Bi kịch từ chính cuộc sống hiện đại

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết y ban (LV00894) (Trang 57 - 61)

Chương 2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT Y BAN

2.2. Các kiểu nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban

2.2.1.4. Bi kịch từ chính cuộc sống hiện đại

Công cuộc đổi mới cùng chính sách mở cửa đã có tác động to lớn đối với sự phát triển đất nước. Nhưng những mặt trái do chính nó đẻ ra cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội và cá nhân con người. Người phụ nữ trước sau vẫn là những kẻ phải hứng chịu nhiều nhất những tệ nạn mà cuộc sống hiện đại gây ra. Là một người làm nghệ thuật nhưng đồng thời cũng là một người làm báo, Y Ban tỏ ra rất nhạy bén và sắc nhọn trong việc tìm hiểu và phản ánh kịp

thời những ung nhọt trong xã hội. Theo đó, lối sống thực dụng, sự đổ vỡ những thang bảng giá trị của đời sống… đều được bà thẳng thắn mổ xẻ, phanh phui.

Quá trình công nghiệp hóa nông thôn một cách vội vàng đã có những tác động tiêu cực đến cuộc sống phụ nữ nông thôn, thậm chí trở thành bi kịch đè lên số phận của họ. Mây trong Trò chơi hủy diệt cảm xúc là một minh chứng. Là một thiếu nữ thôn quê hiền lành, chăm chỉ, mười tám tuổi Mây lấy chồng. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc với hai đứa con. Bỗng chốc dự án sinh thái nhà vườn về làng: “Ruộng vườn thành biệt thự, nhà tầng cao chọc trời. Ruộng vườn được qui đổi thành tiền” [6, tr.53], “Nhà chồng Mây có năm sào ruộng, được cả thảy hai tỉ hai. Bố chồng Mây gần bảy mươi tuổi, bị bệnh lông quặm, mắt hấp ha hấp háy, cười tí toét suốt ngày. Cứ có người là ông lại hắng: - Lắm tiền nhẩy, nhiều tiền nhẩy, có tiêu cả đời cũng không hết tiền nhẩy” [6, tr.54]. Cái ồn ã của cuộc sống thành thị từng ngày ào ạt tràn vào ngõ ngách làng quê. Cuộc sống yên bình bấy lâu bị đảo lộn. Khi đồng tiền không còn là mồ hôi, công sức thì mọi hệ luỵ sẽ bắt nguồn từ đó. Chồng Mây từ khi có tiền đổ đốn sinh hư, rượu chè, cờ bạc, la cà sớm tối, bỏ bê trách nhiệm gia đình. Bố mẹ chồng Mây hoảng sợ trước sự đổi thay đến chóng mặt của con trai: “- Giặc đến nhà rồi bà ơi. Giặc đến nhà rồi. Biết sống thế nào đây. Lão nông chi điền đã nhìn thấy hậu họa mà không có cách gì chống đỡ nổi” [6, tr.56]. Tiền của đội nón ra đi. Tình nghĩa vợ chồng, cha con bị huỷ hoại. Bố mẹ chồng không chịu đựng nổi bỏ đi. Mẹ con Mây ngày ngày phải chịu đựng sự hành hạ của chồng cả về thể xác lẫn tinh thần. Người đàn bà ấy trong lúc bột phát và tự vệ đã phạm phải tội giết chồng để rồi mắc vào vòng lao lý: “Tao giết chồng rồi. Mày mang hai đứa con này về nhà mẹ tao nhờ ông bà nội nuôi hộ. Tao đi tù đây” [6, tr.60].

Cùng với Mây, những cô gái trẻ nông thôn cũng có số phận chẳng sáng sủa gì. “Ngày xưa, hàng năm dân làng đều phải làm lễ tế thần để phù hộ cho dân làng những vụ mùa tốt tươi. Có những vụ mùa tốt tươi thì dân làng ấm no hạnh phúc. Bây giờ dòng nước khoáng thiên nhiên là vụ mùa tốt tươi của dân làng. Vì dòng nước khoáng đó mà thượng đế mang tiền về cho dân làng. Có tiền tức là có vụ mùa tốt tươi. Thượng đế cần gái trẻ, xinh thì dân làng phải dâng tế” [6, tr.75].

Vì mưu sinh, nhiều ông bố bà mẹ đã quặn lòng động viên con gái làm việc kì cọ cho “thượng đế”. Chỉ học “hết lớp ba”, các cô gái trẻ thậm chí còn không hiểu gì về việc mình làm:

“ - Thế rồi họ có làm gì với em không?

