Chương 3. MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT Y BAN
3.1. Độc thoại nội tâm
Độc thoại nội tâm là thủ pháp miêu tả tâm lí và đời sống bên trong nhân vật. Nó cho phép nhà văn đi sâu khám phá và miêu tả những trạng thái tình cảm, những bí ẩn riêng tư trong suy nghĩ, tâm tưởng của con người. Độc thoại nội tâm là phương tiện nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong văn xuôi tự sự.
Các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Độc thoại nội tâm là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [22, tr.122]. Như vậy, độc thoại nội tâm trước hết là lời nói của nhân vật với chính mình, thể hiện những suy nghĩ trong nội tâm của nhân vật.
Trong tác phẩm, nhân vật vừa là người nói vừa là người nghe những tiếng nói bên trong của chính mình. Những dòng độc thoại nội tâm là những khoảnh khắc nhân vật bộc lộ một cách chân thực nhất những suy nghĩ, cảm xúc về thế giới xung quanh và về chính bản thân mình. Độc thoại nội tâm là tiếng nói chân thành nhất xuất phát từ đáy lòng nhân vật, là những âm hưởng của cảm xúc được dội lên từ bên trong. Vì thế, ngôn ngữ độc thoại nội tâm giúp người đọc khám phá phần sâu kín nhất trong tâm hồn nhân vật.
Xuất phát từ tính chất hướng nội, sự phát triển tâm lí phức tạp, mang tính lưỡng lự cùng với sự đa dạng, phức tạp của các quá trình ý thức và vô thức là đặc trưng tinh thần của con người hiện đại nên trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, thấy xuất hiện ngày càng nhiều các tác phẩm thể hiện sâu sắc thế giới nội tâm, thậm chí có tiểu thuyết được thiết tạo hoàn toàn bởi dòng tâm tư. “Sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm trở thành thủ pháp nghệ thuật có hiệu quả trong quá trình tự ý thức của nhân vật, đi sâu vào thế giới bên trong đầy bí ẩn của nhân vật.
Thông qua độc thoại nội tâm, nhà văn mới nhận ra con người là những “vòng sóng đến vô cùng”, bề mặt tưởng như phẳng lặng nhưng lại ẩn chìm biết bao những “sóng ở đáy sông”. Và thông qua độc thoại nội tâm những suy tư, trăn trở, những cảm xúc, uẩn khúc của nhân vật – điều mà không ai có thể biết, có thể hiểu và chia sẻ dần được phơi lộ” [42].
Khảo sát tiểu thuyết của Y Ban, chúng tôi nhận thấy có sự xuất hiện khá dày của yếu tố độc thoại nội tâm. Khi xây dựng nhân vật nữ, Y Ban chú trọng đi sâu vào thể hiện nội tâm hơn là miêu tả vẻ bề ngoài của họ. Bà đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm với những dạng thức khác nhau trong nhiều trạng huống khác nhau để lột tả bản chất bên trong nhiều chiều của nhân vật:
nhân vật nói với chính mình, đối thoại với chính tâm hồn mình, bộc lộ những trăn trở, suy tư, trải lòng mình với người yêu…
Có điều đặc biệt là, khi xây dựng nhân vật nữ, Y Ban thường không đi vào phân tích nội tâm nhân vật mà để nhân vật tự bộc lộ nội tâm của mình. Đọc Y Ban, người đọc như trực tiếp soi thấu được nội tâm của họ, cùng trải nghiệm, cùng suy ngẫm theo dòng ý thức, nội tâm ấy mà không có sự “can thiệp” của tác giả. Trong Đàn bà xấu thì không có quà, Y Ban sử dụng khá nhiều độc thoại nội tâm trực tiếp. Yếu tố độc thoại nội tâm trong nhiều tình huống đã giúp người đọc như soi chiếu được tâm hồn người phụ nữ thiệt thòi về hình thể: “Đọc thư anh Nấm thấy lòng mình thật dịu dàng. Nấm định dỗi mát anh thì anh lại dỗi Nấm.
