Ngôn ngữ thông tục, đời thường

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết y ban (LV00894) (Trang 86 - 95)

Chương 3. MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT Y BAN

3.2. Ngôn ngữ thông tục, đời thường

Từ sau 1975, văn học với những bước chuyển biến trong tư duy nghệ thuật kéo theo đó là sự đổi mới trên nhiều bình diện: từ đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người đến những cách tân về thi pháp. Mỗi tác giả có một cách nhìn, cách đào sâu hiện thực riêng không ai giống ai nhưng họ lại bắt gặp ở nhau về hình thức thể hiện ngôn ngữ - đó là tính hiện đại trong ngôn ngữ trần thuật. “Khác với sự “mĩ hóa” thế giới trong văn xuôi giai đoạn 1945-1975, văn xuôi sau 1975 có xu hướng diễn tả thực tại trong những trạng thái tục tằn thô nhám nhất của nó.

Thể loại ngôn từ văn học, theo đây cũng có những biến đổi căn rễ. Xu hướng thông tục hóa phi thẩm mĩ ngôn từ trong văn xuôi sau 1975 trước hết gắn liền với thái độ giải thiêng của nhà văn: giải thiêng đấng bậc và giải thiêng chính văn học, và tiếp theo, đây còn là vấn đề quan niệm của nhà văn với ngôn từ. Như một qui luật, khi tiếng hát trở thành tiếng nói, tiếng nói trở thành tiếng nói tục, ngôn

ngữ văn xuôi được bình dân hóa, trở về gần với đời thường, cơ bản không còn sự trang trọng, ước lệ, véo von” [40].

Đọc tiểu thuyết Y Ban, có thể nhận thấy, bà thường xuyên sử dụng kiểu ngôn ngữ hiện thực đời thường nên tiểu thuyết của bà tựa như bức tranh chân thực về đời sống.

Trước hết, Y Ban đưa vào tác phẩm của mình những tiếng nói của cuộc sống thường nhật với sự dung nạp của nhiều khẩu ngữ. Trong cả ba tiểu thuyết, ta đều dễ bắt gặp hàng loạt những ngôn từ, những câu nói mà có lẽ ngoài đời chẳng mấy ai là không biết, kiểu “lời cửa miệng”. Đó là lời của người đàn bà khi nói về kiếp người “non” của mình: “Cái kiếp người non của tôi chỉ đầy đủ cuộc sống của tôi. Non này không phải để diễn tả cái ngon chảy nước dãi của gái một con cải ngồng non, cũng không phải chỉ sự non nớt của trí tuệ, non nớt của cuộc sống. Nói trắng phớ thì cách dùng từ non cho kiếp người của tôi là sai, đại sai…

Tôi non vì mơ mộng. Tôi bị đẩy phọt ra thành phố trong cái kiếp người non non dại dại…” [6, tr.14]; “Thì nó cũng là thằng có chí, vợ có bảo giời mà nó không có chí thì cũng vứt” [5, tr.30]; “Thôi bà đừng có ước này ước nọ, cứ nói trắng phớ cho thiên hạ biết nhà này vô phúc, cưới phải con dâu như vậy…. Đàn bà mà không biết đẻ con thì vứt đi” [5, tr.86]. Cũng có khi là ngôn ngữ vỉa hè của dân chơi đề mà Từ có tham gia: “Thì tất nhiên, nó thu tiền tươi thóc thật thì mình cũng phải lĩnh tiền tươi thóc thật chứ” [ 5, tr.117].

Hay những lời bàn tán của đồng nghiệp về số phận tật nguyền của Nấm:

“ - Ối giời ôi người nào cũng nói thế nhưng chẳng may có bị vẫn sống nhăn có ai dám chết đâu. Con người thích ứng hoàn cảnh nhanh nhất trong các loài vật đấy.

- Nói đúng lắm. Như em Nấm nhà mình kia. Lắm lúc nghĩ dại mình mà bị như em ấy rồi không có tình yêu thì chết quách cho xong” [4, tr.50].

Cùng với việc đưa vào tác phẩm của mình những chất liệu đời thường, ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Y Ban nhiều khi còn mang vẻ thô nhám, suồng sã, bỗ bã của lời ăn tiếng nói hàng ngày. Mảng từ vựng này tràn vào câu chuyện một cách tự nhiên, dường như không qua khâu xử lí. Chẳng hạn:

“ - Đêm qua không có con thì con này hôm nay đã ò í e rồi. bị ngất trong nhà tắm. Con lôi mãi mới đặt được lên giường. Con ôm cả đêm mà người vẫn lạnh như thây ma.

