CHƯƠNG II: CÁC NGUYÊN TẮC SÁNG TÁC CỦA CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC
2.2 Chủ nghĩa hiện thực
2.2.1 Nguyên tắc sáng tác
2.2.1.1 Nguyên tắc lịch sử - cụ thể
Tình hình xã hội với những mâu thuẫn gay gắt và những thành tựu khoa học với cái nhìn duy vật đã tạo nên nguyên tắc lịch sử - cụ thể.
Hai khía cạnh “lịch sử” và “cụ thể” tuy không tách rời nhau, nhưng có thể tạm phân biệt một cách tương đối. Nói “cụ thể” tức là chỉ một quan hệ xã hội với một tình thế mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp cụ thể. Điều đó trước hết cũng phản ánh thực tại khách quan trong xã hội, mặt khác cũng là do những yếu tố đúng đắn trong chủ nghĩa xã hội không tưởng cùng những thành tựu khách quan trong sử học tư sản lúc bấy giờ. Nói “lịch sử” tức là nhìn sự vật bao giờ cũng phải thấy quá trình phát sinh, phát triển và chuyển hóa của nó. Điều đó là do tác động của phép biện chứng của Hêghen cùng sự kết tinh những thành tựu khoa học tự nhiên, đặc biệt là tiến hóa luận của Đácuyn.
Nguyên tắc lịch sử - cụ thể đã thay thế cho nguyên tắc lí tính đã ngự trị trong khoa học và trong văn học nghệ thuật của bao thế kỉ trước đó. Nguyên tắc này giúp cho các nhà văn phản ánh được cuộc sống một cách chân thực, sinh động. Các nhà văn hiện thực rất có ý thức về thời đại mình đang sống và thể hiện lịch sử đó vào trong tác phẩm của mình. Họ thường dung những mốc thời gian xác định, phản ánh những sự kiện mang tính thời sự và những vấn đề mang tính thời đại. Trong “Epghênhi Ônhêgin”, Puskin xác định thời gian của tiểu thuyết là từ mùa xuân năm 1819 đến mùa xuân năm 1825 và ông đưa vào tác phẩm của mình một số chi tiết sinh hoạt xã hội Nga thời ấy, Tuốcghênhep cũng rất chú ý khớp những hành động trong tiểu thuyết của mình với thời đại nhất định. Tất nhiên, sự mô tả chân thực hiện thực hoàn toàn không đồng nhất với tính chính xác của sử học mà quan trọng là lựa chọn được những chi tiết, sự kiện tiêu biểu phản ánh tinh thần thời đại. Cảm quan lịch sử ấy đã mang lại giá trị nhận thức cho văn học hiện thực. Đọc Bandăc, Ănghen cũng có ý kiến tương tự: “Bandăc mô tả toàn bộ lịch sử của xã hội Pháp, trong đó ngay cả những chi tiết về kinh tế…tôi đã học tập được nhiều hơn là trong tất cả các sách của các nhà sử học, các nhà kinh tế học và các nhà thống kê chuyên nghiệp thời ấy cộng lại”.
Không dừng lại ở sự quan sát cuộc sống, các nhà văn hiện hiện thực còn tiến hành phân tích, nghiên cức để nắm bắt được mối liên hệ nội tại của xã hội cùng những quy luật bản chất làm nên sự vận động của xã hội ấy. Bộ “Tấn trò
đời” của Bandăc như là một pho lịch sử của toàn bộ nước Pháp thế kỉ XIX. Ông đã tìm tòi, khám phá thực trạng xã hội, ông muốn phát hiện ra động cơ của lịch sử, lí do của cuộc vận động xã hội. Ông cũng có một quan niệm sinh động biện chứng, đó là lịch sử mô tả trong sự vận động, biến chuyển đầy mâu thuẫn của nó. Đọc văn học hiện thực Anh, Mác cũng từng nhận xét: “Học phái hiện đại xuất sắc những nhà tiểu thuyết Anh vốn đã có những trang sách thuyết minh và hùng biện cho thế giới biết được nhiều sự thật chính trị và xã hội hơn là tất cả các nhà chính trị chuyên nghiệp, những nhà chính luận và những nhà luận lí học gộp lại”.
