Chương 2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT Y BAN
2.2. Các kiểu nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban
2.2.3. Nhân vật cô đơn
Trong văn học 1945 - 1975, con người trong văn học được xem là con người của tập thể, con người cá nhân với nỗi cô đơn vẫn được xem là một vùng cấm kị. Từ sau 1975, cùng với sự chuyển dịch trong quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn và với nhu cầu tự ý thức trước sự đổi thay của đời sống xã hội, con người cô đơn đã trở thành một kiểu nhân vật đặc thù. Các nhà văn đương đại quan tâm đến nhu cầu tự ý thức, đến sự thức tỉnh của cá nhân, đến trạng thái tâm lý cô đơn của con người. “Cô đơn trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều cây bút văn xuôi, bởi bản chất của tâm trạng cô đơn là khao khát cái đẹp, cái thiên lương của con người. Cô đơn là vấn đề của mỗi bản thể, cá nhân nhưng nó không hẳn là vấn đề riêng tư, nhỏ bé. Có thể nói, từng cuộc đời riêng của mỗi cá nhân gộp lại thành vấn đề của cộng đồng, của xã hội, một khía cạnh của chủ nghĩa nhân đạo hôm nay. Trong không khí dân chủ hóa của nền văn học, các nhà văn đã có dịp đi sâu khám phá các phương diện và sắc thái khác nhau về trạng thái cô đơn của con người” [38]. Chính vì vậy, không ít nhà văn đã đi vào khám phá những sắc diện khác nhau của trạng thái này trong con người như
Nguyễn Huy Thiệp với Tướng về hưu, Con gái thủy thần, Ma Văn Kháng với Thắp một tuần hương, Nguyễn Thị Thu Huệ với Giai nhân, Nước mắt đàn ông, Phạm Thị Hoài với Chín bỏ làm mười,… Y Ban cũng nằm trong số các cây bút nhạy cảm đó. Bằng khả năng lắng nghe tinh tế những rạn vỡ thầm thì của cuộc đời, Y Ban đã nhận ra cô đơn như một trạng thái tinh thần thường trực của con người. Với các nhân vật nữ, điều này càng được hiện thể một cách sâu sắc.
Để khắc họa nỗi cô đơn của nhân vật, mỗi nhà văn có một cách riêng. Y Ban quan tâm đến việc đào xới tâm trạng, cảm giác, suy nghĩ của nhân vật để làm nổi bật sự cô đơn. Nỗi cô đơn biểu hiện bằng im lặng, bởi sự lạc lõng giữa cuộc đời vì không tìm được sự chia sẻ của những người sống xung quanh. Cuộc đời Nấm trong Đàn bà xấu không có quà là một chuỗi những tháng ngày buồn bã cô đơn. Làm công việc đánh máy trong một toà soạn báo, hàng ngày cô đều đặn đến công sở đúng giờ cặm cụi làm việc, nghe những câu chuyện tán gẫu của đồng nghiệp rồi lại lầm lụi về nhà. Một đồng nghiệp đã nói về trạng thái của Nấm: “Sống như em bây giờ đâu phải là sống mà chỉ đang tồn tại thôi” [4, tr.16].
Nấm cô đơn trong toà soạn, lẻ loi khi bước ra ngoài đường. Thậm chí khi đã trở thành nhà văn nổi tiếng, có tác phẩm được giải nhất, Nấm vẫn thấy lạc lõng cô đơn. “Nấm muốn hoà nhập cuộc sống của những người bình thường. Nhưng Nấm lại rất sợ những ánh mắt nhìn”. Mỗi tối trở về ngôi nhà của mình, Nấm chỉ biết đối diện với chính mình. Cô đơn nối dài cô đơn. “Nấm có coi cuộc đời này là một cuộc chơi không? Nấm sống thao thiết với nó lắm. Nấm đã khao khát những điều bình dị nhất. Nấm muốn có một gia đình bình thường. Một người đàn ông có đôi chân ngắn như Nấm cũng được và một đứa con. Nấm sẽ tất bật sớm tối để chăm sóc cho cái gia đình đó. Mọi người sẽ quây quần yêu thương nhau để Nấm không còn phải chịu cảnh cô đơn” [4, tr.73-74]. Cũng may Nấm
tìm được “người yêu” trên mạng để chờ đợi, để gửi gắm những yêu thương và sẻ chia. Nhưng có lẽ trạng thái phấp phỏng đợi chờ tiếng chuông điện thoại mỗi tối ấy càng tô đậm nỗi cô đơn của cô: “Nấm sống trong trạng thái phấp phỏng chờ đợi… Sự chờ đợi nào cũng có cảm giác tức thở” [4, tr.78]. Để khắc họa nỗi cô đơn, không chỉ chú ý đến đời sống nội tâm nhân vật mà Y Ban còn chú ý đến thời gian và không gian mà nhân vật hiện diện. Y Ban đã khắc họa nỗi cô đơn ở chuỗi ngày dài mà nhân vật của mình phải sống ở hai trạng thái với hai khoảng thời gian đêm - ngày khác nhau. “ Một ngày quả là dài. Nấm mong chờ buổi tối.