Vậy anh yêu em thật lòng ư? Em sẽ viết về tình yêu của anh cho em nhé. Em chưa biết tình yêu thật sự như thế nào. Nó có giống như sự tưởng tượng của em không. Và nụ hôn nữa nó có giống như sự tưởng tượng của em không. Nhưng trong tim em đang đầy ắp cảm xúc yêu đương. Em biết rồi khi gặp em anh cũng sẽ như anh rể của em mà thôi. Nếu em là một cô gái hoàn hảo thì tình yêu của em dành cho anh sẽ là một sự ngọt ngào nhất trên đời. Nhưng em lại là một cô gái tật nguyền thì tình yêu đó sẽ là một sự ghê tởm phải không anh. Nhưng anh đã cho em giờ phút lãng mạn nhất. Em đã biết cách gìn giữ nó cho cuộc sống mai kia của em. Và em cũng còn biết cả cái cách tự mang tình yêu đến thỏa mãn cho mình. Cuộc đời có rất nhiều nẻo để sống. Chắc gì cái cách nhân loại đang làm lại có chất lượng tốt hơn cách của em. Nhưng từ đáy con tim em, em vẫn muốn một lần được thực sự yêu anh con người bằng xương bằng thịt chứ không phải là hoài niệm. Chứ không phải là bằng sự tưởng tượng ra. Em lại xa xỉ rồi.
Cuộc đời không cho em nhiều thế đâu” [4, tr. 138-139].
Cõi lòng người phụ nữ tật nguyền được trải ra. Nấm nói với người đàn ông Nấm yêu mà chưa từng gặp mặt nhưng thực ra là đang nói với chính mình. Đoạn truyện giống như một bức thư với những suy nghĩ sâu kín của cô gái đang thủ thỉ, giãi bày với người mình yêu. Nhân vật như được đắm chìm trong cảm xúc yêu đương, rồi lại băn khoăn về tình cảm của mình, rồi lại lo sợ và khao khát.
Những dòng độc thoại nội tâm phơi mở cho người đọc trực tiếp đi vào thế giới nội tâm của Nấm. Thẳm sâu trong nội tâm của nhân vật là những băn khoăn, những suy tư về tình yêu, nỗi lo sợ ám ảnh trong quá khứ lại lặp lại, những khát khao đến cháy bỏng tình yêu và hạnh phúc, tự nhận thấy bi kịch và tự ý thức về thân phận mình. Y Ban đã rất tinh tế khi để nhân vật của mình tự bộc lộ nỗi lòng, như đang trôi theo dòng cảm xúc, tự nói về thân phận mình. Điều này khiến bi kịch của người phụ nữ tật nguyền như Nấm càng trở nên xót xa, day dứt. Người đọc như lặn sâu vào dòng chảy cảm xúc của nhân vật, càng thấu hiểu và sẻ chia với nỗi bất hạnh của người phụ nữ tật nguyền ấy.
Bên cạnh đó, Y Ban còn khắc họa sự bất hạnh của người phụ nữ thông qua những dòng tâm tư của một nhân vật nữ khác, như một hồi quang: “Từ nhìn vào mặt Xuân rồi thầm nghĩ, mặt chị ấy mới giống là mẹ. Còn cái mặt mình sao nhỉ?
Khổ thế, anh chị ấy khao khát một đứa con mà trời không cho. Vẫn biết, trời chẳng cho không ai cả nhưng mà cái lão trời già còn hay ghen nên cứ đẩy con người ta vào cảnh trớ trêu. Hai con người gần như toàn bích, lại yêu nhau đến vậy. Mà lạ, anh chị ấy đã đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác mà các bác sĩ không tìm ra bệnh cho họ. Vẫn cứ một mực bảo họ bình thường. Bình thường sao không có em bé. Mà lại lạ nữa là, chưa một lần kết thai. Lạ thật” [5, tr.49-50]; “Vậy thì sao nhỉ? Từ nghĩ quẩn, hay do cái hồi còn ở khu tập thể ấy, chị Xuân với Từ hay đi chôn những con người chưa được thành người. Rồi thì
nó vận vào người, nhỉ. Nhưng nếu nó vận vào người thì nó phải vận cả với Từ nữa chứ, sao chỉ vận mỗi chị Xuân” [5, tr.51]. Đoạn độc thoại nội tâm diễn tả những băn khoăn, trăn trở của Từ về bi kịch của Xuân. Những câu hỏi Từ đặt ra cho chính mình nhưng đều không thể có lời đáp. Từ nghĩ mãi mà không sao lí giải được nguyên nhân chị Xuân không thể có con. Sự trở đi trở lại trong ý nghĩ của Từ chính là bi kịch không thể hiểu nổi mà Xuân đang chịu đựng.
