Cách thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường trung học phổ thông búng lao huyện mường ảng, tỉnh điện biên luậ (Trang 32 - 39)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP Ở CÁC TRƯỜNG THPT

1.3. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường trung học phổ thông

1.3.5. Cách thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường trung học phổ thông

Yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông theo điều 28 mục 2 Luật Giáo dục có nêu: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế; tác động đến tình cảm, đem lại niềm tin, hứng thú học tập cho học sinh ”.

Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII cũng khẳng định: “Phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục - đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học ”.

Hoạt động GDNGLL được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ từ khâu chuẩn bị đến khâu tổ chức thực hiện hoạt động và sau cùng là đánh giá kết quả hoạt động. Ba khâu trên phải liên kết hữu cơ, thống nhất, biện chứng với nhau.

Mỗi khâu của hoạt động có những yêu cầu riêng về nội dung hoạt động, phương

pháp, hình thức tổ chức hoạt động. Phương pháp tổ chức hoạt động GDNGLL phải phù hợp với trình độ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh. Học sinh phải thực sự giữ vai trò chủ thể của hoạt động với sự giúp đỡ, định hướng của giáo viên chủ nhiệm để thực hiện có hiệu quả các hoạt động GDNGLL.

Thông qua tự quản hoạt động GDNGLL giúp học sinh phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia và điều khiển hoạt động của tập thể. Phải đưa học sinh vào những tình huống cụ thể với những công việc được giao có ý nghĩa xã hội và ý nghĩa cá nhân nhằm giúp các em có cơ hội được thể hiện những hành vi ứng xử của mình. Phát huy cao độ khả năng của đội ngũ cán bộ lớp đồng thời khéo léo lôi cuốn mọi thành viên đều tham gia vào các khâu của quá trình hoạt động. Phát huy vai trò cố vấn, vai trò lãnh đạo, định hướng của giáo viên chủ nhiệm lớp và các cán bộ đoàn đối với các hoạt động của tập thể học sinh.

Tổ chức hoạt động GDNGLL phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện của của nhà trường, của địa phương, đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Vì vậy, phương thức tổ chức hoạt động phải rất linh hoạt, cần điều chỉnh và thay đổi nội dung và hình thức hoạt động sao cho thích hợp được với học sinh, với giáo viên và phù hợp với điều kiện cho phép. Phải đa dạng hóa các hình thức hoạt động GDNGLL, khắc phục tính đơn điệu, lặp đi lặp lại một vài hình thức đã quá quen thuộc với học sinh và gây ra sự nhàm chán, tẻ nhạt đối với các em. Do đó, giáo viên phải nắm chắc nội dung hoạt động của từng chủ đề của từng tháng.

Mỗi chủ đề hoạt động có mục tiêu giáo dục riêng. Mục tiêu đó định hướng giáo viên trong việc xây dựng nội dung cho hoạt động của chủ đề tháng. Từ nội dung hoạt động của chủ đề tháng, giáo viên cụ thể hóa thành nội dung cho hoạt động của từng tuần, nhưng phải đảm bảo tính thống nhất và mối quan hệ chặt chẽ giữa các nội dung hoạt động của các tuần với nhau. Giáo viên phải lựa chọn những hình thức hoạt động cho phù hợp với nội dung của tuần, của tháng. Những hình thức này có thể thay đổi hoặc được nhắc lại ở mỗi chủ đề tháng. Điều đó có tác dụng giúp học sinh thực hiện các hoạt động GDNGLL một cách linh hoạt, chủ

động hơn. Hoạt động GDNGLL phải khai thác và phát huy được tiềm năng của gia đình, các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia vào việc tổ chức hoạt động cho học sinh.

Phương pháp tổ chức hoạt động GDNGLL rất đa dạng phong phú gồm các phương pháp sau:

Phương pháp thảo luận nhóm: Là phương pháp giáo viên trên lớp định hướng để học sinh tự chia lớp ra thành các nhóm. Trong mỗi nhóm học sinh có mối quan hệ tương tác với nhau, cùng giải quyết một vấn đề để đạt tới một sự hiểu biết nhất định. Phương pháp thảo luận nhóm có vai trò vô cùng quan trọng.

