Vấn đề nhân vật nữ của các nhà văn nữ

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết y ban (LV00894) (Trang 25 - 29)

Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ VÀ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

1.3. Vấn đề nhân vật nữ của các nhà văn nữ

Văn học Việt Nam những năm gần đây xuất hiện một đội ngũ đông đảo các nhà văn nữ viết về người phụ nữ. Tiêu biểu trong số đó, chẳng hạn như Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Y Ban… Có thể nói, sự xuất hiện của các cây bút nữ đã đem đến cho văn học đương đại Việt Nam một luồng gió mới. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng:

“Văn học đang mang gương mặt nữ - ngày càng trắc ẩn và khoan dung, ngày càng tinh tế mà đằm thắm”. Phải chăng, như Vương Trí Nhàn nhận xét: “Hình như do sự nhạy cảm riêng của mình, phụ nữ bắt mạch thời đại nhanh hơn nam giới. Họ luôn gần với cái lỉnh kỉnh dở dang của đời sống. Mặt khác, với cái cực đoan sẵn có: tốt, dịu dàng, rộng lượng thì không ai bằng, mà nhỏ nhen, chấp nhặt, dữ dằn cũng không ai bằng - từng cây bút nữ tìm ra mặt mạnh của mình khá sớm, định hình khá sớm” [28]. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống kinh tế - xã hội và tư tưởng con người cũng đổi thay tận gốc rễ. Trong bối cảnh xã hội mới, vai trò, vị trí của người phụ nữ được thừa nhận, đề cao và khẳng định. Họ tham gia ngày càng đông đảo vào tất cả các lĩnh vực của xã hội, trong đó có sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là văn học, một trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ bắt nhịp với những vấn đề nóng hổi của đời sống. Hơn nữa, người phụ nữ trong xã hội hiện đại được giải phóng khỏi những lễ giáo, luật lệ, và văn học hiện đại với xu hướng gần gũi đời sống thực của con người đã mở ra cho các cây bút nữ nhiều đề tài, nhiều cách tiếp cận mới. Có thể nói, sự xuất hiện ngày càng đông đảo của các cây bút nữ với những tác phẩm của họ đã thổi một luồng gió mới cho văn học Việt Nam đương đại. Điều này không chỉ góp phần tô điểm cho diện mạo văn học dân tộc mà còn đem lại thế cân bằng trong sáng tác văn học giữa hai giới.

Người phụ nữ viết văn sở hữu những thuận lợi thiên bẩm mà các cây bút nam khó có được. Họ có thể dễ dàng viết về những vấn đề của giới mình và có khả năng đi sâu vào thế giới tâm hồn đầy bí ẩn của người phụ nữ. Không ít các trang viết của họ đã thể hiện những kiến giải sâu sắc về tình yêu, về những các vấn đề phức tạp của đời sống. Trong các sáng tác của mình, các cây bút nữ đã thể hiện sự sáng tạo dựa trên linh cảm đầy biến ảo để khám phá nội tâm của nhân vật. Tiếng nói của họ, dễ chạm đến những điều sâu kín nhất trong tâm hồn của phụ nữ, và do đó, dễ chạm tới trái tim của của bạn đọc. Với cái nhìn mẫn cảm bản năng, các nhà văn nữ thường thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến số phận, hạnh phúc và quyền sống của giới mình. Trong dòng chảy đó, họ như được tự do phơi mở cái tôi cá nhân của chính mình với một giọng điệu riêng, một cách thức riêng. Chúng ta bắt gặp một Nguyễn Ngọc Tư chân chất, mộc mạc, hồn hậu mang đậm màu sắc văn hóa; một Nguyễn Thị Thu Huệ dịu dàng, đằm thắm, đầy trải nghiệm; một Lê Minh Khuê giàu chất chiêm nghiệm; một Phan Thị Vàng Anh lạnh lùng, từng trải, tinh tế; một Lý Lan hồn hậu mà sâu sắc; một Y Ban đằm thắm, khắc khoải…

Theo suy nghĩ và cảm nhận của các nhà văn nữ đương đại, người phụ nữ trước sau vẫn là kẻ mang gương mặt bất hạnh khổ đau. Và với họ, văn học là một phương tiện quan trọng bậc nhất để thể nghiệm điều này. Theo quy luật đồng thanh tương ứng, lúc đầu là một vài cây bút, theo thời gian, những cây bút hế hệ sau đã tìm thấy ở thế hệ trước những sự đồng cảm. Viết về phụ nữ, với họ, không chỉ là giãi bày tâm tư, mà còn là sự nghiền ngẫm nỗi niềm nhân tâm thế sự. Dần dần, văn học nữ làm thành cả một dòng chảy. Trong dòng chảy đó, họ thẳng thắn đối thoại với những quan niệm cũ. Họ thể hiện sự thức tỉnh ý thức cá

nhân, khát vọng bản thể, khẳng định giá trị sống của chính mình một cách mãnh liệt.

