CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.2. TỔNG QUAN VỀ RỦI RO TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
1.2.5. Các nhân tố tác động đến rủi ro tín dụng
1.2.5.2. Các nhân tố từ phía ngân hàng
- Hoạch định chính sách cho vay của ngân hàng không phù hợp
Việc thiếu một chính sách cho vay rõ ràng, hoặc không phù hợp với thực trạng nền kinh tế sẽ gây ra rủi ro tín dụng cho chính NH. Chính sách cho vay phải được hiểu theo nghĩa đầy đủ, bao gồm các định hướng chung tròn việc cho vay, chế độ tín dụng ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, các quy định về đảm bảo cho vay, về loại khách hàng mà NH quan tâm, ngành nghề được ưu tiên, quy trình cho vay được xét duyệt cụ thể.
Chính sách cho vay của NH là một định hướng mang tính chiến lược nên khi chính sách cho vay đồng bộ, thống nhất và đầy đủ sẽ xác định phương hướng đúng đắn cho cán bộ khách hàng khi thực hiện nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng.
Ngược lại, một chính sách tín dụng không đầy đủ, đúng đắn và không thống nhất sẽ tạo ra định hướng lệch lạc cho hoạt động tín dụng, dẫn đến việc cấp tín dụng không đúng đối tượng, tạo ra kẻ hở cho người sử dụng vốn, không đem lại hiệu quả kinh tế, dẫn đến nợ quá hạn, cũng từ đây sẽ phát sinh rủi ro tín dụng.
- Tổ chức thực hiện chính sách, quy trình cho vay thiếu sót
* Khâu đề xuất tín dụng chưa thực hiện một cách chuyên sâu, các báo cáo đề xuất cấp tín dụng được lập hời hợt, thiếu thông tin cần thiết do phương thức thu thập không phù hợp với điều kiện của từng khách hàng.
* Khâu thẩm định rủi ro còn nhiều thiếu sót
+ Sự chủ quan trong quá trình kiểm tra tính tuân thủ theo quy trình của hồ sơ chứng từ dẫn đến những thiếu sót nghiêm trọng, dẫn đến có những rủi ro pháp lý không phát hiện được như chưa chú ý mục tiêu của các khoản vay, tính toán không chính xác hiệu quả đầu tư dự án xin vay, dẫn đến các quyết định sai lầm trong việc cấp tín dụng.
+ Công tác kiểm tra tính phù hợp của món vay đối với chính sách rủi ro tín dụng hiện hành bị bỏ sót. Thiếu thông tin tín dụng, hoặc thông tin tín dụng không chính xác, kịp thời. Chưa có danh sách phân loại DN, chưa có sự phân tích, đánh giá DN một cách khách quan đúng đắn.
+ Việc đánh giá, xếp hạng tín dụng khách hàng còn mang tính chủ quan cá nhân, không phản ảnh sự nhìn nhận đa chiều và chính xác. Thiếu một cơ cấu theo dõi, quản lý rủi ro, thiếu hạn mức tín dụng tối đa cho từng khách hàng thuộc các ngành nghề, sản phẩm địa phương khác nhau để phân tán rủi ro, chưa đủ các tiêu thức đo lường rủi ro, độ rủi ro tối đa cho phép chấp nhận đối với từng khách hàng, nhóm khách hàng thuộc các ngành khác nhau.
+ Chưa đánh giá đúng mức về giá trị khoản vay, về người đi vay hoặc do chủ quan tin tưởng vào khách hàng quen của mình, coi nhẹ khâu kiểm tra về tình hình tài chính, khả năng thanh toán hiện tại và tương lai, nguồn trả nợ...
+ Cán bộ tín dụng không được đào tạo đầy đủ, không am hiểu về ngành kinh doanh mà mình đang tài trợ, trong khi NH không có đủ các số liệu thống kê, các chỉ tiêu để phân tích, so sánh, đánh giá vai trò vị trí của DN trong ngành, khả năng thị trường hiện tại và tương lai, chu kỳ, vòng đời sản phẩm...
dẫn đến việc xác định sai hiệu quả của dự án xin vay, hoặc đôi khi do chính cán bộ tín dụng có vấn đề.
* Khâu phê duyệt tín dụng thực hiện máy móc, thiếu tính linh hoạt:
+ Thẩm quyền phê duyệt chưa hợp lý, hạn mức phê duyệt của từng cấp phê duyệt cao sẽ tác động trong quá trình ra quyết định cấp tín dụng.
+ Quá quan tâm, tin tưởng vào tài sản thế chấp, bảo lãnh, bảo hiểm, mà coi nhẹ công tác phòng ngừa rủi ro, việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực thi dự án xin vay, không nắm vững tình hình sử dụng tiền vay của khách hàng, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời khi có các dấu hiệu xấu của khoản vay có thể dẫn tới nợ quá hạn.
+ Quá lạc quan tin tưởng vào dự án đầu tư, vào các khoản cho vay và chạy theo dư nợ càng nhiều càng tốt, chú trọng không đúng mức đến chất lượng tín dụng.
- Chưa chú trọng đến khâu kiểm tra, kiểm soát trong quy trình tín dụng + Không chú ý đến việc kiểm tra sử dụng vốn vay vì không có kế hoạch cụ thể, phương thức kiểm tra không phù hợp, thiếu các giấy tờ làm căn cứ đưa ra kết luận việc sử dụng vốn vay. Hoặc có làm nhưng mang tính đối phó, không được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.
+ Công tác kiểm tra tài sản bảo đảm nợ vay theo định kỳ, tối thiểu là 01 năm, thậm chí việc đánh giá lại các tài sản là máy móc thiết bị trước sự biến động của công nghệ... chưa được quan tâm đúng mức.
+ Công tác kiểm tra, giám sát vốn vay để có những thông tin cập nhật về tình hình sử dụng vốn của khách hàng đôi khi còn bỏ ngõ, chỉ quan tâm khi thấy phát sinh nợ có vấn đề.
- Chưa phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu rủi ro + Việc thiếu thông tin cập nhật, đã làm cho việc phát hiện rủi ro chậm trễ, không kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp để ứng phó.
+ Khi có dấu hiệu rủi ro những việc chậm chạp trong quá trình xử lý làm cho tình hình khoản nợ vay càng thêm xấu đi.