Nó có tác dụng phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình hoạt động, rèn luyện, đồng thời còn phát huy trí tuệ tập thể của học sinh trong hoạt động. Thông qua thảo luận nhóm giúp học sinh hình thành kỹ năng hợp tác, giáo dục tinh thần, ý thức tập thể cho học sinh, giáo dục tinh thần đoàn kết, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các học sinh với nhau. Ghép nhóm trong giáo dục là một giải pháp về tổ chức để giáo dục học sinh mang lại hiệu quả cao, do đó giáo viên cần quan tâm vận dụng phương pháp này. Phương pháp này thường được sử dụng trong các hình thức hoạt động như: Thi theo chủ đề, thi giải quyết tình huống, tạo cơ hội cho học sinh có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, ý kiến để giải quyết một vấn đề có liên quan đến cuộc sống tập thể của các em…Phương pháp thảo luận nhóm có các kiểu ghép nhóm là: Chia nhóm theo tổ, chia nhóm theo hứng thú, chia nhóm theo năng lực, chia nhóm ngẫu nhiên theo màu áo,… Đây là một dạng tương tác nhóm đặc biệt mà trong đó các thành viên cùng giải quyết một vấn đề, cùng quan tâm nhằm đạt tới một sự hiểu biết chung. Thảo luận tạo ra môi trường an toàn cho học sinh kiểm chứng ý kiến của mình, có cơ hội để làm quen với nhau, để hiểu nhau hơn. Khác với dạy học, thảo luận nhóm trong hoạt động GDNGLL là dựa vào trao đổi ý kiến giữa các em học sinh với nhau về một chủ đề nào đó, nhằm tìm ra tiếng nói chung về một vấn đề cụ thể.

Phương pháp đóng vai: Là phương pháp thực hành của học sinh trong một số tình huống ứng xử cụ thể dựa trên trí tưởng tượng, dựa trên kinh nghiệm sống

và ý nghĩ sáng tạo của các em. Phương pháp đóng vai giúp các học sinh phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo, phát huy tính thông minh sáng tạo, hình thành và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, phương pháp đóng vai tạo cơ hội để học sinh có thể rèn luyện và thể nghiệm. Để đóng vai có hiệu quả giáo viên chỉ nên gợi ý chủ đề để học sinh tự xây dựng kịch bản và tự tổ chức luyện tập và thể nghiệm,…

Phương pháp đóng vai thường được thể hiện trong việc trình bày các tiểu phẩm, các đoạn kịch ngắn giúp học sinh thực hành, “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong tình huống giả định. Phương pháp đóng vai rất có tác dụng trong việc phát triển “ kỹ năng giao tiếp ” của học sinh, tạo ra môi trường tập luyện an toàn, tự tin cho người học nhằm thực hành các hành vi ứng xử trong các mối quan hệ.

Phương pháp giải quyết vấn đề: Thường được vận dụng khi học sinh phải phân tích, xem xét và đề xuất những giải pháp trước một hiện tượng, sự việc nảy sinh trong quá trình hoạt động tập thể. Giáo viên đưa ra những tình huống có vấn đề rồi kích thích học sinh tích cực suy nghĩ, tìm tòi để giải quyết các vấn đề đó theo từng chủ đề thảo luận. Phương pháp giải quyết vấn đề giúp học sinh phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, giúp các em rèn luyện kỹ năng ứng xử, kỹ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói, đồng thời giúp học sinh tự hoàn thiện nhân cách của mình. Giải quyết vấn đề giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn trước các hiện tượng, sự việc nảy sinh trong hoạt động, trong cuộc sống hàng ngày. Để phương pháp giải quyết vấn đề thành công thì vấn đề đưa ra phải sát với mục tiêu của hoạt động, kích thích học sinh tích cực tìm tòi cách giải quyết. Đối với tập thể lớp, khi giải quyết vấn đề phải coi trọng nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng, tránh gây ra căng thẳng không có lợi cho việc giáo dục học sinh, đồng thời phát huy được tính tự giác, sự tích cực của từng cá nhân trong tập thể, tạo nên sự gắn kết giữa các cá nhân trong một tập thể đoàn kết, tích cực trong mọi hoạt động GDNGLL.

