Chương III ĐỐI TƯỢNG THẨM MỸ
III.1. Khái quát về đối tượng thẩm mỹ
Đối tượng thẩm my chính là mặt thẩm my, các hiện tượng thẩm my khách quan trong một mối quan hệ thẩm my cụ thể nào đó. Đối tượng thẩm mỹ trực tiếp tác động tới chủ thể thẩm mỹ vào một thời điểm và ở một địa điểm xác định. Nó cuốn hút chủ thể thẩm mỹ bởi sức gợi cảm đặc biệt. Những phẩm chất thẩm mỹ bên ngoài tác động tới chủ thể đường đột tức thời. Song ngay sau đấy, ý thức thẩm mỹ cho phép con người đi sâu tìm hiểu, khám phá và lý giải chúng.
Sức hấp dẫn của chúng vì thế mà càng gia tăng. Điều này tuyệt nhiên không phủ nhận tính khách quan – đặc tính cơ bản nhất của đối tượng thẩm mỹ. I. Kant cho rằng, vẻ đẹp không phải ở má hồng người thiếu nữ mà trong đôi mắt của kẻ si tình là không thật thấu đáo. Cái thẩm mỹ toát lên từ toàn bộ những phẩm chất, những thuộc tính có thật, không lệ thuộc vào người tiếp nhận nó. Năng lực thẩm mỹ của chủ thể có thể làm tăng hay giảm phẩm chất hay thuộc tính thẩm mỹ, song không tạo ra chúng. Nhấn mạnh mặt này hay xem nhẹ mặt kia đều không biện chứng, không khoa học.
Cũng cần lưu ý là phẩm chất và thuộc tính của đối tượng thẩm mỹ không chỉ bắt nguồn từ bản thân sự vật, hiện tượng riêng lẻ mà còn bắt nguồn từ mối tương quan giữa chúng với môi trường chung quanh. Cánh chim chỉ đẹp khi chao lượn giữa bầu trời xanh bao la; cánh buồm chỉ đẹp khi vượt muôn trùng
sóng vỗ giữa biển khơi. Trong xã hội và đối với con người cũng vậy. Một con người đẹp là đẹp giữa cộng đồng; một hành vi đẹp là trong mối quan hệ giữa người với người. Tách khỏi cộng đồng với những mối quan hệ phong phú và nhiều vẻ thậm chí hoàn toàn mất đi cơ sở để phán đoán cái gì là đẹp và xấu, là cao cả và thấp hèn.
Phẩm chất và thuộc tính của đối tượng thẩm mỹ có thể nảy sinh trước hết từ hình thức hoặc nội dung, song giá trị thẩm my của sự vật và hiện tượng bao giờ cũng được xác định chủ yếu bởi nội dung. Điều này có ý nghĩa phổ quát, đúng cả với các hiện tượng thẩm mỹ ngoài đời sống cũng như trong nghệ thuật.
Có điều, trong nghệ thuật, điều này trở thành nguyên lý mỹ học chi phối mọi hoạt động sáng tạo, cảm thụ, và đánh giá nghệ thuật. Xa rời nguyên lý cơ bản về vai trò quyết định của nội dung trong hoạt động nghệ thuật sẽ có nguy cơ tạo ra môi trường cho chủ nghĩa hình thức hoành hành. Tính tích cực xã hội của nghệ sĩ vì thế cũng dần dà bị bào mòn. Nghệ thuật ngày càng xa rời những đòi hỏi bức thiết của con người và đời sống.
Xác định phẩm chất thẩm mỹ của mọi hiện tượng và quá trình trong tự nhiên, xã hội, lưu tâm tới việc khai thác, đồng hóa thực tại về phương diện thẩm mỹ chính là sự khẳng định tính phong phú, cao đẹp của đời sống con người. Ngoài đời sống chính trị, đạo đức, khoa học, tôn giáo… con người còn có đời sống thẩm mỹ với những vẻ riêng biệt. Con người không chỉ cần hệ tiêu chí đánh giá cái đúng và cái tốt, mà còn cần nhiều hệ tiêu chí đánh giá khác trong đó có việc xem xét, đánh giá cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài… Đời sống con người do vậy mà giàu có thêm lên.
Gió trăng chứa một thuyền đầy Của kho vô tận biết ngày nào vơi
(Nguyễn Công Trứ)
“Của kho vô tận” của thực tại chỉ thuộc về những ai sẵn lòng và có khả năng tiếp nhận nó. Và khi ấy, con người càng xứng đáng là vị chủ nhân chân chính của vũ trụ bao la.
Ngoài tính khách quan, cũng cần lưu ý tới tính độc đáo của đối tượng thẩm mỹ. Tạo hóa sinh ra muôn vật, muôn người không hề giống nhau. Ngay cha con nhiều lắm cũng hao hao như nhau; anh chị em sinh đôi giống nhau tới mức như là “hai giọt nước” thì cũng chỉ là một phép so sánh, thực tế thì đâu có hoàn toàn như vậy. Tuy nhiên, vẻ riêng biệt, không lặp lại của sự vật và hiện tượng khách quan được đối xử không giống nhau trong quan hệ xã hội. Các quan hệ chính trị, khoa học, đạo đức… không thực coi trọng chúng. Trong khi chúng được đặc biệt đề cao trong mối quan hệ thẩm mỹ. Thậm chí mọi sự vật, con người sẽ không còn là đối tượng thẩm mỹ nữa khi chúng bị tước đi vẻ đẹp độc đáo của riêng mình. Phẩm chất thẩm mỹ càng gia tăng khi đối tượng thẩm mỹ càng lung linh vẻ đặc sắc hiếm có. Có thể xem đời sống thẩm mỹ là lãnh địa của cái riêng, nơi nó tìm thấy sự bộc lộ mình đầy đủ nhất. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với nghệ thuật mà như văn hào M. Gorki đã từng nói là nếu mất cá
tính đi thì đồng nghĩa là không có gì cả. Trong sản xuất vật chất, người ta cần tạo ra những sản phẩm tốt nhất, càng nhiều càng hay. Nghệ thuật thì khác, phải tạo ra những sản phẩm duy nhất chưa từng xuất hiện. Trong hoạt động xã hội, người ta muốn có những người ưu tú nhất, càng nhiều càng quý. Nghệ thuật không giống thế, mỗi nghệ sĩ phải có gương mặt sáng tạo riêng không được phép lặp lại người khác.
III.1.2. Các phạm trù thẩm mỹ tích cực và tiêu cực
Để biểu thị đối tượng thẩm mỹ, người ta có thể dùng nhiều phạm trù khác nhau như cái đẹp, cái xấu, cái cao cả, cái thấp hèn, cái bi, cái hài, cái hùng… Đó là những phạm trù thẩm mỹ cơ bản. Không thể liệt kê ra hết những phạm trù thẩm my không cơ bản khác nhau, chúng phong phú như chính bản thân đời sống thẩm mỹ. Chẳng hạn: cái duyên, cái xinh. Cái đẹp không dung chứa toàn bộ cái duyên. Ngay cả cái xinh cũng không hoàn toàn là cái đẹp. Đối tượng thẩm mỹ còn là một vùng đất thăm thẳm trước những khám phá mỹ học của người nghiên cứu. Và cứ mỗi lần chiếm lĩnh được một phạm trù nào lại là một dịp tiếp cận gần hơn cái đích gần như vô hạn định của tri thức thẩm mỹ.
Nếu ý thức thẩm mỹ là khái niệm thể hiện chủ thể thẩm mỹ bao quát nhất thì khi biểu hiện đối tượng thẩm mỹ, người ta sử dụng khái niệm cái thẩm my. Đó là phạm trù thẩm mỹ bao trùm lên các phạm trù thẩm mỹ cụ thể, cơ bản và không cơ bản. Cái thẩm my gồm cả phạm trù thẩm my tích cực lẫn phạm trù thẩm my tiêu cực. Cơ sở của sự phân chia là xét xem phạm trù thẩm mỹ ấy có phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của sự sống, của lịch sử và của xã hội hay không. Tiếng gà trống đánh thức buổi bình minh mở đầu một ngày lao động giàu ý nghĩa được con người coi là đẹp. Nấm độc giàu màu sắc sặc sỡ vẫn bị xem là xấu. Cái chết của Hitler kết thúc mối hiểm họa của chủ nghĩa phát xít hủy diệt không thương tiếc nền văn minh của loài người bị liệt rất đúng vào cái xấu.
