CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.3 Thời đại và tác giả
1.3.1 Hoàn cảnh nước Đức cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX
Trong khi cách mạng tư sản nổ ra rất sớm ở Anh và ở Pháp thì ở Đức tình hình kinh tế xã hội đang ở tình trạng lạc hậu và phát triển chậm chạp nhiều hơn.
Cuối thế kỉ XVIII, Đức vẫn là một nước phong kiến cát cứ gồm 360 công quốc nhỏ bộ, cú cụng quốc chỉ rộng ẳ dặm vuụng, cú thị trấn 1000 dõn cũng cú chớnh phủ riêng. Tình trạng trì trệ lạc hậu đó kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và thống nhất đất nước.
Giai cấp tư sản Đức thời kì này yếu ớt và bạc nhược, không có tinh thần phản kháng và tính chiến đấu như giai cấp tư sản Anh và Pháp. Ănghen viết: “Đấy chỉ là một đống thối tha đang tan rã một cách đáng tởm. Không một ai cảm thấy được thoải mái cả(…); một tình trạng bất bình chung đã xảy ra khắp trong nước…
Mọi cái đều đã mục nát, lung lay sắp sụp đổ, và ngay cả đến một hy vọng về sự thay đổi có lợi cũng không có nữa, thậm chí trong nước cũng không đủ sức quét sạch những thây ma độc hại của chế độ đã bị diệt vong” [3;35]. Tình trạng ấy Ănghen gọi là “sự cùng khổ Đức”.
Nhưng lịch sử lại diễn ra như một nghịch lí: lạc hậu về kinh tế - xã hội nhưng lại là thời kì phồn thịnh nhất của văn hóa Ánh sáng Đức với những tên tuổi hết sức lỗi lạc như: Căng, Hêghen (triết học), Betthôven (âm nhạc), Gớt, Sile (văn học)… Thế kỷ XVIII là thế kỉ “Vĩ đại của văn học Đức” (Ănghen).
1.3.2 Tiểu sử của J.V.Gơt.
Gơt là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Đức từ những năm 70 của thế kỉ XVIII và cho đến nay tên tuổi của Gơt vẫn là niềm tự hào của nhân loại tiến bộ nói chung và của nhân dân Đức nói riêng. Ít có nhà văn nào như Gơt sống một cuộc đời trải dài trên 80 năm, vắt vai hai thế kỉ có nhiều sự kiện lớn lao trong lịch sử nhưng tiểu sử lại khá đơn giản không có mấy khúc quanh co hoặc những bước thăng trầm.
J.V.Gơt sinh ngày 28/08/1749 tại thành phố Phranphuốc trên sông Main (nay thuộc cộng hòa Liên bang Đức). Ông xuất thân trong một gia đình tư sản khá
giả. Cha ông là J.Gatxpa Gơt, một nhà luật học đỗ tiến sĩ luật khoa, rồi trở thành nghị viên. Mẹ ông là con một quan chức quyền thế. Tuy nhiên, đây là một gia đình mới trở nên khá giả. Ông nội của Gơt là thợ may sau mở quán trọ, và cụ là con của một người thợ đóng móng ngựa.
Tháng 10/1765 Gơt được gia đình gởi đi học luật tại trường đại học Laixich. Từ Phranphuốc cổ lỗ đến thành phố Laixich hiện đại thời đó là đáng lẽ là một niềm vui đối với ông, nhưng ngay cả ở Laixich, Gơt chẳng thích thú gì với cuộc sống sinh viên bị nhồi nhét mớ kiến thức lỗi thời và phương pháp giảng dạy lạc hậu. Ông không thiết tha gì với môn luật và nghề luật gia mà Gơt dành phần lớn thời gian để đi thăm các viện bảo tang nghệ thuật và đọc sách văn chương. Tại đây, Gơt được nghe đến danh tiếng của Letxinh (1729 – 1781), được tiếp xúc với tác phẩm và xem diễn kịch của nhà văn Ánh sáng tiền bối ấy.
Tháng 7/1768 Gơt bị ốm nặng. Đầu tháng 9, ông phải thôi học quay về dưỡng bệnh ở quê nhà. Gần hai năm sau, sức khỏe ông hồi phục.