Phương pháp giao nhiệm vụ: Là phương pháp giáo viên lôi cuốn người được giáo dục vào những hoạt động đa dạng, phong phú với những công việc nhất định và những ý nghĩa xã hội nhất định. Giao nhiệm vụ là tạo cơ hội để học

sinh có thể bộc lộ thể nghiệm những khả năng ứng xử của mình, giúp các em rèn kỹ năng ứng xử phù hợp. Đồng thời thông qua giao nhiệm vụ giúp học sinh hiểu về ý nghĩa xã hội và ý nghĩa cá nhân của những công việc được giao. Giáo viên có thể giao nhiệm vụ trực tiếp hoặc có thể giao nhiệm vụ gián tiếp, có thể giao nhiệm vụ cho cá nhân hay giao nhiệm vụ cho tập thể. Giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho cán bộ lớp rồi để cán bộ lớp giao cho các cá nhân trong lớp. Khi giao nhiệm vụ phải giao cụ thể, tránh giao nhiệm vụ chung chung và phải giao nhiệm vụ vừa sức với học sinh, phải xác định rõ mục đích, yêu cầu của những công việc được giao, phân công trách nhiệm rõ ràng và phải hướng dẫn cho các em các biện pháp thực hiện. Điều quan trọng là giáo viên phải thường xuyên động viên, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện những công việc được giao của học sinh để đánh giá, nhận xét một cách khách quan, chính xác, công bằng,… Đây là phương pháp thường được dùng trong nhóm các phương pháp giáo dục. Giao nhiệm vụ là đặt học sinh vào vị trí nhất định buộc các em phải thực hiện trách nhiệm cá nhân.

Trong việc tổ chức hoạt động GDNGLL, giao nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ lớp sẽ tạo nên thế chủ động cho các em khi điều hành hoạt động. Điều đó sẽ giúp phát triển tính chủ động, sáng tạo, khả năng đáp ứng trong mọi tình huống của HS.

Cán bộ lớp sẽ chủ động hơn trong việc phân công nhiệm vụ cho từng tổ, nhóm, cá nhân với phương châm “Lôi cuốn tất cả mọi thành viên trong lớp” vào việc tổ chức thực hiện hoạt động. Vì thế, muốn giao nhiệm vụ có kết quả, giáo viên cần hình dung được những việc phải làm, gợi ý cho học sinh và yêu cầu các em phải hoàn thành tốt. Khi giao nhiệm vụ, cố gắng phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, với khả năng của các em, không yêu cầu quá mức gây lo lắng, hoang mang trong học sinh.

Phương pháp trò chơi: Là tổ chức cho học sinh tìm hiểu một vấn đề hay thực hiện những hành động, việc làm hoặc hình thành thái độ thông qua một trò chơi nào đó. Sử dụng trò chơi như một phương pháp tổ chức hoạt động, giúp học sinh có điều kiện thể hiện khả năng của mình trong một lĩnh vực nào đó của đời sống tập thể ở nhà trường, cũng như ở cộng đồng. Trò chơi cũng là dịp để HS tập

xử lý những tình huống nảy sinh trong cuộc sống đời thường, giúp các em có thêm kinh nghiệm sống.

Phương pháp hoạt động nhóm nhỏ: Tương tự như thảo luận nhóm nhưng có điểm khác ở chỗ học sinh phải thực hiện một số bài tập cụ thể hơn là thảo luận đề tài.

Phương pháp diễn đàn: Là hình thức tổ chức hoạt động để học sinh được bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình, được tranh luận về những vấn đề có liên quan đến lứa tuổi các em. Vì vậy, diễn đàn như một sân chơi tạo cơ hội cho nhiều học sinh có thể tự do nêu lên những suy nghĩ của mình, được tranh luận một cách trực tiếp với đông đảo bạn bè.