Mẹ chồng bảo:

- Mày ngu quá. Sao không gọi tao. Phúc con này dày. Mày lôi được lên giường mày tưởng đã cứu sống được à. Mày ngu không biết thì phải gọi mẹ chứ. Phúc con này dày nên mới không chết” [6, tr.14].

Hay:

“Chị Xuân bảo, mắt chó giấy rồi, say đứ đừ rồi” [5, tr.74].

“Tưởng gì, thế mà không sang lều vịt đây làm cho cái là ngủ liền” [5, tr.218]

“Cái cô Từ mà lọt vào đấy mà đòi mua rẻ bán đắt í à, đừng có mà mơ.”

[5, tr.223]

Ối dào, cái giống đàn bà xứ này quen bị coi như con chó rồi, nên được đưa lên là người thì lại chê nhạt.” [ 5, tr.253]

Ở nhiều đoạn, sự hài hước trong cái chất dân dã đời thường ấy lại tạo ra một cảm giác rất gần gũi, thân quen: “Từ thường gặp những bộ mặt khác nhau của chồng, lúc xí xớn trêu vợ trêu con, lúc cửng lên coi cả thiên hạ không ra gì, lúc uống rượu với bạn bè nói thiên hô bát xát, lúc ngẩn ngơ đau khổ khi làm thân

trai nhi mà chưa làm được gì, lúc ngây ngô khi bị bố mẹ mắng, lúc hì hục vật lộn trên bụng vợ…” [5, tr.147]; hay: “Chồng Từ đang chổng mông vẽ, thấy Từ vào quẳng ngay bút ôm chặt lấy vợ, á á hôm nay vợ lại mò sang thế này, thèm phải không. Từ ngúng nguẩy, không thèm. Không thèm thì đây cũng xơi. Hổ đói xơi cừu non đây. Thơm thế, thơm quá toàn mùi sữa thôi” [ 5, tr.71].

Trong tác phẩm, Y Ban còn sử dụng những từ ngữ thông tục, từ tục, cách nói tục. “Ả” nói về sinh hoạt vợ chồng của mình: “Nhưng anh chồng đang cơn hứng nên dẫu có bị tương hay bị cằn nhằn vẫn vui vẻ chiến đấu. Ả thì không thế được, ả như phát điên lên. Cảm giác như bị cưỡng vậy. Nếu ả cương quyết chống lại sẽ là cãi nhau. Tặc lưỡi cho qua thì chán như bà già phải đéo” [ 6, tr.33].

Đây là lời Từ khi không xin được việc làm: “Chẳng lẽ Từ nói thật với thầy rằng, con em ăn sữa bò thì ba ngày mới đi ỉa được nên cáu gắt lắm nhưng ăn sữa Meiji thì ngày nào cũng đi ỉa được” [5, tr.70]; hay: “Mày đẻ con cho nhà nó, về giữa nhà nó mà ỉa” [5, tr.45].

Đây là ngôn từ thể hiện những suy nghĩ của người đàn bà về bi kịch tình yêu của mình với người đàn ông ngoại quốc: “Chưa bao giờ người đàn bà lại ghê tởm cái thứ tiếng Anh đến vậy. Love love love là cái cục cứt. Cái cục cứt thối

[6, tr.81].

Trong tiểu thuyết Y Ban, thấy xuất hiện cả ngôn ngữ ngôn ngữ chợ búa, ngoa ngoắt. Cái cách mà Từ quát lại chồng khi Cương hiểu vì sao Bống lại được vào trường điểm: “Mặt Bống vẫn tỉnh bơ, nói, làm sao con đỗ được khi cô giáo hỏi con điều gì con cứ cắn chặt môi không nói. Hô hố ha há, Cương lại bò ra cười. Hô hố ha há, thế mới đúng là con của bố chứ. Con hãy vạch mặt và tẩy chay cái lũ đạo đức giả đi con. Từ tức điên, gào lên, câm mồm đi, cười cái gì mà cười. Đồ khả ố” [5, tr.191].

