Chương 2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT Y BAN
2.2. Các kiểu nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban
2.2.4. Nhân vật tha hóa
Văn học là loại hình nghệ thuật đặc thù, quan tâm và thể hiện đời sống con người ở nhiều góc độ, nhiều phương diện. Nói cách khác, văn học là những câu chuyện về cuộc đời, về những con người cụ thể. Ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn văn học khác nhau, số phận con người cũng được quan tâm theo những cách thức khác nhau. Văn học hiện đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm bí ẩn của từng cá nhân con người. Sau Đổi mới, Y Ban là một trong những nhà văn có ý thức và có khả năng phản ánh chân xác về hiện thực và con người, nhìn nhận vấn đề theo tất cả các chiều kích khác nhau. Nhịp sống hiện đại với những mặt trái của nó đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và số phận của những người đàn bà. Y Ban không chỉ thể hiện nỗi đau của người đàn bà trong xã hội hiện đại mà còn bộc lộ nỗi đau của mình trước sự tha hóa của mỗi cá nhân. Với Y Ban, thế giới con người thật muôn màu muôn vẻ. Đời sống nhân vật trong sáng tác của bà cũng vì thế mà bị ảnh hưởng và chi phối từ nhiều phía. Có khi là những áp lực từ hoàn cảnh sống từng ngày từng giờ vật lộn với cơm áo gạo tiền, từ hệ quả của quá trình hiện đại hóa nông thôn quá nhanh, từ chính những thị phi nơi công sở, hay từ chính sự cảm nhận, suy nghĩ về cuộc sống của những trí thức… Tìm hiểu nhân vật tha hóa trong các sáng tác của bà tức là tìm hiểu nhân vật theo chiều hướng phát triển và biến đổi của nó, mà ở đây là sự phát triển,
biến đổi theo chiều hướng ngày một xấu đi. Nói cách khác, nhân vật chịu sự chi phối của môi trường và dẫn đến tha hóa.
Mây trong Trò chơi huỷ diệt cảm xúc là một cô gái thôn quê, tuy sáng dạ
“học đến đâu biết đến đấy” nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên chỉ dám “thi thoảng lại mơ mộng nghĩ đến những đám mây đẹp lảng bảng trên trời chiều và ước ao thành phố” [6, tr.52]. Mười tám tuổi, Mây lấy chồng, cuộc sống vợ chồng tuy không sung túc nhưng được “cô vợ tần tảo, anh chồng cũng chịu khó. Bốn năm hai đứa trẻ con ra đời” [6, tr.53]. Cuộc sống như vậy với Mây cũng đã là hạnh phúc. Một hạnh phúc bình dị như vậy cũng là mong ước của Mây cũng như bao cô gái khác nơi chốn quê. Nhưng “bụi mây trong vườn của mẹ” ấy đã phải chịu đựng tất cả những bi kịch đau đớn nhất khi có “dự án sinh thái nhà vườn về làng”. Dự án bỗng chốc biến cái làng quê nghèo “ruộng vườn thành biệt thự, nhà tầng cao chọc trời”. Những thói quen bao đời bỗng chốc đổi thay, những mặt trái của cuộc sống hiện đại len lỏi vào từng ngõ ngách thôn xóm và mỗi gia đình gây ra bao hệ lụy đáng tiếc. Cuộc đời Mây kể từ đó mà đen tối dần. Có tiền, anh chồng Mây đang hiền lành là vậy bỗng đổ đốn: tiêu tiền không tiếc tay, lúc nào cũng trong trạng thái say khướt, để rồi trở về nhà là hành hạ vợ con. “Cả ngày chẳng làm gì chỉ tụ bạ để uống rượu. Đêm mới về nhà. Nếu say khướt thì đổ đùng ra giường ngủ như chết. Nếu còn tỉnh thì lôi Mây ra hành hạ. Vẫn cái thói véo đùi non của vợ. Hai bên đùi non của Mây tím ngơ tím ngắt… Mây khốn khổ với sự hành hạ của chồng” [6, tr.58]. Cuộc sống đã đẩy Mây đến con đường cùng quẫn. Không tiền, không tình yêu. Không hạnh phúc. Vây bủa Mây là sự tra tấn của chồng mỗi ngày. Cô muốn chạy trốn khỏi cuộc sống của chính mình. “Mây khóc vì thương thân. Ôi cái bụi mây ở trong vườn nhà cha mẹ. Cho con về nhà làm bụi mây đi bố mẹ. Thương lấy thân con gái đi bố mẹ” [6, tr.59]. Người đàn
bà ấy, cũng bởi phải tự vệ, và không thể chịu đựng được khi nhìn thấy chồng như con thú hành hạ vợ con, trong lúc bột phát đã phạm tội giết chồng. Cuộc sống đã đẩy cô đến con đường không lối thoát. “Ơi cái bụi mây quấn quýt trong vườn nhà mẹ. Mọi con đường đều chặn cả rồi, chỉ có nhà tù là mở cửa” [6, tr.60].
