Chương III ĐỐI TƯỢNG THẨM MỸ
III.3. Cái cao cả, cái bi, cái hài
Hiện trong tiếng Việt có nhiều tên gọi khác nhau cho cùng một thuật ngữ “sublime”. Mỗi cách gọi có mặt “ưu”, mặt “liệt” riêng. Giáo trình này gọi là “cái cao cả”.
Cũng như cái đẹp, cái cao cả là một phạm trù thể hiện đối tượng thẩm mỹ khá rộng rãi. Cái cao cả có trong các hiện tượng và quá trình của tự nhiên, xã hội, con người và nghệ thuật. Gần gũi với cái đẹp, cái cao cả có những phẩm chất và thuộc tính gợi nên những cảm xúc tích cực và lành mạnh. Đó là cơ sở khiến Hegel gọi cái cao cả là cái đẹp ở mức tuyệt đỉnh. Song muốn nhận biết ra bản chất của cái cao cả không thể không chỉ ra sự khác biệt của nó với cái đẹp. Cái cao cả không giống cái đẹp ở cả hai phương diện đối tượng và chủ thể.
Về mặt đối tượng thẩm mỹ, cái cao cả thường là những sự vật, hiện tượng, quá trình khách quan có tính khác thường. Có khi chúng mang tầm vóc to lớn như biển động dữ dội trong giông bão, chiến công lẫy lừng giành và giữ nền độc lập của nước nhà… Nhiều khi chúng có tính hào hùng, kỳ vĩ như câu nói của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, hay lời tự bào chữa của Phidel Castro “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi”… Lại có khi chúng ẩn chứa vẻ siêu việt, tao nhã như tình yêu giữa Marx và Gieny, sự thanh cao của ngôi Chùa một cột… Về phía chủ thể thẩm mỹ, cái cao cả thường gợi lên những cảm xúc choáng ngợp, ngưỡng vọng, sùng bái, đôi khi có phần chới với, bối rối và lo sợ. Sắc thái của cảm xúc tùy thuộc vào tính chất của cái cao cả. Chẳng hạn, trước con người và cuộc đời cao đẹp và trong sáng của Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu từ sâu thẳm lòng mình đã thốt lên :
Bác sống như trời đất của ta Rồi:
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Phải dùng phép so sánh và lời nói như vậy mới diễn tả được phần nào vóc dáng và phẩm chất của một nhân vật lịch sử đã đi vào huyền thoại, đã hoàn toàn chinh phục được trái tim và khối óc của bất kỳ ai có lương tri trên trái đất này.
Rõ ràng, không nên đối lập cái cao cả và cái đẹp. Cũng không nên đồng nhất chúng với nhau. Xóa nhòa ranh giới giữa cái cao cả và cái đẹp sẽ có nguy cơ làm mất đi vẻ lạ lùng, siêu phàm của không ít hiện tượng và quá trình của thực tế vốn là cơ sở của đầu óc lãng mạn, của khát vọng cao đẹp nơi con người.
Trái lại, việc đào sâu hố ngăn cách giữa chúng lại dễ tạo ra thái độ ghê sợ, thậm chí khuất phục trước những cái phi thường, kỳ vĩ trong đời sống và nghệ thuật.
Sẽ hoàn toàn không thuyết phục nếu hạn chế lòng đam mê hướng thượng, thủ tiêu đầu óc táo bạo trong sáng tạo và ước mơ, hoặc đẩy con người vào thế bị động, thu mình trước quyền uy của các lực lượng tự nhiên siêu phàm và các thế lực lớn lao của xã hội. Điều này nói lên ý nghĩa to lớn của cái cao cả trong đời sống thẩm mỹ và rộng ra trong đời sống tinh thần của con người và xã hội.
