CHƯƠNG II: CÁC NGUYÊN TẮC SÁNG TÁC CỦA CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC
2.2 Chủ nghĩa hiện thực
2.2.1 Nguyên tắc sáng tác
2.2.1.2 Nguyên tắc điển hình hóa
Yêu cầu miêu tả cuộc sống như nó vốn có, nếu hiểu máy móc dễ khiến tác phẩm sa vào phản ánh cuộc sống một cách thụ động, tràn lan, dẫn đến nguy cơ biến tác phẩm thành một bản sao thừa chi tiết và thiếu chủ đề. Vì vậy, để tác phẩm vừa là bức tranh về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, vừa chuyên chở được thông điệp của tác giả, văn học rất cần đến những điển hình. Nguyên tắc điển hình hóa được xem như một nguyên tắc đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực. Khi nhận xét về tác phẩm “Người thiếu nữ thành thị” của Hácơnéx, Mác đã đưa ra nhận định: “đã nói đến chủ nghĩa hiện thực thì ngoài sự chân thực của chi tiết ra, còn phải nói đến sự thể hiện chính xác những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Nhận định này đã được không ít người đánh giá là định nghĩa của chủ nghĩa hiện thực.
Điển hình không phải là một phạm trù dành riêng cho nghệ thuật, nhưng ở nghệ thuật, điển hình được quan niệm thường phong phú hơn các lĩnh vực khác.
Một điển hình văn học bao giờ cũng thỏa mãn tính chung và tính riêng, là kết quả của sự kết hợp giữa sự khái quát hóa và cụ thể hóa. Tính chung đòi hỏi đối tượng phải tiêu biểu cho một tập hợp hàm chứa nó, đủ tư cách đại diện cho một hệ thống mà nó là một bộ phận. Tính riêng đòi hỏi đối tượng phải có những đặc điểm riêng của nó, giúp phân biệt với các đối tượng khác. Như vậy, nguyên tắc điển hình hóa là nguyên tắc tạo nên những điển hình, vừa mang những đặc điểm độc đáo của riêng nó, vừa có diện mạo của v số những gương mặt ngoài nó.
Về chi tiết, nguyên tắc điển hình hóa giúp nhà văn lựa chọn những chi tiết vừa chính xác, chân thực vừa tiêu biểu nhất, nói lên được bản chất của sự vật, tránh tình trạng sử dụng chi tiết một cách tràn lan, vụn vặt.Vì vậy, nhà văn cần lựa chọn, sang lọc kĩ từ vô số chi tiết thu nhặt từ cuộc sống để tạo nên những chi tiết điển hình cho tác phẩm. Những chi tiết điển hình sẽ là tư liệu để xây dựng nên những tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình.
Tính cách điển hình là tính cách vừa đảm bảo tính chung, vừa đảm bảo tính riêng. Không chỉ mang cảm quan lịch sử, chủ nghĩa hiện thực còn thể hiện cao độ tinh thần phân tích, cả phân tích xã hội lẫn phân tích tâm linh, thế giới bên trong con người. Chính vì vậy, từ những quan sát, phân tích con người và xã hội, các nhà văn hiện thực đã khắc họa tính chung trong tính cách của nhiều loại người và tính riêng của mỗi người qua các hình tượng nhân vật khác nhau. Tính chung đòi hỏi tính cách nhân vật phải tiêu biểu cho “các giai cấp và các trào lưu nhất định, do đó, tiêu biểu nhất định cho các tư tưởng nhất định của thời đại”. Muốn như vậy, nhà văn cần có một vốn hiểu biết sâu rộng về cuộc sống xã hội, có năng lực khái quát cao, biết gạt bỏ những yếu tố thứ yếu để giữ lại những nét chủ yếu, có ý nghĩa phổ biến. Do vậy, các nhân vật thường được quan niệm là con người lắp ghép, những vai chắp vá. Trong tựa “Phòng trưng bày vật cổ”, Bandăc viết: “Muốn vẽ một hình tượng đẹp thì mượn dung cánh tay của người này, chân của người mẫu kia, ngực của người mẫu nọ và đôi vai của mẫu người khác nữa”. Một vài phiền
toái cho nhà văn cũng phần nào nói lên ý nghĩa phổ biến của nhân vật. Trong “Tạp văn tuyển tập”, Lỗ Tấn nói : “Lấy ở mỗi người một nét, cho nên trong số những người lien quan đến tác giả, không thể tìm ra ai thật giống như thế. Nhưng vì lấy ở mỗi người một nét, nhiều người lại thấy phần nào giống mình, và cũng dễ dàng làm cho nhiều người phát cáu”. Cũng cần lưu ý rằng tính chung không đồng nhất với tính giai cấp, nó có thể “lớn hơn” hoặc “nhỏ hơn” tính giai cấp.
Bên cạnh tính chung (tính tiêu bểu), tính cách nhân vật, theo Ănghen, còn phải mang tính riêng (tính cá thể): “Mỗi cá tính là một điển hình, nhưng đồng thời cũng là một cá tính cụ thể, tức là con người này như Hêghen đã nói trước kia”.
Mỗi nhân vật phải được thể hiện sinh động từ lí lịch, dáng vẻ, cho đến ngôn ngữ, hành động, đặc biệt là “những nhân vật cần có những nét đặc trưng, những nét tính cách nổi bật, những cá tính”. Cá tính có vai trò quyết định đối với cách ăn mặc, đi đứng, suy nghĩ, nói năng, hành động của nhân vật. Do vậy, xây dựng được cá tính chính là đã nắm bắt được yếu tố chủ đạo tạo nên tính thống nhất cao độ cho các hình tượng nhân vật. Trao cho nhân vật một cá tính, chính là trao cho nhân vật một sức sống riêng, một lí do tồn tại, một diện mạo riêng, khó nhầm lẫn và khó thay thế. Tất nhiên, cá tính “không những được diễn tả bằng việc mà cá nhân ấy làm mà còn bằng cách cá nhân ấy làm việc nữa” (Ănghen). Như vậy, nếu như tính chung giúp cho tính cách có tính khái quát cao thì tính riêng giúp cho tính cách sinh động, độc đáo, chứ không trừu tượng, sơ cứng.
Tính cách điển hình cần phải được đặt trong những hoàn cảnh điển hình.
Hoàn cảnh điển hình là một hoàn cảnh vừa bao quát vừa cụ thể. Nó phải tái hiện được bối cảnh lịch sử của một xã hội nhất định, phải phản ánh được bản chất hoặc một vài khía cạnh bản chất của xã hội ấy. Tuy nhiên, hoàn cảnh này không phải hiện lên như một đường viền, một khung trang trí mà phải thông qua tính chất cụ thể, riêng biệt của nó. Hoàn cảnh điển hình phải gắn với một số phận, một tính cách nhất định, và bao gồm những sự kiện, những quan hệ do chính những tính cách tạo nên. Lênin từng nói: “Trong khi nghiên cứu những mối quan hệ thực tế và sự phát triển thực tế của những quan hệ đó, tôi đã nghiên cứu chính ngay cái
kết quả hoạt động của những cá nhân đang sống” (Mác, Ănghen, Lênin bàn về văn học nghệ thuật). Bandăc cũng cho rằng: “Trong khi những con người bắt đầu lên tiếng, sự vật đã kể chuyện về họ.”. Từ đó, nhìn vào những hoàn cảnh với những quan hệ cụ thể của nhân vật, người ta thấy được bối cảnh xã hội rộng lớn xung quanh. Như vậy, hoàn cảnh điển hình giống như một thước phim vừa bao quát toàn cảnh vừa bám sát cận cảnh. Đó là môi trường cho tính cách vận động và phát triển.
Trong quan niệm của Mác và Ănghen, tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình có mối quan hệ qua lại với nhau: “con người tạo ra hoàn cảnh, hoàn cảnh tạo ra con gnuowif”. Cho nên, nhân vật chịu sự tác động của hoàn cảnh cũng như hoàn cảnh được xác định bởi nhân vật. Về mụ Vôke, nhân vật bà chủ nhà trọ trong tác phẩm “Lão Gôriô”, Bandăc viết: “ Tất cả con người của mụ giải thích nhà chứa trọ, cũng như nhà chứa trọ bao hàm con người của mụ”.
Tính cách luôn luôn vận động, sự vận động đó được giải thích bởi hoàn cảnh. Trong “Thư gửi Látxan”, Ănghen viết: “động cơ hành động của họ không phải là những thị dục nhỏ mọn của cá nhân đâu, mà là cái trào lưu lịch sử nó mang theo những tư tưởng đó”. Như vậy, hoàn cảnh chính là cha đẻ của tính cách, hoàn cảnh nào sinh tính cách ấy. Khi hoàn cảnh thay đổi tất sẽ dẫn đến sự thay đổi trong tính cách. Điều này trái ngược với quan niệm của chủ nghĩa cổ điển, xem tính cách là một cái gì tĩnh tại và bất biến. Sự vận động làm nên tính phong phú, sinh động cho tính cách.
Đứng trước sự tác động của hoàn cảnh, tính cách cũng có phản ứng nhất định. Trong “Thư gửi Háccơnex”, Ănghen viết: “Sự đề kháng có tính chất cách mạng của giai cấp công nhân đối với hoàn cảnh chung quanh, đang áp bức họ, những sự toan tính – đột phát, nửa tự giác hoặc tự giác của họ, nhằm giành lấy quyền làm người của họ, hai cái đó đều thuộc về lịch sử, và có thể được chủ nghĩa hiện thực dành cho một chỗ trong lĩnh vực của mình”. Tìm hiểu văn học hiện thực, ta nhận thấy sự đề kháng này không chỉ xuất hiện ở công nhân mà còn ở nhiểu giai cấp, tầng lớp khác nhau. Tuy nhiên, do hạn chế về thế giới quan, cũng là hạn chế
chung của lịch sử, các nhà văn hiện thực chưa tìm ra được hướng giải quyết cho những xung đột xã hội, do vậy, sự phản ứng của nhân vật trước hoàn cảnh chưa mang tính chủ động, tích cực, mà thường thất bại hoặc vô vọng.
Như vậy, nhân vật điển hình là kết quả của sự thống nhất cao độ giữa cái riêng và cái chung, cái riêng phải thật sắc nét còn cái chung phải thật khái quát nhưng không phải kéo dài theo hai cực đối lập nhau mà phải thống nhất nhau, hơn nữa phải hài hòa cao độ. Nó làm cho nhân vật vừa lạ mà vừa quen (Bêlinxki).
Nhân vật đó phải có sự xuyên thấm thật nhuần nhuyễn của hai mặt cá thể hóa và khái quát hóa. Cho nên, nói một cách nghiêm ngặt, thì chỉ đến chủ nghĩa hiện thực mới thực sự có điển hình, đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực phê phán. Nguyên tắc điển hình hóa giúp cho chủ nghiac hiện thực khắc phục được nhược điểm của chủ nghiac cổ điển nặng về cái chung và nhược điểm của chủ nghĩa lãng mạn luôn nặng về cái riêng. Điển hình hóa là một thành tựu nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực, cả trong khái quát xã hội lẫn khai thác tâm lí con người. Nguyên tắc này chính là một trong những lí do quan trọng khiến Gorki đánh giá chủ nghĩa hiện thực là một nền văn học “mẫu mực về kĩ thuật”.