Chương IV CHỦ THỂ THẨM MỸ
III. Các hình thức tồn tại của chủ thể thẩm mỹ
Trong hoạt động thực tiễn của con người với hiện thực đã hình thành rất nhiều chủ thể thẩm mỹ khác nhau. Mỹ học Mác-Lênin đã phân chúng thành những nhóm chủ thể hoạt động thẩm mỹ cơ bản sau: 1. Nhóm chủ thể hoạt động thưởng thức thẩm mỹ. 2. Nhóm hoạt động đánh giá thẩm mỹ. 3. Nhóm chủ thể hoạt động sáng tạo thẩm mỹ.
Từ ba nhóm chủ thể hoạt động thẩm mỹ chính ấy, người ta có thể phân xuất chúng thành một vài nhóm khác nữa. Chẳng hạn:
1. Nhóm chủ thể hoạt động thưởng thức thẩm mỹ.
2. Nhóm chủ thể hoạt động đánh giá thẩm mỹ.
3. Nhóm chủ thể hoạt động sáng tạo thẩm mỹ.
4. Nhóm chủ thể hoạt động biểu hiện thẩm mỹ.
5. Nhóm chủ thể hoạt động tổng hợp các giá trị thẩm mỹ.
Nhóm chủ thể hoạt động thưởng thức thẩm mỹ, đó là nhóm chủ thể rộng nhất. Đặc trưng chủ yếu của nó là phản ánh thụ cảm những quá trình thẩm mỹ xảy ra trong cuộc sống và nghệ thuật. Người ta thường gọi những chủ thể này là chủ thể tiêu thụ những giá trị thẩm mỹ.
* Các quan sát của chủ thể hoạt động thưởng thức thẩm mỹ diễn ra trong hai quá trình cơ bản: Tìm hiểu các giá trị thẩm mỹ của nó rồi thâm nhập sâu hơn vào các quá trình thẩm mỹ đó tìm ra các quy luật nội tại của đối tượng thẩm mỹ;
Nhờ có năng lực thẩm mỹ mà chủ thể thẩm mỹ thưởng thức đã phát hiện, khám
phá ra những đặc điểm của đối tượng, đánh giá đối tượng, phân loại đối tượng và đi đến kết luận đối tượng một cách nhanh nhất.
Cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái cao cả, cái anh hùng không phải là những đối tượng thẩm mỹ dễ phát hiện đối với một chủ thể tiêu thụ. Dù là tiêu thụ, là khán giả, là thính giả, chủ thể thưởng thức muốn được các giá trị thẩm mỹ thức tỉnh, muốn xâm nhập được vào bản chất các giá trị thẩm mỹ ấy, để biến đổi mình và biến đổi nó, để đạt tới sự tiêu thụ cao hơn thì cần luôn nâng cao năng lực thẩm mỹ.
* Nhóm chủ thể đánh giá thẩm my: giá trị của chủ thể sáng tạo ra đã được đối chiếu, được phản ánh thông qua chủ thể thưởng thức và nhất là chủ thể đánh giá giá trị.
Cơ sở của đánh giá thẩm mỹ phụ thuộc vào nhiều quan hệ: 1. Quan điểm thẩm mỹ của chủ thể. 2. Các chuẩn mực trong đánh gía. 3. Các đặc trưng thẩm mỹ của đối tượng.
Có thể phân loại các hình thức cơ sở đánh giá thẩm mỹ như sau: 1. Đánh giá tình cảm, xúc cảm. 2. Đánh giá dựa vào các chuẩn mực xã hội nhất định. 3.
Dựa vào các thước đo giá trị đã ổn định…
Đánh giá thẩm mỹ có các cơ sở khoa học khách quan của nó. Đó là sự đánh giá dựa trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng và tôn trọng các chuẩn mực giá trị đã hình thành trong quan hệ thẩm mỹ. Tính nhân dân, tính giai cấp, tính dân tộc, tính thời đại, tính nghệ thuật là cơ sở vững chắc của đánh giá thẩm mỹ và đánh giá nghệ thuật.
Chủ thể đánh giá thẩm mỹ giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết các sản phẩm sáng tạo với người tiêu thụ. Vai trò to lớn của chủ thể đánh giá là nêu lên được những giá trị và phản giá trị chính xác, rút ra được các quy luật tồn tại của các sản phẩm sáng tạo, giúp cho cả chủ thể sáng tạo và chủ thể tiêu thụ những định hướng cần thiết.
Tính chất của chủ thể đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức, vào văn hóa, vào kinh nghiệm sống, vào tâm lý, vào thị hiếu và lý tưởng… của người định hướng. Trong quá trình định hướng, chủ thể đánh giá không chỉ là chủ thể thụ động, tiêu thụ ở mức độ cao, mà còn là chủ thể sáng tạo. Tính chất sáng tạo của chủ thể đánh giá không giống như chủ thể sáng tạo ra sản phẩm. Sự sáng tạo của chủ thể đánh giá là trên cơ sở của cái đã sáng tạo, chủ thể đánh giá sáng tạo một lần nữa bằng cách nhấn mạnh những đặc tính còn “chìm” của sáng tạo.
Đối với nghệ thuật, chủ thể đánh giá thẩm mỹ đó là phê bình. Trước mọi hiện tượng văn nghệ, các nhà phê bình nghệ thuật chân chính là người vạch rõ đúng, sai, tốt, xấu, chất lượng… của các tác phẩm nghệ thuật.