Rồi những từ ngữ tục tằn thô lỗ của khách hàng mà Từ phải nghe khi tham gia “công chức vỉa hè”: “Học hành là cái đếch gì, bạn bè là cái cứt gì. Thời buổi này đứa chó nào chả hai tay dày lỗ miệng… Này trả tiền, ông khách quẳng năm nghìn lên bàn rồi phủi đít đứng lên. Từ lấy lại hai nghìn trả cho khách. Từ đưa bằng hai tay. Khách bảo, đéo gì phải đưa hai tay, đây đéo cần lịch sự” [5, tr.101-102].

Hay những lời của chồng Mây khi có tiền bỗng đổ đốn ăn chơi đua đòi:

“ - Mẹ chúng mày chứ, nhạc nhà bố mày to hơn nhà chúng mày là cái chắc” [ 6, tr.56].

“ - Tao nói cho cả nhà này biết, đồ của tao cấm đưa nào động vào, tao có đi ra khỏi nhà cũng không được tắt nhạc của tao. Tao đi đâu tao cũng nghe thấy tiếng. Đứa nào tắt tao về tao đốt nhà. Mẹ nó chứ, bố mày cay mũi lắm, tưởng chỉ có nhà chúng mày là có đầu đĩa à.” [ 6, tr.57].

Tính chất thông tục hóa ngôn từ không chỉ thể hiện qua lời nói của những người phụ nữ lam lũ, ít học, hàng ngày phải đối mặt với cơm áo, gạo tiền mà còn thể hiện ngay trong lời nói của những người phụ nữ có học vị và địa vị xã hội.

Nó không chỉ thể hiện qua lời của nhân vật mà còn ở ngôn ngữ nhân vật người trần thuật của nhà văn. Chúng ta bắt gặp những câu văn miêu tả hành động của nhân vật như: “Chồng Từ lấy chiếc xe quốc, cong mông đạp đi” [5, tr.60]; “Nghe chị Xuân nói xong không ai trả lời mà lặng lẽ phủi đít đứng lên rồi xách túi ra về” [5, tr.206]. Hay đoạn văn mô tả đám đông vô tích sự tập hợp lại chỉ vì một lí do không đâu vào đâu: “Người đầu tiên nghe tiếng rắm to và hai người nữa là người thứ hai và thứ ba nghe thấy rắm to bị lọt bị lọt giữa đám đông to quá. Họ đang tức thở. Tức thở vì thiếu ô xy và rắm xịt. Những mùi xú uế của đám đông thải ra trong cái sự căng thẳng để tìm hiểu sự kiện” [ 6, tr.65].

Có thể nhận thấy, trong các tiểu thuyết của mình, Y Ban đã chứng tỏ là một nhà văn rất giàu ngôn ngữ xã hội và mang chúng vào các bản văn tiểu thuyết một cách rất tự nhiên. Qua việc thủ pháp thông tục hóa phi thẩm mĩ ngôn từ, thế giới nhân vật nữ của Y Ban hiện lên thật sống động, gần gũi. Họ thực sự là những con người của cuộc sống thường nhật. Hiện thực cuộc sống trong sáng tác Y Ban do thế luôn thô nhám, trắc trở, gấp khúc. Bao nhiêu chuyện cơm áo, gạo tiền, giường chiếu vợ chồng, đến chợ búa, công việc cơ quan, cả buồng vệ sinh, sinh hoạt nhếch nhác của gia đình trí thức, của xã hội được phơi bày một cách công nhiên. Cũng chính vì vậy mà thế giới nhân vật nữ trong tiểu thuyết của bà vô cùng sinh động. Ta có cảm giác có thể bắt gặp hình hài, thân phận họ ở bất cứ đâu trong cuộc đời này.