- Làm gì là làm gì?

- Là làm tình ấy, như con gà trống đạp con gà mái - Sao không ạ?

- Tất cả mọi người à?

- Vâng. Bằng mọi cách họ phải cho một thứ gì đấy vào người em.

- Em chịu đựng điều đó như thế nào? Em không đau đớn? Em không sợ bệnh tật?

- Không chị ạ. Nước sẽ gột sạch cho em. Em chỉ đồng ý làm việc ấy cùng với nước. Nước đã bảo vệ em” [6, tr.76].

“ - Làng em có nhiều bạn làm như em không?

- Cũng nhiều đấy chị ạ.

- Em được trả nhiều tiền không?

- Một lần như thế là được một trăm nghìn đồng. Có khách cho nhiều hơn”

[6, tr.77].

Khi mại dâm trá hình về làng, các cô gái trẻ đang độ tuổi mười tám đôi mươi trở thành kẻ mua vui cho “thượng đế”. Từ đây, câu chuyện về sự bần cùng hoá, tha hoá, lưu manh hoá gắn với số phận đàn bà lại trở thành một tâm điểm trong sáng tác của Y Ban.

Chạy trốn khỏi sự vô cảm của cuộc sống hiện tại, nhiều người phụ nữ đã tìm đến với không gian internet. Ở đó, họ gặp được tri âm tri kỷ là những người tình “ảo” để bày tỏ những nỗi niềm. Những bức thư online ngày một dày lên, mỗi dòng chữ là một dòng nước trong veo thấm sâu vào những ngõ ngách bí mật nhất của tâm hồn, xoa dịu những vết xước trong trái tim những người phụ nữ.

Tất cả những buồn khổ, uất ức, sự nén nhịn, chịu đựng … trong cuộc sống chồng chất lo toan, bon chen của người đàn bà được giải tỏa. Ở đó, người đàn bà được trải lòng mình. Những cô đơn, trống vắng, kể cả những góc khuất sâu kín nhất, những điều cấm kị do định kiến xã hội, do phải đeo những cái “mặt nạ” đã được mặc định mà họ không thể chia sẻ: những rung động “ngoài chồng ngoài vợ”, những khao khát được thăng hoa trong tình yêu mà họ muốn nhưng không thể hoặc không hề thỏa mãn, những ẩn ức về tình dục… Không gian internet đã cho con người ta rất nhiều và cũng lấy đi của con người rất nhiều. Thế giới thực và ảo lẫn lộn đan xen. Người đàn bà lại vướng thêm vào bi kịch nữa trong cuộc sống: mất phương hướng, không nhận chân được đâu là thực, đâu là ảo và đâu là ý nghĩa, giá trị đích thực của cuộc đời.

Phụ nữ thời hiện đại dường như vẫn chưa thoát khỏi những vướng mắc, giằng xé, những cuộc chiến nội tâm đau đớn dai dẳng, cả những hụt hẫng, chới với, chênh vênh giữa các lằn ranh mong manh của cuộc đời. Là nhà văn của phụ nữ, Y Ban thích mổ xẻ đến tận cùng tâm lý của người đàn bà hiện đại. Bà không né tránh hiện thực. Từ Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, I am đàn bà đến Trò chơi hủy diệt

cảm xúc, Y Ban luôn dũng cảm chạm tới vào những vấn đề nóng hổi của thời đại với tư duy: “giải phóng phụ nữ là giải phóng cả thế giới ”. Bà viết về thân phận bi kịch mà người phụ nữ Việt Nam đương đại đang từng ngày phải nếm trải.

Đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi cảnh đời, mỗi số phận con người, người ta nhận thấy sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc của một nhà văn giàu tình yêu thương và nhạy cảm với nỗi đau của con người. Bằng cảm quan tinh tế của người phụ nữ, qua những trang viết, Y Ban cũng trăn trở cùng nhân vật của mình để tìm ra lối thoát cho cuộc đời họ sau những bi kịch. Tình yêu và hạnh phúc gia đình luôn là niềm khao khát vĩnh hằng của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Những trang viết của Y Ban luôn ngân rung trái tim người đọc bởi nhân vật của bà, cho dù gặp nhiều khổ đau, bất hạnh nhưng không bao giờ thôi khao khát sống và những ước mơ cháy bỏng, thiết tha với cuộc đời này.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết y ban (LV00894) (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)