Buổi tối người đàn ông của Nấm sẽ gọi điện. Nấm thèm muốn được nghe tiếng điện thoại của anh… Buổi tối sao mà lâu thế.” [4, tr.120]. Ban ngày, Nấm là con người của các công việc tất bật nơi tòa soạn. Đêm đến, Nấm là con người của cô đơn, đau đớn và nước mắt. Nỗi cô đơn mỗi khi đêm về trong khoảng lặng vây quanh bốn bức tường trong không gian nhỏ hẹp. Y Ban đã để cho sự cô đơn của nhân vật phát triển theo thời gian của tâm trạng và đẩy đến tận cùng của cảm xúc trống vắng.
Trạng thái cô đơn còn là cảm giác hụt hẫng, hoang vắng đến tột cùng của Nấm khi mỗi tối không còn được lắng đợi tiếng chuông điện thoại, được thủ thỉ bên tai những lời âu yếm ngọt ngào, và trên hết sẽ không còn ai để cô chia sẻ tâm sự những buồn vui cuộc sống. Sau công việc, Nấm lại chìm vào cô đơn. Không yêu thương nhung nhớ, không cả những mong chờ.
Có thể nhận ra, trong tiểu thuyết Y Ban, nhân vật cô đơn không chỉ tồn tại đơn thân, một mình một bóng mà họ còn cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, xa lạ giữa những người thân của mình. Trong “căn nhà năm tầng lừng lững giữa phố”, rồi “khu biệt thự sang trọng… có cả vườn hoa, đẹp như Tây” là một người đàn bà lẻ loi. Không chỉ tương phản với ngôi nhà đang ở mà cô Chiều còn tương
phản cả với chồng và con mình, với cả cuộc sống đang sôi động và lung linh bên ngoài. Một người đàn bà Trực Bình, đã từng bước đưa chồng, con tiến dần trong nấc thang danh vọng. Thế mà chị lại bị chính người thân bỏ quên trong căn nhà của mình. Họa hoằn lắm Xuân và Từ mới có thể đến hỏi thăm. Dường như Chiều càng tha thiết và hi sinh bao nhiêu cho gia đình thì càng nhận sự lạnh nhạt bấy nhiêu. Đây là lời bà giúp việc kể về “bà chủ” của mình: “Cái nhà này không muốn cho bà ấy làm gì cả, cháu cũng không cho chơi với bà ấy, bảo là nó học theo giọng nói của bà ấy thì quê mùa, không cho bà ấy nấu cơm bảo, nấu kiểu quê không ăn được, không cho bà ấy chăm vườn tỉa cây bảo, chăm cây kiểu quê cây xấu, bà ấy muốn đi học cái lớp nấu ăn với lại lớp chăm vườn thì bảo, già rồi học làm gì với lại thuê người làm còn đỡ tốn tiền hơn, thế là bà ấy chẳng phải làm gì, cũng chả ai hỏi thăm đến bà ấy, về đến nhà ai về phòng nấy, con dâu cũng không bao giờ được câu hỏi thăm mẹ chồng có khỏe không, mà đến con giai bà ấy cũng không được một câu hỏi thăm mẹ thì làm sao vợ nó bắt chước mà hỏi” [5, tr.200]. Người đàn bà Trực Bình ấy bị chồng con quay lưng một cách vô lí dường như chỉ bởi quê mùa và nói ngọng. Cả ngày sống chị sống thui thủi, không được làm gì, không được đi đâu. Lạc lõng, buồn tủi, cuối cùng Chiều thắt cổ tự tử để chấm dứt chuỗi ngày câm lặng của mình, tự giải thoát cho cuộc đời tủi cực của mình. “Không ai cần tôi, tôi đi đây” [5, tr.225].