Trong tiểu thuyết của mình, bên cạnh những dòng độc thoại nội tâm trực tiếp, Y Ban còn sử dụng hình thức độc thoại nội tâm nửa trực tiếp. Ở nhiều tiết đoạn, lời của người kể chuyện như hòa vào lời của nhân vật tạo nên tính nước đôi rất đặc biệt trong giọng văn, lời văn: “Nấm tự nhủ mình hãy cố ngủ đi. Phải ngủ đi nếu không muốn bị một cơn đau đầu khủng khiếp và một cơn khóc nhấn chìm cơ thể. Triệu trứng đã bắt đầu rồi Nấm ơi. Không thể để mình rơi vào trạng thái như vậy. Đau đớn không thể tả, rồi không biết có vượt được qua như các bận trước không? Nếu không vượt qua được mà đầu hàng cơn đau đó thì Nấm lại về với số 0 tròn trịa. Nấm hãy vượt qua đi” [4, tr.102]. Người kể chuyện đan xen trong lời tự nhủ của Nấm. Nấm tự nhủ mình vượt qua cơn đau của số phận hay chính tác giả đang sẻ chia, động viên, khích lệ người phụ nữ tật nguyền này có thêm nghị lực?
Có thể nói, độc thoại nội tâm của Y Ban đã thực sự khơi sâu những sâu kín trong đời sống tinh thần nhân vật. Đây là tâm trạng giằng co trong nội tâm người đàn bà ngoại tình: “Trách ai? Tiên trách kỉ hậu trách nhân. Giận ai? Ai làm gì nên cơ sự. Ả chẳng cũng đi hẹn hò với người đàn ông khác đó thôi. Vì sao? Vì sao ư? Vì chồng không biết nói những lời ngọt ngào với vợ. Vậy vợ có biết nói những lời ngọt ngào với chồng không? Nhưng người đàn ông ả hẹn hò chỉ là những lời nói, chưa một lần gặp nhau, chưa một lần lần cầm tay nhau,
chưa một lần hôn nhau và chưa một lần làm tình với nhau. Vậy chồng và người đàn bà kia? Đã gặp nhau? Đã cầm tay nhau? Đã hôn nhau? Đã ngủ với nhau?
Một lần, hai lần, ba lần… Khi làm tình với chồng mụ có rên lên Giời ơi… Bộ mặt của chồng có như cánh đồng sau vụ gặt? Có chứ. Sao lại không. Với mảnh ghép của ả chưa một lần gặp mặt, chưa một lần hôn nhau, làm tình với nhau nhưng lại có hàng ngàn từ yêu, hàng ngàn nụ hôn và hàng trăm từ làm tình. Bằng con chữ có khác gì với thực tế?” [6, tr. 46-47]. Đoạn độc thoại nội tâm như có mặt của hai con người: con người lý trí và con người cảm xúc với những lời lẽ lên tiếng buộc tội và lời biện minh cho việc ngoại tình của “ả”.
Y Ban đã nắm được những quy luật tâm lí và diễn đạt những quy luật ấy của nhân vật hết sức tường tận, tỉ mỉ, sâu sắc. Đó là sự đấu tranh căng thẳng giữa lý trí và cảm xúc, giữa có và không đang trào dâng trong con người Nấm:
“Chẳng nhẽ Nấm sẽ sống cuộc đời đồng trinh cho đến chết ư. Không, trong những nhân vật của tiểu thuyết thì thần tượng của Nấm không bao giờ là những cô gái trinh trắng. Nấm thích một tình yêu mạnh mẽ… Nếu bây giờ người đàn ông đã từng đề nghị cho Nấm thử một lần mà có mặt Nấm sẽ không ngần ngại để thử với ông ta một lần tới bến” [4, tr. 53-54].