Dựa vào tính chất của đối tượng thẩm my và sắc thái của cảm xúc thẩm my có thể thấy cái cao cả tồn tại trong một số hình thái cơ bản sau:
- Cái cao cả thanh cao
Đối tượng thẩm mỹ ở đây thường không nhất thiết phải to lớn, hùng vĩ, nhưng bên trong lại hàm chứa một vẻ đẹp hoàn toàn tinh khiết và trong sáng. Ví như: căn nhà sàn dùng làm nơi ở và làm việc của Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Ta không thể không bùi ngùi cảm động khi dừng chân lại nơi đây. Mọi thứ trong ngôi nhà nhỏ nhắn linh thiêng này đều phảng phất lối sống Đông phương hòa quyện với thiên nhiên, đều gợi nhớ đến cuộc đời bình dị hết lòng vì hạnh phúc của người khác.
- Cái cao cả huy hoàng
Đối tượng thẩm mỹ trong trường hợp này thường đồ sộ mang vẻ đẹp kỳ vĩ, tác động mạnh tới tư tưởng và tình cảm của con người. Chẳng hạn: bình minh của một ngày đẹp trời trên bãi biển Nha Trang. Trời cao rộng. Biển mênh mông. Một màu xanh bích ngọc trải ra phía trước. Rồi mặt trời từ từ hiện ra ở đằng đông, tỏa muôn ánh sáng rỡ ràng, chiếu rọi muôn vật. Chứng kiến cảnh tượng chói lọi, bao la của biển trời như vậy con người không thể không dâng trào một niềm cảm xúc lớn lao.
- Cái cao cả rợn ngợp
Đối tượng thẩm mỹ ở đây thường là những cảnh tượng, những biến động ghê gớm của tự nhiên: cánh rừng già trầm lặng, mặt trời chói sáng, biển động dữ dội… Trước cái cao cả rợn ngợp, con người thường nảy sinh ra cảm giác choáng ngợp và lúng lúng. Cố nhiên, không có sự mất mát hoặc chết chóc. Nếu không, cái cao cả sẽ vượt ra khỏi ranh giới đời sống thẩm mỹ.
- Cái cao cả thán phục
Đối tượng thẩm mỹ trong trường hợp này là những hành động anh hùng, những phẩm chất cao đẹp của con người trong những hoàn cảnh thật đặc biệt.
Cái cao cả ở đây thường gợi nên cảm xúc khâm phục, sùng bái nơi chủ thể thẩm mỹ. Ví dụ: hình ảnh anh Trỗi nơi pháp trường. Đó là “cái chết hóa thành bất tử” là “những lời hơn mọi bài ca” của “con người như chân lý sinh ra” (thơ Tố Hữu).
Cần nhấn mạnh là sự phân chia cái cao cả như trên chỉ là tương đối. Trong thực tế, các hình thái khác nhau của cái cao cả gắn bó thậm chí hòa trộn vào nhau đến mức khó tách rời.
III.3.2. Cái bi
Trong kịch bản văn chương có một thể tài xây dựng trên thuộc tính của cái bi – đó là bi kịch. Song bản chất của cái bi với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ bao quát hơn nhiều.
Mặc dù có một vài phẩm chất gần gũi với cái đẹp, cái bi hoàn toàn khác biệt với cái đẹp. Nếu cái đẹp tồn tại ở mọi lãnh vực thì cái bi chỉ có trong xã hội, chủ yếu trong nghệ thuật. Riêng đối với nghệ thuật, có thể tìm thấy cái đẹp ở cả nội dung lẫn hình thức của tác phẩm thì cái bi chỉ có ở mặt nội dung. Cái đẹp gắn liền với cảm xúc êm dịu, thỏa mãn, vui tươi. Trong khi cái bi đi liền với mất mát, hy sinh gợi cảm xúc đau buồn, thương tiếc nơi con người.
Tuy nhiên, không phải sự đau thương, mất mát nào cũng mang tính bi. Cái chết của một kẻ đê tiện, sự thất bại của một phong trào phản quốc, việc tình yêu vị kỷ bị tan vỡ… không làm cho chúng ta rơi lệ trong sự cảm phục và
xót thương. Chỉ có những tài năng lớn bị vùi dập, nhân cách cao thượng bị xúc phạm, khát vọng đẹp đẽ bị đổ vỡ… mới gợi nên những cảm xúc gắn liền với bản chất của cái bi. Trong những hoàn cảnh nảy sinh ra cái bi con người phải huy động mọi sức mạnh tinh thần và vật chất tiềm ẩn trong mình, vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trên đường dẫn đến mục đích cao cả vì sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, cái đúng trước cái sai… Song do những điều kiện chủ quan, nhất là những điều kiện khách quan, các nhân vật hiện thân của cái bị chưa thể thành đạt và chiến thắng. Sự hủy diệt, thất bại ở những trường hợp này tạo ra nỗi cảm thông, khâm phục sâu sắc. Rõ ràng từ bản chất cái bi gắn bó với cái đẹp, cái cao cả và cái anh hùng.