Trên nguyên tắc lịch sử - cụ thể, văn học hiện thực Tây Âu thế kỉ XIX đã mô tả, phân tích và lí giải xã hội thời kì này. Đó là một xã hội luôn diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các giai cấp, giữa quý tộc và tư sản, giữa tư sản và công nhân, giữa nông dân hay nông nô và địa chủ quý tộc. Tùy vào hoàn cảnh xã hội của mỗi nước, hình thái đấu tranh giai cấp có khác nhau. Tiểu thuyết Anh vẽ lên sự kèn cựa cũng như thỏa hiệp giữa giai cấp tư sản và quý tộc Anh. Tiểu thuyết Pháp phản ánh con đường tư sản hóa của giai cấp quý tộc Pháp cũng như tấn bi kịch của gã quý tộc phá sản quỳ gối trước túi tiền của gã tư sản và gã tư sản hãnh tiến chạy theo tước vị của quý tộc. Tiểu thuyết Nga mô tả mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp nông nô và giai cấp địa chủ quý tộc cũng như sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào nông thôn Nga làm cho nông dân một cổ hai tròng. Đó cũng là một xã hội đang trên đường tư bản hóa. Đồng tiền và quyền lực chi phối mạnh xã hội.
Đồng tiền làm tha hóa con người, làm biến chất những tình cảm tốt đẹp của con người, phá phách, lũng đoạn mọi tổ chức, thiết chế chính trị, xã hội từ bộ máy nhà nước, cơ quan pháp luật cho đến tôn giáo, đạo đức, hôn nhân và văn hóa giáo dục.
Đồng tiền đã khiến cho những kẻ hám tiền ngày càng trở nên tham lam, muốn vơ vét nhiều hơn, càng quỷ quyệt hơn trong thủ đoạn kiếm tiền. Đồng tiền đã bóp chết những tình yêu tự nhiên, dàn xếp những cuộc hôn nhân không tình yêu dẫn đến tình trạng tạp hôn, ngoại tình rất phổ biến. Đồng tiền đã thúc đẩy những con người kém may mắn, nhưng thừa tài năng ngoi lên bằng mọi cách để rồi cuối cùng phải vỡ mộng, hoặc thỏa hiệp với cái xấu, bán rẻ lương tâm, hoặc tự kết liễu đời
mình. Ngược lại, đối với những kẻ có tiền, đồng tiền lại khiến họ trở nên lười biếng và phóng đãng, sống không lý tưởng và mục đích, để cuộc đời trôi đi một cách vô vị, để năng lực khô kiệt và tâm hồn ngày càng trống rỗng, cuối cùng họ trở thành những con người thừa. Đối với những con người có địa vị thấp kém trong xã hội, đồng tiền khiến họ trở thành con người nhỏ bé. Sống trong những điều kiện chật hẹp, thiếu thốn với những chuyện lo âu thiển cận, tầm thường khiến họ càng hèn kém đi, còm cõi và cùn gỉ đi.
Trước những tệ lậu của xã hội tư sản, các nhà văn không thể không cất lên tiếng nói phê phán. Sự thật chua chat, sự thật hèn mọn là những chủ đề nổi bật của nhiều tác phẩm. Những tựa đề như “Những linh hồn chết”, “Vỡ mộng”, “Ảo tưởng tan tành”…cũng phần nào nói lên cảm hứng phê phán mạnh mẽ của văn học hiện thực. Tuy nhiên, bên cạnh cảm hứng phê phán, phủ định, chủ nghĩa hiện thực vẫn thể hiện tinh thần khẳng định, ngợi ca và thương cảm.
Do có tham vọng phản ánh cuộc sống một cách toàn diện nên văn học hiện thực tỏ ra thích hợp với thể loại tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết xã hội, một thể loại cho phép vừa đi sâu miêu tả tỉ mỉ một vấn đề, vừa khái quát được nhiều vấn đề với những mối quan hệ qua lại chằng chịt giữa chúng.