Tổ chức thi tìm hiểu về địa phương, đất nước, con người, tập quán, lối sống của các dân tộc trong nước và trên thế giới.

Tổ chức tham quan, cắm trại, du lịch đến các danh lam, thắng cảnh, di tích văn hoá, lịch sử... Tổ chức các hoạt động nhân đạo.

Tổ chức ngày hội hoá trang theo các dân tộc trong nước và trên thế giới;

sưu tầm văn, thơ, ca dao phản ánh lối sống, truyền thống, phong tục tập quán, cách ứng xử của các dân tộc.

Tổ chức tết trồng cây; trồng, chăm sóc cây, xây dựng cảnh quan học đường, phòng học Xanh - Sạch - Đẹp.

Tham gia tuyên truyền về dân số, KHHGĐ, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống ô nhiễm môi trường v.v...

Tất cả các hình thức tổ chức hoạt động GDNGLL kể trên, ở mức độ nào đó đã được cụ thể hoá thành các chủ đề hoạt động GDNGLL ở từng tháng trong năm học ở bậc THPT và được định hướng rõ ràng về phương pháp tổ chức hoạt động, đồng thời có mục tiêu, yêu cầu cần đạt được có sự khác nhau giữa các khối lớp trong trường THPT.

1.4. Đánh giá kết quả hoạt động giáo dục ngoài giá lên lớp ở trường trung học phổ thông

Về cách đánh giá kết quả hoạt động GDNGLL ở trường THPT thực hiện theo nội dung sau:

- Đối với học sinh:

Mục tiêu đánh giá: Đánh giá nhận thức của học sinh so với mục đích, yêu cầu mà hoạt động trong chương trình đề ra cũng như những kỹ năng mà các em cần phải rèn luyện và hình thành trong hoạt động GDNGLL. Đánh giá sao cho có thể động viên, khích lệ tinh thần tham gia hoạt động tập thể, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để hoàn thành tốt nhiệm vụ của HS.

Nội dung đánh giá: Nhận xét các bài viết, các bản thu hoạch của HS, toạ đàm, trao đổi, quan sát hoạt động của HS, xem xét hiệu quả hoạt động qua các kết quả đạt được.

Hình thức đánh giá: Đánh giá cá nhân, đánh giá tập thể (tổ, nhóm, lớp, khối).

Quy trình đánh giá: HS tự đánh giá theo các tiêu chí và yêu cầu của hoạt động; Tập thể tổ, lớp, Đoàn thanh niên đánh giá sau khi đã tham khảo các ý kiến cá nhân và cán bộ lớp; Giáo viên chủ nhiệm đánh giá.

- Đối với giáo viên:

Mục tiêu đánh giá: Nhằm thu nhận thông tin ngược về tình hình công việc giúp nhà trường thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Ban giám hiệu nhà trường trên cơ sở đó, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế để cải tiến phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện của bộ quản lý và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động GDNGLL.

Nguyên tắc đánh giá: Dựa trên cơ sở pháp chế, dựa vào việc thực hiện trách nhiệm do nhà nước giao phó, tiêu chí đánh giá phải được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn. Giáo viên được kiểm tra đánh giá cần tham gia tự giác tích cực vào quá trình này nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Việc đánh giá nên được tiến hành đối với tất cả giáo viên để đảm bảo sự khách quan, tạo ra động lực phát triển ổn định và bền vững cho nhà trường. Đánh giá với thời gian, nhân lực hợp lý vừa nhằm mục đích phân loại giáo viên, vừa có tính đào tạo - nhằm nắm bắt được khó khăn của giáo viên để có thể giúp đỡ họ; ghi nhận sự tiến bộ của họ, tạo điều kiện cho sự thăng tiến và phát triển vì thế mà có ý nghĩa cho cả nhà quản lý, giáo viên và học sinh.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường trung học phổ thông búng lao huyện mường ảng, tỉnh điện biên luậ (Trang 32 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)