Những nhà chế định đường lối, chính sách văn hóa-văn nghệ của chúng ta luôn luôn quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm cách mạng của Đảng và được soi sáng từ lý tưởng thẩm mỹ sáng ngời của giai cấp vô sản. Vì thế, họ tham gia vào tư cách chủ thể định hướng thẩm mỹ như những nhà định hướng cả quá trình sáng tạo.
* Nhóm chủ thể sáng tạo: Đây là những chủ thể tiếp nối quá trình tiêu thụ, quan sát của nhóm chủ thể thưởng thức để chuyển sang một quá trình mới: quá trình sản xuất.
Đặc điểm cơ bản đầu tiên của sự thụ cảm biến đổi trong chủ thể sáng tạo là biết rút ra từ đối tượng những nét bản chất.
Quá trình tiếp theo của những xúc cảm biến đổi ấy là những xúc cảm phải được vật chất hóa. Người ta thường gọi quá trình đó là cái xúc cảm dấu vết.
Các mức độ khác nhau của quá trình vật chất hóa, đối tượng hóa đó có thể nói lên năng lực thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo. Đối với nghệ sỹ, quá trình vật chất hóa, đối tượng hóa không thể tự diễn ra nếu không có các phương tiện truyền cảm.
Bản chất của qua trình sáng tạo là một quá trình phản ánh, phản ứng đáp lại. Quá trình này nêu rõ mục đích, tính giai cấp, tính dân tộc, bản chất xã hội cũng như đặc trưng thẩm mỹ của quá trình sáng tạo. Phản ứng đáp lại đối với một chủ thể sáng tạo nghệ thuật được quyết định bởi đặc điểm của sự tác động, nghĩa là của cái được phản ánh và cả đặc điểm của bản thân người sáng tạo.
Trong chủ thể sáng tạo nghệ thuật thì tưởng tượng, liên tưởng và cá tính sáng tạo có vai trò cực kỳ quan trọng. Chủ thể sáng tạo nghệ thuật không phải là chủ thể thụ động mà là chủ thể tích cực cải tạo hiện thực.
Sáng tạo thẩm mỹ là sáng tạo theo quy luật cái đẹp, được thể hiện cao nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo thẩm mỹ, sáng tạo nghệ thuật thường gắn với tưởng tượng, với hư cấu, với phong cách và trên hết là gắn bó chặt chẽ với cuộc sống.
* Chủ thể biểu hiện thẩm my: Đây là một nhóm chủ thể hiện thực việc truyền đạt sản phẩm của chủ thể sáng tạo thẩm mỹ cho chủ thể tiêu thụ. Đặc trưng của nhóm chủ thể biểu đạt khác với chủ thể định hướng là nhằm truyền đạt một cách trung thành cái bản chất của toàn bộ sản phẩm sáng tạo đến người tiêu thụ.
Sản phẩm sáng tạo là một tổng hợp các giá trị phong phú. Nhiệm vụ của người biểu đạt là truyền đạt đúng, đẹp, tốt nhất những giá trị đó của sản phẩm sáng tạo.
Mỗi chủ thể biểu hiện không thể biểu đạt được các sản phẩm sáng tạo mà họ cần phải có những công cụ, phương tiện để biểu đạt. Các công cụ đó trước hết phải là ngôn từ. Không có ngôn từ thì không thể biểu đạt các được các cảm xúc về sản phẩm sáng tạo.
Có hàng trăm dạng chủ thể biểu hiện khác nhau và sử dụng những phương tiện biểu hiện khác nhau.
Việc làm chủ các phương tiện biểu hiện và các cách thức biểu hiện là hoạt động thẩm mỹ cực kỳ quan trọng của nhóm chủ thể này.
Cùng một bản nhạc, một vở kịch có hàng vạn chủ thể biểu hiện. Có thể nói, khả năng đạt tới sự hoàn thiện trong biểu hiện là không có điểm đỉnh.
* Nhóm chủ thể của các giá trị thẩm my. Đó là nhóm chủ thể mà trong hình thái học nghệ thuật gọi là nhóm chủ thể tổng hợp các giá trị nghệ thuật.
Nhóm này có thể vừa là người thụ cảm, vừa là người sáng tạo, vừa là người biểu hiện và cũng là nhà phê bình. Nói đến các đặc trưng của nhóm chủ thể này, người ta thường lưu ý đến khả năng đạo diễn đó là những người thông hiểu những nghệ thuật không gian lẫn nghệ thuật thời gian.
Phương tiện thực hiện và thể hiện các hoạt động thẩm mỹ của nhóm chủ thể tổng hợp các giá trị thẩm mỹ rất rộng lớn. Các phương tiện ấy bao gồm các sản phẩm của người sáng tạo các tủ pháp sáng tạo, các công cụ sáng tạo của chủ thể biều hiện và cả bản thân chủ thể biểu hiện.
Khả năng sáng tạo cảu chủ thể tổng hợp các giá trị thẩm mỹ rất to lớn.
Bởi vì chủ thể tổng hợp sử dụng một khối lượng phương tiện cực kỳ đa dạng.
Chúng ta khẳng định rằng, con đường tiến lên của chủ thể thẩm mỹ là con đường từ năng khiếu, thông qua rèn luyện mà đi đến tài năng và thiên tài. Chủ thể thẩm mỹ cũng là một chủ thể xã hội. Nó không phải là một chủ thể tách biệt với các quan hệ mà nó hoạt động, nó lớn lên và phát triển. Tuy nhiên chủ thể thẩm mỹ cũng có những nét đặc trưng riêng. Các nét đặc trưng đó thể hiện khá rõ trong tình cảm, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ.