CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, SỬ DỤNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Ở TỈNH QUẢNG NAM
2.2.3. Những kết quả đạt được của công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ công chức thời gian qua
a. Về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam
Cán bộ là sản phẩm hay kết quả của nhiều mắt khâu hợp thành công tác
cán bộ. Nói đến kết quả của công tác cán bộ, trước hết được nhận diện qua số lượng, cơ cấu và chất lượng cán bộ ở mỗi thời kỳ, thời điểm xác định.
Tính đến ngày 31/12/2012, tỉnh Quảng Nam có 33.682 cán bộ, công chức. Trong đó, có 3.845 cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện (kể cả người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập); 1.903 cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện; 23.387 viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức Hội và 4.547 cán bộ, công chức cấp xã. Ngoài ra còn có 4.272 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Sau khi tách tỉnh, những khó khăn chồng chất là vấn đề luôn gây sự trăn trở trong các thế hệ lãnh đạo. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới về sự vững vàng của bộ máy lãnh đạo nói chung và cán bộ nói riêng, ngay những năm đầu tái lập, Tỉnh ủy luôn coi trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Vào cuối năm 2006, do nhu cầu cấp thiết về công tác cán bộ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU về "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2006-2010 và đến năm 2015". Sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng đã văn bản có quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức. Sau khi có Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, công tác cán bộ ở các cấp có nhiều chuyển biến đáng kể và đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong năm năm gần đây, toàn tỉnh đã cử gần 10 nghìn cán bộ đi học chuyên môn và lý luận chính trị, hàng chục nghìn lượt cán bộ, công chức đi
dự bồi dưỡng các lớp về kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng nghiệp vụ tin học, ngoại ngữ...
Ngoài việc tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp, những năm qua, Quảng Nam luôn chú trọng đến công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm và bố trí cán bộ, công chức; đồng thời thực hiện luân chuyển hơn 250 lượt cán bộ lãnh đạo và quản lý. Đến nay, nhiều địa phương, đơn vị đã từng bước trẻ hóa và chuẩn hóa được đội ngũ cán bộ, công chức. Qua số liệu khảo sát, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 60% số cán bộ, công chức ở cấp xã đạt ba chuẩn (tăng 23,8% so với năm 2006).
Hiện nay, trong số ba nghìn đồng chí ở cấp ủy xã, phường, thị trấn: số cán bộ nữ chiếm tỷ lệ hơn 15%, cán bộ trẻ dưới 30 tuổi chiếm 22%; trình độ học vấn trung học phổ thông đạt 90%; trình độ chuyên môn: cao đẳng và đại học chiếm khoảng 30%; trình độ lý luận chính trị trung cấp, cao cấp hơn 80%... Đối với cấp ủy ở huyện, thành phố, toàn tỉnh hiện có khoảng 750 đồng chí; trong đó, cán bộ nữ chiếm 10%, cán bộ trẻ từ 35 tuổi trở xuống chiếm hơn 15%; số cán bộ có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị cao cấp chiếm khoảng 80%.
Đối với cấp ủy tỉnh, 100% số cán bộ tốt nghiệp chuyên môn đại học và có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; trong đó có gần 30% có trình độ chuyên môn sau đại học. Đội ngũ giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh và tương đương có trình độ chuyên môn đại học và sau đại học chiếm hơn 97% và 95% có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị...
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cấp trưởng, phó phòng thuộc các sở, ban, ngành của tỉnh ngày càng được trẻ hóa và chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Phần lớn, cán bộ cấp trưởng, phó phòng của các sở, ban ngành của tỉnh đều tốt nghiệp đại học chuyên môn và có khoảng 60% số cán bộ cấp trưởng, phó phòng có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị... Đây sẽ là
nguồn bổ sung quan trọng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh trong những năm tới.
Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh từng bước được nâng cao cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu.
Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đạt 3 chuẩn chiếm 65,04%, tăng 11,18% so với thời điểm năm 2010; cấp ủy huyện, thành phố đạt chuẩn về đại học chuyên môn chiếm 83,76%, tăng 3,6%; cán bộ đạt chuẩn về cao cấp, cử nhân lý luận chính trị chiếm 89,3%, tăng 6,9%. Cụ thể hơn :
Cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện: Cán bộ, công chức khu vực hành chính: trong số 5.748 cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đảng và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh, huyện có 07 tiến sĩ, chiếm tỷ lệ 0,12%; 96 thạc sĩ, chiếm tỷ lệ 1,67%; 3.674 đại học, chiếm tỷ lệ 63,92%; 491 cao đẳng, chiếm tỷ lệ 8,54%; 1.412 trung cấp, chiếm tỷ lệ 19,86% và 68 có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 1,18%. Về lý luận chính trị, có 1.471 cao cấp chiếm tỷ lệ 22,59%; 1.581 trung cấp chiếm tỷ lệ 27,5%; 2.696 sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ 46,9%.
Viên chức sự nghiệp: trong số 23.387 viên chức (trong đó: 18.321 viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo, 2.870 viên chức sự nghiệp y tế, 518 viên chức sự nghiệp văn hóa-thể dục-thể thao-phát thanh truyền hình, 1.687 viên chức sự nghiệp khác) có 314 người có trình độ sau đại học (09 tiến sĩ, 305 thạc sĩ ), chiếm tỷ lệ 1,34%; 9.869 đại học, chiếm tỷ lệ 42,2%; 7.810 cao đẳng, chiếm tỷ lệ 33,4%; 4.344 trung cấp, chiếm tỷ lệ 18,6% và 1.267 chưa qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 5,4%. Về lý luận chính trị, có 237 cao cấp chiếm tỷ lệ 1%; 1.003 trung cấp chiếm tỷ lệ 4,3%. Cả tỉnh có 2.532 cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên; trong đó, lãnh đạo cấp phòng có 86,69%, lãnh đạo cấp huyện có 6%
và lãnh đạo cấp sở có 7,3%.
b. Đánh giá tổng quát
Những năm qua, cùng với việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở coi trọng và tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tích cực, trên một số mặt có những đổi mới, chuyển biến.
Đội ngũ cán bộ, công chức có bước trưởng thành và tiến bộ, có phẩm chất chính trị, đạo đức; trình độ, kiến thức, năng lực được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương; là lực lượng chủ yếu cùng với nhân dân tạo nên những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Các khâu công tác cán bộ như quản lý, nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng, luân chuyển và các chế độ chính sách cho cán bộ được thực hiện nền nếp, đúng quy trình.
Gần đây, đội ngũ cán bộ, công chức ở Quảng Nam đã có bước trưởng thành về nhiều mặt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản đạt yêu cầu so với tiêu chuẩn ngạch, bậc công chức, viên chức.
Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên có trình độ chuyên môn đại học, sau đại học và cao cấp lý luận chính trị có tỷ lệ cao (85,35% đại học, sau đại học và 61,57%
cao cấp, cử nhân chính trị). Cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị chiếm tỷ lệ cao (đạt chuẩn về văn hóa có 83,46%, chuyên môn có 72,28% và lý luận chính trị có 73,63%). Đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cấp xã cơ bản đạt chuẩn về văn hóa, chuyên môn và chính trị.
Đáng chú ý là cán bộ có trình độ đào tạo đại học ngày càng tăng (hiện nay có
552 người, tỷ lệ 32,49%).
Có được những chuyển biến và tiến bộ trên là do các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nghiêm nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu với nhiệm vụ đặt ra; chưa ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quảng Nam đang thiếu đội ngũ chuyên gia, cán bộ trình độ cao ở các ngành, lĩnh vực. Vấn đề nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn còn là khâu yếu; công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ để đào tạo thực tiễn có mặt còn hạn chế; một số trường hợp đào tạo chưa gắn với quy hoạch cán bộ. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ ở một số nơi còn bị động, chưa gắn với quy hoạch. Các quy định về chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp chuyên môn, nghiệp vụ, mặc dù tỉnh đã nhiều lần bổ sung, điều chỉnh nhưng vẫn còn thấp, chưa thật sự kích thích số cán bộ được cử đi đào tạo...
Để có thể khắc phục những mặt hạn chế và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được thì tỉnh Quảng Nam sẽ còn phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về các khâu trong công tác cán bộ. Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành, thực thi công vụ nhằm tạo ra bước đột phá trong công tác cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực.