực hiện” [Bogdan 2002, tr.9]. Đây là điểm khác biệt khá lớn giữa luật hình sự Thụy Điển và luật của nhiều quốc gia khác về cùng vấn đề này.
Thứ ba, công chức và nhân viên làm việc cho các tổ chức quốc tế cũng có thể trở thành chủ thể của tội nhận hối lộ. Việc thực thi nhiệm vụ của những người này tại Thụy Điển hoặc thậm chí ở nước ngoài có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân Thụy Điển và do đó hoạt động của họ trở thành vấn đề được quan tâm. Tuy nhiên, luật hình sự Thụy Điển đã quy định giới hạn phạm vi các chủ thể này. Cụ thể Chương 20 Điều 2 các điểm 6, 7, 8, 9 chỉ quy định đó là thành viên của một số tổ chức quốc tế mà Thụy Điển là quốc gia thành hoặc thẩm phán của các toà án quốc tế mà Thụy Điển công nhận thẩm quyền xét xử. Theo một báo cáo của OECD, việc luật hình sự Thụy Điển quy định cụ thể và giới hạn các đối tượng được xem là nhân viên và công chức nước ngoài và quốc tế đã ít nhiều thu hẹp phạm vi xử lý so với quy định của các công ước quốc tế về chống hối lộ [Báo cáo OECD 2005].
Bên cạnh đó cần thấy một điểm đáng chú ý là Thụy Điển quy định tội phạm đối với cả hành vi nhận hối lộ bởi nhân viên và công chức nước ngoài hoặc công
chức của các tổ chức quốc tế. Đây là điều vượt hơn cả khuyến nghị của các công ước quốc tế có liên quan.
Việc áp dụng luật hình sự trong những trường hợp hối lộ có yếu tố nước ngoài không hoàn toàn giống với hối lộ nhân viên hoặc công chức quốc gia.
“Những cơ sở mang tính quốc tế của một vụ việc cụ thể cần phải được tính đến khi giải thích và áp dụng luật, ví dụ như khi quyết định liệu lợi ích được đưa có tính
“không chính đáng” hay liệu người nhận có được coi là “nhân viên” hay không”
[Bogdan 2002, tr.11]. Hơn nữa theo một tác giả để thể hiện việc tôn trọng các quan hệ quốc tế Thụy Điển sẽ chỉ cho phép việc truy tố hành vi nhận hối lộ của công chức nước ngoài nếu hành vi đó xâm phạm đến lợi ích công của Thụy Điển [Bogdan 2002, tr.12]. Toà án Thụy Điển khi xét xử vụ án hối lộ công chức nước ngoài sẽ xem xét những yếu tố có liên quan như luật và tập quán của quốc gia nước ngoài mà công chức đó là công dân.
Một số vấn đề nảy sinh khi áp dụng quy định về hối lộ công chức nước ngoài của luật hình sự Thụy Điển là liệu hành vi có bị xem là phạm tội nếu theo luật của nước ngoài nơi người công chức làm việc hành vi đó lại được xem là hợp pháp, và liệu việc hối lộ là cần thiết trong trường hợp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân Thụy Điển ở nước ngoài mà việc đó lại không thể thực hiện được bằng con đường hợp pháp. Theo chúng tôi những trường hợp này sẽ chỉ bị xem là phạm tội và bị truy cứu TNHS theo yêu cầu của việc bảo vệ lợi ích chung của xã hội.
Ngoài ra, luật hình sự Thụy Điển còn ghi nhận hình thức hối lộ trong lĩnh vực bầu cử. Để bảo vệ chế độ bầu cử, BLHS Thụy Điển đã quy định một hình thức nhận hối lộ đặc biệt, đó là hành vi nhận khoản thưởng không chính đáng để bỏ phiếu cho một ứng cử viên nhất định. Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi “nhận, chấp nhận một lời hứa hoặc một lời yêu cầu về khoản thưởng không chính đáng để bỏ phiếu theo một cách nào đó hoặc không bỏ phiếu về một vấn đề công” (Chương 17 Điều 8 đoạn 2). Khác với tội nhận hối lộ, chủ thể của tội phạm này là chủ thể bình thường. Người phạm tội nhận khoản thưởng bất hợp pháp để bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu theo yêu cầu của người đưa, không phải vì việc thực thi chức trách của họ.
Tội phạm này vì vậy được xem là ít nguy hiểm hơn so với tội nhận hối lộ và nhà làm luật đã quy định “Nếu hành vi cấu thành tội phạm nhận hối lộ nghiêm trọng hơn theo Chương 20 Điều 2 của BLHS, quy định đó sẽ được áp dụng.” Tương xứng với tính chất nguy hiểm của tội phạm này, điều luật quy định người phạm tội sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù cao nhất là sáu tháng.