Khái quát về quan niệm nghệ thuật về con người

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết y ban (LV00894) (Trang 29 - 35)

Chương 2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT Y BAN

2.1. Quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ trong tiểu thuyết Y Ban

2.1.1. Khái quát về quan niệm nghệ thuật về con người

Đối tượng thẩm mỹ của văn học là con người. Do vậy, tất cả những gì liên quan đến con người, thuộc về con người đều nằm trong phạm vi biểu hiện của văn học. Đó là cơ sở cho quan niệm đa dạng về con người trong văn học. Mặt khác, thực tế sáng tác cho thấy người ta không thể miêu tả con người nếu như không hiểu biết và có các phương tiện, biện pháp biểu hiện nhất định. Mặt thứ hai này tạo thành chiều sâu, tính độc đáo của hình tượng con người trong văn học. Khái niệm nghệ thuật về con người trở thành một tiêu điểm của nghiên cứu văn học Xô - viết từ những năm 1970 trở đi. Trên thực tế, khái niệm này được nghiên cứu ở nhiều phương diện với những cách hiểu phong phú. Về cơ bản có thể xác định:

“Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hoá thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp hình thức thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó” [35, tr.55].

Như vậy, quan niệm nghệ thuật về con người là sự tổng hợp những phát hiện triết lý, tư tưởng riêng của nhà văn về cuộc sống và con người với khả năng và trình độ nắm bắt, sáng tạo, sử dụng các phương thức, phương tiện, chất liệu nghệ thuật của người nghệ sĩ đảm bảo cho nó có khả năng thể hiện đời sống ở một chiều sâu nào đó.

Quan niệm nghệ thuật về con người tồn tại trong thế giới quan của mỗi người nghệ sĩ, gắn liền với cá tính sáng tạo của anh ta. Nói như Nguyễn Đăng Mạnh thì “tâm hồn mỗi nhà văn có một “chất dính” riêng. Dù ông ta có quan sát thực tế đời sống ở nhiều lĩnh vực khác nhau, “chất dính” ấy vẫn chỉ có thể bắt lấy được những gì thích hợp với nó mà thôi. Những “cái gì” đó tạo nên ở mỗi cây bút một đối tượng thẩm mĩ riêng, nơi cung cấp những nguồn chất liệu phù hợp để nhà văn dựng nên thế giới nghệ thuật riêng của mình” [31, tr.14].

Quan niệm nghệ thuật về con người là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá giá trị nhân văn vốn có của một hiện tượng văn học. Người nghệ sĩ đích thực là người luôn suy nghĩ về con người, vì con người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu con người. Về điều này, Nguyễn Minh Châu - một trong những cây bút tiêu biểu nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam đã khái quát: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó là con người. Người viết nào cũng có thể có tính xấu nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh mình. Cần giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống”. Khám phá quan niệm nghệ thuật về con người là đi sâu vào thực chất sáng tạo của người nghệ sĩ để đánh giá đúng về họ.

Không chỉ đơn thuần là tiêu chuẩn đánh giá tài năng của mỗi nghệ sĩ, quan niệm nghệ thuật về con người còn là thước đo quan trọng bậc nhất trình độ của

nghệ thuật một dân tộc, một thời đại, bởi: “một nền nghệ thuật mới bao giờ cũng ra đời cùng với con người mới” [35, tr.59].

Quan niệm nghệ thuật về con người có sự thay đổi qua mỗi thời kỳ văn học. Trước 1975, khi đất nước còn chìm trong bom đạn, chiến tranh thì con người được nhìn theo lối sử thi hoá. Ở thời kỳ “ra ngõ gặp anh hùng”, con người luôn được đặt trong mối quan hệ với cộng đồng, với dân tộc. Bất kỳ suy nghĩ, hành động cá nhân nào cũng bị cộng đồng soi xét. Sống có ý nghĩa là sống vì người khác, vì mọi người, vì dân tộc. Hoàn cảnh ấy ảnh hưởng không nhỏ tới người nghệ sĩ. “Giọng cao” là giọng chủ đạo của người nghệ sĩ bấy giờ. Bởi thế cái nhìn giản đơn, phiến diện về con người là không tránh khỏi.

Từ sau 1975, đặc biệt là từ sau 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới thì văn học cũng đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật. Quan niệm nghệ thuật về con người đã có sự chuyển hướng. Lúc này con người đã được nhìn nhận như

“một cá thể bình thường trong những môi trường sống bình thường” [25, tr.231].

Nếu như giai đoạn trước mọi phẩm chất tự nhiên của con người đều bị rũ bỏ thì đến nay lại trở thành mảnh đất phì nhiêu cho những cây bút thoả sức khai phá.

Sự hỗn tạp trong tâm hồn, bản năng tự nhiên, đời sống tâm linh là những miền sáng tác bất tận của người nghệ sĩ. Sự soi chiếu con người từ nhiều chiều kích, góc độ như thế nhằm “tìm ra con người bên trong con người”, đem lại cái nhìn toàn diện về con người cho văn học.