Có thể xem, việc sử dụng nhiều từ ngữ thông tục là một đặc điểm phong cách của Y Ban. Tác giả Xuân Phong đã nhận xét: “Có thể nói, nhà văn Y Ban là một trong số những nhà văn nữ gai góc và cá tính của làng văn. Người ta nói, người sao văn vậy, với chị quả không sai. Ngoài đời chị sôi nổi, nồng nhiệt, nhiều khi ăn nói đến bỗ bã, nói thẳng, nói thật, huỵch toẹt vào người khác không hề giấu giếm ngại ngùng. Và tính cách, kiểu cách ấy chị cũng chẳng hề che đậy trong văn chương, không hề muốn khoác cho nó một vẻ ngoài nhu mì, hiền lành, giả dối. Đọc văn chị, thấy rõ cái giọng tưng tửng, nói cho sướng miệng, và người đọc vì thế cũng được sống đúng với cảm giác của nhân vật và thấy có một phần là chính mình trong đó. Cũng vì thế ai hiểu con người chị đều nhận ra như thế mới chính là Y Ban, không thể lẫn với ai, đó mới là cách chị sống, sống cho mọi niềm đam mê, sẵn sàng đi vào tận ngõ ngách, nói ra những điều nhiều người không dám nghĩ, hoặc có nghĩ thì không ai dám nói ra vì nó thật quá, trần trụi quá” [32]. Thực tiễn cho thấy, sự gia tăng tính khẩu ngữ, thông tục hoá ngôn từ

trong tác phẩm văn học không phải điều hoàn toàn mới mẻ, và Y Ban cũng không phải người đầu tiên nởi lỏng các khuôn định ngôn từ văn học. Tuy nhiên, trên hành trình khám phá và biểu đạt đối tượng thẩm mĩ, Y Ban cũng như nhiều nhà văn khác đã tìm thấy ở đây những chân trời mới. Vượt qua hiểm địa từ ngữ thông tục, Y Ban thực sự đã tạo dựng cho mình một bản sắc văn xuôi độc đáo.

Chính kiểu ngôn ngữ thông tục, suồng sã, vỉa hè, cả “ngồi lê đôi mách”, như bà nói, đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng bức chân dung tinh thần đa sắc vẻ của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

3.3. Hình tượng hoá “cái tôi” nhà văn

Một trong những thủ pháp nghệ thuật có thể xem là ưu thế của nữ văn sĩ là họ thường đem cuộc đời mình ra làm câu chuyện. Những rung động sâu kín của tâm tư, cuộc sống vợ chồng, các quan hệ gia đình, đặc tính nghề nghiệp… tất cả đều trở thành sở trường của họ. Là một nhà văn nữ, Y Ban cũng không là ngoại lệ.

Đọc tiểu thuyết Y Ban, có thể nhận ra, hầu hết các tình huống nhân vật nữ của bà nếm trải đều bắt nguồn một phần lớn từ chính những trải nghiệm của nhà văn. Ở đây, chúng tôi không có ý đánh đồng hình tượng tác giả, nhân vật với tác giả tiểu sử. Song có một thưc tế rõ ràng là, tính cách, gia cảnh và số phận nhân vật nữ của Y Ban đều ít nhiều liên quan hoặc có bóng dáng cuộc đời bà. Lợi thế viết văn khiến Y Ban dễ diễn tả tâm trạng và hành trình sáng tác của Nấm trong Đàn bà xấu thì không có quà. Trong các sáng tác của Y Ban nói chung, thường xuất hiện đậm nhạt kiểu nhân vật nữ nhà văn, đôi khi tạo ra những siêu hư cấu độc đáo. Y Ban từng công tác trường Y, chồng bà làm điêu khắc. Nhiều truyện ngắn của Y Ban thấy xuất hiện hình tượng cặp đôi này. Đam mê văn học, bà bỏ công việc việc trường Y theo chồng, cuộc sống của bà gặp không ít những khó

khăn. Bà đã từng phải ra tận vỉa hè để kiếm sống bằng bán gà tần, xôi chim.

Kinh nghiệm vỉa hè đã cung cấp cho bà vốn sống phong phú để viết. Không phải ngẫu nhiên, trong Xuân Từ Chiều, Y Ban kể rất sinh động về cảnh sống của vợ chồng Từ: “Không thể gói xôi cho khách bằng báo được. Một mặt tờ báo rất bẩn, mặt khác mực in có chì, rất độc. Lá dong lá chuối thì không gói xôi nóng được.