18/04/1770, Gơt đến Xtranxbuôc tiếp tục học tập, ông tốt nghiệp luật khoa năm 1771, sau đó được bổ nhiệm làm bồi thẩm ở Vetxlơ rồi làm luật sư tại thành phố quê hương. Những năm sống ở thành phố Xtranxbuôc ghi một cái mốc quan trọng trong cuộc đời Gơt. Lúc đó, Xtranxbuôc là trung tâm của phong trào Bão táp và Xung kích và là nơi diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt của khuynh hướng dân tộc chống lại ảnh hưởng của Pháp trong lịch sử văn học nghệ thuật. Nhà văn Ánh sáng Hecđơ (1744 – 1803) thời gian này cũng đang ở Xtranxbuôc. Gơt rất may mắn được gặp bậc đàn anh Hecđơ, một nhà lí luận của phong trào văn học Ánh sáng.
Hai người nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau và sự kiện đó ảnh hưởng sâu sắc đối với chàng thanh niên sắp bước vào đời.
Gơt tham gia vào phong trào Bão táp và Xung kích và chẳng bao lâu sau trở thành một trong những người dẫn đầu phong trào. Ông viết hàng loạt tác phẩm chứa chan nhiệt tình sôi nổi và tinh thần phản kháng. Cũng tại Xtranxbuôc, Gơt bắt đầu tiếp nhận tác phẩm của Spinôda (1632 – 1677), nhà triết học phiếm thần luận Hà Lan. Chủ nghĩa phiếm thần đậm màu sắc duy vật của Spinôda đã để lại
cho Gơt nhiều ấn tượng đặc biệt. Sau này, chính Gơt trong tác phẩm “Thơ ca và chân lí” đã nói rõ Spinôda là nhà tư tưởng có ảnh hưởng quyết định đối với ông và đối với kho tàng trí tuệ của ông. Ông tiếp xúc, phát triển học thuyết của Spinôda trong lĩnh vực sáng tác.
Mùa hè năm 1772 ở Vetxla, Gơt đã gặp và yêu say đắm một cô gái kém ông bốn tuổi. Đó là Saclote Buphơ, vợ chưa cưới của bạn ông, Kesnơ. Khi biết rằng mối tình ấy không thể đem lại niềm hạnh phúc, Gơt vô cùng tuyệt vọng. Cuối cùng nhà văn quyết định rời bỏ Vetxla ra đi nhưng hình ảnh về Saclote Buphơ và kỉ niệm về những ngày tháng ở thị trấn nhỏ không phai mờ trong tâm trí nhà thơ.
Giữa lúc ấy, ông lại nhận được tin một người bạn từ thời đi học ở Laixich tên là Giêrudalem vừa mới tự sát ở Vetxla. Vốn xuất thân từ đẳng cấp thứ ba, trong khi làm viên thư kí nhỏ cho một đoàn ngoại giao, Giêrudalem đã bị tầng lớp thượng lưu quý tộc ở Vetxla khinh miệt. Bên cạnh đó, chàng còn theo đuổi một mối tình tuyệt vọng với một phụ nữ đã có chồng. Không tìm được lối thoát, Giêrudalem đã mượn súng Kesnơ tự sát. Tất cả những sự kiện đó chính là chất liệu để Gơt viết nên tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Vecte”, một tác phẩm tạo nên tên tuổi cho Gơt trên văn đàn thế giới.
Thời gian Gơt làm luật sư ở Phranphuôc chỉ kéo dài mấy năm, tham gia cãi hơn khoảng 30 vụ án và phần lớn thời gian, Gơt dành cho việc sáng tác văn chương. Bỗng tháng 11/1775 Gơt nhận lời mời của công tước Auguxt đến triều đình Vaima và quyết định ở lại đây. Năm ấy Gơt 26 tuổi, Vaima là một công quốc nhỏ bé chưa tới 20 vạn dân với thủ phủ Vaima chưa tới 6000 dưới quyền cai trị của vị công tước còn rất trẻ tuổi, 18 tuổi. Gơt được cử làm cố vấn và ủy viên hội đồng chính trị rồi dần dần làm Giám đốc ngành khai mỏ, Giám đốc ngành xây dựng cầu đường, Bộ trưởng chiến tranh và sau đó lại làm Bộ trưởng tài chính phụ trách ngành thu thuế. Từ tháng giêng năm 1782 Gơt lên đến chức Tể tướng. Chính trong thời gian này, do thực tiễn công việc đòi hỏi Gơt đã đi sâu vào nghiên cứu các ngành khoa học như: địa chất, khoáng vật, thực vật, giải phẫu… Gơt trở thành một nhà bác học.