Cuộc đời Mây gợi lên trong người đọc niềm chua xót, đáng thương hơn đáng trách. Cuộc sống hiện đại phơi bày ra nhiều mặt trái của nó: những bất trắc trong gia đình, suy thoái về đạo đức, nhân cách, thuần phong mĩ tục, những tiêu cực xã hội. Trong các trang viết của mình, Y Ban đã biểu thị thái độ đầy lo ngại và bi quan trước một thực trạng nhiều bất ổn, bất công. Trên cái phông nền ấy, phụ nữ phải trực tiếp gánh chịu hậu quả nhiều nhất và khốc liệt nhất.
Từ trong Xuân Từ Chiều là một phụ nữ trí thức, thông minh, nhanh nhẹn, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, khả năng và năng lực có thừa, như lời nhận xét của cô giáo ở văn phòng khoa: “Em học giỏi thế này, ở lại trường rồi chuyển tiếp sinh, vài năm thôi là có bằng phó tiến sĩ” [5, tr.68]. Nhưng Từ không thể xin nổi việc làm trong cái thời buổi khó khăn, hàng loạt các cơ quan nhà nước đều giảm biên chế. “Mà đâu phải chỉ có mình con Từ, ối người học hành tử tế kia kìa. Bây giờ cơ quan nào cũng giảm biên, không có việc làm. Vậy thì sống bằng gì? Bảo ở quê còn có ruộng chứ ở phố cày đường nhựa lên à?” [5, tr.100].
Cả hai vợ chồng Từ đều không có việc, lại thêm đứa con mới sinh. Cuộc sống xô đẩy, cái bằng loại ưu rốt cuộc cũng xếp vào một xó để trở thành công chức vỉa hè, bán xôi chim kiếm sống, bởi “thời buổi này đứa chó nào chả hai tay dày lỗ miệng” [5, tr.101]. Vì miếng cơm manh áo thường ngày mà con người ta chấp nhận thay đổi mình, chấp nhận cất đi cái mác trí thức để sống cho bình thường trước đã. Từ chấp nhận hết miễn là có tiền để duy trì cái gia đình bé nhỏ của mình. Từ xoay xở, vật lộn, bươn chải với cơm áo, chật vật giằng co níu giữ tình
yêu và hạnh phúc. Ra nhập đội quân “công chức vỉa hè”, Từ nếm trải mọi sóng gió đời thường của người phụ nữ, tiếp xúc với đủ những hạng người. Xót xa thay
“có con gái cho ăn học tử tế, chắc được lấy chồng tử tế chứ đâu ngờ lại phải ra đường kiếm sống thế này. Đấy, mình có học hành tử tế mà phải hàng ngày tiếp xúc với những người vô văn hóa” [5, tr.102]. Cô đã bao phen dở khóc, dở cười trong cuộc mưu sinh. Cái văn hóa vỉa hè ấy đã nhào nặn Từ, biến Từ thành một con người khác. “Bây giờ thì cái máu đề đóm đã ngấm vào máu Từ rồi. Tối nào Từ cũng sang nhà Yến chầu từ sáu giờ hai lăm. Khi các con số bắt đầu hiện ra tim Từ như ngừng đập. Từ nín thở. Rồi thì hét lên sung sướng. Sướng thì không biết có gì sướng hơn thế nữa không. Thượt thì không biết thượt đến đâu nữa” [5, tr.121]. Sự quan tâm mỗi ngày của Từ là sự nhảy múa của những con số đỏ đen may rủi và vui buồn, sung sướng với nó. Thậm chí “Bống lớn lên thì thâm niên của công chức vỉa hè và công dân đề đóm của Từ càng cao. Từ không mảy may nghĩ ngợi gì về hai thân phận mình đang mang vác trên đôi vai của người trí thức. Từ cứ mặc nhiên nghĩ rằng mình làm thế là đúng, chẳng có gì sai trái cả.
Thì thiên hạ họ làm cả đấy thôi, nào có riêng gì mình Từ đâu” [5, tr.129].
Cuối cùng, Từ cũng xin được vào làm việc ở một trung tâm nghiên cứu xã hội học. Từ đã miệt mài, nghiên cứu làm đề tài: về đám đông, về sự vô cảm, về xã hội xe máy,…Nhưng khốn khổ thay, đề tài nào của cô cũng không được cấp trên xét duyệt, thông qua.
Không chỉ khổ sở do sự xô đẩy của cuộc sống đời thường mà Từ còn khốn khổ bởi cô luôn khát khao đem sự hiểu biết, tài năng của mình cống hiến cho xã hội nhưng không có cơ hội. Mệt mỏi, thất vọng, Từ đã bàn với Xuân về quê mua đất trồng cam. Với Từ, có lẽ, chỉ có đề tài “cam” là hay hơn cả mà thôi. Có thể
xem Từ chính là hình ảnh người trí thức bị lãng quên bên vỉa hè trong xã hội hiện đại.