2.1.2. Một số biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ trong tiểu thuyết Y Ban

Hơn hai mươi năm cầm bút, Y Ban trình làng 15 tập truyện ngắn gồm hơn 100 truyện ngắn và 120 truyện ngắn mi - ni, ba tập truyện vừa và ba tiểu thuyết.

Có thể nói, hầu hết các nhân vật trong truyện ngắn của Y Ban đều là phụ nữ. Đặc

tính này được thể hiện trong hàng loạt sáng tác của bà, chẳng hạn như: Người đàn bà có ma lực, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Uớc mơ của cô bán hàng rong, Thiếu phụ và những đôi cò, Đứa con và người đàn bà tàn tật, Người đàn bà sinh ra từ bóng đêm, Biển và người đàn bà xấu xí, Người đàn bà và những ước mơ, Uớc mơ của chị Tĩn, I am Đàn bà… Trong lĩnh vực tiểu thuyết, từ tiểu thuyết đầu tay Đàn bà xấu thì không có quà (2004) đến Xuân Từ Chiều (2008) và gần đây nhất là Trò chơi huỷ diệt cảm xúc (2012), đối tượng thẩm mĩ đặc thù của Y Ban vẫn là kiếp phận đàn bà.

Có thể nói, thân phận người phụ nữ như là một duyện nợ đầy ám ảnh của Ban. Đúng như nhà văn tâm sự: “Tôi thích viết về phụ nữ và những vấn đề của phụ nữ hiện đại. Tôi cũng rất thích đến mổ xẻ đến tận cùng tâm lý của người đàn bà hiện đại. Họ thông minh, giỏi giang nhưng vẫn luôn cần một cuộc sống tình cảm phong phú. Tôi không thích sự cực đoan và cô đơn. Tôi thích người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình, nhưng người đó cũng yêu và hiểu về tình yêu” [14].

Thân phận đàn bà hiện ra trong sáng tác của nữ nhà văn được xem là “đàn bà nhất trong mọi đàn bà này” thật phong phú: những cô gái thôn quê, những người đàn bà thành thị, người phụ nữ ít học hay có học vị và địa vị xã hội cao, những người phụ nữ bình thường hay khuyết tật, lỡ dở… Mỗi người một cảnh đời, một số phận. Nhưng cho dù họ là ai thì với Y Ban họ đều có điểm chung muôn thủa: kiếp đàn bà là kiếp đời bi kịch, khổ đau, bất hạnh. “Đời nào thì phụ nữ cũng chịu thiệt thòi em ơi. Nhà nghèo cũng tại mình, chồng hư cũng tại mình, không con không cái cũng tại mình”, “Kiếp đàn bà bọn mình khổ thế” [5]. Chính vì thế, hầu hết nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của bà là người phụ nữ bất hạnh.

Dường như không có một nhân vật nữ nào trong tiểu thuyết của bà có được hạnh phúc trọn vẹn. Khổ đau luôn bám diết lấy số phận của họ. Y Ban đã hướng ngòi

bút vào những mảnh đời, những thân phận đàn bà với những nỗi đau cũng rất đỗi đàn bà trong cuộc sống hiện đại: họ không khổ về vật chất thì cũng khổ về tinh thần. Không khổ trong tình yêu thì cũng khổ trong gia đình. Không khổ vì những gã đàn ông thì khổ vì chính sự cầu toàn của bản thân. Không khổ vì sự trớ trêu của tạo hóa thì lại bất hạnh bởi sự xô đẩy muôn mặt của cuộc sống đời thường.

Không chống chếnh bởi những sự lựa chọn, giữa trách nhiệm bổn phận và khao khát của bản thân thì lại chìm ngập trong những đớn đau, mất mát, thiệt thòi.

Y Ban viết về thân phận đàn bà bằng những rung động từ trái tim, về nỗi đau và bi kịch của họ, bằng sự cảm thông sâu sắc của người phụ nữ. Những trang viết của bà lúc là sự đồng cảm hay xót xa, khi lại như đang sẻ chia những gánh nặng, những éo le với những người đàn bà bất hạnh bằng trái tim ấm nóng của người đồng giới.

Cũng có lúc ngòi bút Y Ban gay gắt bạo liệt, đó là lúc bà lên tiếng để bảo vệ cho nhân vật của mình khỏi những bất công. Yêu thương những người phụ nữ, Y Ban luôn muốn đòi quyền bình đẳng cho họ: “Người phụ nữ Việt Nam hôm nay vẫn bị giằng xé giữa cái tam tòng tứ đức và cái quyền con người, quyền của người phụ nữ hiện đại. Vì vậy mà trong hoàn cảnh này nhân vật của tôi vin vào tam tòng tứ đức, trong hoàn cảnh khác lại vin vào cái quyền con người hiện đại, và tôi nghiêng về bên người phụ nữ phải được sống như cái quyền họ được sống” [2]. Cũng bởi vậy mà người phụ nữ trong sáng tác của Y Ban còn là những con người bản năng yêu và khát vọng sống mãnh liệt. Trong mỗi tác phẩm của bà luôn xuất hiện hình ảnh người đàn bà khao khát một tình yêu hoàn hảo và tuyệt mĩ. Họ mong muốn được cảm nhận hết những cung bậc và sắc thái muôn màu của tình yêu. Họ cũng cần một người đàn ông lí tưởng để đem lại cho họ những cảm giác thăng hoa trong tình yêu và những rung động hạnh phúc. Với Y