Những trăn trở của nhân vật về cuộc đời cũng được thể hiện bằng những dòng độc thoại nội tâm: “Người đàn bà nghĩ về nước. Sự sống của con người bắt đầu từ nước. Nước là sự sống còn của con người. Nước bao bọc con người.
Nước rửa sạch những nhơ bẩn. Những cô gái làm nghề kị cọ cho những người đàn ông, họ nhơ bẩn hay họ sạch sẽ? Họ nhơ bẩn nhưng nước có gột sạch sự nhơ bẩn cho họ?” [6, tr. 78-79].
Đoạn độc thoại nội tâm diễn đạt mạch cảm xúc của người đàn bà. Đó chính là nỗi ám ảnh, sự khắc khoải, day dứt về những số phận của những cô gái
làm nghề “tắm kì” nơi miền quê có suối nước khoáng nóng. Số phận những cô gái đáng thương ấy sẽ đi về đâu, làm sao gột sạch được những nhơ bẩn đang hàng ngày bám riết lấy số phận của những cô gái ít học ấy. Những suy tư ấy thể hiện trách nhiệm của nhà văn với thân phận con người, về ranh giới mong manh như làn nước giữa “sạch sẽ” và “nhơ bẩn” vốn hiện hữu đầy phức tạp trong cuộc đời này.
Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Y Ban hầu hết là con người của cuộc sống đời thường. Cuộc sống với những lo toan thường nhật khiến họ luôn phải trăn trở, nghĩ suy, cho dù là việc rất nhỏ. Độc thoại nội tâm như một cánh cửa dẫn người đọc vào đời sống tâm hồn hết sức phong phú ấy. Đó có thể là sự day dứt chợt thoáng qua trong lòng người phụ nữ trước sự vô cảm của cuộc đời và của chính mình, với mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành động của bản thân: “giảm ga và dừng lại”, “giá có người nào dừng lại giúp đỡ cụ già. Tôi nhả tay ga thả dốc” [6, tr.16]. Đó là sự nghi ngờ về bản thân mình, cảm giác không làm chủ được bản thân mình: “Từ không hiểu tâm trạng mình đang mang là gì. Bảo tiếc tiền ư? Không phải. Bảo ân hận ư? Không đúng. Bảo chán ghét bản thân ư?
Không hẳn. Cái tâm trạng không thể nào tả được. Giá mà cái tâm trạng này gọi được thành tên thì còn đi một nhẽ” [5, tr130]. Đó là sự trăn trở của người phụ nữ trong cuộc mưu sinh: “Từ tự vấn bản thân, sao mình thay đổi nhiều thế, trước đây mình mơ mộng thế, nay thì chỉ nghĩ đến tiền. Có phải vì tiền mà mình thay đổi đến thế không?” [ 5, tr. 147], “Trong bóng tối Từ cười một cách chua chát, thì ra mình cũng là kẻ mơ mộng đấy chứ, thích kiếm tiền bằng cách đánh đề” [5, tr. 148]. Đó còn là sự tự ý thức về giới, về quyền sống hạnh phúc của người phụ nữ: “Sao không? Mọi cảm xúc của con người đều đang được nhân loại hoàn thiện cơ mà. Tại sao cái cảm xúc này luôn bị che giấu” [6, tr. 246].