Đám tang của người cô đơn có rất đông người viếng. “Đời người trớ trêu thế đấy, sống thì cô quạnh một mình, chết thì đông như hội” bởi “người ta đến vì người sống chứ đâu có vì người chết” [5, tr.224]. Viết về người phụ nữ cô đơn không chỉ riêng có Y Ban, nhưng có lẽ Y Ban là một trong số ít các nhà văn đã đẩy trạng thái này đến đỉnh điểm: nhân vật tự tìm đến cái chết để giải thoát.
Tiếng khóc của người đàn ông ồ ồ, vừa khóc vừa nói bên quan tài Chiều hay
chính lòng thương xót, phẫn uất của tác giả cho người đàn bà bạc mệnh: “Chị ơi, em còn nhớ như in những bữa cơm em được ăn ở nhà chị, cái lúc thiếu đói ấy mà bữa cơm nhà chị lúc nào cũng tươm tất cho chồng cho con cho cả bạn của chồng, chị lúc nào cũng vui vẻ thế mà sao lại đến nông nổi này hả chị, chị sống khôn chết thiêng, chị bắt chết cái lũ ăn ở bạc ác ấy đi” [5, tr.225]. Nhưng “chả có người vợ người mẹ nào bắt chết chồng con mình bao giờ”, nhất lại là người đàn bà giàu đức hi sinh và hết lòng vì chồng con như Chiều. Người đọc như cảm nhận được nỗi đau trong trái tim của Y Ban - nhà văn của những nỗi đau rất đàn bà. Bà đã tâm sự khi nói về nhân vật của mình: “Tôi nghĩ mãi mà không thể tìm ra lối thoát cho nhân vật Chiều của mình. Nếu tôi tìm được lối thoát nào thì tôi đã không để cho nhân vật của mình phải chết như vậy. Quả là tôi không tìm được cách nào để cho nhân vật Chiều khỏi chết. Bảo Chiều đói khổ ư, tôi sẽ mang gạo tiền đến cho Chiều. Bảo Chiều bị chồng con ngược đãi ư, tôi sẽ gọi những nhà chức trách đến giúp… Chiều chỉ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, giữa những người mình yêu thương. Giá như Chiều không còn yêu họ. Tôi sẽ cứu Chiều ra khỏi căn nhà ấy” [11].
Còn với Xuân thì khác. Sống trong đủ đầy vật chất và tình yêu nồng thắm với chồng nhưng cũng không tránh được sự cô đơn. Xuân khao khát được làm mẹ đến cháy bỏng. Lấy chồng bao năm nhưng không một lần được “linh hồn đậu vào lòng”. Hai vợ chồng thành đạt, yêu thương nhau hết lòng. Những tưởng Xuân đã có tất cả nhưng cuối cùng Xuân không có gì hết: không con rồi chồng cũng chẳng còn. Với phụ nữ còn gì đau đớn hơn thế. Và những chuỗi ngày sống tiếp theo với Xuân là những chuỗi ngày dài ngập chìm trong cô đơn bất tận.
Trạng thái cô đơn dù là trong khoảnh khắc hay triền miên cũng đều ẩn chứa những hoài vọng và ước mơ, hạnh phúc và khổ đau của những mảnh đời,
những số phận con người. Với năng lực tri nhận đời sống sắc sảo và khám phá tinh tế chiều sâu tâm hồn con người, Y Ban đã cho thấy một thực trạng tinh thần của con người trong cuộc sống hiện đại. Qua thế giới nhân vật của mình, bà còn bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc đối với những khát khao, ước vọng được hòa đồng, được hạnh phúc của người phụ nữ. Đây cũng chính là một nét nhân văn trong tiểu thuyết của bà.