Dường như bản chất nữ tính đa cảm, đa sầu vẫn kéo ngòi bút của nhà văn nữ đằm sâu hơn với những trang viết về tình yêu. Chúng ta biết đến Chiếc lá xanh hạnh phúc của Nguyễn Thị Ấm, Vĩnh biệt giấc mơ của Võ Thị Xuân Hà, Cát đợi, Tình yêu ơi ở đâu của Nguyễn Thị Thu Huệ, Và anh một phần ba cuộc đời, Thiên đường và địa ngục, Đàn bà xấu thì không có quà của Y Ban, Si tình của Phan Thị Vàng Anh… Có thể nói, tình yêu là hấp lực mãnh liệt nhất đối với con người. Những với phụ nữ, tình yêu dường như mang lại cho họ “vị đắng”

nhiều hơn những ngọt ngào. Vì thế, người phụ nữ luôn có dự cảm mong manh về hạnh phúc. Khi viết về tình yêu, các nhà văn nữ đã khám phá toàn diện về mọi mặt, mọi cung bậc, từ những dư vị ngọt ngào đến đắng chát, từ đau đớn đến xót xa, từ những nhẹ dạ cả tin đến sự chủ động, mạnh mẽ… Họ viết về tình yêu, nhưng cũng thật nhiều tình yêu dang dở, tan vỡ. Tất cả đều là những bộc bạch chân thực nhất của các cây bút nữ về giới mình. Khi nhà văn nữ viết về phái yếu, cũng có nghĩa là họ đang hướng ngòi bút vào chính mình, cho dù không phải viết về mình thì cái nhìn của họ cũng có phần sâu sắc, triệt để và thấu đáo hơn. Nhà văn nữ viết nhiều về phụ nữ vì theo đặc trưng tâm lí, họ tồn tại với tình cảm hướng nội, luôn muốn tìm sự đồng cảm, khác tâm lí đàn ông với lí trí hướng ngoại luôn phân tích chiếm lĩnh. Bên cạnh đó, nhà văn nữ muốn thông qua nhân vật nữ để thể hiện tâm hồn mình, bản thân mình, có lẽ bởi vậy mà những sáng tác của các tác giả nữ thường mang màu sắc tự truyện.

Thế giới nhân vật nữ của các nhà văn nữ được xây dựng trên những trang văn thấm đẫm tình cảm, cảm xúc với giọng điệu khi thì dịu dàng, ấm áp, khi thì xúc động nghẹn ngào… Và tình yêu luôn là đề tài trung tâm trong nhiều sáng tác

của họ. Đặc biệt, người phụ nữ trong văn học đương đại hiện lên với khát vọng yêu đương mãnh liệt và luôn đòi hỏi được yêu thương che chở, được bộc lộ công nhiên những cảm xúc, tình cảm của mình. Nhân vật nữ của các nhà văn nữ đương đại không phải không có hạnh phúc, song hầu hết họ đều là những con người bất hạnh, cô đơn. Với tâm hồn nhạy cảm, dễ xúc động, các nhà văn nữ là người dễ nhận ra và khắc sâu những nỗi buồn của người cùng giới hoặc của chính mình. Chính vì vậy mà mảng hiện thực lớn trong các sáng tác của cây bút nữ là “những cái tôi đàn bà phong phú, phức tạp và sâu sắc”. Người phụ nữ được khai thác ở nhiều sắc thái cảm xúc, tâm trạng và cảm giác một cách tinh tế và khéo léo. Cùng với khát vọng yêu đương, niềm thương cảm, những thân phận đàn bà đã được khai thác và thể hiện một cách nhiều chiều, đầy trắc ẩn.

Dưới con mắt của các nhà văn nữ, người phụ nữ được đặt trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình. Sau chiến tranh, con người trở lại chăm chút cho cái tổ ấm của mình. Phụ nữ được đặt trong không gian gia đình với thiên chức làm mẹ, làm vợ vốn có và vẫn được coi là người giữ “tay hòm chìa khóa”. Họ được dịp phô bày hết khả năng của mình, đa dạng và mới mẻ. Không những vậy, người phụ nữ được đưa về với thiên tính nữ đặc trưng, được tôn vinh bởi vẻ đẹp thể chất. Đó là những bản năng tự nhiên và tinh thần khát vọng hướng về cái đẹp.

Qua những trang viết của các nhà văn nữ về phụ nữ, chúng ta nhận thấy mỗi tác giả với một lối viết riêng, một cách tiếp cận riêng, song đằng sau từng trang viết là những niềm thương yêu, sự trân quý và cảm thông đối với người phụ nữ. Các nhà văn nữ đã phát huy được những ưu thế giới tính của mình khi xây dựng nhân vật nữ với đời sống nội tâm phong phú, phức tạp, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến số phận, hạnh phúc và quyền sống của người giới mình trong đời sống hôm nay.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết y ban (LV00894) (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)