Từ nghĩ chỉ có lá sen” [5, tr.100]. Hay đoạn văn miêu tả thật chi tiết về cuộc sống vỉa hè của Từ: “Khoảng tám rưỡi khách đã vãn thì có tiếng hô to, dọn hàng đi, xít đờ ca đến. Từ giật thột người vơ vội cái bếp, cái nồi và rổ bát giấu vào trước bốt điện sau đó mới vơ đến ghế ngồi. Có mất mấy cái ghế ngồi thì cũng ít tiền hơn là nồi với bát. Khi xít đờ ca xịch đến thì Từ cũng đã dọn dẹp hàng xong” [5, tr.125]. Và cũng không hề ngẫu nhiên, rất nhiều sáng tác của Y Ban nói về ngành y. Có lẽ, những kiến thức y khoa đã giúp bà rất nhiều trong các sáng tác thuộc thể tài này. Bản thân việc tác giả sử dụng dày đặc trường ngôn ngữ y khoa để diễn tả nội tâm, ham muốn, cảm xúc của nhân vật nữ cũng là một bằng cớ cụ thể.

“Cái ca đỡ này cũng là phức tạp, cũng chẳng phức tạp. Nó là ngôi chân, chân nó ra trước mà nó sổ ra được cả người như vậy là dễ rồi, còn cái đầu nó không sổ ra được là do cằm nó vướng vào xương vệ, chỉ cần người đỡ luồn tay vào mồm nó ấn cái cằm xuống là nó sổ ra ngay” [5, tr.19]; “Đây, chị đã nhìn rõ chưa? Thai này được khoảng ba tháng rồi, tay đã đủ năm ngón nhưng vẫn còn màng… Đây nhé, đây gọi là phôi, là các tế bào đang phân chia…” [5, tr. 22-23];

“Nếu vừa đi tiểu xong mà ngủ với chồng thì không hưng phấn được… Có một chút nước tiểu trong bụng thì không phải lần nào cũng đạt cực khoái nhưng cũng đều tạo được sung điện để dẫn mình và đương sự không bị rơi vào trạng thái trơ, chán” [5, tr.219].

Là một nhà văn, Y Ban đồng thời còn là một nhà báo. Cho nên tác phẩm của bà ngày càng trở nên đằm sâu và bộc lộ cái nhìn sắc sảo về cuộc sống và vấn đề của người phụ nữ hiện đại. Nghề làm báo có ảnh hưởng không nhỏ đến tác phẩm của bà và trong xây dựng nhân vật nữ. Trong Đàn bà xấu thì không có quà, những bản tin ngắn gọn buổi sáng trong phòng biên tập của Nấm về những vấn đề bức xúc trong xã hội như ô nhiễm môi trường, tham nhũng, quan liêu, đời sống xa hoa của quan chức,… và cả những lời bình luận của các nhà báo khiến nó trở thành cái cớ để nhà văn nói tới và phê phán. Cũng không phải ngẫu nhiên mà những câu chuyện Từ trao đổi, tranh luận cùng đồng nghiệp ở cơ quan và các đề tài nghiên cứu của Từ lại là những vấn đề thời sự nóng. Đó là đất rừng Sóc Sơn bị cắt, bán bất hợp pháp, là luyện thi vào lớp một trường điểm, là cải tạo đường thoát nước ở Hà Nội, là văn hóa tốc độ, văn hóa ứng xử, xã hội xe máy,…

“Xã hội ta là một xã hội xe máy, người người xe máy, nhà nhà xe máy, một bước cũng kệ đít lên xe máy, ai cũng đặt được đít lên xe máy, ai cũng phấn đấu mua được xe máy, mua được xe máy máy đi đăng ký cho xong cái biển, đổ xăng vào thế là vù. Người ta dạy nhau đi xe máy bằng cách truyền khẩu, phanh thế này, ga thế kia, xi nhan trái, xi nhan phải. Các hãng xe máy trên thế giới đổ xô đến Việt Nam để đặt nhà máy và để bán xe, lợi nhuận kếch xù. Việt Nam nhiều xe máy nhất thế giới” [5, tr.231].

Có thể nói, bằng cái nhìn và tài năng nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, điêu luyện, Y Ban đã cắm một dấu mốc nổi bật của mình vào tiến trình tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Sáng tác của Y Ban đặc sắc trên nhiều khía cạnh, song do khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, chúng tôi mới chỉ dừng lại để phân tích sâu những nét độc đáo của hệ thống nhân vật nữ trong các tiểu thuyết của bà. Những thành công về thi pháp nghệ thuật của Y Ban trong xây dựng hệ thống nhân vật nữ thực sự làm nên sức sống, sức hấp dẫn cho các sáng tác nhà văn.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết y ban (LV00894) (Trang 86 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)