Đọc Trò chơi huỷ diệt cảm xúc, ta bắt gặp một trưởng ban biên tập, phó chủ tịch công đoàn, chỉ vì mắc tội không làm vừa ý sếp, thẳng thắn dám nói ra sự thật, “kiêu căng tự phụ vô pháp vô thiên” dám chống lại thủ trưởng, dám sửa những lỗi sai trong bài viết của thủ trưởng để đến mức bị đề xuất hình thức kỉ luật: “Ngừng bồi dưỡng kết nạp đảng viên vĩnh viễn; Xem lại tư cách trưởng ban; Xem lại tư cách và đề nghị bãi miễn phó chủ tịch công đoàn” [6, tr.90].
Không muốn vướng vào vòng xoáy của kiện tụng, cho dù gần hai mươi năm cống hiến và là công chức nhà nước, Linh đã phải viết đơn xin nghỉ việc. Cứ tưởng cuộc sống mỗi ngày tốt đẹp hơn, thế mà vẫn còn những cảnh thủ trưởng đem nhân viên dưới quyền ra “đấu tố”, không khác gì thời cải cách ruộng đất.
“Không khác đâu anh ơi. Anh phải ở trong cuộc, anh phải chứng kiến cái cảnh những đồng chí của mình buộc (hoặc tự nguyện) chỉ vào mặt đồng chí của mình nói ra những tội không có của đồng chí mình vì sợ thủ trưởng hoặc lấy lòng thủ trưởng” [6, tr.92]. Để rồi, một trưởng ban biên tập tài năng, một phó chủ tịch công đoàn công tâm lại phải chấp nhận ra vỉa hè “làm thúng xôi” để kiếm sống, với niềm tin “chắc ngoài vỉa hè họ không có cái kiểu đấu tố như vậy” [ 6, tr.92].
Những người phụ nữ thành đạt, tưởng như đã có đủ đầy những thứ cần thiết: một đời sống vật chất đầy đủ, gia đình căn cơ nhưng vẫn luôn cảm thấy trống vắng trong cõi lòng. Đó là sự tha hóa trong đời sống tinh thần. Kim (Trò chơi huỷ diệt cảm xúc) đã tự thú nhận: “Anh biết đấy, một người đàn bà nhiều chữ trong đầu thường có tâm hồn rất phức tạp. Em cũng là một người phụ nữ như thế” [6, tr.103]. Chính cái khát khao rất đỗi con người đã đẩy người phụ nữ ngỡ là thành đạt này phải bung ra đi tìm những chân trời mới. Chị nhận thấy
cuộc sống vợ chồng ngày càng tẻ nhạt. Cuộc sống xung quanh thật đáng thất vọng: sự vô cảm của người đời, những đám đông chìm ngập trong lối sống ô trọc và bệnh hoạn, quá trình công nghiệp hóa nông thôn một cách vội vàng dẫn đến bao con người bất hạnh, những thị phi nơi công sở… Bắt đầu bằng việc nhận lời tham gia trò chơi trên mạng, cô tiến sĩ giỏi giang tháo vát bỗng chốc bị cuốn vào một cuộc tình không biên giới. Kim cảm giác như mình đã yêu được một người tình trong mơ, một tình yêu đích thực. Họ đã nói cho nhau tất cả mọi vấn đề.
Tình yêu của họ đẹp như mơ và cũng ghen tuông đủ mọi thứ. Nhưng trò chơi cuối cùng cũng phải kết thúc và cô đã trở thành người thắng cuộc với một trăm nghìn đô la Mỹ. Nhưng cô không cảm thấy thú vị mà trái lại có cảm giác như mình đã chết, không còn một cảm xúc nào. “Trống rỗng. Tôi không còn một cảm xúc nào. Tôi đã tham gia trò chơi. Tôi đã giết chết những cảm xúc của mình. Tôi không còn phân biệt nổi đâu là thật đâu là giả. Tôi không còn nhận chân được tôi là ai. Tôi là tôi hay là không ai cả, là Mây là Hoa là Kim là Linh hay quí bà tiến sĩ?” [6, tr.199].
Có thể nhận ra, các nhân vật tha hóa trong tiểu thuyết của Y Ban đều là những con người chịu sự chi phối của hoàn cảnh sống và bản thân con người cũng bất lực trước hoàn cảnh sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng buông xuôi theo số phận mà họ đã cố gắng vật lộn với cuộc sống từng ngày, từng giờ. Y Ban đã đặt nhân vật của mình trong trạng thái đối diện với chính mình, với thực tại.
Chính vì vậy mà nhân vật của bà luôn có sự đấu tranh, giằng co tư tưởng quyết liệt để cố gắng vươn lên trong cõi nhân sinh đầy nhọc nhằn này.