Nỗi lo của người mẹ về cuộc đời của đứa con yêu cũng được thể hiện bằng những dòng tâm tư hết sức chân thành: “Trong sâu thẳm Từ nghĩ thương con cháy lòng. Cái thời đại con đang sống có rất nhiều biến động. Những biến động khôn lường. Liệu với chỉ tấm lòng mẹ có che chở được cho con không. Ngay cả bố mẹ của con đây, cũng không như những bố mẹ khác, khi trong lòng mỗi người đều đau đáu về những hoài vọng lớn lao khác của cuộc đời, để đến lúc không còn nghĩ đến con, chứ đừng nói là hi sinh vì con cái như những bậc sinh thành ngày trước, liệu con có bị tổn thương không, liệu con có hiểu được cho nỗi lòng của bố mẹ không. Bống ơi con cố hiểu cho tấm lòng của mẹ nhé ” [6, tr.209]. Độc thoại nội tâm đã thể hiện nỗi lòng, sự lo lắng đầy trách nhiệm của người mẹ trước cuộc đời của đứa con thơ…
Trong Đàn bà xấu thì không có quà và Trò chơi hủy diệt cảm xúc, Y Ban còn để nhân vật của mình bộc lộ thế giới nội cảm qua những lá thư online. Chọn hình thức viết thư cho người đàn ông xa lạ chưa từng gặp mặt, thậm chí là một con rô - bốt đã được lập trình là một sáng tạo riêng của Y Ban trong thể hiện nội tâm nhân vật nữ. Trong thế giới ảo này, người phụ nữ được sống với chính mình, được phơi bày hết những tâm sự của mình. Những nỗi niềm sâu kín nhất trong cõi lòng người đàn bà chất chứa bao ngày có dịp được thể hiện: khát khao được yêu thương, những suy nghĩ về cuộc sống, về tình yêu, hạnh phúc, những khó khăn trong công việc, sinh hoạt vợ chồng, ghen tuông, ngoại tình…
“Anh hỏi em có bao giờ cô đơn hay không? Em không biết em có cô đơn hay không? Em luôn luôn cười. Em đã học được cách vừa khóc vừa cười. Nước mắt em tràn mi nhưng môi em vẫn nở nụ cười. Em vẫn cười khi tim em đang chảy máu. Em vẫn không hiểu tại sao em lại như vậy. Ngay cả với những người thân em không bao giờ nói ra những điều em nghĩ, những điều em muốn họ làm
cho em. Em cứ nghĩ rằng tự họ phải nghĩ ra cách để thể hiện tình yêu với em. Họ phải nghĩ ra trong đầu, em đang nghĩ và điều gì làm em thích. Họ đã không bao giờ nghĩ ra. Nhất là chồng em, không bao giờ anh ấy biết em đang cần cái gì, em đang khao khát điều gì, em đang đau đớn ở chỗ nào. Anh ấy chẳng bao giờ biết nói một lời ngọt ngào với em. Hình như chưa bao giờ anh ấy nói anh ấy yêu em…” [6, tr. 129-130].
“Em là công chức ăn lương. Nhưng lương chỉ đủ sống trong mười ngày.
Thêm nữa, em đang vấp phải một vấn đề khó khăn. Thủ trưởng muốn loại em ra khỏi cơ quan vì em dám chống lại thủ trưởng…” [6, tr.166].
“Em cũng đang yêu một người khác. Chồng em cũng đang yêu một người khác. Em biết điều đó. Em đã đau đớn. Em đã kết tội anh ta. Nếu anh ta cũng biết rằng em đang yêu một người khác. Anh ta sẽ đánh đập, chửi rủa và li dị. Em không biết. Em cũng không hiểu vì sao em và chồng vẫn duy trì cuộc hôn nhân này. Vì các con?... nếu không có tình yêu của anh, em đã li dị chồng. Vì tình yêu của anh, em đã tha thứ cho chồng. Em đã nhìn cuộc sống giản dị và bao dung”
[6, tr.162].
Qua những bức thư, người phụ nữ hiện lên với đầy đủ những tốt, xấu, những khát khao, dằn vặt, trăn trở… Người đọc trực tiếp thấy được những góc khuất của con người, những vùng sâu kín được giãi bài và nhân vật như “trút được những tiếng thở dài của mình”. Đây chính là sự sáng tạo của nhà văn trong đổi mới hình thức ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật.
Sử dụng độc thoại nội tâm, bên cạnh các hình thức thể hiện truyền thống, Y Ban đã có những sáng tạo riêng trong cách thể hiện của mình. Dòng ý thức cũng được tác giả quan tâm đến. Trong nhiều tình huống, bà đã để nhân vật trôi theo dòng cảm xúc với những đan xen lẫn lộn nhiều chiều các suy nghĩ khác