Trong khi sự ra đi của Hồ Chí Minh lại mang vẻ đẹp sáng ngời.
Ngôi sao ấy lặn hóa bình minh
(Tố Hữu)
Với tất cả những lý do đó, cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hùng là các phạm trù thẩm mỹ tích cực; còn cái xấu, cái thấp hèn, cái hài là các phạm trù thẩm mỹ tiêu cực. Cũng cần nhận thấy vị trí trung tâm của cái đẹp trong hệ thống các phạm trù thể hiện đối tượng thẩm my. Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh nghệ thuật, cái đẹp lại được con người trong các thời kỳ lịch sử quan tâm tìm hiểu nhiều đến như vậy. Có người thậm chí nói quá đi rằng lịch sử mỹ học chính là lịch sử nghiên cứu cái đẹp. Vị trí trung tâm của cái đẹp trước hết bộc lộ ở chỗ, trong một chừng mực nhất định, người ta có thể dùng các thuộc tính cơ bản của cái đẹp để xác định bản chất các phạm trù thẩm mỹ khác. Từ trong bản chất, cái bi chính là cái đẹp khi gặp thất bại. Có người gọi cái bi là cái đẹp bị hủy diệt là vì thế. Người ta cũng có thể định nghĩa cái xấu – phạm trù thẩm mỹ sóng đôi đối lập với cái đẹp, bằng việc đảo ngược toàn bộ thuộc tính của cái đẹp. Với ý nghĩa ấy, mọi hiện tượng và các quá trình càng xấu thì càng xa lạ với cái đẹp. Cái hài là gì nếu không phải là sự phá bỏ sự hài hòa vốn là đặc tính nổi bật của cái đẹp.
Cái hài lại ưa đội lốt cái đẹp. Càng đội lốt cái đẹp, cái hài càng đáng phỉ báng, giễu cợt. Thế còn cái cao cả? Không ít người xem cái cao cả như là cái đẹp ở mức độ phát triển rực rỡ. Như Kant và Tsecnưsepxki. Hai ông nhấn mạnh đến “vẻ đẹp đồ sộ”, “vẻ đẹp quảng tính” khi nói về bản chất của cái cao cả.Vị trí trung tâm của cái đẹp còn đặc biệt được bộc lộ trong hình thái biểu hiện cao nhất của mối quan hệ thẩm mỹ là nghệ thuật. Cái đẹp bao giờ cũng là mục tiêu hướng tới của những nghệ sĩ chân chính xưa nay. Đối tượng đẹp khách quan luôn được nghệ thuật coi trọng. Tư tưởng, tình cảm đẹp bao giờ cũng là khát vọng biểu hiện của nghệ thuật chân chính xưa nay. Tác phẩm nghệ thuật không khi nào không đòi hỏi một vẻ đẹp hoàn thiện từ hình thức đến nội dung. Nói gọn lại, nghệ thuật sẽ trở nên vô vị, vô định hướng nếu xa rời hoặc bỏ rơi cái đẹp.
Cuối cùng, không nên quên sự gắn bó và sự chuyển hóa qua lại tinh tế và sâu sắc của các phạm trù thẩm mỹ. Nhận thức buộc ta phải chia ra tương đối rạch ròi để có thể phân định, phân biệt. Trong thực tế, các phạm trù thẩm mỹ không tồn tại độc lập, tách biệt nhau. Mọi ý hướng, mọi cách xem xét đơn giản, một chiều đều tỏ ra cất cập, đôi khi bất lực trong việc giải đáp nhiều hiện tượng thẩm mỹ vốn vô cùng phức tạp đan chéo nhau trong đời sống cũng như trong nghệ thuật.