CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, SỬ DỤNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Ở TỈNH QUẢNG NAM
2.2.2. Triển khai thực hiện công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ công chức trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
a. Xây dựng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng từ tỉnh đến huyện và thực hiện liên kết đào tạo có hiệu quả với các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh
Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, các cấp độ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, kế hoạch để cụ thể hóa chủ trương đó trong từng ngành, từng lĩnh vực, từ địa phương, đơn vị cụ thể.
Trong đó, điều kiện đầu tiên là tạo lập những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức trong tỉnh và vận hành các thiết chế này một cách trôi chảy, có hiệu quả.
Trên tinh thần đó, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thành phố và ngành, đơn vị chức năng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị xây dựng các trường và trung tâm ngày một khang trang và hiện đại hơn. Hiện tại, các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã có: Trường Đại học Quảng Nam, Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam, 18 Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, thành phố và trường Quân sự tỉnh trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam. Tất cả các cơ sở này đã hội đủ điều kiện và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chiêu sinh mở lớp.
Các cơ sở đào tạo của tỉnh đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo mở các lớp đào tạo sau đại học, đại học, trung cấp chuyên môn nhằm chuẩn hóa và nâng chuẩn cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Các Sở, Ban ngành đã liên kết với các Trường Đại học, Học viện để mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức của ngành, đặc biệt là phối hợp với Học viện Hành chính mở các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức cấp xã đạt hiệu quả, chất lượng.
b. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Quảng Nam
Đào tạo luôn luôn là chiến lược và quốc sách hàng đầu trong việc thực hiện mọi vấn đề nói chung, dẫu sao con người vẫn là nhân tố quyết định. Vì lẽ đó mà trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có sự đầu tư, cũng như tạo ra những bước đột phá trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong tỉnh, đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
So với năm 2006, đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đào tạo sau đại học tăng 0,25%; đại học, cao đẳng tăng 14,41%.
Trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức có trình độ trung cấp và chưa qua đào tạo giảm 19,44% (nay chỉ còn 1,18% trong tổng số cán bộ, công chức).
So với năm 2003, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt 3 chuẩn tăng 39,84%;
đạt chuẩn về văn hóa tăng 37,75%; đạt chuẩn về chuyên môn tăng 39,6%; đạt chuẩn về lý luận chính trị tăng 40,5%.
Đào tạo được xem là khâu đột phá trong tạo nguồn cán bộ ở cơ sở, nhiều năm qua, Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức xã, phường, thị trấn ở các huyện miền núi. Để tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm học tập, đối với cán bộ, công chức đang công tác tại xã miền núi được cử đi học, ngoài khoản kinh phí do ngân sách tỉnh chi trả, mỗi học viên được hỗ trợ kinh phí trong quá trình học tập. Năm năm qua, 9 huyện miền núi đã đào tạo, bồi dưỡng 3.276 lượt cán bộ, công chức cấp xã, trong đó: 1.499 trung cấp lý luận chính trị, 58 cao cấp lý luận chính trị, 441 đại học chuyên môn, 1.278 trung cấp chuyên môn. Đồng thời, tỉnh phối hợp với Học viện Hành chính mở lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, điều hành cho 1.241 lượt cán bộ, công chức là chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân; bí thư, phó bí thư đảng ủy cấp xã và 7 chức danh công chức cấp xã ở các huyện miền núi.
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về công tác tổ chức xây dựng đảng; công tác kiểm tra, giám sát; công tác dân vận cho cán bộ hoạt động không chuyên trách làm công tác tổ chức, kiểm tra, dân vận ở cấp xã. Một số huyện miền núi Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Tây Giang... liên kết với Trường Đại học Huế và Trường Đại học Đà Nẵng mở các lớp đại học tại chức về quản lý kinh tế nông nghiệp, quản trị kinh doanh cho cán bộ xã theo học.
Một số huyện như Bắc Trà My, Nam Trà My... tổ chức các lớp học bổ túc văn hoá từ lớp 10 đến lớp 12 cho cán bộ xã, thị trấn để có cơ sở cho đi đào tạo về chuyên môn, chính trị sau này. Kịp thời sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã các huyện miền núi có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng nổ trong công tác, thể hiện được vai trò tham mưu giúp cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội, kết hợp với giải quyết tốt đầu ra đối với những cán bộ, công chức cấp xã hạn chế năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện tiếp tục công tác, phần lớn cán bộ, công chức trong diện nghỉ chính sách đều đồng tình ủng hộ.
Việc xây dựng chính sách đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về các xã niền núi được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Đã thu hút 77 sinh viên tốt nghiệp đại học về làm việc tại xã (trong đó bố trí làm cán bộ chuyên trách 53;
bố trí làm công chức chuyên môn 24 người). Thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo, tỉnh Quảng Nam có 3 huyện: Nam Trà My, Tây Giang và Phước Sơn đã tuyển chọn được 30 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND 30 xã.
Cùng với thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ về xã, Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016 (Đề án 500). Đến nay đã tuyển chọn được 274 em tốt nghiệp đại học chính quy cử đi học lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và kỹ năng cán bộ lãnh đạo, quản lý xã, phường, thị trấn tại Trường Chính trị tỉnh. Trong số 274 em toàn tỉnh, 9 huyện miền núi đã tuyển chọn được 62 em, đã bố trí công tác về xã, thị trấn 19 em, còn 43 em đang tiếp tục đào tạo.
Nhờ làm tốt công tác tạo nguồn nên chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn miền núi của tỉnh Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến 30-12-2012, cán bộ, công chức cấp xã 9 huyện miền núi: 2.071 người, đạt 3 chuẩn 884 người, chiếm tỷ lệ 42,6%, tăng 2,6% so với thời điểm năm 2010. Những người hoạt động không chuyên trách của các xã, thị trấn 9 huyện miền núi: 1.901 người, trong đó đạt 3 chuẩn 239 người, (12,5%), tăng 0,4% so với năm 2010.
Xét về quy mô, số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2006-2010 toàn tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được 35.330 lượt cán bộ, công chức, tăng 131% so với giai đoạn 2001-2005 (15.239 lượt).
Trong đó (tỷ lệ % tăng dưới đây là so với giai đoạn 2001-2005):
- Đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp, trung cấp cho 4.449 lượt cán bộ, công chức, tăng 33,04%.
- Đào tạo sau đại học cho 377 cán bộ, công chức, tăng 102,69%.
- Đào tạo chuyên môn trình độ đại học cho 985 cán bộ, công chức, tăng 218,77%.
Trong đó, đáng chú ý là cán bộ, công chức cấp xã là 812 người, tăng 314,3%.
- Đào tạo chuyên môn trình độ trung cấp cho 923 cán bộ, công chức, giảm 113,8%.
- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính cho 1.557 cán bộ, công chức, tăng 44,7%.
- Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước cho 2.193 cán bộ, công chức cấp xã. Các kiến thức và kỹ năng này bắt đầu triển khai thực hiện bồi dưỡng từ năm 2007.
- Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho 24.486 lượt cán bộ, công chức, tăng 195,63%.