Đầu tháng 9/1786 Gơt bí mật từ bỏ triều đình Vaima ra đi, ông sang Italia, đi khắp nơi: Verônơ, Vixăngtơ, Padu, Vơnidơ… để nghiên cứu văn học cổ đại, học vẽ và du ngoạn những di tích thời cổ, thực hiện ước mơ 16 năm về trước khi ông đang là một thanh niên sôi nổi. Nhưng tháng 6/1788 Gơt quay về Vaima với công tước Auguxt và sống ở đấy suốt 40 năm sau, đến ngày 22/03/1832 thì ông mất.
1.3.3 Sự nghiệp văn chương
Gơt có sự nghiệp văn chương sáng tác phong phú, là tinh hoa rực rỡ tiêu biểu của nền văn học tư sản Đức. Gơt sống từ thời kì triết học Ánh sáng qua thời kì Bão táp và Xung kích cho tới giai đoạn văn học lãng mạn chủ nghĩa ở thời kì, và ở thời kì nào ông cũng có ý thức phản ánh trung thực hiện thực xã hội. Tác phẩm của Gơt đã nâng văn học Đức lên trình độ cổ điển nổi tiếng thế giới.
Sự nghiệp sáng tác của Gơt bắt đầu bằng tập thơ Annet (1767) gồm nhiều bài thơ viết theo phong cách Rô-cô-cô.
Năm 1768, sáng tác vở kịch “Tính nết kẻ si tình”.
Năm 1769, viết vở hài kịch “Những kẻ tòng phạm”.
Năm 1771, Gơt tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa và trở về Phranphuôc, được bổ nhiệm làm biện hộ sư, nhưng ông vẫn tiếp tục dành phần lớn thời gian cho sự nghiệp sáng tác và sưu tập văn học dân gian. Chính trong thời gian này, lần đầu tiên Gơt được đọc Spinôda và sức ảnh hưởng của triết học phiếm thần đã hấp dẫn trang viết của ông.
Năm 1773, Gơt sáng tác vở kịch “Gơxơ Phôn Beclisinghen” và lập tức được ca ngợi là nhà văn của nước Đức.
Mùa thu năm 1774, nhà văn cho ra đời quyển tiểu thuyết dạng thư tín “Nỗi đau của chàng Vecte”, gây chấn động cả châu Âu.
Bên cạnh Hecđơ, Gơt cũng trở thành nhà lí luận của phong trào Bão táp và Xung kích. Tình yêu đối với Phriđrích Briông, cuộc sống gần thiên nhiên đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ viết nên những vần thơ mới mẻ đầy xúc cảm như:
“Bài ca tháng Năm”, “Gặp mặt và chia tay”, “Bông hồng nội”,…
Tháng 11/1775 Gơt nhận lời mời của công tước Các Auguxt đến làm việc tại Vaima nhưng mâu thuẫn giữa Gơt và bọn quý tộc ngày càng cao. Đến tháng 9/1786 ông sang Italia, và con đường sáng tác của Gơt chuyển sang một giai đoạn khác. Ông viết các vở kịch “Iphigiêni ở Tôrit” (1787), “Etmông” (1788), “Taxô”
(1790).
Tháng 7/1794 đánh dấu mối quan hệ giữa Gơt và Sile. Hai ông cùng ra một số tờ báo văn học và nghệ thuật cũng như sáng tác thơ ca. Nhờ sự động viên của Sile, Gơt tiếp tục viết vở kịch “Phaoxtơ” đã được bắt đầu từ thời trẻ.
Từ năm 1790 cho đến khi mất, Gơt sáng tác cuốn tiểu thuyết: “Những năm học nghề của Vinhêm Maixtơ” (1796), “Phaoxtơ I” (1808), “Phaoxtơ II” (1832).
Ngoài ra, Gơt còn viết nhiều công trình nghiên cứu lí luận về các vấn đề mĩ học và sáng tác văn học nghệ thuật như: “Laocôôn” (1798), “Về sự thật và dường như sự thật của tác phẩm nghệ thuật” (1797 – 1798), “Về đối tượng của nghệ thuật tạo hình” (1797), “Nghiên cứu của Điđơrô về hội họa” (1799).
Gơt cũng viết hồi kí: “Thơ ca và chân lí” (1811 – 1830), “Hành trình sang nước Italia” (1816).
Tập thơ lớn cuối cùng của ông là : “Tập thơ Tây – Đông” sáng tác vào những năm 1814 – 1815 gồm 335 bài.