Nói khác đi, cái bi chính là cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng trong mối xung đột với những thế lực đối kháng. Không có xung đột giữa tự do và tất yếu sẽ không có cái bi. Mối xung đột càng quyết liệt thì tính bi càng tăng và nỗi cảm thông càng lớn. Có cái bi cá nhân, đồng thời có cái bi lịch sử, cái bi cá nhân gắn với những xung đột dẫn tới sự mất mát khổ đau của một người. Cái chết Nguyễn Trãi trong lịch sử là một bi kịch cá nhân:
Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng
(Tố Hữu)
Cái bi lịch sử gắn với những xung đột dẫn tới sự thất bại của cả một phong trào, một lực lượng. Cuộc vận động cách mạng do các chí sĩ yêu nước lãnh đạo hồi đầu thế kỷ là một ví dụ.
Ông cha ta từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa
(Chế Lan Viên)
Có điều loại bi nào, dầu là cá nhân hay lịch sử, cũng đều cần thấm nhuần tinh thần xã hội rộng rãi. Xưa nay không ít người đi tìm nguồn gốc của những xung đột gây ra cái bi. Có người tin vào định mệnh, số phận. Ấy là khi con người chưa đủ khả năng lý giải cái bi từ những mối xung đột có thật ngoài đời.
Họ khó tránh khỏi quan điểm duy tâm. Các nhà duy vật thì khác hẳn. Họ nhận thấy nguyên do của cái bi từ mối quan hệ đối kháng trong xã hội và từ những sức mạnh hủy diệt chưa khống chế nỗi ngoài tự nhiên. Chính đây là cơ sở sinh ra “bi kịch lạc quan” trong cuộc sống cách mạng và nghệ thuật cách mạng một thời. Cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả và lớn lao không thể không căng thẳng và quyết liệt. Sự hy sinh, mất mát là khó tránh khỏi. Trong nhiều tình huống bi kịch, con người bình thản đón nhận cái chết, trong lòng hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi tất yếu mai sau. Họ hiểu rõ giá trị của sự đổ máu, hy sinh.
Họ không mảy may buồn đau, run sợ. Ý nghĩa của “bi kịch lạc quan” thật vô cùng to lớn.
Không riêng “bi kịch lạc quan”, cái bi nói chung bao giờ cũng có tác dụng khơi dậy những tình cảm lành mạnh, kích thích những hành động mãnh
liệt nhằm tích cực cải tạo hoàn cảnh, thúc đẩy cuộc sống đi về phía trước. Ý nghĩa giáo dục của cái bi đặc biệt rõ rệt trong nghệ thuật. Khả năng “thanh lọc hóa” (catharsis) tâm hồn người xem bi kịch đã được Arixtote nói tới từ lâu.
Ngoài ý nghĩa giáo dục, cái bi còn có ý nghĩa nhận thức sâu sắc. Cái bi giúp cho con người nhìn nhận cuộc sống với tất cả sự phong phú, phức tạp có thực của nó. Không nên né tránh mâu thuẫn. Sự phát triển là gì nếu không phải là việc giải quyết mâu thuẫn để tạo lập một thế cân bằng mới cao hơn. Với ý nghĩa ấy, trong xã hội phát triển của tương lai, cái bi vẫn còn có cơ sở xuất hiện.
Khát vọng chinh phục thế giới ở con người là vô hạn. Nhưng, đáng tiếc thay, khả năng để làm việc đó ở con người vào một thời điểm nhất định lại chỉ có hạn mà thôi.