Ban, hạnh phúc của người phụ nữ thật giản đơn. Hạnh phúc là được có một gia đình với một người chồng và những đứa con để chăm lo; là được giao cảm với mọi người, đem hạnh phúc đến cho mọi người; là sự đồng điệu của những tâm hồn biết chia sẻ, cảm thông lẫn nhau. Cùng với khát khao hạnh phúc, người phụ nữ theo quan niệm của bà còn là những con người có những khát khao rất bản năng, rất con người. Cuộc sống càng văn minh, con người ngày càng có những đòi hỏi cao hơn cho mình. Mong muốn được giải phóng cho cái phần bản năng sâu thẳm nhất, hoang dại nhất, sơ khai nhất để cảm nhận những điều tốt đẹp mà tạo hóa đã ban tặng. Đó cũng là xu hướng trở về với con người tự nhiên bản thể, sống chân thực với chính mình. Cho nên trong tiểu thuyết của mình, Y Ban muốn những người đàn bà ấy phải sống cho mình, sống theo cách của mình, cho dù họ có phá cách. Và vì thế, những người đàn bà trong tác phẩm của bà, cho dù khổ đau, mặc cho vẻ bề ngoài khô cứng, có lúc cô đơn đến tận cùng thì bên trong vẫn là trái tim ấm nóng, muốn quan tâm người và muốn được người khác quan tâm. Họ khao khát được sống, được yêu, được là bản thân mình. “Người phụ nữ, theo cảm nhận của tôi, họ chỉ có một tài sản lớn nhất là tấm lòng để bấu víu với cuộc đời. Tôi muốn nói hộ họ những nỗi niềm ấy, để xã hội hiểu hơn và đánh giá đúng hơn vai trò của người phụ nữ” [10].

Bằng lương tâm và trách nhiệm của một người cầm bút chân chính, Y Ban không thể làm ngơ với những nỗi đau cùng giới và với thực trạng xã hội. Bà chắt chiu tìm kiếm để đưa lên trang viết của mình cả những mảng sáng và những góc khuất của cuộc đời để soi rọi chúng bằng cái nhìn nhân bản. Bà luôn tôn trọng cuộc sống riêng tư của con người cùng những rung động cảm tính, bản năng của họ. Với bà, điều quan trọng nhất vẫn là sự nhân ái, tính nhân bản đọng lại sau mỗi tác phẩm: “Cách hành văn, các chi tiết nhiều khi rất bạo liệt, nhưng đọng lại

là sự nhân ái. Tôi viết về cái xấu, cái ác là để người ta căm ghét nó và muốn sống đẹp hơn, viết về sự đổ vỡ để gợi lại niềm tin yêu cuộc sống” [10]. Viết bằng sự thấu hiểu, sự cảm thông của một nhà văn nữ, Y Ban thể hiện những niềm khao khát khôn nguôi về bến bờ hạnh phúc, về sự bình yên trong tâm hồn người cùng giới.

Tóm lại, người phụ nữ trong tiểu thuyết của Y Ban là những con người được chú ý khai thác trên nhiều bình diện, nhiều khía cạnh khác nhau, ở cả những khuất khúc trong tâm hồn, tình cảm và chiều sâu thân phận. Người đọc dễ nhận ra người phụ nữ trong tiểu thuyết của bà là những con người bất hạnh, con người khát khao, con người bản năng – đó là phần bí ẩn trong người phụ nữ mà nhà văn muốn khám phá và tìm hiểu. Được xem là “người đàn bà nhất trong mọi đàn bà”, lại là nhà văn tiêu biểu cho tinh thần vì phụ nữ, Y Ban đã giúp người đọc hình dung về một thế giới đàn bà thật bí ẩn, chênh vênh mà cũng đầy yêu thương và đức hi sinh cho nhân loại. Ai đó đã từng ví thế giới đó như một cái chợ đủ loại, đủ màu, cái nào cũng tươi mơn mởn như rau buổi sáng mới hái, cá mới vớt dưới sông lên,… nghĩa là vẫn tươi nguyên sức sống. Khai thác người phụ nữ ở những khía cạnh: bi kịch, khát khao và bản năng, Y Ban đã cho người đọc thấy quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ hiện đại, tuy không thật mới mẻ nhưng mang những nét riêng biệt. Đây chính là cơ sở làm nền tảng cho thế giới nhân vật phong phú, phức tạp của nhà văn xuất hiện và cũng là nguyên nhân khiến các tác phẩm của bà tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết y ban (LV00894) (Trang 29 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)