CHƯƠNG 1: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁN BỘ
1.1. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG VỀ CÁN BỘ CỦA HỒ CHÍ
1.1.2. Các lý thuyết về vai trò của giới “tinh hoa” trong lịch sử tư tưởng chính trị
Cùng với truyền thống của dân tộc cùng với quê hương và gia đình, Hồ Chí Minh còn chịu sự ảnh hưởng của các nền văn minh trên thế giới, đó là những tinh hoa văn hóa Đông – Tây. Người học hỏi rồi kế thừa, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cũng như điều kiện của dân tộc mình. Người đã từng viết:
“Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta”.[16, tr.51]
* Về ảnh hưởng của Nho giáo:
Là học thuyết chính trị đạo đức, Nho giáo chủ trương cai trị xã hội dựa trên nền tảng đạo đức. Đó là thứ triết học hành động, tư tưởng nhập thế, hành đạo, giúp đời, triết lý nhân sinh: Tu thân, dưỡng tính, đề cao văn hóa, đạo đức, lễ giáo: Trí, Tín, Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Đặc biệt, Nho giáo cũng rất chú trọng tới vấn đề người cai trị. Vừa đề cao vai trò của người cai trị đối với quốc gia, bên cạnh đó cũng có những đòi hỏi cao ở trình độ nhận thức và phẩm chất con người. Đó là tính thân dân, lòng thương người, kính cẩn, khiêm nhường và bảo đảm chữ tín với dân. Để làm tốt công việc của một người cai trị thì việc phải thường xuyên sửa mình, tu thân, rèn đức, nâng cao sự hiểu biết là việc không thể không làm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho yêu nước, tiếp thu văn hóa
Khổng Mạnh từ thuở thiếu thời, vì thế mà đạo đức Nho giáo đã ngấm và ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm Hồ Chí Minh. Người tiếp nhận và học hỏi tinh thần nhân nghĩa, đề cao những yếu tố tích cực trong Nho giáo như: trung hiếu, dân vi quý. . . Những bài học mà Người tiếp nhận đã khẳng định giá trị nhân văn của Nho giáo và những gì học được thì Người đã vận dụng hài hòa và nhuần nhuyễn trong công việc cũng như trong cuộc sống, Hồ Chí Minh từng nói rằng : “ Học thuyết đức trị của Khổng Tử có ưu điểm là tu dưỡng đạo đức cá nhân” [16, tr.51].
Thấm nhuần giá trị tiến bộ của Nho giáo, Hồ Chí Minh đẩy nó cao hơn với chủ trương: "Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Nho giáo chỉ mới thấy được sức mạnh của dân mà chưa đi tới dân là chủ của quyền lực nhà nước, nên đội ngũ quan lại ở vị trí cai trị dân, đứng trên dân. Hồ Chí Minh trên cơ sở thấy được sức mạnh to lớn của dân, khẳng định dân là gốc, và xa hơn, dân còn là chủ của quyền lực nhà nước, do đó người cán bộ trong Nhà nước mới "là người đầy tớ trung thành của nhân dân"
[26, tr.663].
Các giá trị của người quân tử trong Nho giáo đề ra như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng,… được Hồ Chí Minh vận dụng, kế thừa để bàn về đạo đức và đòi hỏi đạo đức của người cán bộ cách mạng lên những tầm cao mới như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,… Từ đó thấy rằng Hồ Chí Minh đã tiếp thu, sử dụng cái tích cực, phê phán, loại bỏ cái tiêu cực, đặc biệt là vấn đề đạo đức.
Trong kho tàng tư tưởng chính trị phương Đông, bên cạnh Nho giáo, Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng và tiếp thu phần tích cực, tiến bộ của nhiều học thuyết khác như Mặc, Lão, Phật; như tư tưởng đòi hỏi nhà cầm quyền
"làm đầy tớ" cho nhân dân của Mặc Tử, thì Hồ Chí Minh nói về Chính phủ mới: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho
đến các dân làng đều là công bộc của dân" [22, tr.261].
Xuất thân từ gia đình khoa bảng, tư chất thông minh, trình độ Quốc học, Hán học vững vàng. Người không ngừng học hỏi khi bôn ba năm châu, bốn biển. Người đã thông thạo nhiều ngôn ngữ của các quốc gia có nền văn minh tiêu biểu của nhân loại. Người am tường văn hóa Đông, Tây, kim cổ;
Người tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông -Tây.
* Về ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây.
Tư tưởng văn hóa phương Tây là bộ phận quan trọng của tư tưởng văn hóa nhân loại, là một trong những cơ sở quan trọng để hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ nói riêng.
Từ nhỏ, Người đã học Nho đồng thời với việc học chữ Hán. Nhưng thời điểm đó, cũng là lúc Nho giáo đang suy tàn, trở nên bế tắc, bất lực trước các vấn đề của thời cuộc. Với, tư cách một xứ thuộc Pháp, Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của những giá trị tư tưởng văn hóa chính trị phương Tây. Khi vào học trường Tiểu học Pháp Việt ở Vinh, rồi trường Tiểu học Đông Ba, trường Quốc học Huế, Hồ Chí Minh đã bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây, tiếp xúc với những khẩu hiệu như dân chủ, bình đẳng, tự do, bác ái, tư tưởng giải phóng con người khỏi thần quyền tôn giáo….Những tư tưởng đó thôi thúc Người hướng sang phương Tây. Chính Người đã từng viết: "Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái,… Và từ thửa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy" [22, tr.477].
Trong 30 năm bôn ba nước ngoài, đi qua và sống ở nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng, nhiều học thuyết khác nhau của phương Tây.
Người tiếp thu tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của đại Cách mạng Pháp 1789, nghiên cứu Cách mạng Tư sản Mỹ 1776, tiếp thu tư tưởng tự do, nhân quyền. Cuộc sống, lao động và hoạt động Cách mạng của Người gắn liền với
những người lao động, giai cấp công nhân ở các nước chính quốc, thuộc địa đã mang lại cho Người tình yêu thương giai cấp, yêu thương những người lao động, những người cùng khổ một cách sâu sắc.
Những yếu tố tích cực, tiến bộ từ các cuộc cách mạng Tư sản phương Tây, đã ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng,… Những tư tưởng đòi hỏi Nhà nước được tổ chức đáp ứng yêu cầu của pháp quyền, dân chủ, tổ chức nhà nước không phải là bộ máy cai trị nhân dân, mà là bộ máy tổ chức và thực thi quyền lực của nhân dân. Khi tiếp thu những giá trị tích cực, tiến bộ đó, Hồ Chí Minh cũng đồng thời chỉ ra những hạn chế của nó như: "Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mĩ, nghĩa là cách mệnh Tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong nước thì tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa" [23, tr.274].